Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

K-pop rồi K-invest

K-pop rồi K-invest
Làn sóng đầu tư thứ ba của người Hàn đã và đang vào Việt Nam, với sự thay đổi lớn trong khẩu vị đầu tư.

Một ngày đầu tháng 3, những người thường đi qua đoạn đường Tôn Đức Thắng không khỏi ngạc nhiên khi khách sạn Legend vốn đã tồn tại gần 10 năm ở Tp.HCM đã có cái tên mới: Lotte Legend Hotel. Và với cái tên mới này, ngay cả với những người không am hiểu về thị trường bất động sản cũng dễ dàng nhận ra rằng, khách sạn này đã có sự thay đổi.

Thông tin chính thức về thương vụ này vẫn chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, một nguồn tin giấu tên cho biết đến thời điểm này, Lotte Hotels & Resorts, thuộc Lotte Group của Hàn Quốc, đã sở hữu 70% cổ phần của Legend. Theo nguồn tin này, Lotte đã chi 70 tỉ won (khoảng 63 triệu USD, tương đương gần 1.300 tỉ đồng) cho việc mua lại 70% cổ phần khách sạn Legend.

Cách đó không xa, tòa cao ốc văn phòng vốn của Gemadept cũng đang được Tập đoàn CJ, một đại gia khác của Hàn Quốc, thương thảo mua lại, với mục đích biến nó thành một đại bản doanh của tập đoàn này tại Việt Nam.

Hai thương vụ trên, là một trong những thông tin về M&A nổi bật nhất kể từ đầu năm nay. Tuy nhiên những thương vụ mua lại đó chỉ là một phần trong làn sóng đầu tư mới của các doanh nghiệp đến từ xứ Kim Chi.

Ăn tiêu kiểu Hàn

Trở lại với Legend Hotel, không bàn đến vấn đề được và mất trong thương vụ này, chúng tôi chỉ muốn nói đến một khía cạnh khác mang tính chiến lược của người đi mua, Tập đoàn Lotte.

Việc mua lại Legend đánh dấu một bước mới trong chiến lược mở rộng kinh doanh tại Việt Nam: tham gia vào lĩnh vực du lịch, khách sạn. Khách sạn là 1 trong 5 lĩnh vực kinh doanh chủ lực của Lotte có tổng doanh thu khoảng 5 tỉ USD trong tổng doanh thu 39,5 tỉ USD của tập đoàn này.

Bên cạnh khách sạn Legend đã đi vào hoạt động, Lotte cũng đã mua một khách sạn cao cấp tại Đà Nẵng và đang xây dựng khách sạn 5 sao 65 tầng tại Hà Nội với tổng vốn đầu tư 400 triệu USD. Dự án này có tên là Lotte Center Hà Nội, nằm cạnh khách sạn Daewoo, góc phố Liễu Giai - Đào Tấn. Dự kiến Lotte Hotel Hà Nội sẽ đi vào hoạt động trong năm 2014.

Mới đây trong báo cáo phân tích về triển vọng M&A do Công ty Stoxplus công bố, Lotte cũng đang thực hiện nhiều thương vụ M&A khác. Cụ thể tập đoàn này đã tăng sở hữu từ 80% lên thành 100% vốn nước ngoài trong Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Trung tâm Thương mại Lotte Việt Nam từ doanh nghiệp tư nhân sản xuất thương mại Minh Vân - đối tác Việt Nam để chuyển thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.

Theo giấy chứng nhận đầu tư trước đây được cấp cho Lotte Mart vào tháng 10.2006, vốn điều lệ của doanh nghiệp này là 65 triệu USD. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân sản xuất thương mại Minh Vân góp 13 triệu USD (khoảng 260 tỉ đồng) bằng tiền mặt, chiếm 20% vốn điều lệ. Lotte góp 52 triệu USD, chiếm 80% vốn điều lệ.

Liên doanh này từ khi đi vào hoạt động đến nay đã đưa vào khai thác hai trung tâm thương mại lớn tại Tp.HCM gồm LotteMart ở quận 7, và một trung tâm khác đặt tại tòa nhà The EverRich, ngay góc đường 3 tháng 2 - Lê Đại Hành, quận 11.

