Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khi CEO có "vai vế" ... đi học

Một vai đảm nhiệm vị trí tối cao tại doanh nghiệp, vai kia đeo cặp sách đi học, rất nhiều các CEO ngày nay đang “căng sức” với những bài giảng, những bài tập “nặng” và căng thẳng như những “trận chiến” tại các lớp học về quản trị. Để duy trì chế độ "vừa học vừa làm" này quả là vất vả nhưng đổi lại, những gì họ thu nhận được cũng "bõ công những ngày đèn sách"...


Thành tài rồi nhưng vẫn khổ luyện


Trong khi các nhà quản lý và CEO trẻ tuổi đang "lao thân" vào thương trường với "vốn liếng" quản lý và điều hành còn khiêm tốn, thì trên giảng đường, các CEO  ở bậc "lão làng" vẫn đang cặm cụi cập nhật và trau dồi thêm cho mình những bài học mới.


Đã lâu lắm rồi, ông Nguyễn Minh Quang - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị hầu như không có ngày nghỉ. Ở vị trí quản lý cao cấp, công việc bộn bề tại một Tổng công ty lớn đã chiếm gần hết khoảng thời gian còn rảnh, nhưng ông lại có quyết định: đi học! Nhiều người ngạc nhiên với quyết định này lắm. Bởi lẽ, với kinh nghiệm thương trường dày dặn, tuổi đời cũng như tuổi nghề đã khá “cứng cáp” , ông hoàn toàn có thể đứng trên bục để nói về thực tế kinh doanh ngồn ngộn đã được ông tích luỹ nhiều chục năm nay cho hàng trăm người nghe.


Thế nhưng, ông đã chọn cách học hỏi từ những người thầy ở một môi trường sư phạm để làm giàu hơn nữa tri thức kinh doanh của mình. Lần này, ông chọn Khoa quản trị kinh doanh (HSB) - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông vẫn thấy mình cần tích luỹ nhiều hơn nữa để ông ngày càng tự tin hơn với các quyết định đưa ra có ảnh hưởng tới sự sống còn của Tổng công ty và đời sống của hàng trăm người lao động. “Tham gia khoá học tôi thực sự tự tin hơn khi giải quyết các vấn đề của Tổng công ty mình”, ông Quang không ngần ngại chia sẻ. Sự tự tin ông Quang có được từ các tình huống thực tế được đưa ra mổ xẻ, phân tích từ giảng viên và các bạn "đồng môn" - những người cũng đang nắm giữ các vị trí cao cấp trong doanh nghiệp như ông.


Tương tự như ông Minh Quang, ông Vũ Thanh Sơn - Tổng Giám đốc Tổng công ty thương mại Hà Nội cũng tự nguyện dành những ngày nghỉ hiếm hoi trong cuộc đời một doanh nhân để ... đến lớp. Trả lời câu hỏi "đùa" rằng: với quá nhiều sự va chạm trên thương trường, liệu việc học có phải là một cách đánh bóng tên tuổi không, ông Sơn đã thẳng thắn trả lời: nếu không thấy hữu ích những người như ông không đời nào lại mất thời gian đến vậy. Tiền bạc có thể chi ra nhưng với những người luôn ao ước giá mỗi ngày dài thêm vài giờ đồng hồ nữa để giải quyết rốt ráo các công việc như ông không dễ gì dành không ít thời gian để - đến - trường.


Kiến thức được hệ thống hoá sát với thực tiễn, thông tin quản trị kinh doanh cập nhật, được cung cấp các công cụ xử lý tình huống như các mô hình, giải pháp, quy trình xử lý, sự chia sẻ từ những người bạn đồng môn hiện cũng đang ở các vị trí tương tự như mình…những điều đó đã kéo được ông Quang, ông Sơn tới trường.


Thành tài và Thành công


Xưa có câu: "Có công mài sắt, có ngày nên kim". Những thành quả mà các CEO "ham học" đó nhận được không chỉ là "cây kim", mà còn là những giá trị rất lớn mà "cây kim" đó mang lại chứ không chỉ là một cái "mác đẹp". Đó là khi các kiến thức "thâu tóm" được áp dụng vào ngay thực tiễn...


