Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

II. Những chiến lược thâm nhập thị trường thế giới

II.  NHỮNG CHIẾN LƯỢC THÂM NHẬP THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI    

1. Chiến lược thâm nhập thị trường thế giới  từ sản xuất trong nước:    

Ðây là phương thức thâm nhập thị trường được các quốc gia  đang phát triển  trên thế giới  thường vận dụng, để đưa sản phẩm của mình thâm nhập vào thị trường thế giới  thông qua xuất khẩu. Ðối với quá trình phát triển  của nền kinh tế quốc dân, phương thức này có ý nghĩa quan trọng sau đây:

•        Sẽ tạo nguồn vốn quan trọng để thoả mãn nhu cầu nhập khẩu và tích lũy phát triển  sản xuất trong nước.

     Thông qua xuất khẩu sẽ tạo nguồn vốn quan trọng để thoả mãn nhu cầu nhập khẩu những tư liệu sản xuất thiết yếu phục vụ công nghiệp hóa đất nước. Trong thực tiễn xuất khẩu và nhập khẩu có quan hệ mật thiết với nhau, vừa là kết quả vừa là tiền đề của nhau, đẩy mạnh xuất khẩu để mở rộng và tăng khả năng sản xuất.

•        Ðẩy mạnh xuất khẩu được xem là một yếu tố quan trọng để kích thích sự tăng trưởng nền kinh tế quốc gia.

Việc đẩy mạnh xuất khẩu cho phép mở rộng quy mô sản xuất, nhiều ngành nghề mới ra đời phục vụ cho xuất khẩu. Chẳng hạn phát triển  xuất khẩu gạo không những tạo điều kiện  cho ngành trồng lúa mở rộng được diện tích, tăng vụ để tăng sản lượng xuất khẩu, mà còn thúc đẩy phát triển  các ngành khác như: dệt bao pp đựng gạo, phát triển ngành xay xát, ngành chăn nuôi...

•          Sẽ kích thích các doanh nghiệp trong nước đổi mới trang thiết bị và công nghệ sản xuất.

      Ðể đáp ứng yêu cầu cao của thị trường thế giới về quy cách chủng loại sản phẩm đòi hỏi một mặt sản xuất phải đổi mới trang thiết bị công nghệ, mặt khác người lao động phải nâng cao tay nghề, học hỏi kinh nghiệm sản xuất tiên tiến; có vậy, sản phẩm mới có thể xuất khẩu ổn định.

•          Ðẩy mạnh xuất khẩu sẽ góp phần tích cực để nâng cao mức sống của nhân dân.

•          Ðẩy mạnh xuất khẩu có vai trò tăng cường sự hợp tác quốc tế giữa các nước và nâng cao vai trò vị trí của nước xuất khẩu trên thị trường khu vực và quốc tế.

Theo chiến lược này khi muốn xuất khẩu sản phẩm đã được sản xuất  trong nước, các doanh nghiệp có thể chọn một trong hai hình thức xuất  khẩu, đó là xuất  khẩu  trực tiếp và xuất  khẩu  gián tiếp.
 


a.    Hình thức xuất  khẩu  trực tiếp: (Direct Exporting)

       Hình thức này đòi hỏi chính doanh nghiệp  phải tự lo bán trực tiếp các sản phẩm của mình ra nước ngoài. Xuất khẩu trực tiếp nên áp dụng đối với những doanh nghiệp có trình độ và qui mô sản xuất  lớn, được phép xuất  khẩu  trực tiếp, có kinh nghiệm trên thương trường và nhãn hiệu hàng hóa truyền thống của doanh nghiệp  đã từng có mặt trên thị trường thế giới. Hình thức này thường đem lại lợi nhuận cao nếu các doanh nghiệp  nắm chắc được nhu cầu thị trường, thị hiếu của khách hàng ... Nhưng ngược lại, nếu các doanh nghiệp  ít am hiểu hoặc không nắm bắt kịp thời thông tin về thị trường thế giới và đối thủ cạnh tranh thì rủi ro trong hình thức này không phải là ít.

b.    Hình thức xuất  khẩu  gián tiếp: (Indirect Exporting)

       Hình thức xuất  khẩu  gián tiếp không đòi hỏi có sự tiếp xúc trực tiếp giữa người mua nước ngoài và người sản xuất  trong nước. Ðể bán được sản phẩm của mình ra nước ngoài, người sản xuất  phải nhờ vào người hoặc tổ chức trung gian có chức năng xuất  khẩu  trực tiếp. Với thực chất đó, xuất  khẩu  gián tiếp thường sử dụng đối với các cơ sở sản xuất  có qui mô nhỏ, chưa đủ điều kiện xuất  khẩu  trực tiếp, chưa quen biết thị trường, khách hàng và chưa thông thạo các nghiệp vụ kinh doanh xuất nhập khẩu.

       Các doanh nghiệp có thể thực hiện xuất  khẩu  gián tiếp thông qua các hình thức sau đây:

       b.1    Các công ty quản lý xuất  khẩu  (EMC)

         (Export Management Company)

       Công ty quản lý xuất  khẩu  là Công ty quản trị xuất  khẩu  cho Công ty khác. Các nhà xuất  khẩu  nhỏ thường thiếu kinh nghiệm bán hàng ra nước ngoài hoặc không đủ khả năng về vốn để tự tổ chức bộ máy xuất  khẩu riêng. Do đó, họ thường phải thông qua EMC để xuất  khẩu  sản phẩm của mình.

