Tại các hệ thống bán lẻ, con số hơn 90% hàng hóa trên kệ là hàng Việt đang minh chứng cho tinh thần ủng hộ hàng Việt, và sự thay đổi tích cực trong xu hướng tiêu dùng của người dân.
Tuy nhiên, có một thực tế là phần lớn hàng tiêu dùng có tên tuổi trong xã hội là hàng do các công ty liên doanh hoặc công ty 100% vốn nước ngoài sản xuất tại Việt Nam.
“Made in Vietnam” hay “Made by Vietnam”?
Có thể thấy, chưa lúc nào các chủ trương hỗ trợ, kích thích người Việt dùng hàng Việt lại được quan tâm và đẩy mạnh như hiện nay. Nhất là từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, một chương trình kích cầu chống giảm phát, khuyến khích tiêu dùng tập trung vào hàng Việt. Phong trào kêu gọi tiêu dùng hàng Việt được dấy lên toàn xã hội. Và một tư duy tiêu dùng mới cũng được hình thành bằng hành động nói không với các loại hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng… Các hoạt động đó đã kích thích tiêu dùng và sản xuất của doanh nghiệp trong nước. Bởi ủng hộ doanh nghiệp Việt sẽ góp phần tạo việc làm cho người Việt, sử dụng nguyên vật liệu do người Việt sản xuất. Và lợi nhuận thu về nằm chắc trong túi người Việt Nam.
Tuy nhiên, có một thực tế là phần lớn hàng tiêu dùng có tên tuổi trong xã hội là hàng do các công ty liên doanh hoặc công ty 100% vốn nước ngoài sản xuất tại Việt Nam. Chỉ cần nhìn các kệ hàng hóa - mỹ phẩm, điện máy điện tử, thậm chí rau quả ở các siêu thị là thấy rõ điều này. Hàng hóa nước ngoài sản xuất trên đất Việt đều được dán nhãn “Made in Viet Nam” (tức được sản xuất tại Việt Nam). Và người Việt cứ thế tự hào về những mặt hàng “Made in Việt Nam” mà quên rằng, phần lớn hàng hóa “Made in Việt Nam” lại không thuộc về người Việt. Những hàng hóa ấy sử dụng không nhiều nguyên liệu do người Việt làm ra, giá trị gia tăng tạo ra trong sản phẩm không thuộc về người Việt. Cuối cùng, lợi nhuận chảy ra khỏi biên giới quốc gia. Cái mà người Việt có được không gì ngoài chỗ làm được trả công rẻ, chưa kể những tác động có hại môi trường.
Trong khi đó, không nhiều các doanh nghiệp “thuần túy Việt Nam”, sản xuất ra hàng hóa “Made by Việt Nam”, (tức do người Việt Nam sản xuất), lại ít nhận được sự tín nhiệm và trung thành của người tiêu dùng trong nước. Ngay cả các DN thực sự thành công và có “số má” trong danh sách các nhà sản xuất hàng hóa mà thế giới đang tiêu dùng, cũng chưa được nhìn đúng giá trị thực.
“Thủ phạm” văn hóa sính ngoại
Việc chưa trân trọng giá trị của chính mình, dẫn đến khó khẳng định được thương hiệu thể hiện rõ ở các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh. Ngay cả doanh nghiệp mà 90% sản lượng làm ra để xuất khẩu đến các nước tiên tiến như may Việt Tiến, thì cái tên Việt Tiến vẫn chưa được người nước ngoài biết đến. Ông Bùi Văn Tiến, Tổng Giám đốc Công ty CP may Việt Tiến xác nhận, 90% sản phẩm Việt Tiến tạo ra được xuất khẩu dưới nhãn mác của các hãng thời trang có tên tuổi trên thế giới. Và không ít người Việt ra nước ngoài sẵn lòng mua chiếc áo được quy đổi bằng tiền triệu, khi về mới phát hiện hàng “Made in Vietnam” do Việt Tiến sản xuất. Trong khi trong nước, chiếc áo Việt Tiến cùng loại chỉ có giá vài trăm ngàn đồng, nhưng chưa chắc đã tạo ra niềm vui cho người sở hữu nó như chiếc áo mua ở hải ngoại.
Văn hóa tiêu dùng mang tâm lý sính ngoại của người Việt đã bóp chết hàng Việt. Theo chuyên gia tư vấn phát triển thương hiệu Đoàn Đình Hoàng, nếu kêu gọi người dân ủng hộ hàng Việt bằng khẩu hiệu thì chưa đủ. Phải học hỏi cách làm của người Hàn Quốc, Nhật Bản, đó là dựng rào cản vô hình bằng lòng tự trọng dân tộc. Theo ông Hùng, hầu như 100% người dân Hàn tiêu dùng hàng nội. Những người dùng hàng ngoại sẽ bị lên án. Chỉ khi tinh thần tự tôn dân tộc được gieo sâu vào tư duy người Việt, thì Thương hiệu Việt mới có chỗ đứng vững chắc.
Ông Giản Tư Trung - Chủ tịch, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, thì cho rằng muốn xây dựng thương hiệu quốc gia, nhất thiết phải có một tư duy toàn cầu. Đã đến lúc chúng ta chú trọng đến yếu tố “Made by Vietnam” hơn là “Made in Vietnam”. Bởi việc sản xuất ở đâu không còn quan trọng, quan trọng là làm ra bởi người Việt Nam. Các thương hiệu nổi tiếng của Nhật Bản như Sony, Toshiba, Panashonic... có thể sản xuất ở Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, nhưng vẫn thành công trên thế giới, là vì chúng “Made by Japan”.
(Báo Đất Việt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com