Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Người chèo lái tài ba của Tập đoàn Samsung

"Đại gia" Lee Kun-hee: Tài ba nhưng cũng vướng phải vòng lao lý (Ảnh: Internet)

Cựu Chủ tịch tập đoàn và hiện là Tổng Giám đốc Samsung Electronics Co., Lee Kun-hee, vừa được vinh danh là “người giàu nhất xứ kim chi”, với tổng giá trị tài sản cá nhân lên tới 8 tỷ USD.

Trang mạng Chaebol.com chuyên về các “đại gia” Hàn Quốc cho biết việc xếp hạng những người giàu nhất của nước này được dựa trên kết quả các cuộc điều tra các cổ đông chính của 1.800 công ty đã niêm yết và 13.600 công ty chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán. Các thành viên sáng lập Tập đoàn Samsung nằm trong tốp những người giàu nhất Hàn Quốc, trong đó Lee Myung-hee - con gái của người sáng lập Tập đoàn Samsung -  hiện là một trong những quý bà giàu nhất Hàn Quốc và đứng thứ 8 trong danh sách với tài sản lên tới gần 2 tỷ USD.

Để có được thành công rực rỡ như ngày hôm nay, gia tộc họ Lee không thể không nhắc tới Lee Kun-hee – người có công lớn trong việc “chèo lái con thuyền” Samsung vượt qua giông tố thương trường. Khi mới được gây dựng vào năm 1938 dưới bàn tay của ông Lee Byung-chun – bố đẻ của ông Lee Kun-hee, Samsung (trong tiếng Hàn có nghĩa là “3 ngôi sao” và văn hóa nước này coi số 3 là con số may mắn) chỉ có vỏn vẹn 40 công nhân, chuyên buôn bán trái cây và cá khô. Chỉ sau hơn hai thập kỷ, Samsung vươn sang cả lĩnh vực  xây dựng và trở thành một trong những nhà thầu hàng đầu. Tuy nhiên, tên tuổi của Samsung chỉ thực sự được biết đến khi Lee Kun-hee nắm quyền thừa năm 1987. Với kiến thức sâu rộng nhờ quá trình học tại Đại học Waseda (Nhật Bản) và sau là học lấy bằng MBA tại Đại học George Washington (Mỹ), xuất phát từ kinh nghiệm thực tế trên thương trường kết hợp với triết lý “phải thay đổi mọi thứ, trừ gia đình”, ông Lee Kun-hee đã làm cuộc cách mạng cải tổ Samsung toàn diện ngay từ khi nắm quyền điều hành ở tuổi 45. Ông đã mạnh bạo sa thải hàng nghìn công nhân và xây nhiều nhà máy tại những nước có nguồn nhân lực rẻ. Tiếp đó, rót hàng tỷ USD vào các nhà máy chuyên sản xuất bộ nhớ và màn hình tinh thể lỏng. Với tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, Lee Kun-hee quả là người có tầm nhìn chiến lược bởi các sản phẩm này đã và đang kích thích thế hệ thiết bị điện tử dân dụng mới như điện thoại di động, tivi có độ phân giải cao… 

Trụ sở tập đoàn Samsung (Ảnh: Internet) 

Với mục tiêu đưa Samsung trở thành thương hiệu toàn cầu, ông Lee Kun-hee đã đề ra phương châm kinh doanh “chất lượng là số 1”. Ông đã yêu cầu 2.000 công nhân ở nhà máy Gumi tự tay tiêu hủy  toàn bộ số sản phẩm điện tử trị giá khoảng 50 triệu USD, sau khi một số sản phẩm có vấn đề. Ông còn sẵn sàng chi hàng trăm triệu USD cho "cuộc cách mạng thiết kế" cũng như cử các nhân viên thiết kế của tập đoàn tham quan những công trình kiến trúc vĩ đại trên khắp thế giới nhằm tìm ra ý tưởng mới. Kể từ năm 2000, mỗi năm kinh phí nghiên cứu chế tạo của Samsung lại tăng từ 20-30%.

Tuy nhiên, năm 2008, “ông trùm” Lee Kun-hee lại vướng phải vòng vòng lao lý, buộc phải từ chức Chủ tịch tập đoàn Samsung và lĩnh án 3 năm tù treo với tội danh trốn thuế và giao dịch trái phiếu bất hợp pháp. Song với uy tín của mình, cuối năm 2009, Chính phủ của Tổng thống Lee Myung-bak đã ân xá đặc biệt, mở đường cho ông tham gia Ủy ban Olympic quốc tế, giúp Hàn Quốc vận động và giành quyền đăng cai Thế vận hội mùa Đông 2018.

Trong bối cảnh Samsung đối mặt với cạnh tranh khốc liệt, sau 2 năm ẩn dật, Lee Kun-Hee đã quyết định “tái xuất giang hồ”. Sự trở lại này của Lee được giới chuyên gia kỳ vọng sẽ tạo động lực tăng trưởng mới, giúp Samsung trở thành tập đoàn toàn cầu. Thông cáo báo chí của Samsung cũng khẳng định tập đoàn này cần tới kinh nghiệm và tài năng kinh doanh của ông nhằm nắm bắt các cơ hội trên thị trường toàn cầu trong bối cảnh các yếu tố bất ổn kinh tế trong và ngoài nước ngày một tăng.

Thực tế đã chứng minh, trong 20 năm dưới sự lãnh đạo của Lee Kun-Hee, tập đoàn Samsung đã phát triển như vũ bão, trở thành nhà sản xuất chip điện tử lớn nhất thế giới và nhà sản xuất điện thoại di động lớn thứ hai thế giới. Rõ ràng để vượt qua sóng cả, người cầm lái lúc nào cũng là yếu tố quan trọng nhất và trên con thuyền Samsung, chỉ có Lee Kun-hee mới có thể làm tốt nhiệm vụ vững tay chèo.

(Theo Ngọc Hà // Tamnhin)

  • Núi tiền khổng lồ của chúa đảo Tuần Châu
  • Nhà họ Lee mất dần quyền kiểm soát Samsung
  • Anh em Bầu Thụy hết nổ và chán nổi
  • Suy nghĩ về tiền theo tư duy của triệu phú
  • CEO cao giá chưa chắc làm việc hiệu quả
  • Vì sao các doanh nhân… mê tín?
  • Chân dung trùm bất động sản Trung Quốc
  • George Soros: Thiên tài hay tội nhân?
  • John Meriwether đã tham, lại liều
  • Nhà đầu cơ Do Thái trứ danh: Dùng tiền lật ngược thế cờ
  • Tỷ phú nào trên thế giới được đánh bóng nhiều nhất?
  • Tỷ phú đồ uống là người giàu nhất Trung Quốc
  • CEO Rolls-Royce về hưu sau 14 năm cầm quyền
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com