Bên cạnh việc chuyển đổi liên doanh trên thành 100% vốn nước ngoài, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM, Lotte cũng đã điều chỉnh tăng vốn điều lệ của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Trung tâm Thương mại Lotte Việt Nam từ 65 triệu USD lên thành 120 triệu USD. Việc điều chỉnh này của Lotte nhằm khai thác thêm các dự án do họ đầu tư ở Việt Nam sắp tới.

Và một trong những vụ M&A sau khi Lotte tăng vốn là mua lại dự án Trung tâm Thương mại Phan Thiết của Công ty Năm Bảy Bảy vào tháng 8.2012. Thương vụ này có mức giá theo Stoxplus là khoảng 4,5 triệu USD. Hiện khu đất này đang được Lotte đầu tư xây dựng thành Trung tâm Thương mại Lotte Phan Thiết. Dự án này cao 7 tầng và có tổng vốn đầu tư khoảng 30 triệu USD. Một khi Trung tâm này đi vào hoạt động sẽ nâng số siêu thị Lotter Mart của công ty này lên thêm con số thứ bảy.

Tuy nhiên con số trung tâm thương mại và những vụ M&A có thể còn được tăng lên khi nhà bán lẻ đến từ Hàn Quốc này đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ mở rộng 60 siêu thị tại Việt Nam thay vì chỉ 30 siêu thị, trung tâm thương mại như công bố ban đầu.

Một nhánh khác trong nhánh Lotte Shoping là Cinema cũng đang được phát triển rất nhanh song hành với trung tâm thương mại của họ. Hiện nay, Lotte Cinema Việt Nam đã có 7 cụm rạp chiếu phim hiện đại tại Tp.HCM (Lotte Cinema Diamond, Lotte Nam Cinema Nam Sài Gòn), Hà Nội (Lotte Cinema Landmark, Lotte Cinema Hà Đông), các địa phương khác (Lotte Cinema Nha Trang, Lotte Cinema Đà Nẵng, Lotte Cinema Đồng Nai) với hệ thống phòng chiếu phim cao cấp.

Làm ăn cùng Hàn

Nếu như thương vụ Lotte mua lại Legend được xem là chú ý nhất trong những tháng đầu năm 2013, thì năm 2011 một tập đoàn khác của Hàn Quốc là CJ cũng đã tạo dấu ấn bằng việc mua lại gần hết cổ phần của đối tác nước ngoài Envoy Media Partners (quần đảo Virgin) trong liên doanh Công ty Cổ phần Truyền thông Megastar với giá 73,6 triệu USD vào năm 2011 (chiếm gần 80% vốn trong liên doanh). 20% cổ phần còn lại thuộc về Công ty Văn hóa Phương Nam.

CJ là 1 trong 10 tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc có doanh số năm 2011 khoảng 34 tỉ USD. Tại Hàn Quốc, CJ kinh doanh 4 lĩnh vực cốt lõi: thực phẩm và dịch vụ ăn uống, dược phẩm, truyền thông giải trí và Home Shopping & Logistics.

Cuối năm 2012, CJ đã hợp tác với C.T Group của Việt Nam để xây dựng và khai thác hệ thống hậu cần gồm nhà xưởng và kho bãi tại tỉnh Bình Dương, Đà Nẵng và Bắc Ninh. Cụ thể hơn, C.T Land sẽ phát triển hạ tầng kho bãi, còn đối tác Hàn Quốc sẽ đầu tư phần kỹ thuật, công nghệ. Chỉ riêng dự án Khu Trung tâm Hậu cần Sóng Thần (Bình Dương), phần vốn đầu tư của CJ ước tính lên đến 20 triệu USD, còn của C.T Group khoảng 12 triệu USD.

Cũng trong thời điểm này, một thương hiệu trong lĩnh vực thực phẩm khác của CJ là CJ Freshway cũng đã vào thị trường Việt Nam bằng cách lập liên doanh với Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Hoa Lâm, với số vốn ban đầu là 300.000 USD. Liên doanh này sẽ hợp tác đầu tư phát triển dịch vụ cung cấp thực phẩm và thức ăn dinh dưỡng chế biến chuyên nghiệp.

