Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bán hàng bằng giai nhân kế

“Em cứ thả lỏng, nằm trên tay anh nhé!” – chàng trai nói, và cô gái mỉm cười đồng ý. Sau đó chàng trai bắt đầu công việc… gội đầu của mình. Hiện nay, ngày càng nhiều beauty hair salon (trung tâm làm đẹp và chăm sóc tóc), các shop mỹ phẩm… tuyển nhân viên là nam giới như là một nghệ thuật bán hàng mới.

“Nam nhân kế” tiếp cận khách hàng

Ngoại hình dễ nhìn cùng với kỹ năng bán hàng chuyên nghiệp là lợi thế giúp các nhân viên bán hàng nam giới dễ tiếp cận với khách hàng nữ

Gần đây, tại các trung tâm mua sắm cao cấp như Parkson, Diamond Plaza… xuất hiện nhiều nam giới là nhân viên kinh doanh trong lĩnh vực mỹ phẩm, nước hoa, đồ trang sức dành cho giới nữ. Các nhân viên này chiếm khoảng 20% trong đội ngũ bán hàng… Anh Việt Dũng, gian hàng DKNY cho biết: “Mình theo nghề nước hoa khoảng một năm, đối tượng khách hàng có cả nam lẫn nữ. So với những công việc khác, nghề này đòi hỏi nhân viên phải ăn mặc lịch sự, chủ yếu là sơmi đen để giữ nét trang trọng với khách hàng. Riêng với khách hàng nữ thường ưa thích sạch sẽ, nên nhân viên phải chú ý bề ngoài như râu, tóc gọn gàng, tay chân không dính bẩn. Khi thử nước hoa giới thiệu cho khách phải tinh tế và biết lắng nghe khách hàng bằng cảm giác. Chẳng hạn như khi thử mùi đầu tiên, quan sát khuôn mặt xem họ có những cử chỉ khác lạ như khịt mũi, nhíu mày hoặc hít sâu… để từ đó giúp họ tìm mùi hương phù hợp”.

Còn anh Hồng Thanh ở gian hàng Calvin Klein thì quan niệm khi gặp khách hàng điều quan trọng là phải trò chuyện với họ. Chẳng hạn như cô gái muốn chọn một chai nước hoa cho bạn trai thì việc đầu tiên là cần phải biết anh ta trước đây có dùng loại nào chưa, cá tính của anh hướng nội hay hướng ngoại… Những dữ liệu như vậy giúp cho việc tư vấn bán hàng được dễ dàng hơn. Bạn Thuỳ Châu, 23 tuổi, ở quận 3 nhận xét: “Nếu so với các nhân viên nữ, nhân viên nam bán nước hoa, mỹ phẩm rất có ưu thế về tâm lý giới tính. Cộng thêm những kiến thức về làm đẹp, cách trò chuyện lôi cuốn… thì gần như khách hàng nào cũng bị “dụ” mua ít nhất một món”.

Ông Nguyễn Duy Linh, giám đốc công ty muabanperfume.com nhận xét: “Xu hướng nhân viên kinh doanh ngược giới không có gì lạ, thường mỗi gian hàng mỹ phẩm nước hoa nên có một đôi vừa nam vừa nữ thì kinh doanh thuận lợi hơn. Nguyên nhân là do tâm lý nam thích trò chuyện với nữ và giới nữ ngược lại cũng thích tìm hiểu về nam thông qua nhân viên bán hàng”. Điều này cũng thể hiện rõ ở lĩnh vực thời trang. Chẳng hạn như khi cô gái hoặc chàng trai lựa chọn một đôi giày, chiếc áo thì sự nhận xét của giới tính khác sẽ có giá trị tham khảo tốt hơn và thuyết phục hơn. Thậm chí, tiểu tiết hơn nữa, một chủ nhãn hiệu chuyên bán hàng thời trang cho nữ trên đường Hai Bà Trưng, quận 1 tiết lộ: “Nữ giới thường hay có sự ganh tị ngầm. Tôi từng chứng kiến một khách hàng nữ sau khi thử vài cái áo vẫn chưa đồng ý mua cái nào thì cô đã nhận được cái bĩu môi khó chịu của nhân viên nữ bán hàng. Nếu là nhân viên bán hàng nam, họ dễ chịu hơn, vẫn niềm nở mời khách chọn và thử thêm hàng, và quan sát cho thấy, doanh thu từ việc bán hàng của nhân viên nam có phần nhỉnh hơn so với nữ”.

