Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nhà quản lý xuất sắc của Siemens

Siemens là tập đoàn điện, điện tử và thiết bị viễn thông lớn nhất châu Âu. Trong suốt hơn một thập kỷ qua cả thế giới được chứng kiến một cuộc đua tranh quyết liệt và hấp dẫn giữa hai đại gia lớn nhất trong lĩnh vực này: General Electric và Siemens. Với nhiều người quan tâm thì đây cũng là cuộc đọ tài, đọ sức giữa hai nhà quản lý xuất sắc nhất của hai tập đoàn.

Một bên chính là Jack Welch, nhà quản lý doanh nghiệp bậc thầy của General Electric mà ai cũng biết đến. Còn đối thủ phía bên tập đoàn Siemens chính là Heinrich von Pierer, người đã 12 năm chèo lái thành công con thuyền Siemens khổng lồ.

Cuối tháng 1 năm 2005, Pierer chính thức thôi làm Chủ tịch điều hành của tập đoàn Siemens để chuyển sang làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Mặc dù đã biết trước và đã có sự chuẩn bị chuyển giao thế hệ từ cả năm nay nhưng không ít người đến nay vẫn luyến tiếc bởi vai trò và công lao điều hành quá lớn của Heinrich von Pierer đối với tập đoàn Siemens.

Suốt hơn thập kỷ qua, Heinrich von Pierer không chỉ được đánh giá là một nhà quản lý xuất sắc của châu Âu mà còn được coi là một trong những người có quyền lực rất lớn trong nền kinh tế Đức. Không chỉ vậy, Pierer còn được coi một trong những nhà doanh nghiệp rất có uy tín đối với xã hội và chính quyền.

Siemens là tập đoàn có rất nhiều cổ phần quan trọng ở các công ty khác nhau. Vì vậy Heinrich von Pierer còn đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị nhiều tập đoàn như tập đoàn dược phẩm và hoá chất Bayer, tập đoàn công nghiệp xây dựng Hochtief, tập đoàn sản xuất xe hơi Volkswagen. Ông là chủ tịch hội đồng tư vấn của tập đoàn bảo hiểm Allianz, là Uỷ viên Hội đồng quản lý viện nghiên cứu Max-Plank nổi tiếng.

Cùng với thành công trên thị trường của Siemens, Heinrich von Pierer cũng rất tích cực và là một nhân vật nổi tiếng, có uy tín rất lớn trong các hoạt động của hiệp hội, tổ chức đại diện doanh nghiệp. Hiện ông vẫn là Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội liên bang các ngành công nghiệp Đức. Đối với châu Á, trong đó có Việt Nam, Heinrich von Pierer được biết đến nhiều với vai trò là Chủ tịch Ủy ban hợp tác châu Á - Thái Bình Dương của các ngành kinh tế Đức.

Không phải là một nhà kỹ thuật

Heinrich von Pierer là trường hợp Chủ tịch điều hành đầu tiên của Siemens, một tập đoàn chuyên về kỹ thuật và công nghệ hàng đầu thế giới, không phải là một nhà kỹ thuật. Ông sinh năm 1941 tại Erlangen, một vùng phía Nam nước Đức. Pierer học liền hai bằng đại học về luật và kinh tế tại trường đại học Tổng hợp Erlangen. Thời đi học, Heinrich von Pierer đã thể hiện khả năng phân tích khá nhạy bén khi làm cộng tác viên cho tờ nhật báo lớn nhất của địa phương.

Năm 1969, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về luật, Pierer bắt đầu về làm việc cho tập đoàn Siemens. Các vị trí và công việc ông làm giai đoạn này cũng không dính dáng gì tới kỹ thuật điện, điện tử hay công nghệ viễn thông. Ông làm việc tại ban pháp chế rồi ban tài chính của tập đoàn Siemens.

Thời gian từ năm 1977 đến 1987, Pierer bắt đầu làm quen và tích luỹ kinh nghiệm thị trường và kinh doanh khi ông chuyển sang làm tại KWU, một công ty con của Siemens chuyên sản xuất thiết bị cho các nhà máy điện. Heinrich von Pierer lần đầu tiên được chú ý với cương vị ở cấp quản lý vào năm 1988 khi ông trở thành giám đốc kinh doanh của KWU.

