Minh họa: Khều |
Giữa lúc nhiều giám đốc doanh nghiệp than rằng hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn, họ chẳng biết làm gì ngoài chuyện đi dự hội thảo và đi nhậu, thì nhiều công ty tư vấn cho biết họ vẫn đang sống rất khỏe, đơn hàng có xu hướng tăng. Theo nhiều doanh nghiệp, đây đang là thời của các nhà tư vấn khi áp lực thị trường buộc họ phải tìm cách điều chỉnh chiến lược sản xuất, hệ thống phân phối, cơ cấu hệ thống quản trị, lợi thế so sánh cũng như sắp xếp lại đội ngũ nhân sự.
Tấp nập đơn hàng
Giám đốc Công ty Tư vấn IME, ông Đỗ Hòa, cho biết IME vừa được một tổng công ty nhà nước mời đến tư vấn về chiến lược trung hạn “một cách có căn cơ và bài bản”. Còn một số doanh nghiệp nhỏ và vừa khác thì nhờ ông tìm cách đưa họ thoát khỏi khó khăn hiện tại và định hướng hoạt động lâu dài. Công ty của ông Hòa dù thành lập chưa lâu, nhưng cũng đã tấp nập người ra kẻ vào, cả doanh nghiệp tư nhân lẫn công ty nhà nước. Một số doanh nghiệp khác cũng cho biết “đơn hàng nhiều lắm, làm không nghỉ tay”.
Theo ông Hòa, cùng một số chuyên gia khác, không chỉ trong thời điểm khó khăn, mà ngay ở những thời điểm bình thường, các doanh nghiệp lớn, kể cả đang hoạt động rất mạnh mẽ, đều nhờ đến lực lượng tư vấn nhằm “sử dụng kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của những người bên ngoài để bù đắp những khiếm khuyết”.
Thông thường, khi đến doanh nghiệp, các nhà tư vấn sẽ tìm hiểu, bắt mạch, đề xuất một số giải pháp, cả quản trị, chiến lược, và phản biện, tranh luận với doanh nghiệp. Trên cơ sở những phân tích, thảo luận đó, doanh nghiệp sẽ quyết định thực hiện chiến lược của mình như thế nào.
Theo ông Lương Văn Lý, Trưởng bộ phận Đầu tư thương mại Công ty Tư vấn luật Việt Long Thăng, cho biết một hiện tượng khác với trước đây là hiện nay các doanh nghiệp trong nước đến tìm đến các nhà tư vấn luật nhiều hơn trước.
Một doanh nghiệp trong ngành quảng cáo cho biết họ đang có kế hoạch thuê một nhà tư vấn của Công ty McKenzie (Mỹ) trong ba ngày với mức giá 30.000 đô la Mỹ, chưa kể chi phi ăn ở, đi lại... Dự kiến lịch làm việc trong ba ngày của người tư vấn: ngày đầu tiên, công ty cung cấp dữ liệu, thông tin cho nhà tư vấn; ngày thứ hai, hai bên “tranh cãi nảy lửa”; và ngày thứ ba, nhà tư vấn đưa ra chiến lược. Mọi công việc sau đó sẽ được liên lạc qua e-mail.
Dù mức giá thuê tư vấn đắt như vậy, nhưng doanh nghiệp vẫn quyết tâm mời cho được nhà tư vấn này nhằm tái cấu trúc công ty, hoạch định lại chiến lược, xây dựng thương hiệu. Giám đốc doanh nghiệp này cho rằng đây là một khoản đầu tư cần thiết, hiệu quả nhận được, nếu đi đúng hướng, sẽ rất lớn.
Cần nhưng phải thận trọng
Theo ông Hòa, chi phí thuê tư vấn giỏi người nước ngoài rất tốn kém, có thể lên đến cả triệu đô la Mỹ, nhưng nhà tư vấn cũng chỉ đóng góp về mặt chiến lược, vốn chỉ chiếm khoảng 50%, còn kết quả cuối cùng vẫn phụ thuộc vào những người thực hiện trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông, cũng cần cẩn trọng, bởi lẽ với chi phí đắt đỏ như thế bản thân doanh nghiệp cũng phải chuẩn bị đầy đủ, nếu không sẽ không đạt được kết quả như mong đợi. Hơn nữa, khi thuê chuyên gia nước ngoài cũng cần chọn lựa kỹ vì “không phải cứ người nước ngoài là giỏi”.
