Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vấn đề đại diện vốn nhà nước

Minh họa: Khều.

Những tin bài trên báo chí gần đây về “đại diện vốn nhà nước” cho thấy đây còn là một điểm lúng túng trong cơ chế Nhà nước quản lý kinh tế với tư cách chủ sở hữu.

Thời kinh tế tập trung bao cấp, kinh tế tư doanh bị xóa sổ, kinh tế quốc doanh chiếm vị trí độc tôn. Vì Nhà nước vừa là cơ quan quyền lực, vừa là chủ sở hữu kinh tế quốc doanh, nên quản lý nhà nước và quản lý kinh doanh gắn chặt với nhau. Khi chuyển sang kinh tế thị trường, xuất hiện chủ trương tách quản lý nhà nước với quản lý kinh doanh các doanh nghiệp nhà nước.

Nếu các cơ quan quản lý ngành tiếp tục thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, thì cơ quan nào quản lý các doanh nghiệp nhà nước với tư cách chủ sở hữu? Thực tế cho thấy các tổng công ty, và sau này là cả các tập đoàn kinh tế, đều không đảm đương nổi chức năng này.

Tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, kỳ vọng được đặt vào Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Song, SCIC thực chất cũng chỉ là công ty nhà nước kinh doanh tài chính, cũng không thể đóng nổi vai trò chủ sở hữu khu vực doanh nghiệp nhà nước. Cho đến nay vấn đề cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước với tư cách chủ sở hữu vẫn chưa định hình, chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa minh định.

Thực ra, Nghị định 25/2009/NĐ-CP về chuyển các doanh nghiệp nhà nước thành công ty TNHH một thành viên đã đề cập tới vấn đề này khi quy định cá nhân (Thủ tướng Chính phủ, chủ tịch UBND cấp tỉnh) hoặc tổ chức (cơ quan quản lý ngành ở Trung ương và địa phương) làm chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên. Song quyền hạn, trách nhiệm chủ sở hữu lại chưa quy định. Vậy mà đã có nghịch lý: quản lý kinh doanh, việc của doanh nhân, nhưng lại giao cho chính khách cấp quốc gia và cấp tỉnh hoặc lại đưa trở về cơ quan quản lý nhà nước.

Từ ngày 1-7-2010, các doanh nghiệp hoàn toàn thuộc sở hữu nhà nước chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên. Cho nên vấn đề đại diện vốn nhà nước chỉ có nghĩa ở những công ty cổ phần có vốn nhà nước thuộc sở hữu hỗn hợp, không hoàn toàn là Nhà nước, cũng không hoàn toàn là tư nhân, quyền quản lý của chủ sở hữu tất phải chia sẻ.

Chỉ ở đây mới cần phân biệt vốn của Nhà nước với vốn không phải của Nhà nước, cũng là để phân biệt giới hạn quyền và trách nhiệm của cổ đông nhà nước với quyền và trách nhiệm của các cổ đông khác.

Theo tin báo chí: theo ủy quyền của Nhà nước, SCIC hiện đã quản lý vốn tại 540 doanh nghiệp, trong đó trực tiếp thực hiện quyền cổ đông tại 22 doanh nghiệp, số còn lại thông qua 600 người đại diện. Trong những trường hợp này, có cơ sở để khẳng định rằng quan hệ giữa SCIC (cổ đông nhà nước) với 600 người đại diện kia thực chất là quan hệ chủ-thợ, trên-dưới. Người đại diện chịu sự chỉ đạo và trong phạm vi đại diện của mình chịu trách nhiệm trước SCIC. Thế nhưng nhiều người dường như không nghĩ như thế, mà coi người đại diện là một cấp quản lý trung gian giữa SCIC với công ty cổ phần.

Trong thực tế, với tư cách đại diện vốn nhà nước, người đại diện thường được cử vào những chức vụ lãnh đạo công ty như chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc... Những vị trí này cho họ những quyền và trách nhiệm đối với công ty, vượt quá giới hạn quyền và trách nhiệm cổ đông nhà nước.

Trong trường hợp này, người đại diện đồng thời đóng hai vai trò: đại diện vốn nhà nước (do nhà nước chỉ định) và người quản lý công ty (do đại hội đồng cổ đông bầu ra), trở thành giao điểm giữa cơ chế Nhà nước quản lý công ty với tư cách chủ sở hữu với cơ chế quản lý công ty cổ phần theo quy định của pháp luật.

