Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Samuel Palmisano – Góp phần cho một hành tinh thông minh

Samuel J. Palmisano, CEO của IBM.

Penalolen là một thành phố nhỏ nằm trong tỉnh Santiago của Chile. Nơi đây tập trung những người giàu nhất và nghèo nhất thế giới, những khu biệt thự sang trọng hàng triệu đô la nằm giữa những xóm nhà lụp xụp. Từ năm 2009, người ta thấy Sam – cách gọi thân quen Samuel J. Palmisano, vị Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của tập đoàn IBM – thường xuất hiện ở Penalolen. Ông  đến đây không phải chỉ để rao giảng lý thuyết mà là để khởi đầu chương trình hành động “một thập kỷ thông minh” (a decade of smart) kể từ 2010 bằng sự tích hợp công nghệ thông tin (CNTT) để giải quyết các vấn đề nan giải của những thành phố như Penalolen.

Trong các góc khuất của kế hoạch phát triển kinh tế mỗi một thành phố là những vấn đề về dân sinh đang trở thành áp lực đè nặng lên nhà quản lý xã hội và cư dân địa phương, đòi hỏi phải giải quyết cấp bách. Trước đây nhiều nhà hoạch định chính sách nghĩ rằng chỉ cần kinh tế tăng trưởng thì sẽ giải quyết được các vấn đề kèm theo như cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, vệ sinh công cộng... Nhưng nay họ hiểu rằng điều các nhà quản lý đô thị cần có là những nguồn thông tin được phân tích một cách có hệ thống để làm cơ sở cho việc quản lý, cải tiến và vận hành. Thập kỷ 2010 được dự báo là thời kỳ thâm nhập mạnh mẽ của CNTT vào hệ thống điều hành xã hội. Và IBM là một trong những nhà công nghệ tiên phong trong vấn đề này, với sự chuẩn bị chu đáo của Samuel J. Palmisano ngay từ khi ông đảm nhận vai trò nhà lãnh đạo tập đoàn vào năm 2002.

Thời của máy tính cá nhân

Máy tính cá nhân IBM 5150.

Được thành lập năm 1911 dưới tên gọi Computing Tabulating Recording Co. từ việc sáp nhập ba công ty Tabulating Machine Co., International Time Recording và Computing Scale Co. of America, IBM đã trở thành một trong các tập đoàn công nghệ tồn tại lâu nhất và là niềm tự hào của nước Mỹ. Thực ra tên gọi IBM (International Business Machines Corp.) chỉ xuất hiện trong năm 1924. Ngày nay tập đoàn này có số tài sản vốn hóa lên đến 197 tỉ đô la Mỹ và lợi nhuận trong năm 2010 là 99,9 tỉ đô la. Điều làm cho IBM tự hào nhất có lẽ là trong tay họ có số lượng bằng phát minh khổng lồ (5.896 cái) đứng đầu thế giới, và trong đội ngũ chuyên viên đến gần nửa triệu người rải rác trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ có năm người từng được nhận giải Nobel vật lý. Điều này cũng góp phần giải thích tại sao IBM thường đi đầu trong các trào lưu công nghệ mới thông qua việc nghiên cứu và phát triển (R&D) – vốn được xem là nền tảng căn bản của các kỹ thuật.

Người ta nhớ lại vào năm 1952, ngay sau khi thay cha điều hành tập đoàn, Thomas Watson Jr. đã tập trung toàn lực đầu tư cho dự án máy tính System/360. Số vốn đầu tư cho dự án này thực sự khổng lồ vào lúc bấy giờ, khoảng 5 tỉ đô la, tương đương khoảng 100 tỉ đô la vào thời điểm hiện nay. Trong số những phát minh sáng giá của IBM lúc đó có cả hệ thống mã vạch UPC và những máy đọc mã mà ngày nay chúng ta vẫn còn sử dụng rộng rãi trong các siêu thị. Năm 1957, IBM hoàn thành việc soạn thảo ngôn ngữ máy tính Fortran tạo nên sự đột phá cho việc phổ biến dòng máy tính System/360 kể từ năm 1964. Đến năm 1981, cách nay đúng 30 năm, IBM cho ra đời dòng máy tính cá nhân đầu tiên mang mã số IBM 5150 với chip do Intel chế tạo và chạy trên hệ điều hành DOS của Microsoft. Từ đây máy tính vừa là phương tiện vừa là công cụ, không chỉ thiết yếu cho các văn phòng mà còn phổ dụng trong các gia đình, tạo nên thời của máy tính cá nhân (personal computer hay PC).

Trong các thập kỷ 1960 và 1970 IBM là nhà sản xuất máy tính lớn nhất thế giới nhờ vào những máy chủ mainframe khổng lồ. Nhưng khi máy tính cá nhân và các máy chủ server thay thế mainframe thì IBM dưới sự dẫn dắt của Louis Gerstner, vị giám đốc điều hành kể từ 1993, đã định hướng vào việc khai thác Internet qua một lĩnh vực không mấy ồn ào nhưng có biên độ lợi nhuận cao: đó là tích hợp hệ thống và các dịch vụ đi kèm. Kết quả là sau chín năm tại vị, Gerstner đã để lại cho người kế vị Samuel J. Palmisano một IBM vững mạnh hơn bao giờ hết về cả chiến lược lẫn tài chính. Một lần nữa thế giới lại chứng kiến bước đi tiên phong công nghệ mới của IBM ngay trong bài phát biểu nhậm chức năm 2002 của Palmisano: “Sẽ không còn là thời của máy tính cá nhân. Sẽ là thời của cảm biến và các điện thoại thông minh”.

