Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đầu tư là tạo ra giá trị cộng thêm

Ông Quang Nguyễn.

 Draper Fisher Jurvetson (DFJ) vừa được TechCrunch (*) bình chọn là quỹ đầu tư đứng đầu Top 100 nhà đầu tư mạo hiểm trên toàn cầu, đặc biệt ở vai trò liên kết mối quan hệ giữa các công ty con trong hệ thống.


TBVTSG có cuộc trò chuyện với ông Quang Nguyễn, Giám đốc Quỹ đầu tư DFJ VinaCapital, thành viên của DFJ, đã hoạt động tại Việt Nam từ năm 2006.


- TBVTSG: Việc DFJ được đánh giá là quỹ đầu tư mạo hiểm số một trên toàn cầu có tác động gì đến các nhà khởi nghiệp Việt Nam không, thưa ông?


- Ông Quang Nguyễn:
 - DFJ là mạng lưới các quỹ đầu tư và các công ty được đầu tư trên khắp thế giới. DFJ đã rất thành công khi kết nối các công ty và các quỹ lại với nhau để tạo nên giá trị liên kết toàn cầu.

 


Theo TechCrunch thì sự liên kết này tạo nên giá trị và lợi nhuận cho các nhà đầu tư trong quỹ DFJ. DFJ VinaCapital (DFJV) chỉ là một thành viên trong mạng lưới này. Dĩ nhiên, chúng tôi hãnh diện khi DFJ được bình chọn là quỹ đầu tư thành công nhất, nhất là xét ở góc độ quan hệ giữa các công ty con.


Việc DFJ được đánh giá là nhà đầu tư số một thế giới bởi TechCrunch đã chứng minh cho chiến lược đầu tư đúng đắn của VinaCapital khi hợp tác với DFJ.


Từ trước đến nay, VinaCapital cho rằng sức mạnh của tập đoàn chính là sự kết hợp hài hòa giữa các công ty mà VinaCapital đã đầu tư vào. Với hơn 200 công ty tại Việt Nam trong mạng lưới VinaCapital và hệ thống 3.000 công ty của DFJ trên thế giới, DFJV là sự chọn lựa có uy tín cho các nhà khởi nghiệp tại Việt Nam muốn được hỗ trợ cả trong lẫn ngoài nước.


Việc đánh giá này cũng xác định vai trò của nhà đầu tư mạo hiểm là không chỉ cung cấp vốn cho doanh nhân khởi nghiệp, mà quan trọng hơn, còn tạo sự kết nối giữa những công ty non trẻ với nhau và với các công ty đã thành công trên thương trường. Các nhà khởi nghiệp cũng sẽ yên tâm hơn rằng khi được đầu tư bởi mạng lưới DFJ thì việc kêu gọi đầu tư vào các đợt sau đó sẽ có nhiều cơ hội hơn do tính chất liên kết giữa các quỹ đầu tư trong hệ thống DFJ.


Kết quả bình chọn nói trên là tin vui cho DFJV, tuy nhiên thực tế cho thấy vai trò số một của hệ thống DFJ toàn cầu chưa thể hiện được ở thị trường Việt Nam. Theo ông vì sao ?


- Vai trò của DFJV ở thị trường Việt Nam vẫn chưa rõ nét khi có nhiều sự kết hợp giữa các công ty của DFJV và DFJ chưa được công bố vì tính chất bảo mật. Sự thể hiện này sẽ rõ nét hơn khi các công ty này lên sàn chứng khoán. Lúc đó, các thông tin sẽ trở nên rõ ràng hơn. Một lý do khác là mạng lưới DFJ trong vai trò đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam vẫn còn non trẻ.


Thời gian 10 năm không phải là dài cho các công ty khởi nghiệp và cho các quỹ đầu tư mạo hiểm. Xin nhớ rằng các công ty như eBay, Amazon... đã cần một khoảng thời gian 5-7 năm để chứng tỏ mô hình kinh doanh của mình là khả thi. Chúng tôi tin rằng trong thời gian ngắn sắp tới, sự kết hợp giữa các công ty thuộc DFJV sẽ mang đến những tiện ích cho cộng đồng và khả năng cạnh tranh cao hơn nhiều.


- Trong đầu tư (mạo hiểm), việc trao đổi “chất xám” giữa các nhà khởi nghiệp Việt Nam và thế giới là gì, theo kinh nghiệm của ông ?


- Phải thành thật mà nói, khả năng sáng tạo của các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam còn nhiều giới hạn. Chúng ta thường mô phỏng các công ty đã thành công ở nước ngoài, địa phương hóa các mô hình ấy. Chính vì vậy, hầu như mỗi khi tiếp xúc với một nhà khởi nghiệp tại Việt Nam, chúng tôi liền nhận thấy một công ty “na ná” các công ty trong hệ thống của DFJ toàn cầu.