Ông Nguyễn Hồng Sơn - Tổng giám đốc Tập đoàn Đầu tư Phát triển Hà Nội, Phó chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội chia sẻ một cách thẳng thắn: “Tôi đi học MBA không phải lấy cái “mác cao học” mà về để làm việc và làm thực sự có hiệu quả. Ngoài những kiến thức đã có sẵn khi học đại học, kết hợp với những kinh nghiệm thực tế được sắp xếp lại thành hệ thống khi đến với lớp học MBA. Từ kinh nghiệm của cá nhân cộng với lý thuyết của các thầy và đặc biệt là sự chia sẻ, đóng góp của các bạn đồng môn đã khiến cho tôi “vỡ” ra thật nhiều mới mẻ, quan trọng, bổ ích. Bản thân tôi rất tâm đắc với những kiến thức mà chương trình đào tạo MBA mang lại, bởi đó thực sự là những vấn đề mà nhiều doanh nghiệp vướng phải như: Tổ chức hành vi nhân sự, quản trị các dự án và đàm phán”.


Trong khi đó, ông Trần Đức Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta (Delta International) cũng theo học chương trình thạc sỹ quản trị kinh doanh của Trường Shidler thuộc Đại học Hawaii tại Việt Nam (cùng với thời gian ông bắt đầu sự nghiệp kinh doanh). Sau khóa học, ông đã nhanh chóng nhận ra rằng: "Những kiến thức thực hành mà mình thu được từ khóa học đã được áp dụng một cách dễ dàng trong hoạt động của công ty tôi hiện nay. Điều thú vị là tôi được học cùng lớp với các nhà quản lý của nhiều lĩnh vực và học được từ kinh nghiệm của họ. Trong khi đó, tôi vẫn mở rộng mạng lưới hoạt động cá nhân với những người Việt Nam và nhiều Việt Kiều yêu nước, đó là một trong những thuận lợi lớn nhất đối với tôi. Về mặt chiến lược, tôi thấy mình đã thu được rất nhiều kiến thức trong suốt quá trình học, thấy mình thêm tự tin và có thêm kỹ năng để mở rộng việc kinh doanh thông suốt từ Hà Nội tới TP.HCM”.


Ở một khía cạnh khác của việc đi học, các CEO khác cũng nhận ra một "ý nghĩa" rất quan trọng của lớp học. Bởi đó không chỉ là nơi "tương tác" các kiến thức, mà còn là nơi các mối quan hệ cũng như các ý tưởng gặp nhau.


Với quan điểm “học vì thương hiệu và để tự tạo thương hiệu”, ông Trần Tấn Ngô -  nguyên Tổng giám đốc của Tổng công ty Sách Việt Nam rất tâm đắc với những gì ông thu lượm được từ khóa học mà ông tham dự. Ông tâm sự về trải nghiệm của mình tại một môi trường kinh doanh mang “thương hiệu của Trương Gia Bình”: "Những kiến thức mà các giáo sư đưa ra không mới, nhưng nó được vận dụng một cách khá hiệu quả bằng cách đưa vào thực tiễn của các doanh nghiệp trong nước cũng như quốc tế. Ngoài quan hệ đồng môn, chúng tôi còn thiết lập được nhiều mối quan hệ mới có lợi cho công việc kinh doanh của bản thân và của doanh nghiệp mình. Ví dụ như khi học đến môn “chiến lược marketing”, tôi cũng market được khá nhiều sách cho các bạn đồng môn. Thế là tôi cũng đang làm marketing tốt đấy chứ!”


Ông Kim Jung In - Tổng giám đốc Công ty ô tô Daewoo Việt Nam (VIDAMCO) cũng góp thêm ý kiến: “Tôi đã từng băn khoăn về mục đích của việc theo đuổi tấm bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh. Nhưng giờ đây, tôi đã nhận ra giá trị của chương trình thạc sỹ quản trị kinh doanh của một trường Đại học Mỹ có uy tín tại Việt Nam. Chương trình đào tạo này đã mang đến cho tôi rất nhiều kiến thức và cái nhìn khác nhau về lĩnh vực kinh doanh và quản lý. Chương trình tập trung chủ yếu vào các chương trình quản lý đào tạo thạc sỹ quản trị kinh doanh tiêu biểu nhất trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong suốt thời gian theo học chương trình này, tôi đã gặt hái được những kinh nghiệm về cuộc sống – sử dụng những kỹ năng mà tôi đang tìm kiếm. Hơn nữa, một trong những điều quan trọng của chuơng trình này là ngoài phần kiến thức, kinh nghiệm mà những học viên thu nhận được. Chương trình còn hình thành một mạng lưới cựu học viên với sự chia sẻ thông tin rất tốt với nhau. Chắc chắn, không ít doanh nhân khi tham gia các khóa học này còn tìm kiếm được nhiều cơ hội kinh doanh từ những mối quan hệ được tạo lập tại đây”.


