Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Không dễ bén duyên

Thông thường, khi nền kinh tế chững lại thì các hoạt động mua bán-sáp nhập doanh nghiệp (M&A) cũng gặp không ít khó khăn do số lượng và giá trị các giao dịch thường gắn liền với giá trị tổng sản phẩm kinh tế quốc nội (GDP). Tuy nhiên, lý thuyết không phải bao giờ cũng đúng với thực tế, khi trong thời gian qua các thương vụ mua bán - sáp nhập doanh nghiệp, đặc biệt là trong ngành CNTT-viễn thông, có phần khởi sắc…

Các chuyên gia cho rằng đối với các doanh nghiệp cùng ngành thì động cơ chính của các thương vụ mua bán - sáp nhập là vượt qua rào cản thâm nhập thị trường, mở rộng kênh phân phối, tận dụng hạ tầng có sẵn của doanh nghiệp bị mua lại, chia sẻ nguồn nhân lực, tăng cường nguồn vốn và tăng hiệu quả kinh doanh. Ngoài ra, mua bán - sáp nhập sẽ là yếu tố tích cực kiến tạo nhiều doanh nghiệp mới, mạnh nhằm tăng lực hút và tính cạnh tranh.

Nhộn nhịp mua bán

Một cuộc khảo sát mới đây của công ty tư vấn quốc tế Grant Thornton cho thấy 17% doanh nghiệp Việt Nam cho biết kế hoạch tăng trưởng của họ trong ba năm tới sẽ thông qua việc mua bán - sáp nhập, so với năm 2010 là 19% và năm 2009 là 15%. Tuy nhiên, có đến 20% doanh nghiệp tin rằng sẽ có một sự thay đổi trong quan hệ sở hữu tại doanh nghiệp mình, cao gần hai lần so với tỷ lệ trung bình toàn cầu là mức 11%.

Các doanh nghiệp kỳ vọng hoạt động mua bán - sáp nhập là cách thức tăng trưởng nhanh cũng như tạo dựng chiến lược phát triển mới trong điều kiện kinh tế, tài chính khó khăn như hiện nay.

Nhìn vào thị trường CNTT- viễn thông trong năm năm trở lại đây có thể thấy xu hướng mua bán - sáp nhập đang rất nóng, đặc biệt là lĩnh vực viễn thông di động và Internet.

Mới nhất là việc mua bán mạng di động CDMA S-Fone đã ngã ngũ sau nhiều lời đồn đoán trong thời gian qua khi tháng 4 năm nay, Công ty cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SaigonTel) công bố mua 30% vốn điều lệ của Công ty cổ phần Dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT), tương đương với 35.983.665 cổ phiếu của SPT. Với số cổ phiếu này, SaigonTel sẽ có quyền trực tiếp tham gia điều hành các dự án quan trọng hiện nay của SPT, trong đó có mạng S-Fone, mạng cáp quang biển AAG (Asia America Gateway), mạng NGN SPT (mạng thông minh)… Tuy nhiên, giá trị của thương vụ này chưa được tiết lộ.

Với việc mua 30% vốn điều lệ của SPT, SaigonTel cho rằng họ sẽ tham gia vào Hội đồng quản trị, Ban điều hành của SPT và sẽ mở ra nhiều hướng đi mới cho cả hai bên. Bình luận về việc này, ông Hồ Hồng Sơn, Tổng giám đốc SPT, nói rằng thương vụ mua bán này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc kinh doanh của hai bên. Và quyền lợi và nghĩa vụ của SaigonTel vẫn đang trong vòng thương thảo.

Theo ông Sơn, thị trường viễn thông Việt Nam đang có nhiều doanh nghiệp cùng chia sẻ lợi nhuận, do vậy xu hướng sáp nhập hay hợp tác chắc chắn sẽ xảy ra. Sự cạnh tranh trong ngành viễn thông ngày càng khốc liệt mà ở đó doanh nghiệp yếu sẽ bị thâu tóm hoặc buộc phải hợp tác với đối tác mạnh hơn để có thể tồn tại và phát triển.Về lợi ích của doanh nghiệp, ông Sơn nhận định rằng việc mua bán và sáp nhập của S-Fone hay của một doanh nghiệp nào khác đều mang lại một “sức sống mới”, đặc biệt là ở các doanh nghiệp đang gặp khó khăn như S-Fone. Và xu hướng mua bán-sáp nhập trong lĩnh vực viễn thông và CNTT sẽ tăng nhanh trong thời gian tới và điều này sẽ là nhân tố mới giúp thị trường phát triển hơn.

