Không tên tuổi bằng mắm Phú Quốc, Phan Thiết..., nước mắm xứ Huế đang tìm cách khẳng định thương hiệu ở thị trường miền Trung bằng việc phát huy yếu tố gia truyền, áp dụng kỹ thuật mới, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Vài năm trước, nước mắm Huế chỉ sản xuất theo hướng truyền thống nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra chủ yếu tiêu thụ tại chỗ. Không chấp nhận để nghề truyền thống bị mai một, lãng phí nguồn nguyên liệu, các cơ sở đã mạnh dạn đầu tư công nghệ mới, mở rộng sản xuất, đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nhờ chuyên gia chuyển giao kỹ thuật, kết hợp với bí quyết gia truyền. Nhờ đó, nước mắm Huế dần tạo được chỗ đứng tại khu vực miền Trung.
Bà Nguyễn Thị Vân, chủ cơ sở chế biến nước mắm Thành Vân (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) cho biết, năm 2004, bà được Sở Công nghiệp TT- Huế (nay là Sở Công Thương) hỗ trợ lãi vay ngân hàng 170 triệu đồng, kết hợp vốn tự huy động 70 triệu đồng, gia đình đầu tư xây dựng cơ sở chế biến nước mắm trên diện tích 2ha.
Nghề mắm truyền thống tại Huế. Ảnh: Thuận Phong. |
Từ nguồn vốn khuyến công và phát huy bí quyết chế biến gia truyền cơ sở Thành Vân cho ra hai dòng sản phẩm chính là mắm nhỉ từ cá cơm, cá nục và nước mắm ruốc. Bước đầu do bó hẹp thị trường, cơ sở chỉ sản xuất cầm chừng 1.000 lít mắm/năm. Sau khi quảng bá sản phẩm tại các hội chợ thương mại…, cơ sở Thành Vân đã nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các đại lý tiêu thụ trong nước.
“Ban đầu, sợ không kham nổi nên cơ sở Thành Vân chỉ ký hợp đồng cung ứng sản phẩm mỗi năm dè chừng ở mức 500 lít mắm cho các đầu mối tỉnh xa. Hiện cơ sở đầu tư thêm 100 triệu đồng để mở rộng dây chuyền sản xuất và đã tìm kiếm thêm hợp đồng cung ứng mới với khoảng 1.000 lít nước mắm/năm”, bà Vân nói.
Tương tự, khi mới bắt tay đầu tư sản xuất, cơ sở chế biến nước mắm Đảnh Vân (xã Phong Hải, huyện Phong Điền) cũng gặp không ít khó khăn do nằm xa các trung tâm thương mại. Sản phẩm làm ra chỉ tiêu thụ nhỏ lẻ. Tranh thủ vốn đầu tư khuyến công của tỉnh, sau một thời gian nghiên cứu thị trường, chú trọng kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, nước mắm Đảnh Vân đã tạo được sự chú ý của khách hàng và các đầu mối tiêu thụ nhiều nơi.
Chị Hoàng Thị Đảnh, chủ cơ sở chế biến cho biết, ban đầu, cơ sở mắm Đảnh Vân sản xuất trên 2.000 lít sản phẩm, với thị trường tiêu thụ chủ yếu ở thành phố Huế, Phong Điền, Nam Đông, A Lưới... Khi tên tuổi của Thành Vân được khẳng định, mỗi năm cơ sở đã sản xuất hơn 20.000 lít mắm, thị trường vươn tới Đà Nẵng, Bình Định, Quảng Bình và xuất sang cả Thái Lan. Cơ sở Đảnh Vân đang xúc tiến đầu tư thêm một dây chuyền sản xuất để mở rộng bán hàng đến TPHCM và Hà Nội.
Chị Đảnh cho biết, nhờ sản xuất hiệu quả, cơ sở đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động địa phương, với mức thu nhập trên 1,5 triệu đồng/tháng. Nơi đây còn là “hậu phương” cho dịch vụ nghề cá của xã, mỗi năm tiêu thụ gần 100 tấn sản phẩm hải sản tại địa phương.
Là vùng đất có thế mạnh về nghề mắm cả trăm năm nay, với khoảng 400 cơ sở chế biến lớn nhỏ, sản lượng hàng năm đạt trên dưới 100.000 lít.
(Theo Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com