Mặc dù 4 lĩnh vực của CJ đều đã xuất hiện ở Việt Nam, nhưng có lẽ tham vọng của CJ sẽ không dừng lại ở đây. “Chúng tôi đang xem xét để đầu tư khoảng 3-4 dự án với vốn đầu tư tối thiểu là 500 triệu USD”, ông Guk Sang Kim, Trưởng đại diện CJ tại Việt Nam, cho biết.

Theo ông, CJ sẽ mở rộng, đẩy mạnh các mảng kinh doanh như thực phẩm và dịch vụ thực phẩm, thức ăn gia súc, vận tải, mua sắm tại nhà, giải trí. Ngoài ra họ cũng sẽ bắt đầu thực hiện các dự án mới như ngành thực phẩm chế biến, trung tâm thương mại.

Việc mở rộng này sẽ được CJ thực hiện tùy theo tình huống và ngành nghề. Tuy nhiên, M&A là cách có thể được sử dụng nhiều để rút ngắn thời gian. Theo ông Kim, đối tượng M&A của CJ là những doanh nghiệp nằm trong top 3 lĩnh vực ngành nghề đó hoặc những công ty đang gặp khó khăn mà CJ nhận thấy nếu sự tham gia của mình vào mà giúp tháo gỡ khó khăn, giúp công ty đó phát triển được. Với mục tiêu này, CJ sẽ đứng ra điều hành và vì vậy, họ muốn nắm cổ phần chi phối.

Theo CJ, hiện tại doanh thu của tất cả các Công ty CJ thành viên tại Việt Nam năm 2012 là 400 triệu USD. Và chiến lược của Ban lãnh đạo CJ là sẽ đưa Việt Nam trở thành 1 trong 3 thị trường nước ngoài lớn nhất của Tập đoàn (sau Hàn Quốc và Nhật). “Chúng tôi đang nỗ lực mở rộng đầu tư và mục tiêu đến năm 2020, doanh thu của CJ Việt Nam và CJ khu vực Đông Dương (Lào và Campuchia) là 5 tỉ USD”, ông Kim nói.

Hàn Quốc là một quốc gia có ngành bán lẻ rất phát triển, trong khi Việt Nam đang là thị trường bán lẻ rất tiềm năng. Do đó cũng dễ hiểu vì sao họ đến Việt Nam, trong đó có Lotte và mới đây là E-Mart. E-Mart là thương hiệu bán lẻ thuộc Tập đoàn Shinsegae và hiện nay là nhà bán lẻ lớn nhất tại Hàn Quốc.

Vào tháng 7.2011, Tập đoàn E-Mart ký hợp tác với Tập đoàn U&I để thành lập liên doanh bán lẻ tại Việt Nam. Theo kế hoạch, liên doanh E-Mart Việt Nam có vốn đầu tư ban đầu là 80 triệu USD, với 80% vốn góp từ phía đối tác Hàn Quốc và 20% còn lại là do U&I góp, sẽ khai trương siêu thị đầu tiên vào giữa năm 2013. Tập đoàn này đặt ra mục tiêu đạt 17 siêu thị tại Việt nam đến năm 2017.

Theo bà Ja Young Heo, Giám đốc Bán hàng của Tập đoàn E-Mart, Việt Nam chính là điểm đến lý tưởng của các doanh nghiệp Hàn Quốc trong đó có dịch vụ bán lẻ, logistics và đồ gia dụng. Chỉ riêng Tập đoàn E-Mart, để phục vụ chuỗi 135 siêu thị tại Hàn Quốc và 27 cửa hàng tại Trung Quốc năm 2012 chúng tôi đã nhập khẩu hơn 7,88 triệu USD sản phẩm hàng hóa từ Việt Nam. Trong khi đó, doanh thu bán hàng trực tuyến của E-Mart vào Việt Nam năm 2012 cũng lên tới 89 triệu USD.

Giải trí như Hàn

Có thể sẽ không khó để có thể biết được rằng vì sao những doanh nghiệp Hàn lại đầu tư mạnh trong giai đoạn này nếu nhìn vào tên tuổi của những tập đoàn này cũng như cách thức họ đầu tư.

Những công ty đầu tư trong giai đoạn này đều là những tập đoàn lớn có tiềm lực tài chính mạnh không chỉ tại Hàn Quốc mà cả trên thế giới. Đây là những doanh nghiệp luôn có tầm nhìn và đầu tư dài hạn.