Các công ty tư vấn trong thời gian gần đây xuất hiện khá nhiều, có mặt khắp các hội thảo, các cuộc gặp gỡ của giới doanh nghiệp, bén rễ đến từng ngóc ngách của hoạt động kinh tế, cả về tư vấn luật, nhân sự, giải pháp tài chính, quản trị, chiến lược, thương hiệu, các công cụ quản lý...
Theo đánh giá của một số chuyên gia, giới tư vấn trong nước vẫn chưa theo kịp nhu cầu của doanh nghiệp. Số những nhà tư vấn có bề dày kinh nghiệm tại các vị trí quản lý cấp cao trong các tập đoàn nước ngoài, nơi có các mô hình quản lý hiện đại, có va chạm, có kinh nghiệm và có thể chia sẻ được với doanh nghiệp vẫn chưa nhiều. Số này thường đứng ra lập công ty tư vấn để vừa giúp doanh nghiệp trong nước, vừa muốn tìm một sân chơi mới để thi thố tài năng. Còn đa số các nhà tư vấn khác vẫn chủ yếu có được kiến thức qua lý thuyết, sách vở và ít kinh nghiệm.
Hơn nữa, tuy doanh nghiệp thực sự có nhu cầu mời tư vấn để có những cách tiếp cận bài bản, có hệ thống, nhưng việc sử dụng tư vấn như thế nào thì “vẫn còn phụ thuộc vào cảm tính của người chủ doanh nghiệp”.
Vì thế, giới trong nghề cho biết họ luôn gặp những tranh cãi nảy lửa, nhất là khi chủ doanh nghiệp là người bảo thủ, tranh cãi đến cùng với nhà tư vấn, gạt những đề xuất của họ. Đã có những trường hợp một số doanh nghiệp, sau một thời gian phải trả giá đắt trên thương trường, đã quay lại tìm nhà tư vấn, áp dụng mô hình do tư vấn đề xuất. Tuy nhiên, lúc này mọi chuyện đã quá muộn.
Theo ông Lý, các doanh nghiệp Việt Nam lúc ký hợp đồng hay thỏa thuận với đối tác ít để ý đến các tiểu tiết. Đây là một điều khá phổ biến, nhưng rất nguy hiểm bởi theo ông, một khi xảy ra mâu thuẫn lợi ích, các tiểu tiết sẽ nổi lên thành những vấn đề lớn khiến cho hai bên xảy ra tranh chấp. “Thông thường, một hợp đồng thương mại giữa các doanh nghiệp nước ngoài có thể lên đến vài chục trang, thậm chí 100 trang. Nhưng giữa các doanh nghiệp Việt Nam, khi thảo một hợp đồng dày chừng 70 trang, doanh nghiệp cảm thấy quá phức tạp, nhiêu khê và phản xạ đầu tiên là bẻ lại tại sao không làm ngắn gọn hơn. Trong trường hợp như thế, sở thích về sự ngắn gọn sẽ không có lợi cho doanh nghiệp”, ông Lý nói.
Thế nhưng, cũng có nhiều trường hợp doanh nghiệp gặp phải những nhà tư vấn “rởm”, ưa dùng thủ thuật. Có công ty tư vấn trưng ra những bảng thành tích dày, với các khách hàng lớn, để đưa ra mức giá cao so với mặt bằng trong nước, nhưng kết quả đạt được lại “không nhìn thấy được”. Cũng có doanh nghiệp tư vấn lấy công làm lời, làm cùng lúc nhiều dự án, giá thấp, chủ yếu để kiếm khách hàng. Lại có những công ty tư vấn ký hợp đồng với doanh nghiệp, nhưng thực hiện cầm chừng, mục đích là chỉ muốn nhận được 50% số tiền đưa trước trong hợp đồng là đã đủ sống. Điều này trong thực tế thời gian qua đã xảy ra không ít, khiến cho nhiều doanh nghiệp thuê tư vấn tiền mất, tật mang, và tuyên bố “cạch” giới tư vấn.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com