Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Mười “Kỳ tài” đầu tư hàng đầu thế kỷ 20: George Michaelis, lợi nhuận không phải số 1

Vì đòi hỏi lãi suất tài sản thuần cao và tỷ suất nợ thấp, Michaelis không chọn những công ty mới thành lập hoặc những công ty nhiều năm sau mới kinh doanh có lãi để đầu tư. Những công ty mà ông đầu tư đều là doanh nghiệp lâu năm với tốc độ tăng trưởng ổn định...

George Michaelis đã sửa đổi nguyên tắc đầu tư của Benjamin Graham là "mua vào những tài sản có giá thấp hơn giá trị thực tế"  thành: tài sản và khả năng sinh lời của tài sản quan trọng ngang nhau, vì vậy, nên mua vào những cổ phiếu có chỉ số P/E (Price/Earnings Ratio: Hệ số giữa thị giá một cổ phiếu và thu nhập mà nó mang lại) thấp. Nếu thấy thích hợp, Michaelis sẽ đầu tư vào cổ phiếu của các công ty làm ăn có lãi với mức giá bằng hoặc cao hơn giá trị tài sản. 

Michaelis phân tích rằng, cách đầu tư của ông không có gì khó hiểu. Những công ty được ông đánh giá tốt thường hội tụ những đặc điểm sau:

1.   Là doanh nghiệp đạt lợi nhuận cao: lãi suất tài sản thuần và lãi suất tổng tài sản đều cao, đồng thời lãi suất tài sản thuần ở mức cao được duy trì lâu dài.

2.   Tiềm năng sinh lời của công ty không chịu sự khống chế của chu kỳ kinh doanh.

3.   Có thể xác định các nhân tố tạo nên sự thành công của công ty. Các công ty có lãi suất tài sản thuần ở mức 25%-30% đều rất lý tưởng. Nếu tìm được những công ty như vậy, Michaelis rất muốn tìm hiểu các nhân tố tác động. Sau khi tìm ra lí do thành công, ông sẽ tiếp tục đánh giá khả năng duy trì mức lãi suất cao đó của công ty. Khi tất cả đã hoàn toàn minh bạch, ông mới có đủ sự tin tưởng cần thiết để đầu tư.

Michaelis không thích những doanh nghiệp nợ nần. Các công ty mà ông đầu tư thường chỉ có tỷ suất nợ khoảng 15%, trong khi S&P 500 Index đưa ra mức bình quân là 25%. Các công ty thu lời cao thường ít mắc nợ, và nếu chịu nợ thì sẽ có xu hướng giảm nợ. Bởi vậy, các công ty này rất an toàn. Bên cạnh đó, nếu xuất hiện cơ hội đầu tư lý tưởng, các công ty có tiềm lực tài chính dồi dào thường có khả năng giành được cơ hội.

Vì đòi hỏi lãi suất tài sản thuần cao và tỷ suất nợ thấp, Michaelis không chọn những công ty mới thành lập hoặc những công ty nhiều năm sau mới kinh doanh có lãi để đầu tư. Những công ty mà ông đầu tư đều là doanh nghiệp lâu năm với tốc độ tăng trưởng ổn định.

“Khả năng làm cho đồng vốn sinh sôi là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá năng lực kinh doanh của một công ty. Ví dụ như Melville, chúng tôi đầu tư vào cổ phiếu của công ty này suốt từ những năm 1970. Bạn có thể tưởng tượng, với tổng tài sản 350 triệu USD, chỉ trong vòng 10 năm, công ty này có thể tạo ra khoản lãi 2 tỷ USD không? Melville đã làm được điều đó. Đạt thành tích xuất sắc như vậy là vì lĩnh vực kinh doanh của công ty này là lĩnh vực mà không phải doanh nghiệp nào cũng có thể bước chân vào được, vì thế, Melville gần như không có đối thủ cùng ngành.”

Duy trì tính lưu động cao của đồng vốn

Michaelis khảng khái cho biết ông không bao giờ đặt tiêu chí tối đa hóa lợi nhuận đầu tư lên hàng đầu, bởi vì năng lực chống chịu với rủi ro của ông có hạn. Ông luôn duy trì nguồn vốn lưu động ở hiệu suất cao: cung tiền mặt trong tổ hợp đầu tư của ông thấp nhất cũng phải 10%. Khi thị trường sụp đổ năm 1987, cung tiền mặt của ông là 20%, thời kỳ giữa năm 1988 là 18%. “Khi đầu tư, bạn phải nghĩ đến khả năng: rất có thể cổ phiếu sẽ xảy ra đợt lao dốc trăm năm có một. Khả năng này rất thấp, nhưng nếu nó thực sự xảy ra, việc đầu tiên bạn cần làm là tìm cách để tiếp tục tồn tại.” 

Michaelis luôn cố gắng tối đa tránh né những tổn thất nghiêm trọng, bởi vậy ngay cả khi thị trường đang lên cơn sốt, ông cũng không thấy phiền khi lợi nhuận của công ty ông thấp hơn mức trung bình. Nhưng, Quỹ đầu tư do ông quản lý từ trước đến nay hoạt động hết sức ổn định, lợi nhuận của Quỹ kể từ năm 1973 đến năm 1988 chỉ có duy nhất 1 quý thấp hơn S&P 500 Index. Thậm chí, vào thời điểm quý 4 của năm 1987 “đáng sợ”, Quỹ của ông cũng chỉ giảm 13,5%, trong khi S&P 500 Index giảm 22,5%.

