Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Steve Jobs – Người thách thức trào lưu công nghệ

Hồi giữa tháng Giêng, khi tập đoàn công nghệ hàng đầu Apple loan báo kỳ nghỉ dưỡng vô thời hạn của Steve Jobs thì một lần nữa công chúng nhận ra rằng không phải Steve Jobs gắn chặt với Apple mà Apple cần đến khuôn mặt đã trở thành thương hiệu kinh tế tri thức của vị tổng giám đốc tài ba này, người mà cuộc đời gần như gắn liền với việc chinh phục những thách thức.

Thực ra cái tên đã trở thành khuôn mặt lớn của nền kinh tế tri thức này được các vị cha mẹ nuôi Paul và Clara ưu ái đặt cho, cả ngày tháng năm sinh (24-2-1955) cũng vậy. Trong khi nền kinh tế tri thức chỉ thực sự mạnh lên từ giữa thập niên 1990 thì Steve Jobs đã biết đánh giá cao nó qua cuộc đời lăn lộn từ thuở nhỏ. Căn bản của tri thức (knowledge) trong thời đại ngày nay là thông tin (information) và ông xứng đáng là một trong những người đi đầu trong việc tiếp nhận, lựa lọc và chế biến chúng thành các sản phẩm hữu ích như thể người thợ làm bánh biết pha trộn các nguyên liệu để nặn ra cái bánh, rồi cũng biết phải nướng nó vào lúc nào và trong bao lâu để đem đến cho thực khách đúng lúc sốt dẻo nhất.

Vào đời

Steve Jobs (phải) và Steve Woznick vào thời điểm trước khi Steve Jobs rời Apple năm 1985.

Có thể việc nhận học vị tiến sĩ sẽ mãi là một điều xa vời đối với Steve Jobs. Sau khi rời trường Trung học Cupertino rồi Homestead, Steve xin vào học nghề trong xưởng Palo Alto của hãng Hewlett-Packard và sau đó được nhận làm công nhân thời vụ để rồi từ đó làm quen với người bạn tri kỷ Steve Woznick. Vào năm 1972, Steve có nộp đơn vào Reed College ở Portland (Oregon) nhưng chỉ theo nổi có một học kỳ. Dẫu vậy, chàng thanh niên nghèo đam mê công nghệ này vẫn theo học ngoại khóa trong khi phải ở nhờ trên gác nhà của một người bạn, đi bộ hơn 10 cây số vào ngày Chủ nhật hằng tuần để đến ăn một bữa làm phúc ở đền Hare Krishna và đi thu đổi vỏ chai Coca để kiếm tiền.

“Tôi thật sự thích cuộc sống đó. Và chính những gì đã xem, nghe, thấy, khám phá bằng trí tò mò và tri giác của tuổi trẻ… lúc đó đã biến thành những kinh nghiệm quý báu cho tôi sau này”, ông kể trong bài phát biểu tại lễ trao bằng tốt nghiệp của trường đại học danh tiếng Stanford (Mỹ) vào giữa năm 2005.

Mùa thu năm 1974, Steve trở về California quê nhà và làm công nhân kỹ thuật cho hãng sản xuất trò chơi video (video game) Atari. Ở đó Steve tham gia vào Câu lạc bộ Homebrew Computer và gặp lại Steve Wozniack lúc đó đã là một kỹ sư điện tử. Cả hai nhận thêm việc cải tiến bảng điều khiển trò chơi Breakout cho Atari với giao ước nếu bớt đi một con chip sẽ được thưởng 100 đô-la Mỹ. Họ đã làm giảm 50 con chip điều khiển, nhưng trớ trêu là chỉ nhận được 350 đô-la mỗi người. Năm sau kỹ sư Wozniack trình bày sản phẩm đầu tay thuộc dòng mikrocomputer-CPU tại câu lạc bộ, và người chú ý nhiều nhất đến khả năng kinh doanh chiếc máy thô thiển này.

lại là Steve. Khát vọng cháy bỏng được đôi bạn tri kỷ này chia sẻ cùng với Ronald Wayne, và rồi cơ hội đến khi viên giám đốc bán hàng hồi hưu Mike Markkula của hãng Intel động viên và tài trợ bước đầu, vào ngày 1-4-1976 công ty Apple Computer Inc. làm lễ ra mắt ngay bên trong căn nhà trước đó mấy ngày được sử dụng làm garage.

