Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cuộc đua hướng đến khách hàng thu nhập thấp

Học sinh, sinh viên là đối tượng chính mà các mạng di động nhắm đến. Ảnh: Mạnh Hùng.

Nửa năm nay, khi phân khúc thị trường khách hàng có thu nhập cao có dấu hiệu bão hòa, hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ di động đã hướng mạnh đến đối tượng khách hàng có thu nhập thấp như sinh viên, học sinh và khách hàng ở khu vực nông thôn…

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông quân đội (Viettel), nói: “Kinh doanh với đối tượng người giàu đã khó thì kinh doanh với người nghèo còn khó hơn. Tuy nhiên, người có thu nhập thấp lại chiếm phần lớn dân số (80%) nên đây sẽ là lượng khách hàng lớn mà các mạng di động phải nhắm tới”.

Tập trung vào sinh viên

Tham gia thị trường sau MobiFone và VinaPhone, khi lượng khách hàng thu nhập cao đã “cạn” nên đối tượng mục tiêu mà Viettel nhắm đến là những khách hàng có thu nhập thấp. Chính vì vậy, Viettel là mạng di động đầu tiên cung cấp gói cước Student Sim dành cho sinh viên vào tháng Sáu vừa qua.

Ông Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty Viễn thông Viettel, cho biết: “Hiện cả nước có gần ba triệu sinh viên đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp. Đây là những đối tượng có nhu cầu sử dụng các dịch vụ viễn thông và công nghệ cao nhưng phần lớn chưa tự chủ được về mặt tài chính. Vì thế, Viettel thiết kế gói cước sinh viên như một chương trình hỗ trợ đặc biệt, dài hơi cho đối tượng này và xem đây là khách hàng tiềm năng của mình”.

Gói cước Student Sim được Viettel thiết kế với mức cước thoại, nhắn tin rẻ nhất trong số các gói cước trả trước của Viettel (cước gọi: 1.390 đồng/phút nội mạng; 1.590 đồng/ phút ngoại mạng; cước tin nhắn SMS 200 đồng/tin nội mạng và 250 đồng/tin ngoại mạng; cước tin nhắn MMS là 500 đồng).

Trong suốt quãng đời sinh viên của khách thuê bao Student Sim, mỗi tháng Viettel tặng 25.000 đồng vào tài khoản. Bên cạnh đó, sử dụng gói cước này, sinh viên được đăng ký gói Data để truy cập Internet với 30MB dung lượng miễn phí hằng tháng, trị giá 25.000 đồng. Sau khi ra trường, sinh viên vẫn được giữ lại số liên lạc nhưng hệ thống sẽ tự động chuyển thành gói cước trả trước Tomato và cho phép chuyển đổi sang các gói cước khác của Viettel.

Ba tháng  sau khi Viettel tung ra thị trường gói cước dành cho sinh viên, hai mạng di động MobiFone và VinaPhone cũng vừa mới giới thiệu gói cước dành cho sinh viên vào đầu tháng Chín vừa qua mang tên Q-Student và Talk-Student. Ra đời sau nên các gói cước của hai mạng này được thiết kế với nhiều sự ưu đãi hơn. MobiFone tặng 50.000 đồng mỗi tháng gồm cước thoại, nhắn tin và GPRS cho mỗi khách thuê bao cộng thêm 25 tin nhắn MMS mỗi tháng và cước nhắn tin nội mạng rẻ bằng một nửa của Viettel, chỉ có 99 đồng, hoặc cho phép gọi tới năm số nội mạng với mức cước giảm 40%.

Tham gia thị trường vào giữa năm nay, mặc dù không thiết kế gói cước dành riêng cho sinh viên song hai mạng di động Beeline và Vietnamobile đã nhắm đến đối tượng khách hàng trẻ là sinh viên ngay khi khai trương. Đội quân bán hàng của Vietnamobile đã có mặt ở khắp các trường đại học, cao đẳng để giới thiệu sản phẩm, dịch vụ cũng như bán hoặc phát miễn phí thẻ SIM cho các sinh viên với “mồi câu” là bộ hòa mạng U-card cùng những khoản ưu đãi hấp dẫn như có thể gọi thỏa thích và nhắn tin miễn phí cả ngày với gói cước VM24 mà chỉ trả 5.000 đồng đăng ký. Ngoài ra, khách hàng còn được hưởng các chương trình khuyến mãi với 200% giá trị thẻ nạp cho các thẻ nạp đầu tiên có giá trị từ 20.000 đồng trở lên và được tặng thêm tới 90 ngày sử dụng. Hơn nữa, khi mua thẻ U-card, khách sẽ được nhận ngay những quà tặng xinh xắn như túi, sổ tay bỏ túi, bút và những vật dụng khác.

Còn mạng di động Beeline lại liên hệ với tổ chức Đoàn của các trường để thực hiện các chương trình tặng thẻ SIM miễn phí cho sinh viên. Ban cán sự các lớp sẽ lên danh sách thành viên và nhận SIM miễn phí từ Beeline.

Không bỏ qua học sinh

Không chỉ sinh viên, học sinh cũng là đối tượng mà các mạng di động đang nhắm đến. MobiFone và VinaPhone là hai mạng di động đi tiên phong trong việc cung cấp các gói cước dành cho học sinh.