Ông không cho rằng bản thân là người có khả năng phản ứng nhanh nhạy. “Tôi biết thế, nhưng tôi thích làm theo cách của mình, vì như vậy tôi sẽ không phát hoảng trước những thất bại khó tránh khỏi.” Michaelis chưa từng mua cổ phiếu của những công ty đang phát triển, đang “sốt” nhưng nhiều biến động, thiếu sự ổn định.

Michaelis để mắt đến khoảng 300 công ty, nhưng ông chỉ quyết định mua khi giá cổ phiếu của những công ty này ở mức rất thấp. Ông luôn đặt ra các mức giá mục tiêu cho mỗi loại cổ phiếu. Khi giá cổ phiếu xuống dưới mức giá mục tiêu, ông sẽ mua vào, giá cổ phiếu càng xuống, ông mua vào càng nhiều. Ông không có tham vọng rằng, toàn bộ hoặc phần lớn cổ phiếu của mình được mua với giá thấp nhất, bởi vì rất có thể ông đã mua vào quá sớm. Nhưng ông mong rằng mình vẫn còn đủ tiền để mua vào khi giá cổ phiếu chạm đáy.

Chỉ cần giá cổ phiếu “sốt nhẹ” là ông sẽ bán ra. Cũng có đôi lúc ông thấy mình đã hơi vội vàng. Ông hình dung về bản thân như là một cầu thủ đánh bóng chày. Chỉ cần đánh tốt đến chốt thứ nhất, không nhất thiết phải theo đuổi chốt thứ 2 và thứ 3.

Đối với mỗi loại cổ phiếu, Michaelis thường lựa chọn phương thức mua vào từng đợt. “Muốn có được linh cảm về bước đi của cổ phiếu, bạn phải giữ nó một thời gian, không còn cách nào khác.”

Michaelis không đầu tư dựa trên những quan điểm, kiểu như: Nước Mỹ đang bị già hóa, vì vậy bạn nên đầu tư vào lĩnh vực sản xuất gậy chống….

Không “chê” trái phiếu rủi ro cao

Đối với trái phiếu, nếu phải lựa chọn giữa trái phiếu loại AA và loại AAA, ông sẽ không mua trái phiếu AA, vì lãi suất của loại trái phiếu này chỉ cao hơn trái phiếu AAA 30 điểm, không đáng để mua. Khi thị trường trái phiếu có biểu hiện tốt, ông sẽ mua vào trái phiếu chính phủ.

Ngoài ra, nếu giá cả hợp lý, Michaelis cũng không ngần ngại mua vào những trái phiếu có mức rủi ro cao. Theo ông, khi đầu tư vào cổ phiếu, chất lượng tài sản của công ty càng cao càng tốt, nhưng khi mua trái phiếu, ông lại thích thú với trái phiếu của những công ty đang có nguy cơ bị phá sản hơn.

Không tin vào các công cụ phái sinh 

Michaelis không tin vào các công cụ tài chính khác đang tràn lan trên thị trường như: giao dịch kỳ hạn, quyền chọn, tự bảo hiểm, “bảo hiểm”….

Ông cho rằng, nhiều người đầu tư thất bại không phải do họ chưa đủ sáng suốt mà vì họ quá thông minh. Những nhà đầu tư linh hoạt thường bị hấp dẫn bởi những khái niệm vừa huyền bí sâu sắc vừa tao nhã, kiểu những công cụ phái sinh đầy phức tạp. Bởi vậy, họ không thể tập trung vào chân lý cơ bản, vào thực tế, mặc dù những chân lý, những thực tế này hết sức rõ ràng và dễ hiểu.

Ông lấy ví dụ: “ví dụ như trái phiếu phát hành được đảm bảo bằng tài sản thế chấp CMOs. Một ngân hàng có thể chia lợi nhuận thu được từ khoản vay thế chấp thành 3 dòng tiền độc lập: ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đồng thời phát hành trái phiếu bảo lãnh thế chấp với thời hạn tương ứng. Những nhà đầu tư mong muốn thu hồi vốn nhanh có thể mua trái phiếu bảo lãnh thế chấp thời hạn 5 năm. Những nhà đầu tư dài hạn có thể mua trái phiếu 25 năm. Sáng kiến này rất thông minh. Nhưng khi thị trường sụp đổ, việc định giá những trái phiếu này hết phức tạp, bạn sẽ làm thế nào để chiết khấu những dòng lãi thành giá trị hiện tại? Nếu áp dụng quyền ưu tiên thanh toán của khoản vay thế chấp, thì rất nhiều nhà đầu tư thậm chí còn chưa từng nghe nói về nó, và như thế, vấn đề sẽ càng trở nên phức tạp.”


(Theo Nam Anh // Tamnhin)

  • Núi tiền khổng lồ của chúa đảo Tuần Châu
  • Nhà họ Lee mất dần quyền kiểm soát Samsung
  • Anh em Bầu Thụy hết nổ và chán nổi
  • Suy nghĩ về tiền theo tư duy của triệu phú
  • CEO cao giá chưa chắc làm việc hiệu quả
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com