Mọi hoạt động của cá nhân hay phòng ban đều phải phù hợp với chiến lược của công ty. Trong những công ty có cơ cấu hoạt động hiệu quả, mọi nhân viên từ cấp điều hành đến bộ phận văn phòng đều có thể xác định nhiệm vụ và mục tiêu của công ty, cũng như mô tả nhiệm vụ hàng ngày của mình sẽ đóng góp như thế nào nhằm đạt được mục tiêu ấy.
Tương tự, mọi chức năng trong công ty cũng phải có mục tiêu và hoạt động phù hợp với chiến lược lớn hơn của doanh nghiệp. Trong trường hợp marketing, điều này có nghĩa là tất cả mọi yếu tố từ giá cả cho đến phân phối hay cách giao tiếp với khách hàng… đều nên được lập kế hoạch sao cho phục vụ được mục tiêu chiến lược. Vì thế, điều thực sự quan trọng là công tác marketing nên trợ giúp lập chiến lược doanh nghiệp. Nếu lợi thế cạnh tranh là "trở nên khác biệt", thì cấp quản lý phải trả lời được câu hỏi sau đây: Sự khác biệt nào được đánh giá cao? và Ai là người đánh giá cao sự khác biệt ấy?
Cấp quản lý sẽ dựa vào bộ phận marketing để tìm câu trả lời, vì marketing là mắt xích chủ yếu giữa công ty với đối thủ cạnh tranh và khách hàng tiềm năng. Thông qua việc nghiên cứu thị trường và liên tục tiếp xúc khách hàng, bộ phận marketing có cơ hội để nhận biết khách hàng cần gì và đánh giá cao cái gì. Kiến thức đó sẽ làm nền tảng, trọng tâm cho chiến lược doanh nghiệp cả ở cấp công ty lẫn phòng ban. Sau đây là những thông tin và vấn đề mà những nhà hoạch định chiến lược trông chờ vào công tác marketing:
* Các mối đe dọa cạnh tranh
* Các cơ hội phát sinh lợi nhuận
* Các lĩnh vực phát triển thị trường, chín muồi và suy tàn
* Các nhu cầu ẩn và rõ ràng của khách hàng
* Các ý tưởng phân phối và giá cả
Khi cung cấp thông tin này, những người làm công tác marketing không chỉ tham gia vào việc hoạch định chiến lược, mà còn triển khai các kế hoạch và chiến thuật ở nhiều cấp khác nhau: công ty, phòng ban, dòng sản phẩm. Ví dụ, chiến lược của Southwest Airlines là trở nên khác biệt nhờ giá vé thấp, khởi hành thường xuyên, phục vụ chu đáo và dịch vụ làm hài lòng khách hàng. Bộ phận marketing của công ty phải triển khai các kế hoạch xoay quanh chiến lược đó. Ở cấp công ty, họ phải truyền đạt được thông điệp của hãng hàng không Southwest đến với mọi hành khách: "Chúng tôi sẽ đưa quý vị đến nơi mà quý vị muốn đến, vào thời điểm và với mức giá mà quý vị muốn. Và quý vị sẽ cảm thấy hài lòng và thú vị với chuyến đi này". Ở bộ phận đường bay, bộ phận marketing phải xác định giá vé tối ưu cho mỗi tuyến đường, thời gian khởi hành làm hành khách hài lòng nhất, và các thông điệp quảng cáo khuyến khích mọi người chọn lựa Southwest cho một tuyến đường bay cụ thể của họ. Bộ phận marketing cũng phải kiểm tra khả năng kinh doanh của tuyến đường bay mới: nhu cầu đi lại giữa thành phố A và thành phố B là gì? Hãng hàng không nào hiện đang phục vụ tuyến đường đó? Khách hàng có sẵn lòng chọn một phương án khác không? Như vậy, bộ phận marketing phải tham gia vào nhiều hoạt động, tất cả đều nhằm mục đích phục vụ các mục tiêu chiến lược của công ty.
Nhiệm vụ chính yếu của một chiến lược marketing là phải trả lời được câu hỏi: Tại sao khách hàng nên mua sản phẩm (hay dịch vụ) của chúng ta chứ không phải của đối thủ cạnh tranh? Câu trả lời này sẽ trở thành trọng tâm của kế hoạch marketing cho sản phẩm hay dịch vụ của công ty.
Cũng như chiến lược toàn tổ chức, chiến lược marketing diễn ra ở nhiều cấp bậc trong một tổ chức (hình 1-2). Các công ty có quy mô hoạt động lớn thường lập chiến lược ở cấp độ công ty, phòng ban và dòng sản phẩm. Còn ở những công ty vừa và nhỏ, chiến lược có thể được lập ở cả ba cấp cùng một lúc. Thật vậy, một giám đốc sản phẩm khi triển khai một chiến lược thị trường ở một hãng nhỏ có thể đặt câu hỏi: “Chúng ta nên marketing sản phẩm này như thế nào?". Để trả lời được câu hỏi này cần phải có sự hiểu biết nhất định về lợi thế cạnh tranh của sản phẩm, hoặc về nhu cầu mà sản phẩm đáp ứng được hiệu quả hơn so với đối thủ cạnh tranh, xét từ quan điểm của khách hàng.
Chiến lược marketing cũng xác định những điều sau:
* Thị trường mục tiêu
* Sản phẩm hoặc dịch vụ sẽ được định vị như thế nào để thu hút thị trường mục tiêu đó. Ví dụ: "Dịch vụ tư vấn của chúng ta cung cấp những kiến thức chuyên sâu và các giải pháp tiên tiến để giải quyết vấn đề".
* Thương hiệu của sản phẩm sẽ được quảng bá như thế nào. Thương hiệu sản phẩm là tên, thuật ngữ, ký hiệu, biểu tượng, thiết kế hay bất kỳ sự kết hợp nào trong những yếu tố này đặc trưng cho riêng sản phẩm cung cấp và làm nó khác biệt với đối thủ cạnh tranh. Ví dụ, "Coca Cola" xác định một loại nước ngọt độc đáo có thành phần chính là cola.
Mọi nhà chiến lược đều phải hiểu được môi trường bên ngoài. Đối với những người làm marketing, điều này có nghĩa là nắm vững những vấn đề sau:
* Quy mô của thị trường mục tiêu, các đặc điểm nhân khẩu học và cách cư xử điển hình.
* Lợi ích chính của sản phẩm đề xuất dưới con mắt của khách hàng.
* Ước tính doanh thu, thị phần, và lợi nhuận mà sản phẩm đó có thể đem lại trong vài năm tới.
* Chiến lược marketing tổng quát theo bản chất.
(Nguồn: First News và NXB Tổng hợp TPHCM //maxreading)
Bài thuộc chuyên đề: Các kỹ năng tiếp thị hiệu quả - Marketing hiệu quả
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com