Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

9 doanh nghiệp điều hành tệ nhất năm 2011

picture
Từ chỗ là một công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ ảnh và kỹ thuật số, trong mắt giới đầu tư, Kodak giờ đã trở thành một nhà nắm giữ tài sản sở hữu trí tuệ cần bán - Ảnh: AP.

Năm 2011 chứng kiến nhiều công ty đạt kết quả kinh doanh khả quan, bất chấp những biến động bất lợi trên thị trường toàn cầu. Bên cạnh đó, cũng có nhiều doanh nghiệp “bết bát” vì năng lực điều hành kém.

Trang 24/7 Wall Street đã thực hiện danh sách những công ty niêm yết tại Mỹ được điều hành tốt nhất và dở nhất trong năm nay. Đây đều là những doanh nghiệp niêm yết nằm trong chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Phố Wall.

Xếp hạng được dựa trên các yếu tố như giá cổ phiếu, thu nhập tính trên mỗi cổ phiếu, thị phần của doanh nghiệp, thay đổi trong đội ngũ quản lý, kết quả kinh doanh, mức độ thành công của sản phẩm mới…

Dưới đây là danh sách 9 doanh nghiệp được điều hành dở nhất năm 2011 do 24/7 Wall Street thực hiện:

1. Avon Products

Tên CEO (thời gian lãnh đạo tính đến hiện tại): Andrea Jung (12 năm)
Biến động giá cổ phiếu tính từ đầu năm: giảm 40%
Thu nhập tính trên mỗi cổ phiếu quý gần nhất: đi ngang ở mức 0,38 USD
Tỷ lệ sở hữu nội bộ: 1,75%
Sự kiện chính: Bị Ủy ban Chứng khoán và giao dịch Mỹ (SEC) điều tra

Hãng mỹ phẩm Avon sở hữu một trong những hệ thống nhượng quyền lớn nhất thế giới, nhưng bộ máy lãnh đạo của hãng đã gần như phá hủy hệ thống này. Năm 2011 là năm Avon gặp rắc rối ở nhiều thị trường, chẳng hạn bị điều tra vì tội đưa hối lộ ở Trung Quốc. Tăng trưởng doanh thu ở các thị trường lớn như Brazil và Nga giảm mạnh. Khi công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 3, Avon cho biết không còn đủ khả năng đảm bảo đạt được mức lợi nhuận cả năm như mục tiêu. Thông tin này khiến nhiều nhà phân tích đánh tụt triển vọng tài chính và giá cổ phiếu của Avon.

CEO Avon, bà Andrea Jung cho biết, hãng sẽ tiếp tục tìm giải pháp cho những thách thức hiện nay thông qua các biện pháp cải tổ nhân sự và hoạt động của công ty. Mới đây, Avon đã bị các nhà chức trách Mỹ điều tra sau những cáo buộc cho rằng ban lãnh đạo công ty có mối quan hệ không trung thực với các nhà phân tích Phố Wall.

2. Research In Motion (RIM)

Tên CEO (thời gian lãnh đạo tính đến hiện tại): Jim Balsillie (19 năm)
Biến động giá cổ phiếu tính từ đầu năm: giảm 71%
Thu nhập tính trên mỗi cổ phiếu quý gần nhất: giảm 57% còn 0,63 USD
Sự kiện chính: Giá trị tài sản mảng Playbook giảm 485 triệu USD

RIM là hãng sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) duy nhất trên thế giới cho tới khi hãng Apple tung ra chiếc iPhone đầu tiên vào năm 2007. RIM khi đó có mọi cơ hội để chuyển từ thị trường chính của hãng là phục vụ doanh nghiệp sang thị trường phục vụ người tiêu dùng. Nhưng RIM đã quá chậm chân và chỉ đưa ra được những sản phẩm có thiết kế tồi. Sau đó, RIM lại cho phép mình rơi vào thế bị “đánh úp” bởi một thế hệ smartphone mới dựa trên hệ điều hành Android của Google.

Tệ hơn, ban lãnh đạo RIM tiếp tục phá hủy giá trị công ty bằng cách tung ra thêm nhiều sản phẩm được thiết kế tồi và marketing tệ hại, gần đây nhất là chiếc máy tính bảng Playbook nhằm cạnh tranh với iPad. Doanh số của Playbook tệ đến mức RIM phải đánh tụt giá trị kho hàng tồn sản phẩm này tới 485 triệu USD. Ngoài ra, RIM gần đây cảnh báo 2 lần rằng hãng sẽ không đạt được dự báo lợi nhuận. 3 tháng trước, RIM tuyên bố sẽ sa thải 2.000 trong số 19.000 nhân viên. Chiếc BlackBerry của RIM là chiếc smartphone đầu tiên trên thế giới, nhưng doanh số thì đang ở trong tình trạng “hít khói” các đối thủ khác. Hôm 7/12 vừa qua, sau một vụ xung đột nhãn hiệu thương mại, RIM rút lui khỏi kế hoạch thay đổi tên hệ điều hành của hãng.

