Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nicolas Darvas: Vũ công trên sàn chứng khoán

Từ vũ công nổi tiếng trên sàn nhảy trở thành một nhà đầu tư, một “vũ công” thực sự trên sàn chứng khoán. Trên thế giới có lẽ chỉ có một người là Nicolas Darvas.

Không coi đầu cơ là nghề mà lại trở thành nhà đầu cơ trứ danh, không từ sàn chứng khoán mà từ vũ trường viết nên luận thuyết đầu cơ riêng, không coi thế giới đầu cơ là sân chơi mà chỉ là nơi thử nghiệm kinh nghiệm thực tiễn từ một sân chơi khác, không bằng cao, học rộng về tài chính và tiền tệ mà vẫn được coi là thần tượng trong cư dân của thế giới đầu cơ. Nhà đầu cơ có một không hai này là Nicolas Darvas, với biệt danh cũng có một không hai là “Vũ công trên sàn chứng khoán”.

Sự tình cờ của số phận

Nicolas Darvas là người Hungari, sinh năm 1920, theo học kinh tế và xã hội học ở trường đại học tổng hợp Budapest trước khi chạy trốn phát xít Đức sang Thổ Nhĩ Kỳ năm 1943 và rồi di cư sang Mỹ năm 1951. Học hành vậy thôi nhưng đâu có được đến đầu đến đũa cho nên nghề nghiệp chính của Darvas là… vũ công, chỗ làm việc chính của Darvas là vũ trường. Trong thập kỷ 50 của thế kỷ trước, Nicolas Darvas là vũ công nổi tiếng nhất trên tất cả các vũ trường ở New York. Công việc ấy đem lại cho Darvas những đồng tiền đầu tiên. Nhưng nghề này không giúp Darvas trở nên giàu có. Khán giả hoan nghênh và ngợi ca vũ công Nicolas Darvas về tài nghệ của anh, nhưng cũng chỉ đến như vậy. Sự khâm phục và nể trọng, dấu ấn riêng và danh tiếng lưu truyền hậu thế lại được Darvas gây dựng từ sàn chứng khoán chứ không phải từ vũ trường. Và tất cả được bắt đầu bằng một sự tình cờ.

Giá cố phiếu thường biến động lên xuống trong một hàng lang nhất định giống như vũ công phải đi về góc sân khấu trước để láy đà nhảy lên cao

Năm 1952, chủ một vũ trường đêm ở thành phố Toronto (Canada) gợi ý trả thù lao cho Darvas không phải bằng tiền mà bằng cổ phiếu của một công ty xây dựng gần như không ai biết đến tên là Brilund. Darvas không chấp nhận kiểu trả thù lao này, nhưng để tỏ thiện chí với người chủ vũ trường nên đã mua lại số cổ phiếu với giá 3.000 USD và gần như quên lãng chúng. Một thời gian sau, khi tình cờ xem lại giá trị số cổ phiếu này, Darvas ngạc nhiên nhận thấy giá trị của chúng đã tăng gấp ba lần. Có thể may hơn khôn, có thể chỉ là một trường hợp ngoại lệ riêng lẻ, nhưng điều chắc chắn là Darvas đã có được nhận thức mới về kiếm tiền bằng đầu cơ chứng khoán: Nếu kiếm tiền bằng cách ấy dễ như vậy thì sao lại không làm?. Đầu cơ chỉ là nghề phụ, trình diễn vũ điệu vẫn là nghề chính, như vậy chỉ có lợi chứ không bị thiệt. Darvas đổ xô vào đầu cơ chứng khoán, nhưng thời gian đầu này càng hăng hái và liều lĩnh thì lại càng thua đậm. Bài học Darvas rút ra từ những thất bại này là, phải nghiên cứu quy luật biến động của giá chứng khoán, tìm ra mô hình giao động giá của chúng và những mối liên hệ tương tác trên sàn chứng khoán. Trong hồi ký của mình Darvas kể rằng, thời kỳ đó đã đọc hơn 200 cuốn sách về tài chính, tiền tệ và kinh doanh chứng khoán. Những nhận thức thu lượm được từ sách báo, nghiên cứu và phân tích biến động giá chứng khoán và bài học từ những sai lầm và thất bại của chính mình đã giúp Darvas chinh phục được thế giới đầu cơ và biến sàn chứng khoán thành vũ trường cho riêng mình. Trong vòng có 8 năm từ phi vụ đầu tiên năm 1952, Darvas đã kiếm được gần 2,5 triệu USD từ đầu cơ chứng khoán, nhưng thật sự chỉ trong 18 tháng cuối cùng.

Luận thuyết đầu cơ riêng

Nhiều người khác cũng đầu cơ thất bại không ít lần, cũng nghiền ngẫm sách báo về tài chính, tiền tệ và đầu cơ, nhưng không mấy ai lại thành công như Darvas. Lý do đơn giản là, Darvas đã phát hiện ra những quy luật mà người khác không phát hiện ra được. Mà Darvas phát hiện được ra chúng là nhờ kinh nghiệm thực tế trên vũ trường và những kinh nghiệm ấy chỉ riêng Darvas có được.