Cùng với thương vụ S-Fone, thời gian qua cũng chứng kiến nhiều công ty gia tăng sức mạnh của mình thông qua việc mua bán doanh nghiệp như Tập đoàn CMC mua 43,8% cổ phần của nhà kinh doanh dịch vụ Internet Netnam nhằm phát triển sang lĩnh vực viễn thông và Internet một cách sâu rộng hơn. Hoặc Viettel chi 700 tỉ đồng cho thương vụ mua 35 triệu cổ phiếu của Vinaconex. Đây được xem là thương vụ mua bán - sáp nhập gây chú ý nhất trong năm 2009. Trước đó nữa là Tập đoàn phần mềm CSC (Mỹ) mua lại Công ty FCG, NEC Solutions Việt Nam mua 100% cổ phiếu của Công ty phần mềm Sáng Tạo…

Những thương vụ mua bán - sáp nhập trong ngành viễn thông-CNTT không chỉ bó hẹp ở trong nước. Các doanh nghiệp Việt Nam đang có xu hướng thâm nhập thị trường nước ngoài bằng con đường mua bán-sáp nhập khi Viettel đầu tư vào Mozambique thông qua Movitel, liên doanh giữa Viettel, SPI và Invespar của Mozambique. Viettel trở thành hãng viễn thông thứ ba nhận giấy phép viễn thông tại nước này sau khi trúng thầu trị giá 28,2 triệu đô la Mỹ. Liên doanh Movitel sẽ đầu tư 400 triệu đô la để xây dựng hạ tầng mạng lưới và dự kiến sẽ khai trương dịch vụ sau một năm nhận được giấy phép với mục tiêu trở thành một trong những nhà khai thác dịch vụ di động lớn nhất tại Mozambique. Trước Mozambique, Viettel đã đầu tư sang Campuchia, Lào và Haiti cũng bằng con đường mua bán-sáp nhập.

Nhìn vào những hoạt động kể trên, có thể thấy rằng các doanh nghiệp đang xem việc mua bán - sáp nhập như một bàn đạp vững chắc để tiến sâu và mở rộng hoạt động kinh doanh của mình vào một lĩnh vực mới. Đó là con đường tương đối dễ dàng để thâm nhập vào thị trường mới, giúp doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt công nghệ, tạo dựng thương hiệu và mở rộng quy mô của mình.

Ở một góc độ khác, chuyên gia quản trị CNTT và viễn thông Hoàng Ngọc Diệp, nguyên Tổng giám đốc Qualcomm Đông Dương, cho rằng tại Việt Nam, hoạt động mua bán - sáp nhập đang thổi một làn gió mới cho ngành CNTT và viễn thông khi nó giúp tạo ra các doanh nghiệp mới, có đủ tiềm lực để cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn hiện hữu, mà trong đó có những doanh nghiệp lâu nay vẫn nắm giữ thế độc quyền và hoạt động chủ yếu thông qua các mối quan hệ.

Theo ông Diệp, việc mua bán - sáp nhập đang góp phần giúp tăng trưởng quy mô thị trường, minh bạch hóa và lành mạnh hóa các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Điều đó sẽ là một đòn bẩy giúp ngành CNTT-viễn thông thay đổi về chất và lượng một cách tích cực hơn.

Không dễ thành công

Dù được xem là trào lưu hay là công cụ hữu hiệu của nhiều doanh nghiệp có tham vọng dấn thân sâu hơn vào thị trường nhưng không phải vụ mua bán - sáp nhập nào cũng thành công.