Tại đây, Heinrich von Pierer đã điều hành và quản lý nhiều dự án lớn rất hiệu quả và thành công. Chỉ chưa đầy hai năm sau, với những kết quả làm việc được đánh giá cao tại KWU, năm 1990, Heinrich von Pierer đã được bổ nhiệm làm thành viên Ban điều hành của cả tập đoàn Siemens khổng lồ. Con đường thăng tiến của Heinrich von Pierer khá thuận lợi. Năm 1991 Heinrich von Pierer là Phó chủ tịch điều hành của tập đoàn Siemens.

Tuy vậy, do không phải là một nhà kỹ thuật, Heinrich von Pierer không được xác định là người sẽ trở thành Chủ tịch điều hành của tập đoàn. Siemens vẫn muốn duy trì truyền thống người điều hành cao nhất của tập đoàn nếu không phải là một thiên tài kỹ thuật như Werner von Siemens, người sáng lập ra tập đoàn cách đây 156 năm, thì cũng phải là một người rất am hiểu về kỹ thuật.

Đầu năm 1992, Chủ tịch điều hành đương nhiệm Karlheinz Kaske bất ngờ bị tai nạn gãy chân. Heinrich von Pierer đột ngột trở thành quyền Chủ tịch điều hành của Siemens. Lúc đó Siemens đang bắt đầu thời kỳ khủng hoảng. Hội đồng quản trị thực ra không hẳn tin tưởng hoàn toàn toàn vào Pierer. Một Chủ tịch điều hành am hiểu về kỹ thuật thực ra vẫn được ưu tiên hơn Heinrich von Pierer. Tuy nhiên chỉ trong 9 tháng, với một ý chí và quyết tâm mãnh liệt, Heinrich von Pierer đã chứng tỏ mình xứng đáng với cương vị Chủ tịch điều hành của tập Siemens danh giá với gần nửa triệu nhân viên và mạng lưới bán hàng tại gần 200 nước trên thế giới.

Đánh thức gã khổng lồ bị ngủ quên

Siemens là một tập đoàn rất lớn và Heinrich von Pierer đã đánh giá tập đoàn như một gã khổng lồ bị ngủ quên vào thời kỳ đầu những năm 90. Con tàu Siemens quá nặng nề và phát triển một cách khá ì ạch trước những biến chuyển của thế giới. Và thế giới biến chuyển cũng làm thị trường biến đổi theo. Heinrich von Pierer đã kịp nhận ra điều đó và ngay lập tức, năm 1993 ông đề ra một chương trình tối ưu hoá 10 điểm có tên là chương trình Top, với mục tiêu cuối cùng là cả tập đoàn phải lành mạnh hoá trở lại.

Để có thể cạnh tranh được phải tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả làm việc. Muốn vậy Heinrich von Pierer đã phải quyết liệt trong việc cắt giảm nhiều chi phí. Các qui trình sản xuất được tối ưu hoá, hoạt động nhanh hơn, hiệu quả hơn. Các nhu cầu khách hàng phải được chú ý và coi trọng nhiều hơn nữa. Suốt hơn 12 năm làm chủ tịch điều hành, Heinrich von Pierer luôn coi đó là một quá trình cải tổ và hoàn thiện không bao giờ ngừng. Thị trường luôn biến đổi và phát triẻn nên công cuộc cải tổ tập đoàn vẫn phải thực hiện thường xuyên.

Vừa hoàn thành các mục tiêu của chương trình Top thì ngay trong năm 1998 Heinrich von Pierer đã có chương trình cải cách mới mang tên Top Plus để tiếp tục. Pierer đòi hỏi ở cá nhân ông nhiều và ông đã làm việc cật lực vì tập đoàn. Tương tự, ông Chủ tịch tập đoàn cũng đòi hỏi về trình độ kỹ thuật và công nghệ của Siemens phải ở đẳng cấp cao nhất. Chỉ có vậy mới có thể cạnh tranh được trên thị trường trong xu thế toàn cầu hoá.