Khát vọng thành công

Steve Jobs và máy tính Macintosh.

Nếu có ai nói Steve khát vọng làm giàu thì điều này đúng vì cả đôi bạn nghèo đều đã gia nhập vào hàng triệu phú trong năm 1980. Nhưng thực ra khát vọng cháy bỏng trong họ nhắm tới việc cung cấp cho người sử dụng một thứ công cụ để suy nghĩ. Năm 1976, khi máy tính Apple I ra đời thì chỉ có hai nhà sản xuất mikrocomputer-CPU là Intel và Motorola. Chỉ một năm sau Steve đưa Apple II ra thị trường và phổ biến dòng máy tính cá nhân vào đời sống hằng ngày. Sau đó, việc Steve nhận ra khả năng thương mại hóa của giao diện sử dụng đồ họa điều khiển bằng con chuột đã dẫn đến sự ra đời của chiếc máy tính huyền thoại Macintosh trong năm 1984.

Nhận thấy công việc làm ăn ngày thêm khấm khá cần có nhà quản lý chuyên nghiệp, Steve đã động viên Giám đốc điều hành hãng nước ngọt Pepsi John Sculley gia nhập Apple và đến năm 1983 thì để Sculley làm Tổng giám đốc. Nhưng mâu thuẫn từ hai cách định hướng phát triển khác nhau đã đẩy hai người xa nhau. Sculley tiếp tục đưa con thuyền về bờ phá sản trong năm 1990 trong khi Steve hướng

Steve Jobs tại lễ ra mắt iPad 2 ngày 2-3-2011.

đến tham vọng hình thành các loại máy tính hoàn hảo và thành lập nên NeXT Inc. với những ý tưởng đột phá trong giao diện đồ họa và tích hợp ethernet. Về sau John Sculley đã nhận xét về Steve rằng: “Ông ấy đoán biết máy vi tính sẽ làm thay đổi thế giới, thậm chí ông ấy còn mô tả nó sẽ thành chiếc xe đạp chở tư tưởng con người và cho phép mỗi cá nhân một năng lực thần sầu mà trước đó người ta chẳng bao giờ tưởng tượng nổi”.

Quên đi mọi chuyện để con người tự do hơn, sáng tạo hơn. Triết lý nặng tính Phật giáo đó đã thấm vào Steve trong những ngày luyện thiền ở Ấn Độ. Ông trở về California và mua lại hãng Lucasfilm với giá 10 triệu đô-la rồi biến nó thành xưởng phim hoạt hình 3D nổi tiếng Pixar Animation Studios nhờ ứng dụng công nghệ tạo hình máy tính (computer-generated imagery, CGI). Pixar thành công đến độ Walt Disney phải chấp nhận làm nhà phân phối và tài trợ theo một thỏa ước vào năm 1991 nhằm giảm đi một đối thủ. Bộ phim hợp tác đầu tiên Toy Story (Câu chuyện đồ chơi) mang về 360 triệu đô-la trong khi vốn đầu tư chỉ 30 triệu đô-la. Ngày 24-1-2006 Walt Disney Pictures quyết định mua lại Pixar với giá 7,4 tỉ đô-la và Steve Jobs trở thành cổ đông cá nhân lớn nhất. Đến đây người ta càng nhận ra rằng chỉ với Steve thì Apple Computer Inc. mới có thể phát triển đúng mức, và năm 1996 họ đã tìm cách mua lại NeXT với giá 429 triệu đô-la để tạo cớ mời Jobs trở lại Apple Computer.

Ra đi và trở về

Steve Jobs giới thiệu iPhone.

