|
Sự liên doanh đã làm cho Tập đoàn Dược phẩm Pfizer’s Home Remedy trở thành một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới.
Hiện nay, Giám đốc điều hành (CEO) Jeff Kindler đang có kế hoạch làm cho doanh thu của công ty tăng cao bằng cách đi từ những việc làm nhỏ!
Ngay sau khi nắm chức vụ tổng giám đốc điều hành vào năm 2006, Jeff Kinler đã phát hiện ra rằng Pfizer là một công ty rất phức tạp.
Phức tạp ở đây không phải theo nghĩa mà chúng ta thường nghĩ ở những công ty đa quốc gia với hơn 80.000 nhân viên rải khắp thế giới mà phức tạp ở đây hoàn toàn chính xác theo nghĩa đen.
Thâu tóm đối thủ
Ngồi bên chiếc bàn gỗ trong văn phòng của mình ở tầng thứ 23, một tòa nhà cao tầng nằm ngay khu trung tâm Manhattan, thành phố New York, Jeff Kindler, đang chứng minh điều mình vừa nói, ông vừa chỉ lên bản đồ đầy màu sắc trên tường vừa nói công ty trước kia có các phòng thí nghiệm hoạt động rải rác ở 10 nước khác nhau, bây giờ ông rút lại chỉ còn 6.
Kế tiếp, ông chỉ lên biểu đồ các nghiên cứu sáng chế cho thấy từ 475 đề tài, ông đã cắt giảm hơn một nửa, chỉ còn 224 đề tài. Ông cũng đề nghị thu nhỏ lại công ty và điều chỉnh bộ phận nghiên cứu cho thích ứng với tình hình hiện nay.
“Chúng ta cần phải nhanh nhẹn và nhạy bén hơn trước”, Kindler - người đã từng là luật sư của Pfize từ năm 2002, nói : “Đây là một cơ cấu tổ chức lớn, phức tạp và phải được đơn giản hóa”.
Kindler cho rằng, bằng cách bỏ bớt những thủ tục hành chính rườm rà sẽ góp phần đưa các sản phẩm thuốc tiếp cận thị trường nhanh hơn.
Thuốc chữa xơ cứng động mạch (cholesterol) Lipitor 2011, quả bom tấn của Pfizer trước đó được dự đoán sẽ đạt doanh thu khoảng 48 triệu USD, nhưng trên thực tế thì doanh thu của nó cao ngất ngưởng, vọt hẳn ra ngoài biểu đồ doanh thu.
Thuốc Lipitor và một nhóm thuốc dự đoán sẽ thu về doanh thu khổng lồ như Viagra đã giúp Pfizer có doanh thu ổn định trong suốt thời kỳ khủng hoảng kinh tế, hơn 2 tỷ USD doanh thu ở 6 trong 7 quý gần đây (trừ một qúy vì phải thanh toán việc chi trả cho Liên bang), điều này làm cho Pfizer đạt được hạng thứ 11 trong các tập đoàn đạt doanh thu cao nhất thế giới vào năm 2007, do tạp chí Fortune bình chọn.
Kindler biết rằng ông không thể tin cậy mãi vào doanh thu của một sản phẩm duy nhất nhưng ông cũng cần có thời gian để thực hiện trọn vẹn kế hoạch cải tổ hoạt động trong công ty và khuyến khích các nhà nghiên cứu sáng tạo ra các loại thuốc mới.
Vì vậy, vào tháng 1/2009, Pfizer thông báo đề nghị thâu tóm công ty địch thủ Wyeth với giá 68 tỷ USD, điều này ngay lập tức làm cho các sản phẩm của Công ty Wyeth trở thành sản phẩm bán chạy nhất, 6 loại thuốc mang về khoảng hơn 1 tỷ USD vào năm ngoái, 8 loại thuốc tiềm năng dự kiến sẽ đưa ra thị trường cuối năm nay và 4 loại khác đang chờ Hội đồng Khoa học chuẩn y.
Sau khi loan báo việc sáp nhập, Pfizer cắt tiền lãi để trả các kkhoản nợ liên quan nhằm mục đích thực hiện hợp đồng nhanh hơn, điều này đã làm các nhà đầu tư giận dữ. Les Funtleyder, nhà phân tích y tế ở Miller Tabak tại thành phố New York, nói: “Trong lịch sử thương mại, những sự sáp nhập lớn chưa bao giờ mang đến thành công”.
