Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ủy quyền cho người đại diện phần vốn nhà nước đến đâu?

Để nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khác, Chính phủ đã có chính sách tìm người giỏi, thạo việc điều hành để thuê họ đại diện phần góp vốn Nhà nước. Cụ thể, SCIC (Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước) đang tăng cường tìm kiếm người giỏi để thuê và ủy quyền cho họ đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn của Nhà nước.

Những văn bản hướng dẫn cụ thể về địa vị pháp lý, xác định nghĩa vụ, chế độ đãi ngộ của người đại diện phần vốn nhà nước vẫn đang được Chính phủ chuẩn bị cho ra đời. Nhưng nếu tôn trọng tự do thỏa thuận, trên cơ sở Bộ luật Dân sự 2005, Luật Doanh nghiệp 2005, vẫn có thể thiết kế ra thỏa thuận thuê người đại diện phần vốn nhà nước đáp ứng được mục tiêu.

Để không lúng túng khi xác định các quyền, nghĩa vụ cụ thể của người đại diện phần vốn nhà nước, tránh thất bại như kế hoạch thuê giám đốc trước đây, văn bản thỏa thuận thuê người đại diện phần vốn nhà nước cần phải xác định rõ phạm vi ủy quyền, thiết kế đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu và người đại diện vốn nhà nước.

Ủy quyền đến đâu?

Phần lớn doanh nghiệp mà Nhà nước có vốn góp là các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã cổ phần hóa hoặc công ty TNHH nhà nước một thành viên, hiện nay đã hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005. Khi tham gia với vai trò là cổ đông/thành viên, với số vốn lớn, chủ sở hữu vốn nhà nước có thể tham gia cho ý kiến và quyết định các hoạt động trong doanh nghiệp. Thông thường những người được chủ sở hữu thuê làm đại diện phần vốn nhà nước sẽ được tham gia vào những chức vụ lãnh đạo như chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc để quản lý, điều hành doanh nghiệp theo hướng đi có lợi cho chủ sở hữu.

Để người đại diện phần vốn góp hành động phù hợp với ý chí của chủ sở hữu, cần phải xác định rõ một phạm vi ủy quyền nhất định. Nếu phạm vi ủy quyền càng rộng thì người được đại diện vốn nhà nước càng có nhiều quyền chủ động quyết định các hoạt động của doanh nghiệp. Và khi trao quyền cho người đại diện phần vốn góp, cần lưu ý đến phạm vi ủy quyền được quy định tại điều 144, Bộ luật Dân sự 2005. Theo đó, về nguyên tắc phạm vi ủy quyền được xác lập trên cơ sở thỏa thuận của các bên, người đại diện phần vốn nhà nước có thể được chủ sở hữu trao toàn bộ quyền lực hoặc trao một vài quyền nhất định.

Nếu thắt chặt quản lý, chủ sở hữu có thể chỉ trao cho người đại diện phần vốn nhà nước một vài quyền và ràng buộc họ nghĩa vụ báo cáo, xin ý kiến. Khi đó, người đại diện phần vốn nhà nước sẽ không được chủ động quyết định mọi việc khi thay mặt chủ sở hữu tham dự, biểu quyết các vấn đề có liên quan đến quyền. Điều này dẫn đến các quyết sách, kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp phần nào tiếp tục bị phụ thuộc vào những mệnh lệnh hành chính từ hành vi báo cáo, xin ý kiến của những người được đại diện phần vốn nhà nước. Từ đó, các mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước, phát huy năng lực của người giỏi, đổi mới doanh nghiệp nhà nước vẫn không đạt được.