Khi Steve Jobs trở về với Apple và được Hội đồng quản trị bầu vào vị trí tổng giám đốc ngày 9-7-1997 thì môi trường kinh doanh đã thay đổi, với sự cạnh tranh quyết liệt của những người khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ. Ngay lập tức ông công bố kế hoạch hợp tác với Microsoft để phát triển Microsoft Office để chạy trên Macintosh, đưa dòng máy Mac trở thành sản phẩm chủ lực cho giai đoạn phục hồi của Apple 1998-2005. Cũng trong năm 2005, tập đoàn quyết định thay đổi đối tác truyền thống IBM, chuyển sang hợp tác với Intel và dòng máy tính chạy trên nền Intel ra đời từ năm 2006. Ngày 9-1-2007 Apple Computer đổi thành Apple Inc. để khởi đầu thời đại điện tử di động kể từ mốc thời gian 1-7-2007.

Thực ra thời đại điện tử di động của Apple đã bắt đầu từ ngày 23-10-2001 khi Steve tung ra máy nghe nhạc iPod khai thác kho nhạc trực tuyến iTunes khổng lồ của hãng. Sự thành công đến sớm với 75% thị phần tại Mỹ và hàng trăm triệu chiếc bán ra trên toàn cầu đã không làm Steve vội vàng. Phải đến tháng 1-2007 ông mới công bố iPhone, một kiểu điện thoại di động thông minh tích hợp Internet và các ứng dụng của iPod. Tháng Sáu năm đó

iPhone trở thành dòng chính trong các điện thoại thông minh.

dòng máy ra đời và chẳng bao lâu đã bán hết sáu triệu chiếc đầu tiên. Ngày 27-1-2010 Apple giới thiệu dòng máy tính bảng iPad chạy hệ điều hành iOS như một công cụ di động đa tương tác cùng một lúc với nhiều phương tiện truyền thông như đọc báo, tra cứu sách vở, xem hình ảnh, chiếu video, nghe nhạc, soạn văn bản và các ứng dụng khác của điện thoại thông minh iPhone.

Một năm rưỡi sau thời kỳ ghép gan và sau khi Steve Jobs được Financial Times bầu chọn là nhân vật của năm 2010, ngày 17-1-2011 Apple lại loan báo một kỳ nghĩ dưỡng mới của vị tổng giám đốc mà tên tuổi đã trở thành thương hiệu. Cho dù ông vẫn xuất hiện khỏe mạnh vào ngày 2-3-2011 để công bố iPad 2, các cổ đông vẫn lo ngại giá trị cổ phần của Apple giảm xuống. Nhưng thực tế đã không như vậy, cũng như hai kỳ nghỉ dưỡng trước đó vào các năm 2004 và 2009, bộ máy Apple vẫn chạy trơn tru nhờ vào định hướng “thị trường hẹp” đang mang lại hiệu quả. Steve đã nhận ra “cái tối thiểu” của thị trường để từ đó biến cái không thể thành cái có thể. Ông biết rằng người thợ khai thác mỏ chỉ có thể cạy được tảng đá nhờ đưa cây xà-beng vào đúng khe hẹp của vách đá chứ không phải cố sức để bưng nó. iPod, iPhone, iPad đã ra đời từ những “khe hẹp” đó, và người ta nhận ra rằng Steve không chỉ giỏi về khai thác thông tin mà còn biết làm cho chúng trở thành mây mù che phủ mục tiêu cho đến khi chắc chắn đạt đến thành công.

____________________________________

Tài liệu tham khảo:

Công ty công nghệ thông tin Apple Inc.

http://en.wikipedia.org/wiki/Apple_Inc.

Gương mặt công nghệ thông tin Steve Jobs

http://en.wikipedia.org/wiki/Steve_Jobs

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Núi tiền khổng lồ của chúa đảo Tuần Châu
  • Nhà họ Lee mất dần quyền kiểm soát Samsung
  • Anh em Bầu Thụy hết nổ và chán nổi
  • Suy nghĩ về tiền theo tư duy của triệu phú
  • CEO cao giá chưa chắc làm việc hiệu quả
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com