3. AMR

Tên CEO (thời gian lãnh đạo tính đến hiện tại): Thomas Horton (chưa đầy 1 năm)
Biến động giá cổ phiếu tính từ đầu năm: giảm 99%
Thu nhập tính trên mỗi cổ phiếu quý gần nhất: âm 0,48 USD, giảm từ mức 0,39 USD
Tỷ lệ sở hữu nội bộ: 1,0%
Sự kiện chính: phá sản theo Chương 11 Luật phá sản Mỹ

Là hãng mẹ của công ty hàng không American Airlines, AMR đã công bố phá sản cách đây chưa lâu. CEO Gerard Arpey từ chối lời mời Hội đồng quản trị công ty đề nghị ông ở lại vị trí này, có lẽ vì không đủ dũng cảm để đối mặt với hậu quả của những gì ông đã làm tại công ty từng một thời là hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ. Sai lầm trong quản lý lớn nhất gần đây của ARM là không thể giải quyết được mâu thuẫn với các phi công, khiến Phố Wall mất niềm tin. Giới đầu tư liên tục bán tháo cổ phiếu ARM trong vòng 1 tháng trước khi công ty này phá sản.

Tuy nhiên, sai lần lớn nhất của Arpey là quyết định không hợp nhất American Airlines với một nhà bay Mỹ lớn hơn. Trong khi đó, vụ sáp nhập giữa United Airlines và Continental Airlines đã giúp hai hãng này tiết kiệm được khoản chi phí lớn ngoài những lợi ích khác. Hai hãng Delta Airlines và Northwest Airlines cũng hợp nhất vì lý do tương tự. “Một mình một ngựa”, American Airlines nằm ngoài xu hướng cắt giảm chi phí của ngành hàng không Mỹ.

4. Eastman Kodak

Tên CEO (thời gian lãnh đạo tính đến hiện tại): Antonio Perez (6 năm)
Biến động giá cổ phiếu tính từ đầu năm: giảm 79%
Thu nhập tính trên mỗi cổ phiếu quý gần nhất: giảm 419% còn âm 0,83 USD
Tỷ lệ sở hữu nội bộ: 1,8%
Sự kiện chính: có nguy cơ phá sản theo Chương 11 Luật phá sản Mỹ

Từ chỗ là một công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ ảnh và kỹ thuật số, trong mắt giới đầu tư, Kodak giờ đã trở thành một nhà nắm giữ tài sản sở hữu trí tuệ cần bán. Tuy nhiên, tới nay, Kodak vẫn chưa nhận được một lời chào mua khả thi nào đối với danh mục sở bằng sáng chế mà hãng đang nắm giữ. Thời gian cho tới khi Kodak nộp đơn xin phá sản có lẽ chỉ còn tính từng này.

Trong không ít trường hợp, Kodak khiến giới đầu tư tin là họ đã bị lừa. Mùa hè năm nay, Kodak phát tín hiệu hãng có đủ tiền để hoạt động đến cuối năm, nhưng vài tuần sau lại tuyên bố phải đi vay 160 triệu USD. Giá cổ phiếu Kodak ngay lập tức giảm dưới 1 USD - điều khó tin đối với một cổ phiếu mới năm 2004 còn nằm trong chỉ số công nghiệp Dow Jones. Để lựa chọn các phương án phá sản, Kodak thuê rồi lại sa thải hãng luật Jones Day, sau đó thuê công ty Sullivan Cromwell. Những động thái này cho thấy lãnh đạo Kodak thậm chí không quyết định nổi đâu là các nhà tư vấn hợp lý nhất. Kodak gần như không còn lựa chọn nào khác ngoài xin phá sản, vì không còn tiền để chi trả cho các nghĩa vụ nợ. CEO Antonio Perez tới giờ vẫn khăng khăng cho rằng, Kodak sẽ đạt lợi nhuận trong năm tới, nhưng có lẽ chẳng ai tin ông.

