Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Công cụ marketing thời khủng hoảng

Khủng hoảng chính là cơ hội để doanh nghiệp tại các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, vươn lên thông qua công cụ marketing.

Đó là nhận xét chung của hơn 10 diễn giả là những chuyên gia kinh tế - marketing hàng đầu trong nước và khu vực khi tham gia thảo luận cùng hơn 200 doanh nghiệp, chuyên viên marketing, chuyên viên tư vấn chiến lược… có mặt tại “Diễn đàn Marketing Việt Nam 2009 (VMF 2009)”, do Viện Marketing và Quản trị Việt Nam (VMI) vừa tổ chức tại TP.HCM.

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, PGS.TS Nguyễn Xuân Quế, Chủ tịch Hội Marketing Việt Nam cho rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra cũng là cơ hội rất lớn để cả nước và từng doanh nghiệp nhìn nhận một cách tỉnh táo những yếu kém, bất cập của mình. Do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, phản ứng chung của người tiêu dùng là “thắt lưng buộc bụng”, cẩn thận hơn khi mua sắm, hướng đến những mặt hàng giá rẻ hơn… Theo TS. Lưu Trọng Tuấn, Trưởng ban Nghiên cứu VMI, trong bối cảnh đó, trước tiên, các nhà tiếp thị cần điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng, kế đó là giảm giá thành, nhưng vẫn phải duy trì chất lượng. 

Ông Vũ Thế Dự, nguyên Tổng giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường GfK Asia tại Đông Dương nêu ra một số điểm đáng chú ý về nhu cầu khách hàng. Theo nghiên cứu mang tên Eye on Asia của Tập đoàn Grey Group, có tới 77% người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng thương hiệu nước ngoài. Trong khi đó, một nghiên cứu khác cho thấy, có đến 70% khách hàng suy nghĩ nhiều hơn khi sản phẩm được khuyến mãi, 65% thường mua các sản phẩm khuyến mãi. Hình thức khuyến mãi ưa thích của người tiêu dùng là giảm giá, 1/3 doanh nghiệp chọn hình thức này. 

Đặc biệt, theo các nghiên cứu, thị trường nông thôn rất tiềm năng khi Việt Nam có tới 75% dân số với 64 triệu dân ở nông thôn. Điểm đáng chú ý là, vừa qua, Chính phủ có chương trình “Xúc tiến thị trường thương mại nội địa năm 2009”, với số tiền hỗ trợ doanh nghiệp lên tới 51 tỷ đồng. Trong đó, mục tiêu chính là xây dựng hệ thống bán lẻ sâu rộng, với khoảng 2 triệu hộ dân tham gia phân phối bán lẻ hàng hóa ở 9.200 chợ, 20.000 cửa hàng mặt tiền. 

Ông Dự cho biết, qua nghiên cứu, có tới 40% dân số mua hàng hóa ở các chợ, 6% từ nhà sản xuất, 44% mua từ các cửa hàng bán lẻ độc lập và chỉ có 10% mua sắm qua hệ thống phân phối hiện đại. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược cụ thể, phù hợp với từng thị trường, ở từng thời điểm khác nhau. Riêng ông Giles Watkins, cố vấn Tập đoàn Mckinsey & Company cho rằng, việc quản trị khách hàng trong thời suy thoái là rất khó khăn, đòi hỏi doanh nghiệp phải chuẩn bị, đưa ra quyết định thật nhanh và đúng đắn. 

Doanh nghiệp cần đẩy mạnh 5 đòn bẩy cơ bản trong cơn suy thoái: tối ưu hóa danh mục sản phẩm và khách hàng, duy trì tối ưu hóa giá trị của từng khách hàng, quản lý hợp đồng và định giá chiến lược, xây dựng phương pháp tiếp cận thị trường và tăng thành quả bán hàng.

(Theo Thanh Vũ // Báo đầu tư )

  • Từ 'Share a Coke' đến tư duy truyền thông thời công nghệ số
  • Sau đại chiến mì ăn liền, bùng nổ mì gạo?
  • Khó khăn, doanh nghiệp vẫn bạo chi “săn” nhân sự cao cấp
  • Bí quyết mở 99 cửa hàng trong 2 năm của ông chủ cà phê "sạch" đất Sài Thành
  • Đại chiến mì ăn liền: Masan có cam chịu "hít khói" Acecook?
  • Nhận diện tiêu dùng
  • Marketing “khôn ngoan” trong suy giảm
  • Chiến lược định giá sản phẩm
  • Cạnh tranh trong suy thoái
  • “Đốt vía” khách hàng yếu kém - tại sao không?
  • Marketing du kích trong 30 ngày (1): Lời nói đầu
  • Marketing du kích trong 30 ngày (2): Mục đích marketing
  • Marketing du kích trong 30 ngày (3): Tư duy marketing du kích
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com