Tiền lương trả cho người đại diện vốn nhà nước tại Jetstar Pacific cũng đã từng gây nhiều tranh cãi |
Theo ông Ninh, lương trả cho người đại diện vốn nhà nước 10 triệu đồng/tháng có thể đã là quá cao, nhưng 40-50 triệu đồng/tháng lại chưa phải là cao. “Quan trọng nhất là hiệu quả sử dụng đồng vốn nhà nước. Ví dụ, Công ty cổ phần Dược Hậu Giang, vốn nhà nước ban đầu giao về SCIC chỉ có 44 tỷ đồng, chiếm 50% vốn điều lệ, bây giờ vốn điều lệ của Công ty là 200 tỷ đồng, Nhà nước vẫn giữ 50% vốn điều lệ. Năm 2009, Công ty trả cổ tức 20%, tức là làm lợi cho cổ đông 40 tỷ đồng thì trả lương cho lãnh đạo tới 40 triệu đồng/tháng không phải là cao”, ông Ninh nói.
Là người trong cuộc, bà Phạm Thị Việt Nga, Chủ tịch HĐQT Công ty Dược Hậu Giang, cho biết, năm 2009, bà phải tiếp tổng cộng 6 đoàn thanh tra, kiểm tra. “Đoàn nào vào cũng đặt câu hỏi vì sao tôi chỉ trả lương cho công nhân vệ sinh khoảng 2 triệu đồng/tháng, trong khi cá nhân lại được hưởng lương 40 triệu đồng/tháng”, bà Nga bức xúc.
Bà Nga cho biết thêm, Công ty vừa được nhận giải thưởng dành cho DN có Báo cáo thường niên Xuất sắc nhất năm 2010 do Báo Đầu tư Chứng khoán, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội trao tặng. “Giải thưởng này khẳng định rằng, Công ty chúng tôi rất minh bạch trong hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như thu - chi tài chính. Vì vậy, dù tôi có được hưởng lương cao, có thể nói là rất cao cũng không có lý do gì để xử lý kỷ luật”, bà Nga khẳng định.
Cũng như nhiều DN khác, kể từ khi chuyển vốn nhà nước về SCIC làm đại diện chủ sở hữu, tình hình hoạt động của Dược Hậu Giang mỗi năm một tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Có được điều này, theo bà Nga và đại diện phần vốn nhà nước tại nhiều DN khác là, do có sự thay đổi cơ bản về cách thức quản lý DN. Cùng với Jetstar Pacific, Giày Đông Anh, Xuất-nhập khẩu Prosimex, Công nghiệp thực phẩm Huế…, Công ty cổ phần Chợ Lạng Sơn là những đơn vị từng kinh doanh thua lỗ lớn, tranh chấp kéo dài trong nội bộ lãnh đạo, giữa các nhóm cổ đông, khiếu kiện kéo dài.
“Công ty cổ phần Chợ Lạng Sơn chỉ có vốn 23 tỷ đồng, nhưng có đến hơn 1.000 cổ đông là tiểu thương kinh doanh buôn bán, đồng thời cũng là đối tác nên luôn nằm trong tình trạng mâu thuẫn về lợi ích, khiếu nại, khiếu kiện. Tuy nhiên, kể từ khi chuyển về SCIC, chúng tôi cùng với SCIC thực hiện nhiều giải pháp cứng rắn, xử lý đúng các quy định về tranh chấp nên hoạt động của Chợ Lạng Sơn đã đi vào ổn định, bắt đầu kinh doanh có lãi”, Chủ tịch HĐQT (kiêm đại diện vốn nhà nước) Công ty cổ phần Chợ Lạng Sơn, ông Phạm Văn Dũng nói.
Vinaconex là một trong những DN lớn nhất có vốn nhà nước do SCIC làm đại diện chủ sở hữu. Vinaconex cũng nhận được sự giúp đỡ rất lớn của SCIC, vì thế vướng mắc giữa người đại diện phần vốn nhà nước tại Vinaconex với SCIC hầu như không có. Tuy nhiên, Tổng giám đốc Vinaconex, ông Nguyễn Thành Phương cũng cho rằng, để người đại diện phần vốn của mình toàn tâm, toàn ý, SCIC cần phải có cơ chế đãi ngộ, khen thưởng xứng đáng.
“Nếu tôi được thuê làm giám đốc DN tư nhân, tôi làm ra 1 tỷ đồng lợi nhuận thì chủ DN trả tôi lương tháng 10 triệu, nếu tôi “vượt định mức”, chủ DN sẵn sàng phân chia tỷ lệ lợi nhuận vượt mức với tôi. Người đại diện vốn nhà nước tại DN ở khía cạnh nào đó cũng là người làm thuê cho “ông chủ Nhà nước”, vì vậy tiến tới cũng phải có quy định cụ thể về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi đối với người đại diện”, ông Ninh cho biết.
Vẫn theo ông Ninh, Bộ Tài chính sẽ xây dựng cơ chế người đại diện phần vốn nhà nước tại DN theo hướng được trả thù lao, trả đãi ngộ xứng đáng, tăng quyền hạn để tránh tình trạng “làm cái gì cũng phải xin ý kiến chỉ đạo”, nhưng trách nhiệm của người đại diện cũng được nâng lên tương xứng.
(Theo Mạnh Bôn // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com