Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nhân viên - nguồn trí tuệ mới của doanh nghiệp

Trong 18 tháng qua, khoảng 40.000 nhân viên công ty AT&T đã đăng ký tham gia cộng đồng trực tuyến The Innovation Pipeline.

Trí tuệ của nhân viên được xem là tài sản của doanh nghiệp. Nhưng làm thế nào để nhân viên vui vẻ sáng tạo và góp phần tạo nên giá trị của doanh nghiệp thì không phải là điều dễ dàng…

Pitney Bowes Inc., AT & T và Electronic Arts nằm trong số các công ty sử dụng phần mềm để khai thác trí tuệ tập thể của nhân viên để tìm kiếm ý tưởng, giải pháp, cắt giảm chi phí và tìm thị trường mới

Tận dụng trí tuệ tập thể

Công ty Pitney Bowes (nhà sản xuất phần mềm, phần cứng đồng thời là nhà cung cấp những dịch vụ liên quan đến lĩnh vực bưu chính-viễn thông) cần tìm ra một cách thức nào đó để trả lời thắc mắc của khách hàng mà không cần phải chuyển cuộc gọi từ nhân viên này sang nhân viên khác. Tuy nhiên, thay vì yêu cầu nhà quản lý tìm kiếm giải pháp, các nhà điều hành Pitney Bowes giao mối thách thức này cho tập thể nhân viên. Sau đó vài ngày, các nhân viên đã đề nghị một giải pháp được công ty chấp nhận và thực hiện. Ông Murray Martin, Giám đốc điều hành Pitney Bowes, nhận định: “Có rất nhiều ý tưởng hay xuất phát từ những nhân viên đang tiếp xúc với khách hàng hằng ngày”.

Công ty Pitney Bowes, trụ sở ở thành phố Stamford (Mỹ), hoan nghênh bất kỳ ý tưởng nào có thể mang lại sự thay đổi, dù lớn hay nhỏ. Để khuyến khích nhân viên nhắm đến những mục tiêu cao hơn, công ty đã tổ chức một cuộc thi gọi là Innovation Idol, dựa trên mô hình của chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc nổi tiếng American Idol trên truyền hình. Trong vòng chung kết của cuộc thi mới đây, sáu ý tưởng hứa hẹn nhất được trình bày trước ban giám khảo là các nhà quản lý cao cấp của công ty. Ông Martin có ấn tượng với cuộc tranh tài đến nỗi quyết định tài trợ ngay cho hai ý tưởng trong số này.

Dưới áp lực của việc thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát chi phí nghiên cứu, ngày càng có nhiều doanh nghiệp tìm cách tận dụng trí tuệ ngay từ nội bộ. Bên cạnh Pitney Bowes, các công ty như AT & T, Cisco Systems, Electronic Arts, Wal-Mart Stores và MetLife đang sử dụng phần mềm và những công cụ khác để khai thác trí tuệ tập thể của nhân viên, sắp xếp những ý tưởng đề xuất và dự báo những ý tưởng nào có khả năng thành công cao nhất. Ông Luis Solis, Phó chủ tịch điều hành công ty phần mềm trí tuệ tập thể Imaginatik Plc (Anh), cho biết các doanh nghiệp đang chi 250 triệu đô-la Mỹ hằng năm cho công cụ trí tuệ tập thể và dự báo thị trường này tăng trưởng từ 15% đến 30% mỗi năm.

“Dân chủ hóa” phát minh sáng tạo

Pitney Bowes đang sử dụng chương trình Idea Central của Imaginatik để khai thác trí tuệ tập thể. Kể từ năm 2008 đến nay, ban lãnh đạo công ty đã yêu cầu nhân viên giải quyết 42 mối thách thức và nhận được khoảng 3.000 ý tưởng. Công ty đã hoặc dự định thực hiện khoảng 700 ý tưởng trong số này. Khoảng 10.000 nhân viên của Pitney Bowes đang sử dụng chương trình Idea Central.

