Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Maximillian Busser và cú nhảy vào miền vô định

Có thể nói, Maximillian Busser là một nhân vật danh tiếng trong giới sản xuất và kinh doanh đồng hồ tại Thụy Sĩ và trên thế giới.
40 tuổi, anh đã có 15 năm kinh nghiệm trong ngành đồng hồ, và báo chí đánh giá rằng, “trong 15 năm ấy, anh đã kịp làm được những gì mà một công xưởng sản xuất đồng hồ cũng không làm nổi trong 50 năm”! 

Trước kia, anh là giám đốc Makerting cho hãng Jaeger-LeCoultre. Từ năm 1998, khi chuyển về làm việc cho Harry Winston, Max mới có một khoảng không lớn để vẫy vùng sáng tạo.

Bấy giờ, Harry Winston đã được biết đến với những chiếc đồng hồ nạm kim cương tuyệt diệu của mình. Nhưng Max không bằng lòng với những chiếc đồng hồ chỉ đơn giản là đồ trang sức trên tay các quý bà, quý ông như thế.

Ở cương vị giám đốc điều hành Harry Winston Rare Timepieces, Maximillian Busser đề xuất thiết kế một series đồng hồ đặc biệt mang hiệu Opus, mỗi năm được làm từ tay một người thợ khéo, hoàn toàn là “lính mới” trong ngành sản xuất đồng hồ, nhưng lại có những phá cách đặc biệt khác thường. Có thể nói, ý tưởng này của Max đã làm cho tên tuổi của hãng Harry Winston thực sự tỏa sáng.

Sau 5 năm Opus “hoành hành” trên thị trường, năm thứ 6, Max bất ngờ rời bỏ Harry Winston, khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp. Tiền tài, danh vọng và sự trọng thị của đồng nghiệp – anh đã rời bỏ tất cả để bước vào một cuộc phiêu lưu mới, như một chú bé con bắt đầu theo đuổi ước mơ của mình.

Biết theo đuổi ước mơ

Đúng vậy, một doanh nhân thành đạt ở độ tuổi 40 vẫn có những ước mơ thầm kín của riêng mình. Max thường suy nghĩ, mục đích thực sự trong cuộc đời của anh là gì? Và anh bắt đầu vẽ dần cho mình những kế hoạch thực hiện ước mơ – một công ty của riêng mình, nơi tập trung những người thợ làm đồng hồ hàng đầu thế giới, nơi người ta sẽ sáng tạo ra những mẫu vật khác thường, sẽ là “sân chơi chung” của những người thợ đồng chí hướng.

Max tự nhận việc anh rời bỏ Harry Winston là “cú nhảy cầu” từ trên cao rơi xuống miền vô định. Nhưng ở đó ước mơ của anh sẽ được định hình. Năm 2005, anh lập công ty Maximillian Busser & Friends.

Đương nhiên, không thể chỉ ngồi mà ước mơ. Max là một nhà kinh doanh biết mơ ước! Ban đầu, để lập MB&F, anh không có đủ vốn đầu tư. Anh nảy ra ý đề nghị những nhà bán lẻ tin tưởng vào mình mà … trả tiền trước 2 năm cho những chiếc đồng hồ tương lai! “Ngài đùa đấy à?” – Một số nhà bán lẻ đã phản ứng như thế trước lời đề nghị của anh.

Nhưng rút cuộc, cũng có đến 5 hãng bán lẻ đủ “hài hước” và niềm tin vào con người tài năng này mà đồng ý điều kiện đưa ra.  Và Max có được một nửa số vốn đầu tư ban đầu cho doanh nghiệp của mình.

Mọi người bảo Max “to gan”, liều mạng. Nhưng thực ra, anh chỉ là người biết theo đuổi ước mơ!

Đánh giá cao tính đồng đội

Ngay từ khi bắt tay vào dự án Opus, Max đã hiểu sâu sắc rằng, việc Harry Winston bắt tay với những nghệ nhân sản xuất đồng hồ tự do và cùng làm việc như một ekip trong các dự án riêng đã đem đến hiệu quả cao gấp 10 lần bình thường. Và hoạt động của anh cũng chỉ có ý nghĩa nếu anh biết cách làm việc với tinh thần đồng đội, ăn ý. Vì thế, anh đã chọn cái tên “Max và những người bạn”.

Hiện giờ, “những người bạn” của Max cùng chung lưng đấu cật với anh – từ nghệ nhân, thợ làm các chi tiết nhỏ đến nhà tạo mẫu đồng hồ, quản lý dự án, chuyên gia tài chính, người giới thiệu sản phẩm… - cả thảy chỉ vỏn vẹn 31 người.