5. Bank of America (BoA)

Tên CEO (thời gian lãnh đạo tính đến hiện tại): Brian Moynihan (3 năm)
Biến động giá cổ phiếu tính từ đầu năm: giảm 57%
Thu nhập tính trên mỗi cổ phiếu quý gần nhất: 0,56 USD, tăng từ mức âm 0,77 USD
Tỷ lệ sở hữu nội bộ: 0,2%
Sự kiện chính: tuyên bố sa thải 30.000 nhân viên

Ngân hàng từng một thời lớn nhất nước Mỹ BoA đang loay hoay giữa một bên là thuyết phục Phố Wall rằng tình hình kinh doanh của họ là tốt và một bên là tìm mọi cách để huy động vốn - một việc làm chứng tỏ tình hình ở BoA không ổn. Giới đầu tư mất niềm tin vào BoA khi lãnh đạo ngân hàng này cố gắng né tránh đến tương lai của số khoản vay bất động sản trị giá gần 2.000 tỷ USD, trong đó phần không nhỏ đã biến thành nợ xấu. Ngoài ra, BoA còn đối mặt với những vụ kiện cáo buộc nhà băng này đưa ra thông tin gian dối khi tiếp thị các loại chứng khoán bảo lãnh bằng nợ dưới chuẩn.

CEO Brian Moynihan tìm cách trấn an Phố Wall bằng những lời đảm bảo rằng ngân hàng của ông có đủ dự trữ tiền mặt để vượt qua sóng gió khi nền kinh tế gặp khó khăn, nhưng ngay sau đó lại chấp nhận khoản vốn 5 tỷ USD mà tỷ phú Warren Buffett rót cho với những điều khoản không mấy dễ chịu. Ngoài ra, CEO này còn cho bán số cổ phần giá trị trong Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc. Cùng với việc huy động vốn, BoA còn thông báo sẽ sa thải 30.000 nhân viên, một tín hiệu cho thấy họ chưa sẵn sàng cho cuộc kiểm tra năng lực tài chính (stress test) mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiến hành vào năm tới.

6. Gap

Tên CEO (thời gian lãnh đạo tính đến hiện tại): Glenn Murphy (4 năm)
Biến động giá cổ phiếu tính từ đầu năm: giảm 13%
Thu nhập tính trên mỗi cổ phiếu quý gần nhất: giảm 3% còn 0,35 USD
Tỷ lệ sở hữu nội bộ: 44%
Sự kiện chính: tuyên bố đóng cửa 21% số cửa hiệu

Gap gặp vấn đề trong việc điều hành các thương hiệu Gap, Banana Republic, Old Navy và Atheleta. Tháng 11 là tháng tiếp theo trong chuỗi thời gian chứng kiến sự đuối sức về doanh số của Gap. Doanh số của thương hiệu Gap tại Bắc Mỹ trong tháng 11 giảm 2% so với cùng kỳ năm trước, của Old Navy giảm 7%. Doanh số thị trường quốc tế của hãng giảm 9%.

Trong tháng 10, Gap làm một điều mà không một nhà bán lẻ nào muốn làm là đóng cửa một loạt cửa hiệu tại Bắc Mỹ. Theo kế hoạch, Gap sẽ xóa sổ 21% cửa hiệu, tương đương 200 điểm bán hàng, trong thời gian từ nay đến năm 2013. Lãnh đạo của Gap chưa thể tìm ra được một công thức để giữ chân khách hàng đang tìm đến ngày một nhiều với các hãng đối thủ như J. Crew, Abercrombie & Fitch hay American Eagle Outfitters.

7. Hewlett-Packard (HP)

Tên CEO (thời gian lãnh đạo tính đến hiện tại): Meg Whitman (chưa đầy 1 năm)
Biến động giá cổ phiếu tính từ đầu năm: tăng 22%
Thu nhập tính trên mỗi cổ phiếu quý gần nhất: tăng 7% lên 0,12 USD
Tỷ lệ sở hữu nội bộ: 3,1%
Sự kiện chính: thay CEO

HP được nhiều người nhìn nhận là doanh nghiệp Mỹ lớn nhất sở hữu một Hội đồng quản trị yếu kém. Hội đồng quản trị này trong hai năm liên tiếp sa thải hai vị CEO là Mark Hurd và Leo Apotheker, trước khi thuê bà Meg Whitman-  cựu CEO của eBay - vào vị trí này mà không cần tính toán nhiều. Ngay cả việc thuê Apotheker về làm CEO cũng là một sai lầm của HP, thể hiện qua việc giá cổ phiếu của hãng lao dốc trong thời kỳ CEO này đương chức. Thậm chí, Apotheker còn từng "liều lĩnh" lên kế hoạch bán lại mảng máy tính cá nhân (PC) của HP. CEO Whitman thì chưa từng điều hành một hãng công nghệ lớn nào.

