Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tìm việc và thuê người trong thời buổi kinh tế khó khăn

Những lời khuyên của một chuyên gia săn đầu người dành cho ứng viên tìm việc và người sử dụng lao động trong hoàn cảnh kinh tế hiện nay.


Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ hiện lên cao chưa từng thấy kể từ sau cơn đại khủng hoảng 1929. Tỷ lệ này có thể lên đến 11% hay 12%, thậm chí có khả năng vọt lên cao hơn nữa, từ 15-20% trong những tình huống xấu nhất. Trên thực tế, một vài vùng ở Mỹ đã phải hứng chịu tỷ lệ thất nghiệp đến khoảng 15%.


Hiện nay, con số lao động thất nghiệp ở Việt Nam là bao nhiêu vẫn còn là một đề tài bàn cãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Có dự báo cho rằng tỷ lệ đó có thể sẽ là 7%. Nhưng dù con số thất nghiệp là bao nhiêu đi nữa, thì chuyện mất việc làm vẫn là nỗi ám ảnh chung cho đội ngũ lao động.

Vị trí đặt quảng cáo


Dù sợ hay không sợ bị đuổi việc trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay, nhưng chuẩn bị sẵn sàng đối phó với tình huống xấu nhất khi phải cầm trong tay quyết định cho thôi việc cũng là điều đáng quan tâm. Ngược lại, nhìn từ góc độ của người cần thuê lao động, khủng hoảng kinh tế có thể tạo ra cơ hội để các ông chủ và các nhà quản lý doanh nghiệp tìm được những cộng sự có năng lực và làm việc một cách đắc lực.


Nhưng làm thế nào để làm được chuyện đó? Jason Calacanis, người sáng lập và cựu chủ bút tạp chí Silicon Alley Reporter, hiện nay đang điều hành công cụ tìm kiếm chuyên “săn đầu người” Mahalo.com, đã có bài viết về vấn đề này đăng trên trang web của tờ BusinessWeek cách đây không lâu. Với 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhân sự, vừa tự mình quản lý doanh nghiệp vừa bỏ vốn ra kinh doanh, và bản thân đã thuê hơn 500 nhân viên, Calacanis tin rằng ông có thể đưa ra được các giải pháp cho cả người xin việc lẫn người thuê lao động.


Ai làm việc chăm chỉ hơn sẽ thắng


Một trong những lời khuyên của Calacanis dành cho các ứng viên tìm việc có vẻ rất đơn giản: “Ai làm việc chăm chỉ hơn sẽ chiếm thế thượng phong”.


Theo Calacanis, rất nhiều người tìm việc lại quên mất điều cơ bản này. Khi xin việc, ứng viên phải chứng tỏ càng nhiều càng tốt rằng mình không quản ngại khó khăn mà xem đó như là thử thách phải vượt qua của bản thân. “Bạn (ứng viên tìm việc) phải hiểu rằng ngay tại thời điểm này, vô số ứng viên khác đang giành nhau một vị trí làm việc. Cuộc chiến giành nhân sự giữa các công ty cách đây hai hay ba năm đã qua, hệt như cuộc chiến trên thị trường địa ốc vậy”, ông viết.


Cách tốt nhất để ứng viên cho nhà tuyển dụng thấy rằng mình là người làm việc chăm chỉ là phải giải thích trực tiếp một cách rõ ràng phương pháp làm việc hàng ngày của mình. Theo Calacanis, dù mỗi năm ông phỏng vấn vài trăm trường hợp, số người chủ động làm được điều này chỉ đếm được trên đầu ngón tay!


Để minh họa cho lời khuyên của mình, Calacanis viết ra một mẫu đối thoại giữa ứng viên và nhà tuyển dụng sau đây:


Ứng viên: “Cám ơn vì đã cho tôi cơ hội làm việc ở vị trí phó giám đốc của công ty. Xin cho phép tôi được trình bày cách mình đã làm để tạo ra hiệu quả cho những nơi tôi đã từng làm việc? (Hàm ý: tự tin bản thân có thể đảm nhận vị trí này, vì thế, không thêm chữ “có thể” trước chữ “làm việc ở vị trí”).


Người thuê lao động: “Tất nhiên”. (Cám ơn Trời Phật! Cuối cùng cũng có ứng viên mình không cần phải cạy răng).


Ứng viên: Tôi tin rằng làm việc chăm chỉ - chăm chỉ chứ không phải là lu bu - chính là yếu tố phân định một đội ngũ thành công với một đội ngũ thất bại. Phương pháp làm việc của tôi là chuẩn bị công việc cho tuần tới vào ngày Chủ nhật. Tôi đọc nhiều về công việc kinh doanh của mình vào cuối tuần và chuẩn bị kế hoạch dự kiến cho tuần tới. Tôi chỉ cần một hoặc hai giờ là làm xong việc này. Cũng không có gì là phức tạp, bao gồm một số mục tiêu mình cần phải đạt được và những điều tôi cho rằng sẽ giúp công ty đạt được những mục tiêu này. Tôi sẽ đi làm sớm hơn một hoặc hai giờ vào ngày thứ Hai. Cách làm việc này sẽ giúp tôi tạo đà tốt hơn cho tuần lễ sắp tới, điều tôi cho rằng rất quan trọng.