Điển hình trong xu hướng đầu tư của Hàn Quốc thời gian này không thể không kể đến là Tập đoàn Samsung. Gọi là điển hình vì đây là tập đoàn đầu tư mạnh vào công nghệ, khác lĩnh vực với những cái tên kể trên và cũng là dự án đầu tư lớn nhất của Hàn Quốc từ trước đến nay.

Cụ thể, ngày 25/3, Tập đoàn Samsung đã tổ chức lễ khởi công khu nhà máy Samsung sản xuất các thiết bị di động, máy tính bảng... ở Khu Công nghiệp Yên Bình, Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư 2 tỉ USD.

Định hướng nhà máy này theo lãnh đạo Tập đoàn là sẽ phát triển thành tổ hợp thứ hai của Samsung ở Việt Nam sau tổ hợp ở Bắc Ninh đang sản xuất với khoảng 30.000 công nhân, đã sản xuất hơn 100 triệu sản phẩm và xuất khẩu 12,7 tỉ USD năm 2012. Dự kiến số nhân lực Samsung sẽ tuyển dụng bước đầu tại tổ hợp Thái Nguyên là 10.000 công nhân.

Cụ thể, Samsung Thái Nguyên sẽ chuyên sản xuất điện thoại di động và máy ảnh kỹ thuật số, tương lai nhà máy này sẽ sản xuất khoảng 100 triệu chiếc điện thoại di động, 1,5 triệu máy ảnh kỹ thuật số/năm. Mục tiêu mà tập đoàn hướng đến cho cả hai nhà máy tại Việt Nam là 250 triệu sản phẩm/năm.

Đón sóng từ Hàn

Quay lại lịch sử, làn sóng đầu tiên bắt đầu từ năm 1995-2005, đây là thời điểm Mỹ bắt đầu mở cửa cấm vận với Việt Nam sau một thời gian. Cũng như nhiều nhà đầu tư khác trên thế giới, nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc cũng đến thành lập cơ sở ban đầu tại Việt Nam cho các kế hoạch phát triển kế tiếp với mục tiêu sản xuất và tiêu thụ hàng hóa tại thị trường Việt Nam.

Lotte là một trong nhưng doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam khá sớm, từ năm 1996 bằng việc liên doanh với một đối tác Việt Nam là công ty Thiên Nhân thành lập Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Lotte Việt Nam. Đây cũng là thời điểm mà Lotte đưa thương hiệu Lotetria, dòng cửa hàng thức ăn nhanh vào Việt Nam.

Trong khi đó, vào muộn hơn năm 1999, Tập đoàn CheilJedang, tên trước đây của CJ cũng thành lập Công ty Trách nhiệm Hữu hạn CJ Vina Agri chuyên sản xuất và kinh doanh cám gia súc, gia cầm và thủy sản tại Long An.

Làn sóng thứ hai bắt đầu từ năm 2006-2007 khi Việt Nam gia nhập WTO. Thời điểm này đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam tăng rất mạnh và liên tục dẫn đầu về nguồn vốn FDI vào Việt Nam. Năm 2007 là 4,58 tỉ USD và năm 2006 là 2,7 tỉ USD. Phần lớn nguồn vốn này chủ tham gia vào các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ở Việt Nam và thị trường chứng khoán. Hàng loạt dự án lớn về xây dựng và bất động sản của Hàn Quốc như Posco, Doosan, Kumho, GS E&C... cũng bắt đầu vào Việt Nam từ thời điểm đó.

Có một sự khác biệt về làn sóng đầu tư thứ ba so với 2 làn sóng trên, đặc biệt là làn sóng thứ hai. Nếu như làn sóng thứ hai phần lớn tập trung vào tài chính và bất động sản, những lĩnh vực đầu tư ngắn hạn thì làn sóng thứ ba đã có một sự chuyển biến mạnh mẽ. Những lĩnh vực như giải trí, tiêu dùng, du lịch và công nghệ đã bắt đầu chiếm thế áp đảo.

Vì sao có sự thay đổi này? Ông Cao Thanh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư KHM Capital (Hàn Quốc), cho rằng, mức sống của người dân Việt Nam đã cao hơn trước nhiều, tầng lớp trung lưu ở thành thị hiện nay cũng đã tăng lên. Do đó việc đầu tư vào những lĩnh vực này là một điều tất yếu.

