Luôn có một số dấu hiệu chứng tỏ một xu hướng có triển vọng kinh doanh hay không. Scott Anthony là giám đốc điều hành Innosight Ventures, một quỹ đầu tư chuyên về thương mại hóa những sáng kiến kinh doanh mới. Ông đã viết 3 quyển sách về phát kiến kinh doanh. Quyển sách mới nhất của ông là The Silver Lining: An Innovation Playbook for Uncertain Times, viết về những vấn đề và phương pháp áp dụng những sáng kiến mới trong kinh doanh. Bài viết dưới đây được lược dịch từ trang cá nhân của ông từ Harvard Business Review. Làm sao bạn có thể đưa ra những đánh giá nhận định về một vấn đề nếu bạn không phải là chuyên gia trong lĩnh vực đó? Đây là một bài toán tôi phải giải quyết gần đây khi làm việc với một công ty châu Á trị giá nhiều tỷ đô, khi họ đề nghị tôi dự đoán về những xu hướng thị trường mới có thể thay đổi về cơ bản công việc kinh doanh của họ.
Mỗi nhà tư vấn được đề nghị chuẩn bị các ý kiến riêng về một số xu hướng quan trọng nhất đối với công ty. Tôi tương đối am hiểu về kinh doanh. Tuy nhiên kiến thức của tôi về lĩnh vực kinh doanh của công ty này không nhiều. Vì vậy tôi đưa ra và giải quyết một vấn đề khác: làm thế nào để phân biệt một xu hướng là thực sự có triển vọng kinh doanh hay không.
Tôi tổng hợp các kiến thức từ Innosight, từ quyển sách Seeing What's Next mà tôi viết cùng với Clayton Christensen [1], từ một bài báo trên tạp chí Harvard Business Review năm 2009 về những hướng đổi mới trong công nghệ sạch và những kinh nghiệm thực tế của mình, để đưa ra 3 khía cạnh đánh giá cho một xu hướng kinh doanh.
Với mỗi khía cạnh, tôi chỉ ra những dấu hiệu cho thấy một xu hướng có triển vọng kinh doanh hay không.
Khía cạnh thị trường
Những sản phẩm có triển vọng cao là những sản phẩm giúp người dùng thực hiện những việc họ hiện đang làm theo cách đơn giản và dễ dàng hơn. Ví dụ như máy nghe nhạc MP3 giúp chúng ta nghe nhạc ngay cả khi di chuyển, đi lại.
Hãy hỏi người dùng về các chức năng sản phẩm mà trước đây họ từng xem là không quan trọng, xem hiện giờ, khi các chức năng ấy đã được tích hợp với các sản phẩm mới, họ có thực sự thích chúng hơn không. Dựa trên câu trả lời của người dùng, bạn sẽ có thể dự đoán một xu hướng mới liệu có triển vọng tương lai hay không.
Khía cạnh chức năng
Những sản phẩm có triển vọng cao là những sản phẩm chấp nhận lược bỏ một số tính năng nhất định, đổi lại sản phẩm trở nên đơn giản hơn hoặc hợp túi tiền hơn. Ví dụ như máy nghe nhạc MP3 không cho chất lượng âm thanh tốt bằng một số máy nghe nhạc cổ điển nhưng nó đơn giản hơn và tiện lợi hơn.
Những sản phẩm kém triển vọng là những sản phẩm nhắm đến việc vượt qua các sản phẩm hiện có trên thị trường trên tất cả mọi phương diện, ví dụ như ti vi 3 chiều, một sản phẩm với các chức năng đều vượt trội hơn các sản phẩm hiện có.
Khía cạnh sáng tạo, đổi mới
Những sản phẩm có triển vọng cao là những sản phẩm với những mô hình kinh doanh mới, độc nhất (phương thức phân phối mới, cách thức tính giá thành, lợi nhuận mới v.v). Ví dụ như Apple với iTunes, với các bài hát giá 0.99$.
Những sản phẩm kém triển vọng là những sản phẩm chỉ tập trung vào các chức năng mới. Ví du, ti-vi 3 chiều không có một mô hình kinh doanh mới gắn liền, mà đơn thuần chỉ là một ti vi mới một số chức năng nổi trội hơn.
Để đánh giá đúng một xu hướng mới theo 3 lĩnh vực kể trên, bạn cần hết sức tập trung vào thị trường hiện tại. Nếu bạn không để ý đến những quan tâm, vấn đề mới nhất của người dùng, bạn sẽ không thể phân biệt các xu hướng có triển vọng với những xu hướng kém triển vọng.
Liên quan đến vấn đề này có 2 câu nói tôi tâm đắc. Câu thứ nhất của William Gibson, nhà khoa học giả tưởng, "Tương lai đang ở ngay hiện tại, nó chỉ không được hiểu một cách đồng đều". Nói cách khác, nếu bạn muốn biết một xu hướng có triển vọng tương lai hay không, hãy để ý đến những "người dùng tiêu biểu" [2](theo Eric von Hippel), xem họ đang giải quyết những vấn đề gì. Những vấn đề gì, dù nhỏ, đang nối lên một cách nhanh chóng? Những người trẻ đang làm gì?
Câu nói thứ hai từ Alan Kay, quản lý của viện nghiên cứu Palo Alto của Xerox những năm 1970, "Cách tốt nhất để dự đoán tương lai là tạo ra nó". Họp hành quá nhiều với các chuyên gia không đem lại kết quả gì tốt cho bạn, nếu bạn không bắt tay vào làm những công việc cụ thể. Cách duy nhất để hiểu và đoán định những xu hướng tương lai là thử bắt đầu với những dự án cụ thể. Hãy đặt những câu hỏi, cần có những điều kiện gì để xu hướng bạn đang quan tâm trở nên có triển vọng? Bạn có thể thử nghiệm những gì để nhận biết rằng những giả định của mình có đúng hay không?
Những xu hướng, sản phẩm thực sự có triển vọng hiếm khi "từ trên trời rơi xuống". Bằng cách đặt những câu hỏi đúng và tiếp cận đúng phương pháp, các công ty có thể đoán định những xu hướng có triển vọng nhất với thị trường của họ, để từ đó có những bước đi hợp lý.
[1] Clayton Christensen là GS của trường kinh doanh Harvard. Ông là tác giả của những mô hình phát minh kinh doanh và đã viết nhiều sách và bài báo về vấn đề này
[2] Người dùng tiêu biểu (lead user) là một khái niệm được Eric von Hippel giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1986. Theo Eric von Hippel, người dùng tiêu biểu là những người dùng phản án nhu cầu chung của thị trường, nhưng họ phát hiện ra những nhu cầu này trước những người dùng khác một thời gian dài. Vì vậy, Eric von Hippel cho rằng, bằng cách trao đổi, tổ chức thảo luận với nhóm những người dùng tiêu biểu, các công ty sẽ có những thông tin hữu ích để đưa ra các sản phẩm mới của mình. Các bạn có thể nghiên cứu kỹ hơn về khái niệm này trên trang web của tác giảhttp://web.mit.edu/evhippel/www/tutorials.htm
Tác giả: LONG SƠN (THEO HARVARD BUSINESS REVIEW//VEF)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com