Nước Italia tuy sở hữu số lượng di sản văn hoá lớn nhất thế giới; nhưng khi nhắc đến vấn đề tài chính liên quan tới những giá trị đó thì người Italia chắc chắn khó có thể "mạnh mồm".
Có lẽ nhận thấy được điều đó nên Bộ trưởng Bộ Văn hoá Italia Sandro Bondi đã phải lên tiếng yêu cầu quốc gia này hãy biến những bảo tàng và các công trình kiến trúc cổ của mình thành những cỗ máy in tiền. Đi kèm với lời tuyên bố trên là quyết định bổ nhiệm ông Mario Resca - người đã có hơn 12 năm điều hành chi nhánh tại Italia của nhãn hiệu đồ ăn nhanh McDonald - vào làm Giám đốc Ban Điều hành, phát triển bảo tàng và di sản Italia.
Những động thái của ngài bộ trưởng đã khiến giới nghệ sĩ Italia tức giận. Theo họ, với một người không hề có chút kinh nghiệm nào trong quản lý nghệ thuật như ông Resca, Chính phủ Italia đang hướng tới một "nền văn hoá ăn nhanh" hay một "McCaravaggio và Coca cỡ vừa" (ghép từ tên của danh hoạ Caravaggio và McDonald).
Chức vụ mới của Mario Resca như một "tổng quản lý", chịu trách nhiệm việc xét duyệt các khoản tiền và điều tiết các các sự kiện triển lãm lớn về văn hoá và khoa học. Một chiến dịch phản đối Resca đã được phát động rầm rộ tại các cuộc hội thảo liên quan tới văn hoá, di sản cũng như được tung lên mạng. Cho đến nay đã có hơn 1000 người tham gia, phần lớn trong số họ là những giám đốc bảo tàng, sử gia nghệ thuật từ khắp nơi trên thế giới.
Nhân vật chính Mario Resca thẳng thắn thừa nhận mình có thể không phải là sự lựa chọn tốt nhất cho vị trí đó nhưng lại tự tin khẳng định rằng mình có đủ khả năng để có thể đem lại nhiều nhất từ những nguồn lực quốc gia "chưa được khai thác triệt để". Di sản văn hoá Italia là một "tài sản mang tính chiến lược như dầu lửa vậy", Resca cho biết, "tất nhiên, bạn phải quan tâm, bảo vệ chúng nhưng chúng có những giá trị mà bạn có thế phát huy được".
Có ý kiến cho rằng việc lựa chọn ông Resca sở dĩ gây nhiền dư luận như vậy vì Bộ trưởng Bondi đã không tư vấn với các quan chức cấp cao của Bộ Văn hoá. "Nếu ngài bộ trưởng chịu lắng nghe, ông ấy sẽ biết rằng hệ thống bảo tàng không thực sự cần một ông chủ mà là một ai đó linh hoạt hơn và phải được làm việc độc lập", Daniele Lupo Jalla - Chủ tịch quốc gia của Hội đồng Quốc tế các Bảo tàng - cho biết.
Anh này cũng nhận xét thêm rằng vấn đề của các bảo tàng ở Italia không phải do thiếu người lãnh đạo mà là quy mô lớn của các di sản khiến chi phí bảo tồn lên rất cao.
Trước tình hình thế giới khủng hoảng, nghệ thuật là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất do lượng tiền từ chính phủ và các nguồn tư nhân bị cắt giảm nhiều. Tại Italia, trong vòng 3 năm tới, ngân sách của Bộ Văn hoá sẽ bị "rút" bớt 1,25 tỉ USD. "Chúng tôi đang cố gắng rất nhiều để gây dựng thêm được nhiều quỹ tiền, nhưng có nhiều người nghĩ rằng chính phủ sẽ lo được khoản đấy", Bộ trưởng Bondi nói, "sự thật là chúng tôi không thể làm được điều đó nữa".
Kế hoạch của ông Bondi bao gồm tái tổ chức lại Bộ Văn hoá với việc thành lập một vị trí tổng quản lý, tập trung vào hệ thống bảo tàng với các di tích khảo cổ.
Ông cũng đề xuất khả năng sẽ đem một số hiện vật có giá trị cho các bảo tàng nước ngoài thuê.
Theo ông, Italia cần phải mở rộng đối tượng khách hàng tiềm năng thông qua những chiến dịch marketing như Trung Quốc và Ấn Độ; hay phát triển hạ tầng du lịch tại những thành phố còn ít được biết đến để có thể "tăng cường hoạt động cho các bảo tàng".
Tuy nhiên, Massimiliano Vavassori - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tại Câu lạc bộ Du lịch Italia - cũng cảnh báo rằng, quá đông người sẽ có "ảnh hưởng tiêu cực, cho cả khách tham quan và di tích lịch sử đó".
(Theo LĐCT)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com