Ông Hoàng cho biết thêm quỹ đầu tư của ông điều hành trước đây chuyên đầu tư vào bất động sản, nhưng hiện nay quỹ đã thay đổi chiến lược theo yêu cầu từ những nhà sáng lập. Hiện ông đang tìm cơ hội đầu tư ở những lĩnh vực như y tế, thực phẩm và tiêu dùng.

Ngoài sự khác biệt trên, ra còn có 2 đặc điểm rất đăc biệt trong làn sóng đầu tư thứ ba này của những doanh nghiệp Hàn Quốc. Đó là bên cạnh việc đầu tư kinh doanh đơn thuần, những lĩnh vực kinh doanh của họ đang tạo ra một trào lưu mới kiểu Hàn Quốc ở Việt Nam. Nhiều người tiêu dùng Việt Nam đã bắt đầu mua hàng qua tivi từ những chương trình Shopping Tivi của Lotte hay CJ. Hoặc có thể thưởng thức cảm giác giải trí trí kiểu Hàn Quốc tại những tổ hợp của những tập đoàn này.

Họ cũng góp phần truyền bá văn hóa Hàn Quốc bằng những sản phẩm từ ẩm thực nơi nhà hàng của họ hoặc qua âm nhạc hay điện ảnh. Điều này cũng có nghĩa việc kinh doanh của họ không chỉ mang lại lợi cho doanh nghiệp mà còn mang lại lợi ích cho quốc gia. “Chúng tôi gọi văn hóa kinh doanh này là kinh doanh báo quốc”, ông Guk Sang Kim nói.

Ví dụ như CJ, cũng như nhiều doanh nghiệp khác của Hàn Quốc, đã góp phần truyền bá và hóa của đất nước này ra thế giới bằng những sản phẩm đặc trưng. CJ E & M, một nhánh của CJ, đã góp phần đưa văn hóa pop thành “Làn sóng Hàn Quốc”, thông qua các chương trình truyền hình thành công như “Superstar K, K-pop. Hay như chương trình “M-net Asian Music Awards” đã được tổ chức tại Macau vào năm 2010 và tại Hồng Kông trong năm 2011, thu hút hơn 1 tỉ khán giả trên toàn thế giới.

Một điều thú vị nữa về làn sóng đầu tư thứ ba này của Hàn Quốc. Trong 4 tập đoàn nêu trên thì có 3 là có nguồn gốc từ một gia đình. Đó là Sam Sung, CJ và Shinsegae. Lãnh đạo của 3 tập đoàn này đều là con cháu ông Lee Byung-chull, người sáng lập ra tập đoàn Samsung. Shinsegae tách ra từ Samsung năm 1990 còn CJ tách năm 1993.

Tại Hàn Quốc Shinsegae, cụ thể là E-Mart, hiện đang cạnh tranh trực tiếp với Lotte Shopping trong lĩnh vực bán lẻ. Trong khi CJ và Lotte lại đấu nhau ở lĩnh vực giải trí. Do đó, trong tương lai không xa một cuộc chiến của những doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ diễn ra ngay tại thị trường Việt Nam là điều không thể tránh khỏi.

(Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư)

  • Từ 'Share a Coke' đến tư duy truyền thông thời công nghệ số
  • Sau đại chiến mì ăn liền, bùng nổ mì gạo?
  • Khó khăn, doanh nghiệp vẫn bạo chi “săn” nhân sự cao cấp
  • Bí quyết mở 99 cửa hàng trong 2 năm của ông chủ cà phê "sạch" đất Sài Thành
  • Đại chiến mì ăn liền: Masan có cam chịu "hít khói" Acecook?
  • 7 bí mật thành công của các triệu phú trẻ
  • Kinh doanh hàng không ở Việt Nam “tồn tại đã là khó”
  • Không sếp, công ty vẫn kiếm tỷ đô!
  • Kinh doanh trên Facebook: Vừa mừng, vừa lo
  • Định vị hình ảnh, bước chuyển marketing
  • Giá cà phê Starbucks ở Việt Nam sẽ “đắt” cỡ nào?
  • 5 cent/chai trong 70 năm: Bí ẩn của giá bán Coca-Cola
  • Chuỗi thực phẩm sạch: Đầu tư trong vòng đua 3F
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com