Cùng với việc cho ra mắt gói cước dành cho sinh viên, hai mạng này đã giới thiệu gói cước dành cho học sinh với tên gọi Q-Teen và Talk-Teen. Đây là những gói cước di động trả trước đầu tiên trên thị trường có ưu đãi giảm giá 50% cước gọi (chỉ còn 740 đồng/phút nội mạng và 840 đồng/phút ngoại mạng) vào giờ cao điểm (thời điểm trước giờ vào lớp buổi sáng và buổi chiều – từ 6 đến 8 giờ và từ 12 đến 13giờ – là giờ học sinh cần liên lạc với cha mẹ, bạn bè…).

Với gói cước này, khách hàng – học sinh còn được tặng cước sử dụng 30.000 đồng mỗi tháng, trong đó có 15.000 đồng cước sử dụng dịch vụ GPRS, ngoài ra, còn được nhắn 25 tin MMS miễn phí, nhắn tin với giá 200 đồng/tin nội mạng và 250 đồng/tin liên mạng. Giá thoại của hai gói cước này là 1.480 đồng/phút nội mạng và 1.680 đồng/phút liên mạng. Học sinh, thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi chỉ cần đến các điểm giao dịch xuất trình thẻ học sinh hoặc giấy khai sinh là có thể đăng ký sử dụng dịch vụ.

Khó khăn cho các mạng nhỏ

Cùng hướng đến sinh viên, học sinh nhưng mỗi mạng di động lại có cách tiếp cận khác nhau.

Không thể tính tới việc bán thẻ SIM như các gói cước khác, nhằm thu hút khách hàng sinh viên, trong tháng Tám vừa qua Viettel đã thực hiện chương trình tặng 300.000 bộ Student Sim cho những sinh viên mới đỗ đại học hay cao đẳng. Ngoài ra, mỗi tân sinh viên còn có cơ hội sở hữu một máy điện thoại của các hãng nổi tiếng được Viettel cung cấp với giá ưu đãi tại các hệ thống cửa hàng của Viettel trên toàn quốc. Ông Hoàng Sơn cho biết, đây không phải là lần đầu tiên Viettel đưa ra chương trình hỗ trợ sinh viên. Vào đầu năm học 2008, Viettel đã triển khai một số chương trình cho sinh viên của các trường trung cấp, cao đẳng và đại học trên cả nước. Khoảng vài trăm ngàn sinh viên đã được hỗ trợ để sử dụng dịch vụ viễn thông cho việc học tập và sinh hoạt.

Cũng áp dụng biện pháp tương tự Viettel, ngay sau khi giới thiệu gói cước dành cho sinh viên, nhân dịp năm học mới MobiFone cũng phát miễn phí 375.000 bộ Q-Student cho sinh viên của 300 trường đại học và cao đẳng trên cả nước. Ông Đinh Việt Hưng, Trưởng phòng kinh doanh và tiếp thị của MobiFone, cho biết mặc dù mỗi tháng tặng 25.000 đồng tiền cước gọi và nhắn tin cho mỗi khách thuê bao của gói cước sinh viên, song MobiFone hy vọng rằng các khách hàng này sẽ dùng 70.000-90.000 đồng tiền cước mỗi tháng.

Cũng như các mạng di động lớn, Vietnamobile và Beeline hướng đến đối tượng khách hàng là sinh viên. Tuy nhiên, hai mạng này chỉ tặng thẻ SIM miễn phí chứ không thiết kế những gói cước riêng biệt và có những hỗ trợ kèm theo cho sinh viên trong suốt quá trình học tập.

Ông Hoàng Sơn nói: “Với hơn một triệu sinh viên đang sử dụng gói cước Student Sim, mỗi năm Viettel hỗ trợ ít nhất 600 tỷ đồng chi phí sử dụng dịch vụ cho đối tượng này.” Như vậy, các mạng di động mới ra đời khó mà có đủ khả năng tài chính để có những chiêu câu khách nhằm chiếm lĩnh thị trường như các mạng lớn. Và các chuyên gia cho rằng, cuộc cạnh tranh thu hút khách hàng mới trên thị trường di động thời gian tới sẽ trở nên khốc liệt hơn. Các gói cước hướng đến đối tượng khách hàng ở khu vực nông thôn cũng đã ra đời. Chắc chắn sẽ còn nhiều gói cước khác được thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng đa dạng trong xã hội.

 

(Theo Vân Oanh // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Từ 'Share a Coke' đến tư duy truyền thông thời công nghệ số
  • Sau đại chiến mì ăn liền, bùng nổ mì gạo?
  • Khó khăn, doanh nghiệp vẫn bạo chi “săn” nhân sự cao cấp
  • Bí quyết mở 99 cửa hàng trong 2 năm của ông chủ cà phê "sạch" đất Sài Thành
  • Đại chiến mì ăn liền: Masan có cam chịu "hít khói" Acecook?
  • 8 tuyệt phẩm quảng cáo ngoài trời
  • Nghệ thuật sinh tồn của các nhà bán lẻ trong thời kỳ suy thoái
  • Goldman Sachs nhìn thấy lợi nhuận cao khi đầu tư cho phụ nữ
  • Nghệ thuật tiếp thị: Mời cũng phải khéo!
  • Năm 2010 doanh số bán PC toàn cầu có thể tăng
  • Những thay đổi thú vị thời khủng hoảng kinh tế
  • Mạng xã hội đang thay đổi báo chí thế nào?
  • Người Australia vung tiền mua thiết bị điện tử
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com