Phần trình độ học vấn trong tiểu sử của Michael Dell trên website của tạp chí Forbes luôn nổi rõ dòng chữ “Đại học Texas Austin: Bỏ học”.
“Khi các công ty khác phỏng đoán về mong muốn của khách hàng, chúng tôi biết rõ khách hàng muốn gì” là phương châm kinh doanh của Tập đoàn Dell hiện nay và là chìa khóa mở cánh cửa thành công của ông chủ trẻ Michael Dell ngay từ những năm đầu tiên lập nghiệp.
Phần trình độ học vấn trong tiểu sử của Michael Dell trên website của tạp chí Forbes luôn nổi rõ dòng chữ “Đại học Texas Austin: Bỏ học”. Cùng với Bill Gates của Mỹ, Li-Ka Shing của Hồng Kông, Michael Dell trở thành một trong những hình tượng phấn đấu cho lớp doanh nhân trẻ trên khắp thế giới với tinh thần tự học từ những trải nghiệm trong cuộc sống và thương trường.
Bỏ đại học để theo đuổi nghề máy tính
Từ khi còn là một cậu bé ở tuổi đến trường, Dell đã rất thích thú với máy tính. Năm 15 tuổi cậu đã tháo hẳn một chiếc máy tính đắt tiền Apple II và lắp lại hoàn toàn chỉ để xem mình có thể làm được không.
Theo nguyện vọng của người bố, vốn là một bác sỹ nha khoa, Dell đã thi đỗ vào khoa Sinh học, Đại học Texas. Nhưng nghịch ngợm với những chiếc máy tính cá nhân vẫn luôn là sở thích của Dell. Từ căn phòng trong ký túc xá đại học Texas, Michael Dell bắt đầu lắp những chiếc máy tính đầu tiên với những linh kiện của hãng IBM được Dell mua tận gốc với giá rất rẻ.
Chiếc máy tính do Dell lắp ráp có giá bán chỉ còn 2/3 so với giá thành của các nhà phân phối của IBM. Do đó, Dell nghĩ ngay ra cách kiếm tiền từ công việc này và năm 1984, khi mới 19 tuổi, Dell đã thành lập công ty “PC’s Limited” chỉ với 1000 USD tiền vốn ban đầu và lời hứa với bố mẹ rằng, nếu thất bại, đầu năm sau cậu sẽ quay về trường và toàn tâm toàn ý với ngành sinh học.
Ban đầu công ty của Dell chỉ có vỏn vẹn 3 nhân viên, trụ sở đặt tại một căn phòng nhỏ. Và chiếc logo đầu tiên của công ty do Michael tự vẽ. Tháng đầu tiên, doanh thu của PC’s Limited là 180.000 USD. Tháng thứ 2, con số này tăng lên 265.000 USD. Chỉ một năm sau đó, số lượng máy tính được tiêu thụ hàng tháng lên đến 1.000 chiếc, một con số mà rất nhiều hãng máy tính khác phải mất nhiều năm mới làm được.
Năm 1988, PC’s Limited đổi tên thành “Dell Computer Corporation” và tiến hành đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO). Công ty được định giá ở mức vỏn vẹn 80 triệu USD vào thời điểm đó. Vụ IPO này cũng đem về cho Dell số tiền thặng dư phát hành là 30 triệu USD. Ngày nay, Dell có nhà máy sản xuất tại hơn 30 quốc gia với hơn 90.000 nhân viên.
Tất cả là vì khách hàng
Michael liên tục nghĩ ra những phương thức kinh doanh mới như đảm bảo hoàn tiền cho khách hàng, dịch vụ sửa máy ngay trong vòng một ngày. “Ngay từ khi khởi nghiệp, toàn bộ quá trình kinh doanh của chúng tôi, từ thiết kế, sản xuất đến bán hàng đều định hướng đến khách hàng, đáp ứng tất cả những gì họ muốn”, Michael Dell nói.
Cách nghĩ của Dell là khởi đầu cho mô hình kinh doanh trực tiếp, giữa công ty và khách hàng, một phương thức làm việc rất hiệu quả đang được rất nhiều công ty áp dụng hiện nay. Phương châm kinh doanh này cũng xuất phát từ khó khăn trong lúc khởi nghiệp của Michael khi đó, nguồn vốn ít ỏi không đủ để Dell sản xuất hàng loạt sản phẩm mà phải sản xuất theo đơn đặt hàng.