Mặc dù rất hay xuất hiện trên công luận nhưng Heinrich von Pierer không phải là tuýp người có những lời lẽ đao to búa lớn. Ông kiên định với chiến lược tái lập tập đoàn nhưng không hề quảng bá rầm rộ về các chính sách cải tổ của mình như không ít đồng nghiệp đã làm. Tại thời điểm những năm 90, chỉ có lĩnh vực thiết bị tự động hoá và thiết bị giao thông của Siemens là hiệu quả. Còn 8 trong số 13 lĩnh vực sản xuất chính khác thì Siemens còn kém xa General Electric, thậm chí còn có nhiều năm thua lỗ. Tuy vậy, Heinrich von Pierer rất lạc quan với tiềm năng của Siemens và tự tin vào khả năng chèo lái của mình.


Trong một lần hiếm hoi, vị Chủ tịch điều hành cao nhất của Siemens đã tuyên bố mạnh mẽ và quyết liệt trước đại hội cổ đông là sẽ đánh bại được gã khổng lồ General Electric. Để đạt mục tiêu rất lớn đó, đầu tiên, Heinrich von Pierer đã mạnh tay loại bỏ không thương tiếc lĩnh vực thiết bị bán dẫn hoạt dộng không hiệu quả. Nhiều sản phẩm của Siemens đã được Heinrich von Pierer hợp tác hay chuyển giao cho các đối tác chiến lược. Các sản phẩm chíp cho bộ nhớ được chuyển cho tập đoàn Infineon, các tụ điện được giao cho tập đoàn Epcos, máy rút tiền tự động ATM thì được sản xuất qua công ty Wincor.

Thậm chí, các thiết bị điện hạt nhân cũng được đặt làm ở ngoài thông qua công ty Framatome. Heinrich von Pierer đã thành công khi định hướng cho tập đoàn vào những sản phẩm mà Siemens có ưu thế vượt trội như bóng đèn, điện thoại di động, máy phát điện, thiết bị nhà máy điện, tàu điện, hệ thống điều khiển tự động trong công nghiệp.

Những nỗ lực của Chủ tịch điều hành Heinrich von Pierer đã được đền đáp xứng đáng. Trong cả 3 lĩnh vực cạnh tranh chính của Siemens với General Electric là thiết bị y tế, thiết bị ánh sáng và thiết bị máy phát điện thì Heinrich von Pierer đã vượt lên trước một cách ngoạn mục. Siemens chỉ còn xếp sau GE ở những lĩnh vực mà Siemens không chủ động đầu tư như đồ điện gia đình, thiết bị máy chất dẻo, động cơ máy bay.

Cải cách nhưng vẫn được nhân viên ưa thích

Heinrich von Pierer là một nhà doanh nghiệp có tư tưởng cách tân. Tuy nhiên, cái cách mà ông làm và thực hiện những đổi mới là khác hoàn toàn với phần lớn các đồng nghiệp khác. Heinrich von Pierer vẫn chủ trương phải cải cách triệt để nhưng ông không quá cứng rắn và quyết liệt tới cùng như những nhà điều hành phương Tây khác.

Không ít nhà quan sát cho rằng Heinrich von Pierer đã cố tình như vậy để tạo ra sự khác biệt với Jack Welch, nhà điều hành xuất sắc của General Electric, đối thủ lớn nhất và nguy hiểm nhất của Siemens. Trong khi Jack Welch hay phần lớn các nhà cải cách doanh nghiệp thành công khác thường chỉ được lòng cổ đông và các nhà đầu tư. Còn đối với nhân viên, dù là ở cấp quản lý cao, họ đều không ưa và thậm chí còn khiếp sợ những biện pháp, mệnh lệnh quyết liệt của cấp trên.

Thế nhưng điều đó lại không xảy ra ở Heinrich von Pierer. Heinrich von Pierer không chỉ được cổ đông tin tưởng mà còn được nhân viên, người lao động ưa thích. Vẫn phải coi lợi nhuận là mục tiêu lớn nhất nhưng Heinrich von Pierer vẫn muốn có những giải pháp hài hoà nhất, hợp lí nhất.

