Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Báo cáo kiểm toán: Đọc thế nào cho đúng

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường dịch vụ tài chính và thị trường chứng khoán, Kiểm toán độc lập đã thực sự trở thành một công cụ đặc biệt quan trọng cho các cơ quan quản lý nhà nước, các DN và các nhà đầu tư. Các báo cáo tài chính đã kiểm toán được sử dụng rộng rãi cho nhiều mục đích. Vậy làm thế nào để dịch vụ kiểm toán độc lập trở thành một công cụ tin cậy và hiệu quả đối với các DN và nhà đầu tư, Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi  với bà Hà Thu Thanh – TGĐ Cty Deloitte Việt Nam về vấn đề này.

- Thưa bà, với tư cách là người đứng đầu một trong bốn hãng kiểm toán và tư vấn lớn nhất Việt Nam bà sẽ đưa ra cho công chúng lời khuyên gì khi sử dụng một cách hiệu quả những báo cáo tài chính đã kiểm toán?

Theo tôi, đó là nên sử dụng các báo cáo tài chính đã được kiểm toán một cách thông minh nhất. Khi sử dụng báo cáo tài chính hay các báo cáo khác đã được kiểm toán, người sử dụng cần phải được đọc một cách đầy đủ toàn bộ báo cáo tài chính đã kiểm toán cùng với ý kiến của kiểm toán viên (KTV). Nếu các thông tin của DN được được công bố có rút gọn, bỏ sót, sửa chữa, bổ sung đối với báo cáo tài chính đã kiểm toán thì có thể làm sai lệch đến mức trọng yếu đối với tính trung thực của bản báo cáo tài chính đã được kiểm toán.

Vậy việc đọc báo cáo tài chính đầy đủ cùng với ý kiến của KTV có tầm quan trọng như thế nào, thưa bà?

Nếu báo cáo tài chính đã kiểm toán mà bị rút gọn, sửa chữa, bổ sung thì có nguy cơ làm cho người sử dụng hiểu nhầm về tình hình tài chính hoặc kết quả hoạt động của Cty. Ví dụ: Một Cty A có lãi trước thuế của các năm là 100 tỷ, trong đó, trên báo cáo tài chính đã kiểm toán thì phân loại thành 2 loại lãi rõ ràng là lãi từ hoạt động kinh doanh là 10 tỷ, lãi từ hoạt động bất thường (bán tài sản cố định) là 90 tỷ. Nếu các DN khi trình bày bản cáo bạch, báo cáo thường niên... rút gọn lại và chỉ trình bày tổng lãi trước thuế là 100 tỷ thì mặc dù số liệu tổng lãi không khác so với báo cáo tài chính đã kiểm toán nhưng có thể làm cho người sử dụng hiểu lầm trầm trọng là: lãi hoạt động kinh doanh chính của Cty là 100 tỷ và rất có thể sẽ đưa ra các quyết định sai lệch dựa trên thông tin đã rút gọn này.

Thứ hai, các báo cáo tài chính đã được kiểm toán bắt buộc phải công bố cùng với báo cáo của KTV. Thực tế hiện nay có rất nhiều DN khi công bố thông tin tài chính chỉ công bố báo cáo tài chính do DN lập và có thêm một dòng “Báo cáo đã được kiểm toán bởi Cty kiểm toán...”. Các báo cáo tài chính của DN khi công bố mà không có báo cáo của KTV kèm theo sẽ không đủ cơ sở tin cậy.

Thứ ba, nếu ý kiến của KTV có những vấn đề ngoại trừ hoặc lưu ý thì người sử dụng báo cáo cần phải đánh giá ảnh hưởng của vấn đề đó trước khi đưa ra các quyết định kinh tế hay quyết định quản lý của mình.

  Không chỉ các báo cáo tài chính đã được kiểm toán mà các báo cáo tư vấn xác định giá trị DN cho mục đích CPH, mua bán, sáp nhập DN, người sử dụng báo cáo cũng cần đọc đầy đủ ý kiến của KTV trong báo cáo kiểm toán.