Tôi thường xuyên ăn trưa với khách hàng hoặc tập thể hình để tiếp tục suy nghĩ. Cuối cùng, triết lý của tôi là không rời phòng làm việc trước sếp của mình… Tôi cho rằng đó là những điều đáng làm”.


Người thuê lao động: Khi nào anh (chị) có thể bắt đầu?


Calacanis cho rằng trong tình hình kinh tế hiện nay, các công ty sẽ thuê những người làm việc chăm chỉ nhất và thải hồi nhân viên chỉ làm cho hết giờ. Nếu muốn được thuê, cách tốt nhất là phải tự đặt mình vào môi trường làm việc cống hiến hết sức mình.


Phải tìm cho ra ai là người chăm làm nhất


Trong thời điểm hiện nay, các công ty không thể giao việc cho những người yếu kém. Người tuyển dụng lao động phải dứt khoát, không được phép khoan nhượng. Công ty không thể có, hoặc giữ lại trong đội ngũ của mình những người yếu kém bởi vì họ sẽ làm cho cả công ty chết chìm trong bối cảnh thị trường hiện nay.


Dưới đây là một số câu hỏi Calacanis mà cho rằng có thể dựa vào đó để tìm ra được ứng viên tốt nhất cho công việc:


1. Anh (chị) sống để làm việc hay làm việc để sống?


2. Anh (chị) có cho rằng mình là người nghiện công việc (workaholic) hay không? Có gì xấu nếu là người nghiện công việc hay không?


3. Anh (chị) có sẵn sàng ngắt hết mọi liên lạc vào lúc 6 giờ chiều thứ Sáu để nghỉ cuối tuần?


4. Anh (chị) có tự cho rằng mình cân bằng trong công việc và đời sống cá nhân hay không?


5. Anh (chị) nghĩ sao nếu chúng ta phải đi làm cuối tuần để kịp thời hạn chót?


6. Nếu điều này xảy ra hai tuần liên tiếp, anh (chị) sẽ nghĩ sao?


7. Thời buổi khó khăn hiện nay chúng ta phải cắt giảm nhân sự tối đa. Anh (chị) nghĩ sao nếu tôi yêu cầu anh (chị) phải làm cả việc [nêu một công việc thấp hơn yêu cầu của ứng viên] trong khi người giữ vị trí đó nghỉ hè?


8. Trong khi nghỉ hè, anh (chị) có mang theo điện thoại di động và máy tính xách tay trong hành lý? Hay anh (chị) sẽ ngắt liên lạc hoàn toàn?


Calacanis cho rằng những câu hỏi trên sẽ giúp người thuê lao động hiểu ngay ứng viên là người như thế nào. Có người làm việc để sống, điều này chẳng sao cả. Nhưng điều này lại không tốt cho công ty của bạn tại thời điểm này. Khi kinh tế bùng nổ, người thuê lao động phải chấp nhận người làm hết giờ vì người làm hết việc rất hiếm hoi, nhưng trong tình trạng hiện nay, bạn chỉ giữ lại người làm hết việc.


Calacanis nói rằng ông không phải là người chống lại sự cân bằng trong công việc và đời sống cá nhân. Tuy nhiên, Calacanis nhắc nhở độc giả rằng bài này được viết trong bối cảnh cơn sóng thần kinh tế đang hoành hành. Ông viết: “Trong thị trường hiện nay, sẽ là thảm họa cho một gia đình nếu như cả cha và mẹ mất việc hơn là cả hai phải làm thêm giờ”.

(Theo BusinessWeek // Quỳnh Thư // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Vì đâu bạn chưa được thăng chức?
  • Những công việc lương khởi điểm trên 80 triệu
  • Tuyển dụng nhân sự cấp cao: Đãi cát, tìm vàng
  • 25 câu hỏi phỏng vấn “khó nhằn” của các công ty lớn
  • Thử thách niềm tin doanh nhân
  • "Nâng cấp” thái độ
  • Luân chuyển công việc - công cụ phát triển nhân sự
  • 10 kiểu thăng tiến thông minh
  • Nghề nào được tin cậy?
  • Tuyển dụng cũng... khuyến mãi
  • Bạn có chấp nhận sự thay đổi?
  • Làm gì để ghi điểm với sếp?
  • Khi sếp trẻ quản lý nhân viên "đàn anh"
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com