Mặt khác, việc tìm thấy một công ty “na ná” như thế đã giúp chúng tôi tư vấn cho các nhà khởi nghiệp tại Việt Nam có hiệu quả hơn, khỏi phải trả giá cho những sai lầm mà các công ty tương tự đã mắc phải. Việc tận dụng chất xám, học hỏi kinh nghiệm như thế chỉ có thể có được khi các công ty khởi nghiệp làm việc trong một mạng lưới các công ty của DFJ.


Và sau khi chúng tôi bỏ vốn vào doanh nghiệp thì quan hệ giữa các doanh nghiệp cùng ngành trong hệ thống càng chặt chẽ. Sự lưu thông những ý tưởng giữa các công ty này là giá trị cộng thêm mà không phải nhà đầu tư mạo hiểm nào cũng có thể cung cấp được.


- Ông đánh giá như thế nào về thị trường dịch vụ CNTT Việt Nam hiện nay khi có nhiều ý kiến cho rằng sự tiến triển (hay hiệu quả) là khá chậm so với những gì các quỹ đầu tư kỳ vọng ?


- Không dễ gì biết được hiệu quả của một quỹ đầu tư sau vài ba năm hoạt động. Các công ty khởi nghiệp thường cần từ 5-7 năm mới thật sự trưởng thành, rồi mới nói đến chuyện lên sàn chứng khoán. Hơn nữa, sự chững lại của nền kinh tế thế giới trong năm qua cũng làm chậm đi quá trình trưởng thành này. Tôi không cho là hiệu quả của đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam là chậm.


Đầu tư mạo hiểm không giống như mua bán chứng khoán hay xây dựng chung cư hoặc cao ốc văn phòng, kết quả của việc đầu tư mạo hiểm chỉ được đánh giá đúng đắn khi công ty được đưa lên sàn hoặc bị phá sản (mà phá sản cũng là một bộ phận cấu thành hữu cơ trong quá trình đầu tư mạo hiểm). Tuy nhiên, hai việc này chưa từng xảy ra tại Việt nam cho đến nay.


- Định hướng đầu tư của DFJV ra sao trong giai đoạn tới, nhất là giai đoạn nền kinh tế phục hồi ?


- Chúng tôi đang nỗ lực làm việc với nhiều công ty khởi nghiệp, tìm hiểu khả năng về quản lý lẫn công nghệ của họ. Chúng tôi cũng nghiên cứu về các thị trường mà các công ty này nhắm tới. Chúng tôi làm việc với nhau và bổ sung các kinh nghiệm cho nhau trong việc quản lý điều hành các công ty non trẻ này. Sử dụng các mối quan hệ mật thiết trong hệ thống VinaCapital, chúng tôi giúp thiết lập quan hệ đối tác mà các bên cùng có lợi.


Lúc này là thời gian tốt nhất để làm những kế hoạch chi tiết, phân tích tiềm năng thị trường cho những ngành công nghệ khác nhau. Khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi, các công ty khởi nghiệp sẽ tự tin mở rộng thị phần, thâm nhập thị trường. Chúng tôi tin tưởng vào tiềm năng của thị trường Việt Nam và vào giá trị mà mình mang lại cho các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam.

______________________________________________________

(*) TechCrunch là một hệ thống các trang web chuyên ngành về công nghệ mới trên Internet, chuyên đánh giá các xu hướng công nghệ mới một cách độc lập. TechCrunch cũng là nơi giúp định hình xu hướng kinh doanh trong các công ty khởi nghiệp.

 

(Theo Tuyết Ân thực hiện // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Núi tiền khổng lồ của chúa đảo Tuần Châu
  • Nhà họ Lee mất dần quyền kiểm soát Samsung
  • Anh em Bầu Thụy hết nổ và chán nổi
  • Suy nghĩ về tiền theo tư duy của triệu phú
  • CEO cao giá chưa chắc làm việc hiệu quả
  • CEO và CFO hãng xe hơi hạng sang Porsche từ chức
  • CEO Palm: Chúng tôi tự tin trên thị trường smartphone
  • Bernard Peillon - Tôi luôn đề cao các giá trị văn hóa trong marketing
  • Trò chuyện với CEO : Thay đổi để mở rộng
  • Về hưu, cựu CEO GM được nhận khoảng 20,2 triệu USD
  • 9 sự thật kinh ngạc về Bill Gates
  • Trận đối đầu kịch tính của hai nữ CEO xuất sắc
  • Huyền thoại Apple tái xuất
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com