Nghệ thuật chinh phục khách nữ

Phục vụ khách hàng nữ cũng đòi hỏi những kỹ năng mà nhân viên nam rất cần phải biết. Anh Tấn Tài, nhân viên cửa hàng 601 Nguyễn Trãi, quận 5 cho biết: “Hầu hết phụ nữ khi mua hàng đều thích trả giá dù nhiều hay ít, nên các loại mỹ phẩm – nước hoa ngoài khung giá cố định cần phải biết điều chỉnh gia giảm 5 – 10% cho khách hàng vui lòng”.

Những ai mua mỹ phẩm Estée Lauder trong TTTM Parkson, quận 1 đều biết người bán hàng tên Q. Pháp. Da trắng mịn, trang điểm kỹ như phụ nữ, trang phục đẹp… cùng với kỹ năng bán hàng chuyên nghiệp, tư vấn kỹ lưỡng từng dòng sản phẩm và chăm sóc khách hàng chu đáo (ví dụ thỉnh thoảng gọi điện thoại hỏi thăm), thế nên không lạ gì khi nhiều khách hàng nữ rất hài lòng và truyền miệng nhau đến đó vừa để mua mỹ phẩm vừa để gặp người bán hàng đặc biệt này.

Việc nam giới bán các mặt hàng chuyên dùng cho nữ giới đôi khi cũng có những định kiến và cách nhìn nhận chưa đúng đắn. Anh Tấn Tài thổ lộ: “Do nhu cầu của công việc phải tiếp xúc với nhiều loại mỹ phẩm – nước hoa nên mình cần phải thử nghiệm nhiều sản phẩm để có kinh nghiệm phân tích, giới thiệu cho khách hàng. Do vậy mình có làn da thuộc loại trắng sáng, chân mày có tỉa tót một ít, quần áo gọn gàng, râu tóc sạch sẽ nên nhiều người tiếp cận luôn cho rằng có vấn đề về giới tính”.

Ông Duy Linh cũng nhận xét: “Đúng là nhân viên nam bán mỹ phẩm có xu hướng nữ tính nhiều hơn do họ bị tác động bởi môi trường tiếp xúc. Tuy nhiên ưu điểm này không phải nhân viên nào cũng có được, vì những người quá nam tính sẽ không biết cách chiều chuộng khách hàng nữ. Khi tuyển nhân viên, điều tôi quan tâm nhất vẫn là niềm đam mê với các loại mỹ phẩm nước hoa và biết cách truyền đạt cảm xúc đến cho khách hàng, có như vậy họ mới theo nghề thành công được và tất nhiên điều này cũng góp phần đem lại hiệu quả kinh doanh tốt hơn”.

( Theo Anh Vũ // SGTT Online)

  • Từ 'Share a Coke' đến tư duy truyền thông thời công nghệ số
  • Sau đại chiến mì ăn liền, bùng nổ mì gạo?
  • Khó khăn, doanh nghiệp vẫn bạo chi “săn” nhân sự cao cấp
  • Bí quyết mở 99 cửa hàng trong 2 năm của ông chủ cà phê "sạch" đất Sài Thành
  • Đại chiến mì ăn liền: Masan có cam chịu "hít khói" Acecook?
  • Khách hàng Việt Nam hài lòng nhất với hãng ôtô nào?
  • Visa: Ước tính chi tiêu thương mại tại Việt Nam 2008 khoảng 121 tỷ USD
  • Cuộc đua hướng đến khách hàng thu nhập thấp
  • 8 tuyệt phẩm quảng cáo ngoài trời
  • Nghệ thuật sinh tồn của các nhà bán lẻ trong thời kỳ suy thoái
  • Goldman Sachs nhìn thấy lợi nhuận cao khi đầu tư cho phụ nữ
  • Nghệ thuật tiếp thị: Mời cũng phải khéo!
  • Năm 2010 doanh số bán PC toàn cầu có thể tăng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com