Công ty dự kiến sẽ cắt giảm 15% chi phí lao động (đó là một phần của kế hoạch cắt giảm 2 tỷ USD cho đến năm 2011), và song song đó là lên kế hoạch cải tổ lại cơ cấu tổ chức đối với những nhân viên được giữ lại.
Mạnh tay cải tổ
Khi Kindler mới được bổ nhiệm, ông đã ngạc nhiên khi khám phá rằng có đến 14 văn phòng quản trị nằm giữa ông và các nhà nghiên cứu đang làm việc tại 21 địa điểm khác nhau trên toàn thế giới. Ông đã giảm xuống còn 8 văn phòng. Vấn đề địa lý cũng được thay đổi cho hợp lý hơn.
Các nhà nghiên cứu về sinh vật học và hóa học cộng tác trong công việc nghiên cứu cùng một loại thuốc trước kia thường ở các nơi khác nhau thì nay chỉ còn 4 phòng nghiên cứu và phát triển (R&D) chính và phần lớn các chuyên viên ở mỗi phòng nghiên cứu sẽ tập trung làm cùng một công việc giống nhau.
Sự quan liêu trong công ty cũng là vấn đề lớn. Art Krieg - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kỹ thuật của công ty, phải thốt lên khi nghĩ đến chuyện gia nhập công ty này năm 2008: “Tôi nghĩ tôi phải được sự đồng ý của 20 phòng ban để có thể lấy được một cái kẹp giấy”.
Kindler, khi còn là Giám đốc điều hành ở Boston Market (là một đơn vị của McDonald’s), ông đã giải tán 100 cửa hàng làm ăn không hiệu quả, song song đó, ông cho ra nhiều thực đơn mới và xếp đặt lại các ghế ngồi ở những khu công cộng.
Bài học từ đó là bất kể bán gà hay bán thuốc, điều cần thiết là phải loại bỏ ngay lập tức những điều lạc hậu, quan liêu, có vậy mới có thể nghĩ đến chuyện giành chiến thắng.
Theo Kindler, Pfizer cần phải đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và hoàn thiện sản phẩm để có thể đưa chúng ra thị trường nhanh nhất có thể nhưng cũng phải biết “tiêu diệt” các nghiên cứu không hiệu quả.
Các phòng nghiên cứu trước kia được phép có từ 300-400 ghế thì nay Kindler và các cộng sự của ông giảm xuống còn lại 150 ghế, bên cạnh đó, nhiều chính sách được đưa ra để khuyến khích khả năng sáng tạo của những người ở lại.
Ông ủy nhiệm các trưởng phòng nghiên cứu được quyền tính toán và quyết định về số phận của các phát minh sáng chế thay vì phải chờ đợi hàng tuần để các ban hội thẩm xem xét và đưa ra quyết định.
Đầu năm nay chẳng hạn, sau 2 giờ làm họp mặt để xem xét và thảo luận về một hợp chất chống ung thư mới, các nhà nghiên cứu đã đi đến kết luận là đưa đề án này ra khỏi danh sách tiếp tục nghiên cứu, điều này gợi nhớ về câu nói nổi tiếng của Kindler “tiêu diệt sớm và thường xuyên”.
Để quản lý sự cải tổ của R&D và chuẩn bị cho việc sát nhập với các nhân viên của Công ty Wyeth khi hợp đồng hoàn tất, Kindler chia nhóm nghiên cứu ra làm 2, bổ nhiệm Martin Mackay, nhà khoa học làm việc với Pfizer đã được hơn một thập kỷ nay, chịu trách nhiệm về những sản phẩm truyền thống của công ty như Viagra và Lipitor; và Giám đốc R&D của Wyeth là Mikael Dolsten, chịu trách nhiệm về nhóm nghiên cứu các sản phẩm chữa bệnh.
Tuy rằng nhiều loại thuốc của Pfizer không phải là nguyên mẫu nhưng Công ty luôn luôn sở hữu một danh tiếng tốt về chất lượng thuốc và khả năng hợp tác với các nhà buôn giỏi trong việc đưa thuốc ra thị trường.
Nhưng thị trường ngày nay đã thay đổi và sẽ không bao giờ có thể lặp lại như xưa nữa, vì vậy, Kindler chủ trương rằng từ giờ trở đi, Pfizer sẽ chỉ tập trung đến những sản phẩm thuốc mà thị trường có nhu cầu cao nhưng chưa có loại thuốc nào thực sự hữu hiệu, đó là các sản phẩm thuốc trên 6 lĩnh vực khác nhau là: ung thư, bệnh lãng trí tuổi già, giảm đau, tiểu đường, viêm nhiễm và tâm thần.