Sau một loạt những động thái khiến giới đầu tư “toát mồ hôi” của HP, kết quả kinh doanh của hãng xấu đi. Kể từ khi Mark Hurd bị sa thải, Hội đồng quản trị của HP không thể đưa ra nổi một kế hoạch chiến lược hay một đội ngũ điều hành đủ năng lực. Khi HP công bố kết quả kinh doanh quý gần nhất, hãng cho biết doanh thu sẽ giảm xuống dưới mức kỳ vọng trong năm tài khóa tới, trong khi đó các đối thủ như IBM hay Oracle luôn công bố kết quả kinh doanh quý sau tốt hơn quý trước.

8. Groupon

Tên CEO (thời gian lãnh đạo tính đến hiện tại): Andrew Mason (3 năm)
Biến động giá cổ phiếu tính từ đầu năm: (Groupon mới IPO hôm 11/3) giảm 3%
Sự kiện chính: giá cổ phiếu giảm 40% ngay sau khi IPO

Trước khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), Groupon đã gặp phải vấn đề về niềm tin. Công ty này đến nay chưa từng đạt lợi nhuận. Năm ngoái, Groupon lỗ 390 triệu USD trên doanh thu 313 triệu USD. Từ quý 1 đến quý 3 năm nay, công ty lỗ thêm 308 triệu USD trên doanh thu 1 tỷ USD. Loạt dữ liệu tài chính đầu tiên của Groupon khi tiến hành IPO khiến giới phân tích “hoảng hốt”, làm sứt mẻ uy tín của công ty thương mại điện tử theo phương thức “mua theo nhóm” này.

Trước đó, Groupon đã sử dụng các phương pháp kế toán “phi truyền thống” làm bức tranh tài chính sáng hơn thực tế. Ngoài ra, ban điều hành của Groupon cũng loay hoay không lý giải nổi công ty sẽ làm thế nào để đối mặt với sự cạnh tranh từ các website tương tự như Living Social hai các sản phẩm liên quan mà Google hay các nhà bán lẻ lớn như Wal-Mart tung ra.

9. Netflix

Tên CEO (thời gian lãnh đạo tính đến hiện tại): Reed Hastings (14 năm)
Biến động giá cổ phiếu tính từ đầu năm: giảm 60%
Thu nhập tính trên mỗi cổ phiếu quý gần nhất: tăng 66% lên 1,16 USD
Tỷ lệ sở hữu nội bộ: 8,9%
Sự kiện chính: tăng giá dịch vụ và bị khách hàng xa lánh

Trong tháng 7 năm nay, hãng cho thuê phim trực tuyến tăng giá dịch vụ 60%. Bị khách hàng kịch liệt phản đối, Netflix ứng phó bằng cách tách đôi hai mảng hoạt động video trực tuyến và cho thuê đĩa DVD, rồi lại hợp nhất một vài ngày sau đó. Tuy nhiên, chỉ vì cách làm này mà Netflix mất 800.000 khách hàng. Mới đây, hãng đã mạnh tay cắt giảm dự báo kết quả kinh doanh quý tới và cho biết sẽ thua lỗ trong năm 2012.

Chưa hết, vào cuối tháng 11 vừa qua, Netflix tuyên bố cần huy động 400 triệu USD vì khoản thua lỗ dự báo cho năm tới. Giới đầu tư lo ngại, chi phí mà Netflix bỏ ra để mua bản quyền các chương trình sẽ lớn hơn tăng trưởng doanh thu của hãng. Đầu năm nay, lãnh đạo Netflix vẫn tin là mình sẽ làm ăn có lãi trong năm tới, vì không lường trước được mức tăng trưởng chi phí mua nội dung chương trình. Họ cũng không lường được việc tăng phí dịch vụ 60% là một cách “đuổi khéo” khách hàng.

(Theo Vneconomy)

  • 10 công ty lãi lớn nhất thế giới
  • “Âm thầm” danh tiếng Siemens
  • VISA vì chữ tín, nhờ chữ tín
  • Triết lý cuộc sống từ bữa sáng
  • 'Kẻ đi săn' đa quốc gia và số phận thương hiệu Việt
  • Ý tưởng nhỏ làm nên thương hiệu lớn
  • Khủng hoảng: Đã có hàng hiệu giá rẻ!
  • 10 doanh nghiệp điều hành tốt nhất năm 2011
  • 5 bí quyết xây dựng thương hiệu cá nhân cho CEO
  • Thương hiệu Việt: Của vô chủ, ai nhanh tay thì lấy!
  • Những thương hiệu xa xỉ nhất thế giới năm 2011
  • Làm mới thương hiệu từ thương hiệu nhánh
  • SOS cuộc chiến giữ thương hiệu: Hết cà phê lại đến nước mắm
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com