Việc đánh giá đúng tình hình thị trường, xây dựng lòng tin và những chính sách hợp lý sẽ giúp các “thương hiệu sản phẩm Việt” tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Việc xây dựng phần “gốc”, tức là nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng hệ thống phân phối hàng hoá…được coi là biện pháp tích cực để các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong thời kỳ suy thoái hiện nay. Cùng với các yếu tố này, tại hội thảo “Xây dựng thương hiệu trong thời kỳ giảm phát” do Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-EU, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức diễn ra chiều nay tại Hà Nội, các chuyên gia châu Âu cho rằng, việc đánh giá đúng tình hình thị trường, xây dựng lòng tin và những chính sách hợp lý sẽ giúp các “thương hiệu sản phẩm Việt” tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Với tựa đề “Xây dựng Thương hiệu trong thời kỳ giảm phát”, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về vấn đề xây dựng thương hiệu trong thời kỳ kinh tế suy thoái thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm với các chuyên gia quốc tế.
Tại hội thảo, ông Asok Sud, Giám đốc điều hành Ngân hàng trưởng nhóm Công tác-Thương mại và Đầu tư Diễn đàn Việt Nam - EU cho rằng trong bối cảnh kinh tế suy giảm hiện nay, việc củng cố, xây dựng thương hiệu vẫn giữ vai trò quan trọng để kích thích kinh tế phát triển. Ông Asok Sud nói: “Việc xây dựng thương hiệu trong thời kỳ suy thoái rất quan trọng khi nó tiếp tục khẳng định giá trị cho các nhà sản xuất. Người tiêu dùng sẽ hiểu rõ sản phẩm hơn, và chi trả cho thương hiệu, cho sản phẩm ấy. Đây cũng là bước quan trọng cho các sản phẩm của Việt nam khi muốn đẩy nhanh sự hội nhập và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế”.
Có một thực tế là các doanh nghiệp thường cắt giảm chi phí, coi đây là giải pháp tức thời để vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia châu Âu cắt giảm chi phí chưa hẳn đã là một giải pháp tối ưu. Điều quan trọng là doanh nghiệp cần xác định đâu là mục tiêu kinh doanh lâu dài của mình; nghiên cứu kỹ thị trường, xu hướng tiêu dùng, sở thích, cách chi tiêu của người tiêu dùng; phân khúc thị trường; tận dụng lợi thế chi phí thấp để tung ra sản phẩm mới…Từ đó xây dựng định hướng kinh doanh và một chiến lược quảng bá thương hiệu hợp lý.
Một yếu tố nữa để duy trì ổn định và phát triển sản xuất vẫn là lòng tin của các khách hàng vào chất lượng sản phẩm. Hơn nữa, doanh nghiệp cũng cần biết tăng cường sức cạnh tranh, vì khủng hoảng cũng là cơ hội để họ vượt qua các đối thủ khác trên thương trường. Còn ông Ralf Matheus, Giám đốc điều hành tập đoàn TNS Việt Nam (một trong những tập đoàn nghiên cứu thị trường có uy tín hàng đầu thế giới) cho rằng: trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, dù phải chịu những ảnh hưởng nhất định, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam không phải là không có những cơ hội. “Trong thời kỳ suy thoái, người tiêu dùng không ngừng mua hàng mà chỉ thay đổi thói quen mua sắm của họ. Đôi khi, người ta tránh mua một mặt hàng xa xỉ quá đắt tiền, mà thay thế vào đó là những mặt hàng tiêu dùng thiết thực hơn. Họ cũng có thể mua hàng qua mạng với chi phí hợp lý hơn, có chất lượng tốt hơn. Hiểu được xu hướng ấy, cũng có nghĩa là các doanh nghiệp sẽ có thêm cơ hội, cho dù khủng hoảng vẫn đang tiếp diễn”.
Đây là lần thứ 3 Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-EU tổ chức về đề tài thương hiệu. Các nhà tổ chức hy vọng, hội thảo sẽ là cơ hội tốt để EU chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam./.
(Theo HĐiệp - VOV)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com