Nếu tạo sự chủ động cho người được thuê, chủ sở hữu có thể ủy quyền toàn bộ và không hạn chế cho những người đại diện phần vốn nhà nước. Bỏ qua nghĩa vụ mang tính hành chính, người được thuê để đại diện phần vốn nhà nước có toàn quyền “chèo lái” doanh nghiệp đi theo kế hoạch kinh doanh, miễn sao hiệu quả và mang lợi cho chủ sở hữu. Từ việc quyết định các hoạt động kinh doanh hàng ngày, thực hiện các phương án đầu tư cho đến việc quyết định tổ chức nội bộ doanh nghiệp đều được ủy quyền cho người đại diện vốn nhà nước. Nhưng khi thiết kế văn bản thỏa thuận thuê người đại diện vốn góp không xác định các quyền và nghĩa vụ cụ thể, sẽ có nguy cơ dẫn đến hiện tượng lạm dụng quyền lực, tham nhũng trong việc quản lý vốn nhà nước, câu kết với người khác để phục vụ lợi ích riêng và gây hại cho lợi ích của chủ sở hữu.

Tránh sự lạm dụng

Khi có nhiều quyền mà không có cơ chế giám sát, ràng buộc, một khi nảy sinh lòng tham, người ta thường có xu

hướng tư lợi, tập trung tìm kiếm các cơ hội phục vụ lợi ích cá nhân. Để bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu, tránh sự lạm dụng khi trao quyền cho người đại diện phần vốn nhà nước, trong thỏa thuận thuê người đại diện phần vốn nhà nước cần có những điều khoản kiểm soát các giao dịch tư lợi.

Theo đó, tất cả các hợp đồng, giao dịch, công việc giữa doanh nghiệp với người đại diện phần vốn nhà nước; giữa doanh nghiệp với những thân thích, ruột thịt của người đại diện phần vốn nhà nước đều phải được minh bạch, công bố cho các cổ đông/thành viên trong doanh nghiệp và chủ sở hữu được biết.

Khi không công khai các giao dịch tư lợi mà bị phát hiện, với quyền tước bỏ toàn bộ quyền của người đại diện vốn nhà nước, chủ sở hữu có thể sẽ hạn chế được sự lạm quyền, câu kết biến tài sản công thành tài sản tư.

Ngoài việc kiểm soát các giao dịch tư lợi, để người đại diện phần vốn nhà nước hành động vì lợi ích của chủ sở hữu, cần phải có ràng buộc về nghĩa vụ cẩn trọng, trung thành của người đại diện phần vốn nhà nước. Sự cẩn trọng phải được người đại diện vốn nhà nước thể hiện trong từng hành động, với thái độ đúng mực, hợp lý nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu. Người đại diện vốn nhà nước cũng phải có nghĩa vụ trung thành với lợi ích của chủ sở hữu, không được sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, không được lạm dụng địa vị, chức vụ và tài sản của nhà nước để tư lợi cá nhân.

Nếu người đại diện phần vốn nhà nước thực hiện vượt quá phạm vi ủy quyền, theo điều 146, Bộ luật Dân sự 2005, các hợp đồng, giao dịch, công việc do người đại diện đại diện nhà nước không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ cho chủ sở hữu.

Để nhanh gọn mà ủy quyền toàn bộ thì có nguy cơ xuất hiện sự lạm quyền, tài sản công dần biến thành tài sản tư, gây hại cho chủ sở hữu là Nhà nước và người khác. Còn nếu ủy quyền mà vẫn “nuối tiếc” thì có thể lại thất bại như kế hoạch thuê giám đốc trước đây.

(Theo Công ty Luật TNHH InvestPro&HoàngGiao)

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Những khoản nợ không địa chỉ
  • Vấn đề đại diện vốn nhà nước
  • Cái giá của đồng lương thấp
  • Cắt giảm chi phí một cách khôn ngoan
  • Đâu là giải pháp tối ưu cho vấn đề kế toán tài chính tập đoàn?
  • CEO Citigroup quyết nhận mức lương 1 USD
  • Báo cáo tài chính: Vô tình hay cố ý chênh lệch lợi nhuận?
  • Hiểu rõ doanh thu? Dễ hay Khó
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com