Có lẽ một ví dụ hay nhất của Kindler về việc quản lý là ông để mắt đến tất cả các phòng thí nghiệm của công ty, dù lớn hay nhỏ. Một trong những phòng nghiên cứu của công ty nằm trong một tòa nhà khiêm tốn của ngân hàng Charles River ở Cambridge, Massachusetts - cách một trung tâm nghiên cứu khác của công ty khoảng 200km, Conn.
Trung tâm ở Conn này rộng đến nỗi cần phải đi xe bus để có thể đi đến từ khu nhà này đến khu nhà kia trong phạm vi trung tâm. Các nhà nghiên cứu ở khu vực này nghiên cứu về sinh học y tế, các thuốc sinh học chữa bệnh, từ đó họ sáng tạo ra các loại thuốc hóa học phân tử phức tạp. Mảng nghiên cứu này của công ty đang phát triển cực kỳ nhanh chóng và trong tương lai sẽ trở thành tiềm năng kinh doanh.
Kindler luôn nói với các nhân viên của mình là họ không những nên đi đến những vùng đất sáng tạo sinh học mà còn khuyến khích họ hãy đặt lòng tin vào chính công việc của mình.
Cũng theo ông, số lượng công việc không bằng chất lượng công việc, do vậy, một phát minh về một loại thuốc thị trường cần nhưng chưa có loại đặc biệt hữu hiệu sẽ được đánh giá cao hơn những phát minh về loại thuốc tương tự hữu hiệu đang lưu hành trên thị trường.
Với phương châm chỉ tập trung vào một số loại thuốc nhất định, Kindler tin chắc điều này sẽ đẩy mạnh nghiên cứu và sản xuất những loại thuốc cần thiết, có giá trị kinh doanh cao. “Quy luật thị trường là bao giờ cũng mở rộng với những sản phẩm có giá trị”, ông Kindler nói.
Kindler mong muốn Pfizer sẽ đẩy mạnh thế mạnh của mình vào giai đoạn 3 (Giai đoạn cuối cùng trứơc khi được Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ -FDA, chấp thuận), ông hy vọng sẽ tiến cử từ 24 đến 28 loại thuốc mới cho đến cuối năm nay, và hy vọng 15 trong số đó sẽ được chấp thuận trong năm 2010 - 2012.
Số lượng thuốc đưa ra thị trường sẽ là động lực cảm hứng cho các nhà nghiên cứu, hấp dẫn các nhà đầu tư, và tăng doanh thu - và điều cuối cùng, dĩ nhiên, là để chứng minh phương pháp làm việc của ông là đúng đắn!
Những lọai thuốc bán chạy nhất của Pfizer:
Lipitor:Thuốc cholesterol bán chạy nhất thế giới, đạt doanh thu 12,4 tỷ USD năm 2008.
Viagra:Viên nhỏ màu xanh dương, phục vụ qúy ông trong chuyện phòng the, xuất hiện lần đầu tiên trên thị trường vào năm 1998, mặc dù bị cạnh tranh dữ dội nhưng nó vẫn giữ kỷ lục doanh thu đáng nể 1,9 tỷ USD vào năm 2008.
Sutent:Thuốc chữa ung thư thận và u ruột được chấp thuận năm 2006 và hiện đang được đưa vào thí nghiệm về khả năng chữa bệnh ung thư vú và ung thư tuyết tiền liệt. Doanh thu đạt 847 triệu USD năm 2008.
Những loại thuốc thất bại nhất của Pfizer:
Trovan:Vào tháng 6/1999, FDA giới hạn khả năng kháng sinh của lọai thuốc này do có những bằng chứng về tổn thương gan khi sử dụng.
Bextra:Thuốc giảm đau. Sau 3 năm lưu hành, Pfizer ngưng sản xuất và lưu hành vì có bằng chứng về dị ứng da khi sử dụng.
Exubera:In-su-lin chữa bệnh tiểu đường. Ngưng sản xuất và lưu hành từ tháng 10/2007.
(Theo Anh Hoa // VnEconomy // Fortune)
Bài thuộc chuyên đề: Giám đốc điều hành - CEO ( tổng hợp )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com