Trong khi đó, công ty video game Electronic Arts muốn cải thiện công việc dự báo trò chơi nào sẽ thành công trước thời điểm phát hành từ sáu đến 12 tháng để phân bổ chi phí tiếp thị hợp lý hơn. Vì vậy, Electronic Arts sử dụng phần mềm của công ty Crowdcast (Mỹ) để tham khảo điều dự báo của nhân viên. Mat Fogarty, Giám đốc điều hành Crowdcast, cho biết những điều dự báo từ nhân viên hóa ra lại chính xác hơn dự báo chính thức của công ty.

AT & T, công ty điện thoại lớn nhất nước Mỹ, sử dụng phần mềm của công ty Spigit Inc. để cho phép nhân viên tham gia một cộng đồng trực tuyến gọi là The Innovation Pipeline, nơi họ đưa ra ý tưởng mới hoặc đặt cược vào những ý tưởng có khả năng thành công cao nhất. Để thu hút nhân viên tham gia cộng đồng này, AT&T cung cấp những hình thức khích lệ tài chính, đồng thời cho phép nhân viên dùng một loại tiền ảo để đặt cược. Nhờ vậy, số lượng nhân viên tham gia cộng đồng đã tăng từ 4.082 trong tháng 7-2009 lên 17.862 vào tháng 10 cùng năm.

Ông Patrick Asher, người phụ trách bộ phận phát minh sáng tạo của AT&T, cho biết: “Chúng tôi muốn dân chủ hóa cách chúng tôi phát minh sáng tạo tại AT&T và đưa nó ra bên ngoài phòng thí nghiệm”. Theo ông Asher, AT&T chi vài triệu đô-la Mỹ mỗi năm cho công cụ trí tuệ tập thể. Công ty tìm kiếm sự phản hồi trong những lĩnh vực như dịch vụ khách hàng và những vấn đề như làm thế nào để triển khai công nghệ không dây thế hệ tiếp theo Long-Term Evolution. Cứ vào mỗi quý, ban lãnh đạo AT &T chọn ra một số ý tưởng mà họ cho là tốt nhất để tài trợ.

Dù vậy, việc khai thác trí tuệ tập thể có thể gặp trở ngại tại những công ty mà nhân viên không muốn tham gia hoặc các nhà quản lý xem đó là sự lãng phí thời gian. Ông Martin cho biết: “Sẽ có những nhà quản lý không thực sự nhận ra lợi ích của trí tuệ tập thể. Bạn phải tìm cách để vượt qua điều này và buộc nó xảy ra”. Ngoài ra, ông Martin cũng khuyên những người lãnh đạo doanh nghiệp nên thẳng thắn và phản hồi với từng ý tưởng, trong đó có việc cho nhân viên biết ý tưởng nào không có hiệu quả. Ông nhận định: “Họ muốn biết kết quả hơn là không có sự phản hồi nào”.

(Theo Minh Phương // Thời báo kinh tế Sài Gòn // Bloomberg BusinessWeek)

  • Vì đâu bạn chưa được thăng chức?
  • Những công việc lương khởi điểm trên 80 triệu
  • Tuyển dụng nhân sự cấp cao: Đãi cát, tìm vàng
  • 25 câu hỏi phỏng vấn “khó nhằn” của các công ty lớn
  • Thử thách niềm tin doanh nhân
  • 6 "chiêu thức" để làm việc ít, hiệu quả nhiều
  • Khi ông chủ thẳng tay trừng phạt nhân viên xấu tính
  • Khoảng cách giữa bộ phận Marketing và CEO
  • Phát triển nhóm trong doanh nghiệp: Có mất nhiều thời gian?
  • Bí quyết sử dụng người tài
  • CEO phải là “người truyền lửa”
  • Giữ chân người tài thời hậu khủng hoảng
  • Chăm sóc tinh thần cho nhân viên
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com