Và cũng đã có lần Dell thử bán hàng qua trung gian, nhưng lại gặp thất bại và ông chủ trẻ đã quyết chọn cách làm thứ hai. Khi được hỏi về triết lý kinh doanh, Michael trả lời: xác định khách hàng, xây dựng chiến lược rõ ràng và khả thi, phân đoạn công việc theo thời gian và trách nhiệm.
Nhà máy sản xuất máy tính của Dell là một mô hình hết sức thú vị, không có khu vực kho bãi. Ở một đầu nhà máy là những chiếc xe tải chở linh kiện, đầu kia là một dãy xe khác đã chất đầy máy tính lắp ráp và thử nghiệm xong, cài sẵn các phần mềm cho từng khách hàng cụ thể.
Vào cái ngày mà lẽ ra Michael Dell phải tốt nghiệp đại học, doanh thu của Dell Computer đã lên đến 70 triệu USD. Đến năm 1992, Dell Computer Corporation đã có tên trong danh sách Fortune – 500 công ty lớn nhất thế giới, và Michael Dell trở thành Tổng giám đốc trẻ nhất trong danh sách này. Dell Computer Corporation đổi tên thành Dell Inc. khi công ty này tiếp tục mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực khác, bao gồm cả hệ thống giải trí và đồ dùng cá nhân.
Mặc dù không hài lòng với cậu con trai trong việc bỏ học giữa chừng, nhưng bố mẹ vẫn rất tự hào khi kể lại những câu chuyện kinh doanh từ thời trung học của Michael Dell.
Lúc ấy, Michael làm chân bán báo dài hạn cho tạp chí Post ở Houston. Để tăng doanh số báo bán, Michael lập danh sách những người mua báo dài hạn vừa lập gia đình và tặng quà cưới là báo Post cho những gia đình này vài tuần liên tục. Sau đó, phần lớn các gia đình này đều đặt mua báo của Dell.
Kiên trì với mục tiêu từ thời trẻ
Từ nhà cung cấp máy tính lắp ráp, Dell Computer Corp. chuyển sang sản xuất máy tính, với ước vọng vẫn được ông chủ trẻ chia sẻ với các cộng sự là, Dell phải trở thành tập đoàn cung cấp máy tính lớn nhất thế giới.
Hiểu rõ tâm lý khách hàng là rất dễ bực mình và nảy sinh ý tưởng chuyển sang nhà cung cấp mới mỗi khi máy trục trặc, Dell đã thiết lập đường dây nóng 24/24, đáp ứng các yêu cầu về bảo hành và sửa chữa của khách hàng.
Nhắc đến Michael Dell, giới kinh doanh nói đến một thương hiệu máy tính nổi tiếng gắn liền với cách thức kinh doanh trực tiếp không qua nhiều khâu trung gian. Nhờ đó, giá thành của sản phẩm thấp hơn hẳn. Gần 2/3 số lượng sản phẩm máy tính của ông chủ này được bán cho các chính phủ, các tập đoàn lớn và các tổ chức giáo dục.
Năm 2003, Thời báo phố Wall bình chọn Dell là một trong số 10 công ty làm ăn có uy tín nhất. Đồng thời trong năm đó, thị phần của Dell ở Mỹ tăng 31%. Năm 2004, Dell được tạp chí Time bình chọn vào danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới.
Dưới “tay chèo” của ông, Dell đã trở thành một trong những tập đoàn sản xuất máy tính cá nhân lớn nhất thế giới. Michael nắm giữ vai trò là chủ tịch kiêm giám đốc điều hành hãng máy tính Dell từ khi thành lập cho đến năm 2004, khi ông chọn Kevin Rollins “gánh bớt” chức vụ giám đốc điều hành. Rollins đã gia nhập Dell từ năm 1996 và đã trải qua khá nhiều vai trò khác nhau như: giám đốc quản lý, phó chủ tịch và chủ tịch Dell-khu vực châu Mỹ.
