Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Mười “Kỳ tài” đầu tư hàng đầu thế kỷ 20: Peter Lewyn Bernstein, không có lãi thì đừng mạo hiểm

“Tôi đặc biệt yêu thích lịch sử, vì lịch sử có thể đối thoại với tôi”. Peter Lewyn Bernstein, nhà văn kiêm chuyên gia tư vấn đầu tư đã bộc bạch như vậy. Khi vừa bước chân vào Đại học Harvard, cuốn sách nổi tiếng “The General Theory of Employment , Interest and Money” của John Maynard Keynes đã tác động mạnh mẽ đến Bernstein, kể từ đó Bernstein dành sự quan tâm đặc biệt đến hệ thống tài chính và phương thức vận hành của nó.

Mọi người thường hứng thú với những cổ phiếu “cho cảm giác dễ chịu”, và thờ ơ với những cổ phiếu “khó chịu”. Khi bạn quyết định làm một việc tiềm ẩn sự rủi ro, chắc chắn có mục tiêu nào đó thu hút bạn, nhưng mức độ rủi ro cần tương đương với lợi nhuận dự kiến thì mới ổn. 

Sau khi tốt nghiệp đại học, Bernstein lần lượt làm việc tại Ngân hàng dự trữ liên bang New York, OSS, Học viện Williams, Ngân hàng liên hợp New York (đầu tiên ông quản lý nhóm đầu tư trái phiếu, sau chuyển sang phụ trách quản lý ngoại hối). Bernstein còn có một thời gian làm việc tại công ty quản lý tài chính kiểu cũ của cha mình, rồi mới thành lập công ty quản lý đầu tư của riêng ông.

Bernstein viết rất nhiều sách và những bài báo nổi tiếng giới thiệu quá trình phát triển của chuyên ngành quản lý rủi ro, từ giai đoạn sơ khai cho đến những diễn biến mới nhất, phân tích lý thuyết tổ hợp đầu tư hiện đại và tài chính học hành vi.

“Mọi người nghĩ rằng, rủi ro chính là tỷ lệ tổn thất. Mọi người đều có nguy cơ phải đối mặt với rủi ro. Nhưng trong xã hội tư bản chủ nghĩa, rủi ro đồng nghĩa với cơ hội. Ai cũng biết, nếu không nỗ lực làm việc thì sẽ thiếu đói, không mạo hiểm thì khó thành tài – đó cũng là những “tín điều” mà mọi nhà quản lý đầu tư đều khắc cốt ghi tâm”.

Bạn có thể đánh bại thị trường không? 

Cuối thập niên 60 đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, rất nhiều cố vấn đầu tư chuyên nghiệp tỏ ra coi thường các lý luận học thuật, nhưng Bernstein thì khác, ông thường xuyên liên lạc và xin ý kiến của những nhà tư tưởng lỗi lạc trong ngành tài chính, William F. Sharpe (thường gọi là Bill Sharpe) là một trong số đó.

Một ngày vào năm 1968, Sharpe đã giảng giải cho Bernstein một bài học hết sức sâu sắc. Sharpe hỏi Bernstein, liệu ông có thể chiến thắng thị trường? Bernstein đã trả lời hết sức thật thà: “Tôi chưa bao giờ nghĩ tới vấn đề đó. Tôi cho rằng chúng tôi đã từng chiến thắng thị trường trong khoảng 10 năm đầu gia nhập ngành này, vì thị trường khi đó không phức tạp như bây giờ. Chỉ cần nắm chắc các biện pháp có tính hệ thống là có thể chiến thắng phần lớn đám đông đầu tư ồ ạt theo cảm tính”.

Dù thị trường có phát triển ngày càng đa dạng và phức tạp đến đâu, các nhà đầu tư nhạy bén vẫn có thể chiến thắng được thị trường. “Chúng tôi mua vào những cổ phiếu giàu tiềm năng khi thị trường đang lên. Chúng tôi mua rất nhiều cổ phiếu của Tampax, của Gillette”. 

Cổ phiếu của hai công ty này được đánh giá là đối tượng đầu tư rất có giá trị trong suốt 30 năm. Sau đó, Tampax bị thôn tính, và cho đến tận thời điểm năm 1997, cổ phiếu của Gillette vẫn được rất nhiều người theo đuổi.

