Chiều 18/11, Hội thảo phát triển Doanh nghiệp nữ nằm trong khuôn khổ phiên 3 thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã được diễn ra với chủ đề Doanh nhân nữ trong thời kỳ hội nhập.
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch SEABank, Chủ tịch KinhValley đã chia sẻ một số kinh nghiệm nhằm tăng năng lực cạnh tranh sau khi đưa ra một số điểm hạn chế của các DN do phụ nữ làm lãnh đạo. Theo bà, để tăng năng lực cạnh tranh cho các DN do phụ nữ làm lãnh đạo, trước hết cần tăng cường sự hỗ trợ từ bên ngoài; Cần có những cơ chế, chính sách để hỗ trợ, tuyên truyền, tôn vinh phụ nữ; Xây dựng chiến lược, kế hoạch, mục tiêu kinh doanh rõ ràng và chủ động thực hiện... Và điều quan trọng đó là cần nỗ lực, chủ động, tích cực phấn đấu của bản thân trong mỗi nữ doanh nhân.
Bà Phạm Thị Loan – Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Thương mại Công nghiệp Việt Á, Chủ tịch Hiệp hội nữ Doanh nhân Hà Nội năm 2008 – 2013 cho rằng, muốn phát triển mạng lưới các tổ chức hỗ trợ Doanh nhân nữ cần thực hiện các biện pháp và kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế ở các ngành và địa phương.
Đồng ý kiến với bà Nguyễn Thị Nga, bà Loan cho biết, để hỗ trợ các doanh nhân nữ trong các hoạt động kinh tế và xã hội, phát triển cả về số lượng và chất lượng cần thông qua các kênh truyền thông để tuyên truyền, phổ biến gương người tốt việc tốt nhất là các nữ doanh nhân tiêu biểu của địa phương, của ngành, của các Hiệp hội. Bên cạnh đó cần có sự chỉ đạo và hướng dẫn cụ thể của các Bộ ngành, tổ chức thực hiện thường xuyên, liên tục, có đánh giá tổng kết và biểu dương khen thưởng kịp thời các địa phương, đơn vị, cá nhân làm tốt, trong đó có các doanh nhân nữ. Các Bộ, Ban, ngành cần có những chính sách và chế độ giúp cho các doanh nhân nữ có thêm nhiều cơ hội để phát triển doanh nghiệp. Bà cũng cho rằng, các Hiệp hội nhất là Hội phụ nữ các cấp, Hiệp hội DNNVV ở các địa phương cần có sự chỉ đạo, hướng dẫn và tiếp sức cùng các chị em làm kinh tế, phát triển DN và thành lập các câu lạc bộ nữ Doanh nhân.
Bà nhận định, việc hội nhập và giao lưu quốc tế cũng cần thiết cho các doanh nhân nữ, vì vậy bà đề nghị Hiệp hội DNNVV Việt Nam, VCCI cần giúp các doanh nhân nữ có thêm điều kiện và cơ hội tham gia các diễn đàn Quốc tế, tổ chức các hội thảo, các chuyến tham quan học hỏi ở trong nước cũng như ở ngoài nước.
Sau khi đưa ra những nét chung về doanh nhân nữ tại Việt Nam như trình độ học vấn, cơ hội, vị trí ảnh hưởng xã hội đối với nữ doanh nhân, khuynh hướng của nữ doanh nhân hiện nay và quan điểm về giới trong doanh nhân, những trở ngại của doanh nhân nữ... bà Lê Thị Thu Thủy – Trưởng phòng trung tâm Hỗ trợ DNNVV (VCCI) đã có những đề xuất với hy vọng sự phát triển kinh doanh của phụ nữ sẽ tiến xa hơn trong thời kỳ hội nhập. Bà Thủy mong muốn VCCI xây dựng năng lực cho các CLB doanh nhân nữ và các Hiệp hội doanh nghiệp (HHDN) để nâng cao chuyên môn trong cung cấp dịch vụ; Duy trì liên hệ giữa các CLB doanh nghiệp nữ và các tổ chức cung cấp dịch vụ phát triển kinh doanh để tạo ra sự hợp lực và xây dựng sức mạnh cho cả hai dạng tổ chức này; Hỗ trợ tăng cường vai trò của các doanh nhân nữ trong các HHDN; Có dịch vụ thích hợp hơn cho nữ doanh nhân và đảm bảo rằng các HHDN đại diện cho nam và nữ ngang bằng nhau. Có chiến lược lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào các chương trình đào tạo và chương trình hỗ trợ cho các HHDN.
( theo báo diễn đàn doanh nghiệp )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com