Mới đầu năm nay, FPT đã đánh tiếng mua lại cổ phần của EVN Telecom nhằm tiến sâu hơn vào lĩnh vực viễn thông di động, lĩnh vực mà FPT cho rằng mình đã thiếu mạnh dạn tham gia ngay từ đầu. Tuy nhiên đến tháng 3, FPT tuyên bố dừng cuộc chơi vì việc thương thảo về tỷ lệ sở hữu không được như mong muốn. FPT kỳ vọng được nắm giữ hơn 60% để nắm quyền quyết định hoạt động doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo phương án cổ phần hóa do Thủ tướng phê duyệt thì FPT chỉ được nắm 49% và với tỷ lệ sở hữu này thì phía FPT Telecom khó lòng cải tổ toàn diện hạ tầng cung cấp dịch vụ và quản trị hệ thống của EVN Telecom nhằm nhanh chóng chiếm lĩnh một miếng bánh lớn trong thị trường viễn thông di động.

Các chuyên gia cho rằng cuộc se duyên bất thành này cho thấy những vướng mắc trong điều kiện của hợp đồng về sở hữu hạ tầng mạng viễn thông hiện nay. Việc sở hữu 51% của EVN đã tạo nên một rào cản đối với người muốn mua lại doanh nghiệp này, đó là chưa kể những vướng mắc về cơ chế nhân sự, nợ nần… Ngoài ra, yếu tố đáng lưu tâm nhất là sự bất đồng thuận trong việc thương thảo quyền sở hữu giữa hai bên. Bên bán muốn bán được giá tốt nhưng vẫn muốn nắm quyền chi phối doanh nghiệp và bên mua có mong muốn ngược lại.

Theo ông Diệp, để một thương vụ mua bán-sáp nhập thành công thì cốt lõi của vấn đề chính là tiếng nói đồng thuận giữa bên mua và bên bán. Ngoài ra, hành lang pháp lý cho doanh nghiệp phải minh bạch và rõ ràng hơn.Theo một chuyên gia tư vấn pháp luật, vấn đề bất cập hiện nay là chưa có một hệ thống văn bản pháp luật đầy đủ quy định về hoạt động mua bán-sáp nhập. Các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu, bao gồm việc tăng tỷ lệ sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài theo các điều cam kết WTO, chưa rõ ràng. Ngay cả thủ tục cấp giấy phép và điều chỉnh giấy phép vẫn còn chậm chạp và rườm rà.

Cơ sở pháp lý để thỏa thuận giá khoán, bán, cho thuê chưa rõ ràng; quy định về giải quyết thủ tục đất đai gắn liền với tài sản nhà nước chưa cụ thể; quy định về chính sách, chế độ đối với người lao động tại các doanh nghiệp sau quá trình mua bán còn quá phức tạp....

Còn nếu xét từ bản thân doanh nghiệp, chuyên gia này cũng phân tích rằng, những yếu tố như sự nhận thức hạn chế về hoạt động mua bán - sáp nhập, thông tin tài chính thiếu minh bạch, chất lượng thông tin thấp, các công ty lớn đã đa dạng hóa kinh doanh quá mức và cấu trúc không rõ ràng… là những yếu tố góp phần cản trở sự thành công trong hoạt động mua bán - sáp nhập tại Việt Nam. Các doanh nghiệp nên thuê bên thứ ba tư vấn, điều tra chi tiết về thông tin của doanh nghiệp mà mình muốn mua như vị thế cạnh tranh và triển vọng của doanh nghiệp, tình hình tài chính nội bộ doanh nghiệp, cơ cấu cổ đông, các vấn đề pháp lý…

Nếu xét về dài hạn, yếu tố quan trọng nhất quyết định thương vụ mua bán - sáp nhập có thành công hay không chính là yếu tố quản trị, bao gồm quản trị công ty, xây dựng kế hoạch tái cấu trúc và chuẩn bị nguồn lực nhân sự cho giai đoạn hậu mua bán-sáp nhập. Do đó, để có được một thương vụ thành công, việc doanh nghiệp chú ý tới công tác quản trị doanh nghiệp là hết sức cần thiết.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Làm ăn thời khủng hoảng
  • Doanh nghiệp có nên “dùng đũa 2 tay?”
  • Năm bước để mua cổ phần trong doanh nghiệp Việt Nam
  • Đằng sau những cuộc “sinh nở” dễ dàng
  • Quản trị doanh nghiệp thời khó
  • Kiến tạo câu chuyện doanh nghiệp
  • Cần quản lý các công ty gia đình như thế nào?
  • 100 công ty niêm yết được quản trị ra sao?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com