Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thay đổi cách tiếp thị

Du khách Nhật Bản tham quan, mua sắm tại chợ Bến Thành trong một tour du lịch kết hợp học nấu ăn. Ảnh: LÊ TOÀN.

Năm 2010, chỉ tính riêng tại cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, ước tính đã có hơn 1,8 triệu lượt khách thành phố và các tỉnh lân cận đi nước ngoài. Trong đó, có đến 800.000 khách đi du lịch thuần túy, tăng gấp đôi so với năm trước. Phần lớn khách đến các điểm đến quen thuộc như Singapore, Malaysia, Campuchia, Hồng Kông, Trung Quốc… Thông tin này được đưa ra trong báo cáo của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TPHCM.

Tại các công ty du lịch, lượng khách mua tour đi du lịch nước ngoài cũng tăng trưởng khá tốt và đều đặn. Đặc biệt, ngày càng nhiều người đi du lịch theo các tour MICE (tour du lịch kết hợp hội thảo, sự kiện hay tour khuyến thưởng). “Nếu đi nước ngoài, đặc biệt là đến những nước gần thì chi phí máy bay chỉ đắt hơn một chút nên nhiều công ty đã tổ chức tour MICE ở nước ngoài”, bà Cao Phẩm Hằng, Giám đốc SPSC Tour, nói.

Tuy nhiên, một nguyên nhân khác, được nhắc đến khá nhiều trong việc tạo nên sự tăng trưởng của du lịch khuyến thưởng, của những đoàn du lịch lớn ra nước ngoài là sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các cơ quan quản lý du lịch nước ngoài. Những cơ quan này đã hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức các chương trình chào mừng, quà tặng, vài tiết mục biểu diễn văn nghệ, giải trí… thậm chí hỗ trợ ít tiền để tổ chức tiệc cho khách.

Ông Lại Hữu Phương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Lữ hành Bến Thành Tourist, cho biết nếu có đoàn khách lớn đến Malaysia, Thái Lan hay Singapore… doanh nghiệp chỉ cần báo trước cho văn phòng đại diện du lịch ở Việt Nam một ngày trước khi khởi hành là ổn. Nếu khách đi bằng máy bay của nước đó thì logo công ty của khách thậm chí còn được gắn lên ghế ngồi của họ trên máy bay. Khi đoàn đến những show biểu diễn công cộng, tên đoàn cũng được xướng lên để chào mừng, được hưởng ưu đãi giảm giá ở một số điểm dịch vụ khác và có quà tặng nho nhỏ.

“Tất cả đều do cơ quan xúc tiến du lịch làm đầu mối điều hành và vận hành rất linh hoạt. Vào mùa đông khách, đoàn phải cỡ 120 người mới được nhận ưu đãi, mùa vắng khách chỉ cần 80 người. Nhưng nếu là khách hàng đặc biệt, đến từ những công ty nổi tiếng thì chỉ 40 người cũng đã được ưu tiên”, ông nói.

Để làm được việc này, cơ quan quản lý du lịch phải có người đại diện tại những thị trường quan trọng. Người đại diện không chỉ đơn thuần làm công việc giới thiệu, cập nhật điểm đến, dịch vụ mà phải hoạt động như một nhân viên tiếp thị thực sự để bán hàng. Người này phải thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với công ty có thị trường liên quan, biết được ai là người quan trọng trong công ty có ảnh hưởng đến việc phát triển thị trường để hỗ trợ cho việc bán hàng của đối tác.

Ngoài ra, danh sách của những phóng viên phụ trách du lịch ở các cơ quan truyền thông trong nước cũng được cập nhật liên tục. Vì thế trong những năm gần đây, dù ít tổ chức các roadshow, các chương trình giới thiệu điểm đến… như những năm trước nhưng thông tin, dịch vụ mới của những điểm đến quen thuộc cũng vẫn được cập nhật thường xuyên trên báo đài và qua các doanh nghiệp.

Đây là điều mà ngành du lịch Việt Nam đang thiếu. Phần lớn các chương trình tiếp thị đang dừng lại ở mức bề nổi và đi theo lối cũ. Các công việc kinh doanh, phát triển thị trường sau đó là phần việc của doanh nghiệp.