- Bà có thể nói rõ hơn về các loại ý kiến kiểm toán có ngoại trừ hoặc lưu ý để công chúng có thể hiểu rõ hơn khi sử dụng?

 Các ý kiến ngoại trừ của KTV thường có hai dạng: Dạng thứ nhất là ngoại trừ do bị giới hạn phạm vi kiểm toán. Loại ý kiến này có thể không đưa ra được định lượng về ảnh

Khi sử dụng báo cáo tài chính hay các báo cáo khác đã được kiểm toán, người sử dụng cần phải được đọc một cách đầy đủ toàn bộ báo cáo tài chính đã kiểm toán cùng với ý kiến của KTV.

hưởng có vấn đề bị giới hạn đối với tình hình kết quả kinh doanh và tài chính của Cty. Do đó, đối với các Cty niêm yết bị ý kiến loại này thì sẽ rất khó được Ủy ban Chứng khoán chấp nhận cho công bố. Vì vậy, để tránh gặp phải tình huống này, các Cty niêm yết cần phải bổ nhiệm và ký hợp đồng kiểm toán sớm trước khi kết thúc năm tài chính để không bị ngoại trừ do KTV không tham gia kiểm kê. Mặt khác, Cty niêm yết cần phải cung cấp đầy đủ mọi tài liệu, thông tin khi KTV yêu cầu để không bị ngoại trừ do thiếu tài liệu, thông tin.

Dạng thứ 2 là ngoại trừ hoặc lưu ý do những khác biệt giữa báo cáo tài chính của Cty với các chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán. Đối với dạng này, về nguyên tắc KTV cần đưa ra đánh giá định lượng đối với kết quả kinh doanh và tình hình tài chính của Cty. Trên có sở đó, người sử dụng báo cáo tài chính có thể dự đoán được hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN nếu DN thực hiện hạch toán theo đề nghị của KTV.

- Bà có thể cho biết vai trò của các Cty kiểm toán trong việc nâng cao chất lượng thông tin tài chính của các Cty niêm yết?

 Trong quá trình cung ứng dịch  vụ kiểm toán, ngoài việc thực hiện trách nhiệm cung ứng dịch vụ kiểm toán, KTV cần phải vừa tạo ra động lực cũng như hỗ trợ về kỹ thuật nghiệp vụ để Cty niêm yết thực hiện theo đúng chuẩn mực, luật định và các thông lệ. KTV cũng đưa ra các dự đoán về hậu quả của các vấn đề liên quan đến kế toán, tài chính của Cty niêm yết và trách nhiệm của ban lãnh đạo DN trước công chúng và các cổ đông để hoàn thiện dần Quy chế quản trị Cty cũng như áp dụng đầy đủ và đúng đắn các chuẩn mực kế toán. Chính những giá trị này của kiểm toán sẽ góp phần vào sự phát triển bền vững của các Cty.

- Bà có mong muốn gì về sự thay đổi cần thiết của quy định kiểm toán hoặc công bố thông tin đối với các Cty niêm yết?

Tôi hi vọng rằng Bộ Tài chính cũng như Ủy ban Chứng khoán sẽ xem xét đề xuất của các nhà đầu tư cũng như công chúng về việc hoàn thiện hơn các quy định về kế toán, kiểm toán và công bố thông tin. Ví dụ như: yêu cầu bắt buộc các Cty niêm yết phải bổ nhiệm và ký hợp đồng kiểm toán trước khi kết thúc năm tài chính; Xem xét yêu cầu báo cáo tài chính quý/6 tháng của Cty niêm yết phải được soát xét bởi Cty kiểm toán; Yêu cầu khi công bố thông tin báo cáo tài chính đã kiểm toán thì phải công bố nguyên văn toàn bộ báo cáo tài chính đã kiểm toán đầy đủ cũng với  ý kiến của KTV; Bản cáo bạch của các Cty trước khi niêm yết hoặc đầu giá CPH cần phải được xác nhận của Cty kiểm toán về các số liệu, thông tin tài chính trên bản cáo bạch.

 

(Theo báo Diễn đàn doanh nghiệp)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com