       Các EMC không mua bán trên danh nghĩa của mình. Tất cả các đơn chào hàng, hợp đồng chuyên chở hàng hóa, lập hóa đơn và thu tiền hàng đều thực hiện với danh nghĩa chủ hàng.

       Thông thường, chính sách giá cả, các điều kiện bán hàng, quảng cáo ... là do chủ hàng quyết định. Các EMC chỉ giữ vai trò cố vấn, thực hiện các dịch vụ liên quan đến xuất nhập khẩu và khi thực hiện các dịch vụ trên EMC sẽ được thanh toán bằng hoa hồng.

       Một khuynh hướng  mới của EMC hiện nay, đặc biệt là những Công ty có qui mô lớn là thường mua hàng trực tiếp từ nhà sản xuất  và mang bán ra nước ngoài để kiếm lời.

       Nói chung, khi sử dụng EMC, vì các nhà sản xuất  hàng xuất khẩu ít có quan hệ trực tiếp với thị trường, cho nên sự thành công hay thất bại của công tác xuất  khẩu  phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng dịch vụ của EMC mà họ lựa chọn.

       b.2    Thông qua khách hàng nước ngoài (Foreign Buyer)

       Ðây là hình thức xuất  khẩu  thông qua các nhân viên của các Công ty nhập khẩu nước ngoài. Họ là những người có hiểu biết về điều kiện cạnh tranh trên thị trường thế giới . Khi thực hiện hình thức này, các doanh nghiệp  xuất khẩu cũng cần phải tìm hiểu kỹ khách hàng để thiết lập quan hệ làm ăn bền vững với thị trường nước ngoài.

       b.3    Qua ủy thác xuất  khẩu : (Export Commission House)

       Những người hoặc tổ chức ủy thác thường là đại diện cho những người mua nước ngoài cư trú trong nước của nhà xuất  khẩu . Nhà ủy thác xuất  khẩu  hành động vì lợi ích của người mua và người mua trả tiền ủy thác. Khi hàng hóa chuẩn bị được đặt mua, nhà ủy thác lập phiếu đặt hàng với nhà sản xuất  được chọn và họ sẽ quan tâm đến mọi chi tiết có liên quan đến quá trình  xuất  khẩu.

       Bán hàng cho các nhà ủy thác là một phương thức thuận lợi cho xuất  khẩu. Việc thanh toán thường được bảo đảm nhanh chóng cho người sản xuất  và những vấn đề về vận chuyển hàng hóa hoàn toàn do các nhà được ủy thác xuất  khẩu  chịu trách nhiệm.

       b.4    Qua môi giới xuất  khẩu  (Export Broker)

       Môi giới xuất  khẩu  thực hiện chứng năng liên kết giữa nhà xuất  khẩu  và nhà nhập khẩu. Người môi giới được nhà xuất  khẩu  ủy nhiệm và trả hoa hồng cho hoạt động của họ. Người môi giới thường chuyên sâu vào một số mặt hàng hay một nhóm hàng nhất định.

       b.5    Qua hãng buôn xuất  khẩu  (Export Merchant)

       Hãng buôn xuất  khẩu  thường đóng tại nước xuất  khẩu  và mua hàng của người chế biến hoặc nhà sản xuất và sau đó họ tiếp tục thực hiện các nghiệp vụ để xuất  khẩu  và chịu mọi rủi ro liên quan đến xuất  khẩu . Như vậy, các nhà sản xuất  thông qua các hãng buôn xuất  khẩu  để thâm nhập thị trường nước ngoài.

       Phương thức thực hiện chiến lược thâm nhập thị trường thế giới  từ sản xuất  trong nước là một chiến lược được nhiều doanh nghiệp  nước ta sử dụng.


 

(Sưu tầm trên Internet)

Bài thuộc chuyên đề: Marketing xuất khẩu

  • Từ 'Share a Coke' đến tư duy truyền thông thời công nghệ số
  • Sau đại chiến mì ăn liền, bùng nổ mì gạo?
  • Khó khăn, doanh nghiệp vẫn bạo chi “săn” nhân sự cao cấp
  • Bí quyết mở 99 cửa hàng trong 2 năm của ông chủ cà phê "sạch" đất Sài Thành
  • Đại chiến mì ăn liền: Masan có cam chịu "hít khói" Acecook?
  • 2. Các hình thức thực hiện chiến lược thâm nhập thị trường thế giới từ sản xuất ở nước ngoài (Production in Foreign Countries)
  • 3. Phương thức thực hiện chiến lược thâm nhập thị trường thế giới tại khu thương mại tự do:
  • Chương IV: Chính sách sản phẩm quốc tế
  • I. Chính sách sản phẩm
  • II. Quá trình hình thành và phát triển một sản phẩm
  • 2. Quá trình phát triển sản phẩm mới: (New product development process)
  • 3. Quản lý chất lượng
  • 4. Nghiên cứu và phát triển : (Research & Development)
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com