Họ gọi công ty của mình một cách rất giản dị: “Phòng thí nghiệm sáng tạo”, nơi mỗi năm lại ra đời một mác đồng hồ mới với kiểu dáng và tính năng khác hơn cái trước. Những sản phẩm của Max đem lại cho người chiêm ngưỡng cảm giác thán phục và đôi chút bàng hoàng, không lẽ ý tưởng sáng tạo của con người là vô hạn? Max không gọi các tác phẩm của anh và những người bạn là “đồng hồ”, mà là “cỗ máy” – Horological Machine No1, No2… và hiện giờ, họ đang cho ra đời những “cỗ máy” số 6.

Mỗi một “cỗ máy” có điểm nhấn riêng của mình. Và Max biết cách sử dụng điểm mạnh của từng người thợ vào mục đích tạo được đặc trưng của chiếc đồng hồ độc đáo.

Max cho biết: “Chúng tôi sẽ mãi mãi chỉ là một công ty nhỏ, đó là điều tôi mong muốn. Horological Machine No.1 chúng tôi chỉ sản xuất có 100 chiếc, Horological Machine No.2 – 500 cái…”. Hẳn nhiều người sẽ rất ngạc nhiên, vì sao một doanh nghiệp đang được biết đến như vậy lại không muốn mở rộng việc kinh doanh của mình.

Max cho rằng, việc thành lập MB&F không phải là một quyết định kinh doanh, mà là lựa chọn của cuộc đời!

Mục đích các hoạt động của MB&F không chỉ là sáng tạo ra những mẫu mã đồng hồ “điên rồ” như người ta tưởng, mà trong tương lai, công ty này sẽ là nơi cung cấp các công nghệ sản xuất đồng hồ mới, những nghệ nhân và chuyên gia sành việc cho các doanh nghiệp mới chân ướt chân ráo vào làng sản xuất đồng hồ, hoặc muốn kết hợp chuyển giao công nghệ.

Thay đổi cái nhìn khuôn mẫu về sự thành công

Max thích kể lại một câu chuyện thế này: Anh có người bạn thân rất mê sưu tầm hiện vật nghệ thuật đương đại. Một lần, họ cùng đi ngắm tranh ở triển lãm. Những bức mà Max thích thì anh bạn không thích, đến khi anh bạn chọn một tác phẩm, thì Max kêu lên: “Các vàng tớ cũng không treo bức này trong phòng khách của tớ!” .

Anh bạn cười giễu cợt: “Tác phẩm hội họa sinh ra không phải để cho cậu treo trong phòng khách chết tiệt của cậu! Những gì cậu chỉ cho mình từ nãy đến giờ đều không phải nghệ thuật đích thực mà chỉ là đồ trang trí đèm đẹp thôi, tiện dụng vì hợp với rèm, với giấy bồi tường, với bàn với ghế nhà cậu. Còn nghệ thuật phải thể hiện được những cảm xúc mãnh liệt chất chứa trong mình, nó không dành để khoe mẽ!”.

Và những tác phẩm đồng hồ của Max và các bạn anh cũng vậy, chúng được làm ra không phải để thỏa mãn tất thảy khách hàng trên thế giới và để móc tiền từ túi họ.

Max cho rằng, sẽ có 95% người sử dụng đồng hồ nhướng mày bĩu môi khi nhìn thấy sản phẩm của anh. Nhưng với anh, 5% còn lại, những người đón nhận những chiếc đồng hồ kỳ lạ này với niềm hân hoan và thán phục – đó chính là thành công lớn của Maximillian Busser & Friends.


(Theo báo Tiền Phong)

  • Núi tiền khổng lồ của chúa đảo Tuần Châu
  • Nhà họ Lee mất dần quyền kiểm soát Samsung
  • Anh em Bầu Thụy hết nổ và chán nổi
  • Suy nghĩ về tiền theo tư duy của triệu phú
  • CEO cao giá chưa chắc làm việc hiệu quả
  • Nữ chiến lược gia 'chân đất' của đế chế Pepsi
  • CEO Ford nhận lương 1 USD
  • CEO GM lái xe vượt gần nghìn cây số xin giải cứu
  • Ông chủ cảng biển tư nhân đầu tiên của Ấn Độ
  • David Lawrence Geffen - tỷ phú trong thế giới điện ảnh
  • Liliane Bettencourt - Nữ hoàng vương quốc L’Oreal
  • Ông "bán Hambuger" làm xôn xao giới nghệ thuật Italia
  • Giám đốc Điều hành AIG nhận lương... 1 USD/năm
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com