Dĩ nhiên việc mua bán là phần việc trực tiếp của người bán và người mua nhưng nếu có sự hỗ trợ của cơ quan quản lý du lịch thì việc mua bán này sẽ thuận lợi hơn nhiều và người hưởng lợi không chỉ có doanh nghiệp mà cả ngành du lịch. Các cơ quan quản lý du lịch nước ngoài đã làm khá tốt vai trò cầu nối giữa hàng không, công ty du lịch sở tại và đối tác mà họ nhắm đến.

“Đã qua rồi giai đoạn ra mắt ban đầu, giai đoạn ngoại giao để thể hiện sự hiện diện ở thị trường mà phải có những hoạt động tiếp thị thực tế và trực tiếp hơn để bán hàng, để tăng lượng khách. Chúng ta vẫn đang tiếp thị như ở giai đoạn đầu, nếu muốn chuyển sang giai đoạn thứ hai thì đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao hơn”, ông Phương nói.

Thương hiệu du lịch Việt Nam dưới mắt người nước ngoài

Nhiều nước trong khu vực đã rất thành công trong việc xây dựng và quảng bá thương hiệu du lịch quốc gia như Thái Lan với “Amazing Thailand”, Singapore với “Độc đáo Singapore“ (Uniquely Singapore), Malaysia với “Malaysia-châu Á đích thực” (Malaysia -Truly Asia), Ấn Độ với “Ngỡ ngàng Ấn Độ“ (Incredible India). Còn “Việt Nam - vẻ đẹp tiềm ẩn” (Vietnam - the hidden charm), theo đánh giá của nhiều chuyên gia, vẫn chưa mang đến một thông điệp rõ ràng cho ngành du lịch Việt Nam.

Tại một cuộc hội thảo gần đây ở Hà Nội (vào giữa tháng 12), đại diện Cục Xúc tiến du lịch Malaysia, tiến sĩ Victor Wee có nói ấn tượng để lại từ thông điệp, hình ảnh trong chiến lược quảng bá du lịch của mỗi nước góp phần rất lớn trong việc làm tăng lượng khách du lịch tới tham quan.

Trong khi đó, hình ảnh về điểm đến Việt Nam chưa nổi bật và chưa rõ ràng trong tâm trí của du khách, vì vậy chúng ta gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh. Trả lời cho câu hỏi phương tiện truyền thông nào du khách hay sử dụng để tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam, ông John Hummel, Trưởng nhóm chuyên gia du lịch khu vực châu Á, thuộc Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), cho biết du khách chủ yếu sử dụng công cụ Internet. Chính vì thế “Việt Nam cần quảng bá thêm thông tin về du lịch trên công cụ tìm kiếm này” đồng thời tận dụng tốt lợi thế truyền miệng thông qua những du khách đã trải nghiệm.

Để xây dựng thương hiệu bền vững thì việc đưa ra một thông điệp rõ ràng là chưa đủ mà phải bảo đảm tính trung thực của thông điệp đó để tạo lòng tin cho du khách.

Ông John Hummel cho rằng 60% khách du lịch quốc tế được hỏi cho biết Việt Nam là điểm du lịch nên đến tham quan. Tuy nhiên, họ cũng chia sẻ những “trở ngại” ngăn họ trở lại Việt Nam, đó là đi lại khó khăn, môi trường bát nháo tại các điểm du lịch, sự chèo kéo của những người bán hàng rong, phong cách phục vụ chưa chuyên nghiệp, giá cả chưa phù hợp...

Thoa Nguyễn

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Từ 'Share a Coke' đến tư duy truyền thông thời công nghệ số
  • Sau đại chiến mì ăn liền, bùng nổ mì gạo?
  • Khó khăn, doanh nghiệp vẫn bạo chi “săn” nhân sự cao cấp
  • Bí quyết mở 99 cửa hàng trong 2 năm của ông chủ cà phê "sạch" đất Sài Thành
  • Đại chiến mì ăn liền: Masan có cam chịu "hít khói" Acecook?
  • Mặt trái của tiếp thị sức khỏe kỹ thuật số
  • Quảng cáo trực tuyến vượt quảng cáo trên báo in
  • Bơi quảng cáo
  • Facebook – “Đế chế” quảng cáo mới?
  • Quảng cáo truyền miệng: Chi phí ít, hiệu quả cao
  • Quảng cáo bằng... “nghịch lý”
  • Quảng cáo trên Internet của Mỹ lên tới 12 tỷ USD
  • Quảng cáo kiểu “khoe hàng”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com