Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sống bám thương hiệu lớn

Một nhà nghỉ tư nhân quy mô nhỏ chỉ 12 phòng bỗng làm ăn phát đạt, lượng khách tăng mạnh khi treo biển nhái thương hiệu của một ông lớn trong làng viễn thông VN.

Nằm ngay mặt tiền phố Trần Duy Hưng, Hà Nội, nhà nghỉ dễ thu hút tầm mắt người qua đường với tấm biển to sơn đỏ đề dòng chữ "Nhà nghỉ" kèm theo logo của tập đoàn viễn thông nọ. Nhiều người tưởng đại gia có tiếng trong làng viễn thông và công nghệ thông tin Việt Nam này chuyển sang lĩnh vực kinh doanh mới. Thế nhưng, theo tìm hiểu của VnExpress.net, nhà nghỉ này không có bất kỳ quan hệ nào với tập đoàn viễn thông này.

Ông chủ nhà nghỉ cho biết ý tưởng mượn tên xuất hiện từ khi cổ phiếu của đại gia nổi như cồn trên sàn chứng khoán Việt Nam hồi năm 2007. Tuy nhiên, mãi tới cuối tháng 11/2008, ông chủ mới quyết định chuyển từ tên Sóng Hồng sang dùng thương hiệu nổi tiếng cho khu nhà nghỉ bình dân của mình, sau khi đã cơi nới, sửa sang phòng ốc cho đẹp đẽ và bắt mắt.

Nhiều thương hiệu mạnh đều có nguy cơ bị nhái. Ảnh: thuonghieu.

Việc đổi tên được lý giải là nhằm kích thích sự tò mò của khách hàng khi đến đây. Quả thực, lượng khách đã tăng lên đáng kể, công suất sử dụng cũng cao hơn gần gấp đôi bình thường. Những ngày lễ, Tết, 12 phòng nghỉ tại đây đều chật kín người thuê. Để không hổ danh “thương hiệu lớn” nhà nghỉ này cũng liên tục cơi nới, nâng cấp phòng ốc cho rộng rãi, thoáng mát với sàn gỗ, điều hòa hai chiều, tủ lạnh, TV màn hình rộng, truyền hình cáp với 60 kênh.

"Chúng tôi không nhái thương hiệu của tập đoàn viễn thông nó, mà chỉ mượn chữ cái trong logo của họ. Màu sắc mỗi chữ cũng khác, không phải giống hệt của họ".

Đại gia viễn thông lại không nghĩ như vậy. Ông lớn cho rằng sử dụng logo công ty như trên đã ảnh hưởng đến uy tín của tập đoàn vì toàn bộ logo, màu sắc và tên gọi đã được đăng ký bản quyền. Công ty sẽ yêu cầu phía nhà nghỉ hạ biển và "dọa" sẽ khởi kiện nếu tấm biển kia không được di dời.

Một khách sạn nổi tiếng nằm ở khu vực quận Tây Hồ (Hà Nội) cũng bị mượn tên tuổi mà không biết. Đầu năm nay, cách khách sạn chỉ vài bước chân, bỗng mọc lên một quán karaoke có tên và logo y chang khách sạn. Mở hàng được vài hôm, khách khứa tấp nập ra vào, song không hiểu sao chủ quán lại đổi sang tên mới, song khối logo tròn vẫn giữ nguyên, treo ngay cửa ra vào.

Đại diện khách sạn khẳng định họ không đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ giải trí như vậy. "Song nhỡ báo chí đăng tin một quán karaoke mang tên gọi như vậy, uy tín của khách sạn cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Rất may là họ đã đổi tên", vị đại diện truyền thông của khách sạn này nói.

Sự ra đời ồ ạt các doanh nghiệp mới trong thời gian gần đây đã làm nảy sinh vấn đề trùng tên, trùng nhãn hiệu, logo giữa các doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp sinh sau lấy trùng thương hiệu, logo của doanh nghiệp hoạt động trước không chỉ dừng lại ở sự nhầm lẫn mà cả một ý đồ xấu. Tuy nhiên, pháp luật điều chỉnh ở vấn đề này còn mới.

Công ty TNHH Hiệp Long ở Bình Dương thành lập hơn 10 năm, thương hiệu đã được đăng ký bảo hộ. Nhưng đến 2007, công ty bỗng dưng phát hiện một doanh nghiệp ở Quảng Ngãi cũng lấy tên tương tự. Lãnh đạo khách sạn Majestic (TP HCM) cũng không khỏi giật mình khi phát hiện ở Vũng Tàu xuất hiện một khách sạn có tên Majestic.

Theo Cục Sở hữu Trí tuệ, một khi doanh nghiệp bị đơn vị khác đặt trùng thương hiệu, nhái logo, nên làm đơn khiếu nại gửi về Cục đề nghị giải quyết. Pháp luật sẽ bảo hộ cho thương hiệu, logo của người đăng ký trước hoặc sử dụng trước.

Luật sư Bạch Thanh Bình, Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh cho rằng về nguyên tắc, nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ theo ngành hàng. Giả dụ tập đoàn viễn thông trên đã được bảo hộ nhãn hiệu, và trong giấy phép đăng ký kinh doanh có chức năng kinh doanh dịch vụ lưu trú, khách sạn. Như vậy, nhà nghỉ trên đường Trần Duy Hưng đã xâm phạm nhãn hiệu. Ngược lại, nếu đại gia viễn thông kia không có chức năng kinh doanh dịch vụ lưu trú, khách sạn, một công ty khác kinh doanh lĩnh vực này vẫn có thể hoạt động với tên của công ty này.

Nhưng có một cách khác, doanh nghiệp nên bảo vệ quyền lợi của mình một khi thương hiệu bị copy. Đó là cách chứng minh sự nổi tiếng của thương hiệu. Khi đó, doanh nghiệp có quyền yêu cầu bảo hộ khi có người khác sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu của mình, cho dù họ có kinh doanh cùng ngành hàng hay không. Doanh nghiệp cũng có quyền kiện nếu việc sử dụng đó gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.

Điều 75 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về Tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng:

Các tiêu chí sau đây được xem xét khi đánh giá một nhãn hiệu là nổi tiếng:

1. Số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo;

2. Phạm vi lãnh thổ mà hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành;

3. Doanh số từ việc bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hóa đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp;

4. Thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu;

5. Uy tín rộng rãi của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu;

6. Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu;

7. Số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng;

8. Giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu.

Điều 129. Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý

1. Các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:

a) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;

b) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ;

c) Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ;

d) Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hóa, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hóa, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.

(Theo Phan Linh Anh // Vn Express)

  • 10 công ty lãi lớn nhất thế giới
  • “Âm thầm” danh tiếng Siemens
  • VISA vì chữ tín, nhờ chữ tín
  • Triết lý cuộc sống từ bữa sáng
  • 'Kẻ đi săn' đa quốc gia và số phận thương hiệu Việt
  • Giữ thương hiệu thời khủng hoảng
  • Thương hiệu thành công ở châu Á
  • Bí quyết xây dựng thương hiệu tại châu Á
  • Tự làm hoen ố thương hiệu
  • Tại sao Việt Nam không có thương hiệu nổi tiếng?
  • Đi tìm thương hiệu mới
  • Nghịch lý nông sản Việt
  • Nước mắm Hà Tĩnh:Ít thương hiệu, nhiều tiềm năng Kỳ 1: Những thương hiệu cấp làng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com