Vì sao ngày nay chúng ta rất khó có thể chiến thắng thị trường? Theo Bernstein, nguyên nhân chính là vì, những năm 50 và đầu những năm 60 thế kỷ 20, các tổ chức đầu tư chỉ sở hữu một lượng nhỏ các cổ phiếu tiềm năng. Nhưng hiện nay, các tổ chức đầu tư luôn sở hữu phần lớn cổ phiếu của bất cứ công ty đã lên sàn nào. Nhiều tổ chức không cho phép Quỹ hưu trí trực thuộc sở hữu bất cứ cổ phiếu nào dưới danh nghĩa người hưởng lợi. Đây là quy tắc “bất di bất dịch” do các tổ chức đầu tư “bảo thủ” đặt ra kể từ sau năm 1929 khi thị trường đổ vỡ, và cho đến cuối thập niên 70 thế kỷ 20 nó vẫn không hề bị lung lay.

Một đợt thị trường theo chiều giá xuống kéo dài vài năm đã khiến nhà đầu tư bắt đầu quan tâm đến lý thuyết rủi ro. Theo S&P 500 Index thì biên độ trượt giá của thị trường cổ phiếu trong năm 1974 lên đến 40%. “Các nhà đầu tư cần có những cách thức mới để khống chế rủi ro”. Với suy nghĩ như vậy, Bernstein đã hợp tác với tạp chí “Institutional Investor” sáng lập ra tuần san “Journal of Portfolio Management” và trở thành tổng biên tập đầu tiên của tờ báo này.

Nhà đầu tư trong tiềm thức

Về mặt tâm lý học, tiền bạc có hàm nghĩa rất đặc biệt. Vì tiền bạc có mối liên hệ mật thiết với lòng tự trọng, nên ai cũng muốn kiếm được thật nhiều tiền. Thành công về mặt tiền bạc sẽ đưa bạn lên vị trí của người đi ban phát, điều này phản ánh ưu thế tâm lý của người cầm trịch một trò chơi.

Bernstein cho rằng, lý thuyết về “tâm lý không thích sự mất mát” (loss aversion), lý thuyết về “tài khoản tinh thần” (mental accounting) và những lý thuyết tài chính học khác hình thành trong suốt hơn 20 năm qua đều giúp ngành đầu tư giá trị giành được sự tín nhiệm của các nhà đầu tư.

“Các khái niệm nêu trên được ứng dụng trực tiếp trong lĩnh vực đầu tư giá trị. Khi tìm hiểu hướng đi của thị trường, nhà đầu tư thường chỉ có một suy nghĩ đơn thuần là làm sao để có được những cổ phiếu “cho cảm giác dễ chịu”, và rất thờ ơ đối với những “cổ phiếu tạo cảm giác khó chịu”, và thế là họ thường mắc sai lầm lớn khi định giá giá trị. Nếu bạn hiểu những điều này, bạn sẽ trở thành nhà đầu tư giá trị thành công”.

Quan điểm về rủi ro trong sách lược đầu tư từ cuối thế kỷ 20 đến thế kỷ 21, theo Bernstein rất đơn giản: Nếu không có lãi thì không nên mạo hiểm. Nhiều nhà đầu tư nghĩ rằng, đưa cho họ một lời cảnh báo không bằng cho họ biết cổ phiếu nào sẽ tăng phi mã. Nhưng, những nhà đầu tư xem thường lời cảnh báo đều phải trả một cái giá rất đắt.

“Khi bạn quyết định làm một việc hàm chứa rủi ro, chắc hẳn phải có mục tiêu nào đó thu hút bạn, tuy nhiên mức độ rủi ro cần tương đương với lợi nhuận dự kiến thì mới ổn. Nếu bạn đến ngân hàng gửi tiền, đừng mong nhận được mức lãi suất 15% hàng năm trong suốt 30 năm sau đó. Nhưng nếu bạn đầu tư vào cổ phiếu của một công ty công nghệ cao quy mô nhỏ, thì tức là bạn đã làm một việc mạo hiểm. Công ty này rất có thể sẽ phá sản vào ngày mai, thêm nữa, bạn lại chẳng hiểu mấy về lĩnh vực khoa học công nghệ. Tóm lại, với kiểu đầu tư này, bạn chỉ nên sử dụng một phần vốn nhỏ, bởi vì bạn không nắm chắc phần thắng, một khi giá cổ phiếu trượt dốc, bạn sẽ trở tay không kịp”.

Cuộc thi sắc đẹp và quý ngài “thị trường”

Chúng ta có thể hình dung thị trường giống như một cái cân, dựa vào nó bạn có thể đong đếm lòng tin của nhà đầu tư. “Thị trường cổ phiếu không phải thứ gì đó trừu tượng, nó được hợp thành từ rất nhiều nhà đầu tư với những quyết sách của họ. Mỗi khi đưa ra quyết sách, giống như một lần bạn đặt cược, đối thủ của bạn là tất cả những nhà đầu tư khác”. 