Darvas để ý thấy rằng trước khi tăng, giá cổ phiếu thường biến động lên xuống trong một hành lang nhất định giống như vũ công phải đi về góc sân khấu trước để lấy đà nhảy lên cao. Giới hạn dưới và trên của hành lang này được Darvas so sánh như cái hộp thủy tinh mà quả bóng cao su nhảy lên đập xuống trong đó. Vì thế, Darvas gọi luận thuyết của mình là “Luận thuyết cái hộp” (The Box Theory). Cứ sau một lần tăng thì giá chứng khoán lại lấy đà tăng lên cấp độ mới và như vậy các hộp thủy tinh cứ chồng lên nhau thành chiếc kim tự tháp. Một khi quả bóng vượt quá đáy của chiếc hộp trên cao nhất thì cũng là lúc Darvas bán chứng khoán đi vì nó báo hiệu giá chứng khoán sẽ bắt đầu giảm.

“Luận thuyết cái hộp” của Darvas vẫn còn được áp dụng cho tới tận ngày nay trên thị trường chứng khoán, cho dù đó không phải là cách đầu cơ duy nhất của các nhà đầu cơ. Có thể thấy ở đó ưu tiên hàng đầu của Darvas là chắc chắn, hết sức tránh những rủi ro lớn. Darvas thường xác định trước giới hạn thấp nhất của giá cổ phiếu để bắt đầu bán đi, coi giới hạn đó như tiếng chuông báo động để hành động, đầu cơ nhưng lại đầu cơ một cách chắn thắng nhất. Bí quyết thành công của Darvas là luôn biết dừng lại đúng lúc và đúng chỗ, không bao giờ đầu cơ theo cách “được ăn cả, ngã về không”. Đối tượng đầu cơ của Darvas là cổ phiếu của những công ty còn ít người biết đến vì Darvas cho rằng chúng ít bị coi là đối tượng chi phối, đầu cơ hoặc thậm chí thâu tóm. Càng ít nổi danh, càng dễ kiếm lợi nhuận (Low Profile - High Profit) là một trong những phương châm đầu cơ của Darvas. Đồng thời, Darvas luôn để ý đến cổ phiếu của những tập đoàn có ảnh hưởng đến nhu cầu của đông đảo dân chúng trong tương lai. Một trong những châm ngôn cửa miệng của Darvas là: Không phải thực tại mà là tương lai mới là điều cuốn hút con người.

Vì luôn phải biểu diễn ở khắp nơi trên thế giới nên cung cách đầu cơ của Darvas cũng rất đơn giản. Không có văn phòng hay công ty riêng mà chỉ có một nhà môi giới chứng khoán được Darvas sử dụng. Mọi chuyện giải quyết qua điện thoại. Tiền lời từ đầu cơ chứng khoán được sử dụng để đầu cơ bất động sản trên khắp thế giới. Đầu cơ cái gì cũng vậy, điều quyết định đối với Darvas là giá tăng hay giảm chứ không phải đầu cơ dài hơi hay ngắn hạn. Một khi giá chứng khoản giảm xuống quá giới hạn đã định trước thì phải kiên quyết bán, chứ không chờ trong hy vọng rồi giá lại sẽ tăng lên cao hơn.

Đối với Darvas, trên sàn chứng khoán không có sự phân biệt giữa chứng khoán xấu và chứng khoán tốt, mà chỉ có chứng khoán với giảm giá hay tăng hay giá mà thôi. Bí quyết đầu cơ thành công của mình được Darvas một lần tiết lộ với tạp chí Times:“Khi nhảy trước công chúng, tôi biết phải đánh giá thái độ của công chúng như thế nào. Trên sàn chứng khoán cũng tương tự như vậy. Người ta phải tìm ra xem công chúng muốn gì và sau đó cứ đi theo công chúng”.Đơn giản vậy thôi, nhưng mấy ai đã làm nổi với kết quả như Darvas. Có người bảo Darvas gặp may, có kẻ quả quyết Darvas là nhà đầu cơ bẩm sinh. Chỉ có Darvas biết rõ nhất con đường đưa mình đến thành đạt là kiên trì và nhẫn nại, chăm chỉ và chịu khó, chấp nhận rủi ro nhưng không liều lĩnh. Con đường đó đã giúp Darvas trở thành một vũ công nổi tiếng và một nhà đầu cơ trứ danh. Nicolas Darvas mất năm 1977 và được mai táng ở Paris.

 

(Theo Bắc Hà // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Núi tiền khổng lồ của chúa đảo Tuần Châu
  • Nhà họ Lee mất dần quyền kiểm soát Samsung
  • Anh em Bầu Thụy hết nổ và chán nổi
  • Suy nghĩ về tiền theo tư duy của triệu phú
  • CEO cao giá chưa chắc làm việc hiệu quả
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com