Ở một góc độ nào đó Heinrich von Pierer coi cả tập đoàn Siemens như một gia đình lớn. Ông cảm thấy đau lòng khi phải sa thải nhân viên. Vì vậy mục đích bảo đảm việc làm cho người lao động được Heinrich von Pierer đặt ra không kém quan trọng so với mục tiêu lợi nhuận. Chính vì thế Heinrich von Piererluôn được coi là một đối tác đàm phán rất dễ chịu của tổ chức công đoàn cũng như của chính quyền.

Khi chuyển giao các lĩnh vực sản xuất không hiệu quả cho các tập đoàn khác, mặc dù Siemens cắt giảm 60.000 nhân viên nhưng trên thực tế, Heinrich von Pierer đã đàm phán để cho 60.000 nhân viên vẫn còn việc làm. Điều thay đổi là họ không có tên trong bảng lương của Siemens mà là ở các đối tác của Siemens.

Gần đây nhất, Heinrich von Pierer đã tiên phong quay trở lại chế độ làm việc 40 giờ trong tuần thay vì 34 đến 36 giờ như trước đây. Lúc đầu không ít người phản đối nhưng cuối cùng ý tưởng của Heinrich von Pierer được chấp nhận. Lí do rất đơn giản và đầy thuyết phục: nhờ đó mà hơn 4.000 việc làm của Siemens tại một bang ở Westfalen được cứu vãn.

Tiên phong chinh phục thị trường châu Á

Gần 40 năm làm cho Siemens và nhất là trong 12 năm làm Chủ tịch điều hành, người ta còn thấy ở Heinrich von Pierer những phẩm chất tuyệt vời của một nhà ngoại giao xuất sắc. Trong đối ngoại, Pierer đã xây dựng được những mối quan hệ mật thiết, gắn bó với các chính khách, quan chức chính quyền. Trong suốt hơn thập kỷ qua Heinrich von Pierer luôn được coi là đối tác rất đáng tin cậy không chỉ trong kinh doanh mà còn cả trong các vấn đề liên quan đến chính sách kinh tế vĩ mô và chính sách xã hội quốc gia.

Các doanh nghiệp Đức thường khá thận trọng với thị trường châu Á. Nhưng Heinrich von Pierer đã nhìn thấy trước xu thế toàn cầu hoá và đánh giá rất cao thị trường châu Á - Thái Bình Dương. Chính ông đã tác động và thuyết phục Chính phủ phải vào cuộc để giúp các doanh nghiệp tiếp cận và chính phục thị trường này. Ngay từ đầu Heinrich von Pierer đã mở rất nhiều hệ thống chi nhánh và văn phòng đại diện tại khu vực châu Á. Ấn Độ và Trung Quốc là thị trường đặc biệt quan trọng với Siemens.

Tuy vậy, ông Chủ tịch điều hành Heinrich von Pierer đã tỏ ra rất nhanh nhạy và có tầm nhìn rộng khi khẳng định với cộng đồng doanh nghiệp là thị trường châu Á không chỉ có Ấn Độ và Trung Quốc mà còn rất nhiều nước khác có tiềm năng như Indonesia, Thái Lan hay Việt Nam.

Cũng chính vì niềm tin vào ý tưởng đó mà đầu năm 2003, mặc dù đại dịch SARS đang hoành hành ở Đông Nam Á, nhưng Heinrich von Pierer vẫn không thay đổi kế hoạch sang tìm hiểu và phát triển thị trường của Siemens tại Trung Quốc và Việt Nam.

(Theo TBKTVN)

  • Núi tiền khổng lồ của chúa đảo Tuần Châu
  • Nhà họ Lee mất dần quyền kiểm soát Samsung
  • Anh em Bầu Thụy hết nổ và chán nổi
  • Suy nghĩ về tiền theo tư duy của triệu phú
  • CEO cao giá chưa chắc làm việc hiệu quả
  • Người thợ cắt tóc tài ba nhất thế giới
  • Chủ tịch huyền thoại của Tập đoàn McLane Group
  • Về vị CEO sắp mãn nhiệm của Yahoo: Từ A tới Z
  • Doanh nhân nữ trong thời kỳ hội nhập cần có sự bình đẳng về giới
  • Mỹ: CEO là "vua"!
  • Ông chủ “cỗ máy” tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc
  • Người “bắt mạch” những giếng dầu
  • Nhà tỉ phú đa năng của nước Pháp
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com