Dù là vô tình hay chủ động, tất cả các nhà đầu tư đều đã tham gia vào một cuộc thi, John Maynard Keynes từng ví nó như là cuộc thi sắc đẹp thịnh hành tại London vào thập niên 30 thế kỷ 20.

Bernstein giải thích rằng: “Tính chất phức tạp của cuộc thi này ở chỗ, đối thủ của nhà đầu tư này luôn luôn là những nhà đầu tư khác. Cũng giống như sự lựa chọn nêu trên. Có thể bạn đúng, vì cô gái bạn chọn quả thực rất đẹp, nhưng cũng có khả năng, năm nay, tất cả mọi người đều thích những cô gái tóc đỏ, hoặc vì một lý do nào đó, mọi người không đồng tình với lựa chọn của bạn”.

Nhà đầu tư thiên tài, Benjamin Graham đã dùng một hình ảnh để miêu tả sự biến đổi khôn lường của thị trường như sau: thị trường cổ phiếu giống như đang chung sống với một người mà người đó cứ liên tục thay đổi ý kiến của mình, và không bao giờ báo trước một tiếng.

Nếu bạn cẩn trọng và là một nhà kinh doanh sáng suốt, những phán đoán của bạn về giá trị những cổ phiếu bạn đang sở hữu liệu có bị ảnh hưởng bởi những “tin tức được thông báo hàng ngày” của “quý ngài thị trường”? Chắc chắn là không. Chỉ khi bạn thấy “ông ta” có lý, hoặc cảm thấy đây là một cơ hội thì bạn mới đón nhận gợi ý của “ông ta”, đúng không? Khi thị trường thông báo cho bạn một mức giá cao không ngờ, bạn sẽ mừng rỡ bán cổ phần cho “quý ông đó”. Khi thị trường báo giá quá thấp, bạn cũng sẽ vui vẻ mua vào cổ phần của “quý ông đó”. Còn những lúc khác, bạn hãy cứ kiên định phán đoán của mình, và trên cơ sở nắm bắt đầy đủ và toàn diện tình hình kinh doanh, tình trạng tài chính của công ty, để đưa ra lựa chọn chính xác.

“Khi bạn quyết định chấp nhận sự rủi ro nào đó, bạn cần xem xét “khả năng đổi hướng” của nó. Đây cũng chính là lý do vì sao thị trường cổ phiếu lại có vị trí quan trọng như vậy, vì nó có khả năng đổi hướng. Các quốc gia vừa mới chuyển sang thể chế kinh tế thị trường, thì việc làm đầu tiên là xây dựng thị trường cổ phiếu, cũng chính vì nguyên nhân này. Nếu khi mới bắt đầu, đã xây dựng nhà máy, đầu tư vào khoa học kỹ thuật công nghệ cao, vào việc khoan giếng dầu, những quyết sách này rất khó đổi hướng, chỉ cần mắc sai lầm sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng”.

“Thị trường cổ phiếu tạo ra cho bạn cơ hội thay đổi quyết định sau khi hoàn thành một hạng mục đầu tư. Bởi vậy, mọi người mới đầu tư vào những danh mục mà khả năng đổi hướng cao. Tôi mua cổ phiếu của một công ty về công nghệ. Bản thân công ty không thể thay đổi quyết sách của mình, nhưng tôi thì có, chỉ cần tôi muốn, tôi có thể bán cổ phần của mình đi”. Vì thế, các nhà đầu tư không bao giờ trói mình vào một cái cây, khi một cổ phiếu nào đó quá nhiều rủi ro, không thể tiếp tục duy trì, họ sẽ bán tháo để tìm đến với những cổ phiếu tốt hơn.


(Theo Nam Anh // Tamnhin)

  • Núi tiền khổng lồ của chúa đảo Tuần Châu
  • Nhà họ Lee mất dần quyền kiểm soát Samsung
  • Anh em Bầu Thụy hết nổ và chán nổi
  • Suy nghĩ về tiền theo tư duy của triệu phú
  • CEO cao giá chưa chắc làm việc hiệu quả
  • Những bí mật riêng tư về “cha đẻ” Facebook
  • Những tỷ phú đi lên từ tay trắng
  • Từ cô bé thất học thành giám đốc ngân hàng
  • Foster Friess, "Con ong" làm mật nhưng lại... biết bay
  • Mười “Kỳ tài” đầu tư hàng đầu thế kỷ 20: George Michaelis, lợi nhuận không phải số 1
  • Mười “Kỳ tài” đầu tư hàng đầu thế kỷ 20: Nhà đầu tư Barr Rosenberg định lượng thị trường
  • Ba phụ nữ giàu nhất thế giới là người Trung Quốc
  • Con đường làm giàu của những tỷ phú Châu Á
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com