Ngay cả khi còn là PC’s Limited cho đến Dell Computer Corp., hay Dell Inc., ông chủ trẻ này đều trải qua những ngày sóng gió trong sự nghiệp kinh doanh của mình. Năm 1993, xảy ra vụ tai tiếng nhất của Dell khi một số máy tính xách tay của Dell bỗng dưng bốc cháy và công ty mất hẳn thị phần này vào tay Gateway và những tên tuổi khác.
Và “khúc quanh” lớn nhất của Dell là vụ pin lỗi năm 2006, khi Dell bị buộc phải thu hồi 4,1 triệu pin lỗi có khả năng cháy nổ. Đây được xem là vụ scandal pin máy tính lớn nhất trong lịch sử ngành này. Theo đó, doanh thu và lợi nhuận của hãng trong quý 4/2006 cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục kể từ ngày thành lập. Đồng thời, Dell bị buộc phải đệ trình các bản báo cáo kiểm toán trong 4 năm liên tục.
Lúc đấy, những đối thủ đã chớp được cơ hội để chiếm lấy thị phần của Dell. Xu hướng thị trường chuyển sang các dòng máy tính giá rẻ được sản xuất ở những nước đang phát triển. Và Dell đã mất ngôi vị quán quân trên thị trường máy tính cá nhân vào tay đối thủ HP năm 2006.
Cũng trong năm đó, trong khi doanh số tiêu thụ của HP tăng 24% thì con số này của Dell là giảm 9%. Lợi nhuận biên giảm trong khi chi phí marketing tăng đã khiến lợi nhuận trong quý 2 năm 2007 giảm 17%.
Trước khó khăn đó, Michael Dell phải quay trở lại vai trò giám đốc điều hành của tập đoàn này. Việc đầu tiên khi quay trở lại vai trò “cầm lái” là tuyển chọn với chế độ đãi ngộ rất cao cho nhân sự của công nghệ máy tính từ những công ty tên tuổi như General Motors, HP, Amazon.com, Well Fargo hay Electronic Data Systems.
Ông đã mời cựu giám đốc điều hành của Motorola là Ronald Garriques về làm và chịu trách nhiệm trong việc mở rộng mạng lưới cung cấp của công ty toàn cầu, đồng thời, cắt giảm 10% lực lượng lao động của công ty.
Vẫn tin tưởng vào lĩnh vực máy tính cá nhân, từ ngày quay trở lại ghế giám đốc điều hành từ 31/1/2007 đến hết tháng 7/2007, Michael đã mua vào 200 triệu USD cổ phiếu Dell. Ông bắt đầu xây dựng các trung tâm dịch vụ máy tính tại hệ thống của Wal-Mart. 12 tháng sau, giá cổ phiếu của Dell trên thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng 25% và thương hiệu Dell chính thức “soán ngôi” HP trên thị trường Trung Quốc.
Trước khi Michael quay trở lại điều hành, các cổ đông đổ lỗi cho Rollins là không tạo ra những sáng phẩm lợi thế, phù hợp với xu hướng thị trường. Tuy nhiên, nhìn nhận khách quan về những sai sót của tập đoàn, Michael đã lên tiếng bảo vệ Rollins: “Kevin không phải là người chịu trách nhiệm duy nhất cho những sai lầm này. Ông ấy là một đối tác kinh doanh và là một người bạn tuyệt vời của chúng tôi trong hơn 10 năm qua”.
Giới phân tích tin rằng sự quay lại của Dell sẽ làm gió đổi chiều vì hơn ai hết, Michael hiểu rõ Dell và hiểu rõ những biến chuyển của ngành công nghệ này.
Nhiều năm liền, Michael Dell được tạp chí Forbes bình chọn vào danh sách những người giàu nhất thế giới. Tuy nhiên, từ vị trí thứ 8 trong năm 2007, Michael Dell đã tụt xuống vị trí thứ 40 trong danh sách này và tổng tài sản của ông từ mức 17,2 tỷ USD trong năm 2007 đã tụt xuống 16,4 tỷ USD vào cuối tháng 9/2008, khi Phố Wall đang chìm trong cơn bão tài chính.
(Nguồn: lamkinhte)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com