Với tư cách đại diện vốn nhà nước, họ là người của Nhà nước và có quan hệ báo cáo - thỉnh thị với Nhà nước (cụ thể là với SCIC). Nhưng với tư cách người quản lý công ty, họ là người của công ty, có quyền và trách nhiệm quản lý hoạt động kinh tế của công ty, thay mặt công ty trong các quan hệ kinh tế với các chủ thể kinh tế bên ngoài và với Nhà nước.

Theo cơ chế quản lý công ty cổ phần quy định trong Luật Doanh nghiệp, bộ máy quản lý công ty gồm:

i) Đại hội đồng cổ đông, cơ quan quyền lực cao nhất thể hiện quyền của các cổ đông (chủ sở hữu). Đại hội đồng cổ đông quyết định các vấn đề kinh tế của công ty theo túc số biểu quyết quy định trong Luật Doanh nghiệp và điều lệ công ty, trong đó số lượng phiếu biểu quyết của mỗi cổ đông tỷ lệ thuận với số lượng cổ phiếu mỗi người sở hữu;

ii) Hội đồng quản trị, cơ quan chấp hành của đại hội đồng cổ đông, do đại hội đồng cổ đông bầu ra và chịu trách nhiệm trước đại hội đồng cổ đông;

iii) Tổng giám đốc do hội đồng quản trị bổ nhiệm và chịu trách nhiệm trước hội đồng quản trị.

Với cơ chế như vậy, dù Nhà nước là cổ đông đa số (nắm giữ 51% cổ phần trở lên) cũng không thể quản lý trực tiếp công ty cổ phần, mà phải quản lý gián tiếp trên cơ sở tôn trọng cơ chế quản lý công ty cổ phần như nêu trên.

Chừng nào cơ chế quản lý này còn chưa minh bạch, tình trạng lộng quyền của đại diện vốn nhà nước còn có đất để tồn tại, tạo điều kiện khách quan cho tệ tham nhũng nảy nở và lây lan.

Trong thực tế, hiện nay nhiều người hiểu cơ chế quản lý công ty cổ phần quá đơn giản. Họ cho rằng khi Nhà nước đã là cổ đông đa số, thì Nhà nước có thể coi công ty cổ phần là doanh nghiệp nhà nước.

Đã từng có văn bản xếp công ty cổ phần mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối vào hàng doanh nghiệp nhà nước! Chính vì quan niệm như vậy nên cung cách quản lý công ty cổ phần sau cổ phần hóa không mấy thay đổi so với trước cổ phần hóa, trong khi đổi mới quản lý để nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của công ty cổ phần mới là mục tiêu quan trọng nhất của cổ phần hóa.

Những điều nêu trên cho thấy cơ chế quản lý kinh tế của Nhà nước với tư cách chủ sở hữu hầu như vẫn còn đang trong giai đoạn khai phá, mặc dù vấn đề này đã xuất hiện từ khi các công ty cổ phần có vốn nhà nước hình thành. Hình như các quan chức có trách nhiệm về đổi mới doanh nghiệp nhà nước coi việc chuyển được doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần đã là xong việc, mà không thấy được rằng việc xây dựng cơ chế quản lý vốn nhà nước sau cổ phần hóa mới thật sự nặng nề và khó khăn. Trong đó, vấn đề cơ sở của mọi vấn đề là ai (cơ quan nhà nước nào) được coi là chủ sở hữu đến nay vẫn chưa minh định.

Chừng nào cơ chế quản lý này còn chưa minh bạch, tình trạng lộng quyền của đại diện vốn nhà nước còn có đất để tồn tại, tạo điều kiện khách quan cho tệ tham nhũng nảy nở và lây lan.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Cái giá của đồng lương thấp
  • Cắt giảm chi phí một cách khôn ngoan
  • Đâu là giải pháp tối ưu cho vấn đề kế toán tài chính tập đoàn?
  • CEO Citigroup quyết nhận mức lương 1 USD
  • Báo cáo tài chính: Vô tình hay cố ý chênh lệch lợi nhuận?
  • Hiểu rõ doanh thu? Dễ hay Khó
  • Trả lương cho người đại diện vốn nhà nước tại DN: Bao nhiêu thì vừa?
  • Giữ tiền mà không đầu tư thì càng giữ càng nghèo
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com