Còn ông Nguyễn Văn Hùng - Phó chủ tịch Hiệp hội Rượu – Bia - Nước giải khát Việt Nam, lại có được một "cây kim" rất bõ công cho những ngày "dùi mài" kiến thức tại trường học: “Hiện nay, lỗ hổng trong doanh nhân là rất lớn, phần lớn họ vẫn làm và tư duy theo phong cách “lão làng”, vì thế tôi đi học. Chắc chắn sau này, tôi sẽ có kế hoạch tạo điều kiện cho những người kế cận đi học vì thực tế đến lớp, thầy chỉ đưa ra cho mình những khuôn mẫu lý thuyết, các bạn học viên bổ sung ý kiến, riêng bản thân mình phải rút ra kinh nghiệm thực tế cho doanh nghiệp mình quản lý. Ví dụ hình ảnh bia chai Hà Nội đã tạo được thương hiệu rất tốt trong nội địa, nhưng muốn đi ra nước ngoài thì doanh nghiệp chúng tôi không thể mang trực tiếp sản phẩm, mà cần có một “kênh” riêng để đường đi vừa ngắn vừa mang lại hiệu quả. Nhờ trải nghiệm trong khóa học, tôi đã cùng doanh nghiệp tìm một kênh, đó là thông qua con đường du lịch, vì hiện nay du lịch gắn với văn hóa, ẩm thực. Khi đã làm tốt việc quảng bá du lịch kèm ẩm thực thông qua các đại diện thương mại hoặc du lịch ở nước ngoài thì việc giới thiệu sản phẩm ra thị trường khác sẽ có hiệu quả nhất”.


 Trong câu chuyện đi học của các CEO cũng thuộc tầm "vai vế", Tiến sỹ Trần Phương Lan giám đốc trung tâm đào tạo và tư vấn doanh nghiệp thuộc Khoa quản trị kinh doanh (HSB) – Đại học quốc gia Hà Nội cho rằng: để thu hút các lãnh đạo doanh nghiệp đến lớp, yếu tố đầu tiên chính là việc đào tạo các kỹ năng giúp các lãnh đạo doanh nghiệp có được sự thích ứng nhanh với sự thay đổi của môi trường kinh doanh, đồng thời cung cấp cái nhìn tổng thể giúp cho quá trình hình thành các quyết định mang tính chiến lược. Hơn nữa, lớp học còn là nơi các lãnh đạo doanh nghiệp trao đổi cởi mở với nhau hơn trong cùng một khoá học, đưa các lãnh đạo doanh nghiệp tiếp cận với các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới và áp dụng những tri thức tiến bộ vào thực tiễn.


Ngày nay, chuyện các “sếp” đi học không còn "hiếm". Nó cho thấy sự thay đổi ngày càng mạnh mẽ trong tư duy quản lý của các doanh nhân với xu hướng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Và để trang bị cho mình một tư duy quản lý có hệ thống để chuẩn bị hiện thực hoá các cơ hội kinh doanh trong tương lai, các CEO không còn cách nào khác là phải miệt mài trên giảng đường, hy sinh thời gian nghỉ ngơi hiếm hoi của mình để "học thật" và lấy "kiến thức thật".
 

Theo Lãnh đạo

Bài thuộc chuyên đề: Giám đốc điều hành - CEO ( tổng hợp )

  • Vì đâu bạn chưa được thăng chức?
  • Những công việc lương khởi điểm trên 80 triệu
  • Tuyển dụng nhân sự cấp cao: Đãi cát, tìm vàng
  • 25 câu hỏi phỏng vấn “khó nhằn” của các công ty lớn
  • Thử thách niềm tin doanh nhân
  • Giải quyết tình huống nhân sự
  • Khi nào cần thận trọng với việc sa thải nhân viên?
  • Nhân viên văn phòng “sợ” nhất sáng thứ ba
  • Khi nhân lực cao cấp ngoại “cập bến” Việt Nam
  • Sa thải nhân công hay cắt giảm giờ làm?
  • Các cách thư giãn đơn giản
  • Lướt web tại công sở giúp tăng năng suất công việc
  • Quản lý Stress
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com