Thời của điện thoại thông minh

Palmisano, năm nay vừa tròn 60 tuổi, gia nhập IBM kể từ 1973 ngay sau khi tốt nghiệp trường Đại học Johns Hopkins. Ông đã được Gerstner phát hiện và cất nhắc vào cương vị giám đốc tác vụ (COO) từ năm 2000. Hai năm sau trong cương vị điều hành tối cao, Sam nhanh chóng thực hiện tầm nhìn của Gerstner bằng cách đưa IBM chiếm lĩnh hai lĩnh vực kinh doanh đang nóng sốt là sản xuất các siêu máy tính phục vụ yêu cầu xử lý các công việc phức tạp cho doanh nghiệp, và đầu tư vào hệ thống phân tích dữ liệu khổng lồ nhằm hỗ trợ các nhà điều hành đưa ra những quyết định nhanh chóng và chính xác. Một sự kiện chấn động giới công nghệ là vào năm 2005, Sam đem bán bộ phận máy tính cá nhân vốn là nguồn thu nhập chính đang sinh lợi cao của tập đoàn cho Lenovo của Trung Quốc. Ông tiếp tục bán các bộ phận sản xuất phần cứng để mua hàng chục công ty phân tích và sản xuất dữ liệu điện toán. Quyết định nói trên vào thời điểm đó đã gây hoang mang cho không ít cổ đông nhưng Palmisano cam kết vẫn giữ cho IBM tiếp tục tăng trưởng trong thời gian chuyển đổi cơ cấu kinh doanh.

Sự vững vàng của ông trong quyết tâm thay đổi cấu trúc kinh doanh của một tập đoàn vốn đã có bề dày lịch sử và đang ăn nên làm ra dựa vào hai bí quyết lớn. Thứ nhất, Sam bắt đầu thực hiện chủ thuyết của mình về một hình thức “công ty hội nhập toàn cầu” (globally integrated enterprise). Theo đó công việc của doanh nghiệp có thể chuyển đến bất kỳ nơi nào trên thế giới tùy thuộc vào mức độ chi phí rẻ, nguồn nhân lực giỏi và môi trường kinh doanh thuận lợi ở nơi đó. IBM đã chuyển nhiều công việc từ Mỹ sang các nước có điều kiện làm ra sản phẩm hay dịch vụ với giá rẻ hơn như Ấn Độ, nhờ vậy vẫn duy trì biên độ lợi nhuận cao. Bí quyết thứ hai có lẽ còn quan trọng hơn bởi ông không cố nắm trong tay các nhà máy sản xuất mà tập trung vào việc sở hữu quyền khai thác các bằng phát minh sáng chế mang tính quyết định cho nền kinh tế quốc gia hay ngành công nghiệp. Bộ phận nghiên cứu và phát triển được gọi tắt là R&D (research and development) là cánh tay phải của IBM. Họ đổ vào khoảng 6% nguồn thu từ doanh số bán hàng mỗi năm để xây dựng chín trung tâm R&D cho chính mình và khoảng 10 cơ sở hợp tác với các chính phủ hay các thành phố trên thế giới.

Bước vào thời đại kinh tế tri thức, bằng phát minh là thứ tài sản có giá nhất của doanh nghiệp và trong năm 2009 tập đoàn này đã bán ra trên dưới 300 giải pháp thông minh hơn (smarter solution) nhằm giải quyết các vấn đề kinh niên của các nền kinh tế từ tắc nghẽn giao thông đến hệ thống y tế, từ giảm tiêu hao điện năng đến hạ thấp chi phí cung ứng nguồn hàng cho các nhà bán lẻ.

Hướng đến một thập kỷ thông minh

Samuel J. Palmisano thuyết trình về các thành phố thông minh.

Những gì đã cam kết với nhà đầu tư, Palmisano đã thực hiện được. Hiện nay, phần lớn doanh thu của IBM đến từ mảng dịch vụ và tư vấn – lĩnh vực Gerstner đã nhanh nhạy đưa IBM tiến bước vào từ thập niên 1990. Tuy nhiên, bộ phận phần mềm của Palmisano hiện đóng góp nhiều hơn vào lợi nhuận trước thuế so với bộ phận tư vấn. Còn lợi nhuận của bộ phận phân tích thì tăng 19% trong quý vừa qua, mức tăng nhanh nhất trong tất cả các lĩnh vực kinh doanh của tập đoàn. Giáo sư Rosabeth Moss Kanter của trường kinh doanh Harvard gọi đây là “một sự can đảm về trí tưởng tượng” và nhận định: “Sam Palmisano đã tăng tốc và tỏa sáng trên nền tảng mà Louis Gerstner đã xây dựng được”.

Khi bước vào “thời của cảm biến và các điện thoại thông minh”, IBM đã không quan tâm nhiều đến việc sản xuất ra chúng mà tập trung vào việc khai thác khối lượng thông tin cập nhật khổng lồ do các thiết bị này và các trang mạng xã hội mang lại. Rồi từ đó thực hiện các bước phân tích nhằm tìm ra giải pháp cho các vấn đề vốn đang nan giải trong các nền kinh tế, ở các thành phố hay trong từng doanh nghiệp. Ở đây sự tham gia của CNTT nhằm bảo đảm tính khả thi cho giải pháp được thực hiện nhanh chóng, ít tốn kém, hiệu quả cao và góp phần vào việc hình thành môi trường bền vững.

Chương trình hành động của IBM về “một thập kỷ thông minh” đã được hình thành như thế và khách hàng là các chính phủ, các cộng đồng và những nhà điều hành cùng nhắm tới mục đích làm cho hành tinh chúng ta đang ở trở nên thông minh hơn bằng việc đem nhúng các tri thức đã được mã hóa (infused intelligence) vào các hệ thống hoạt động. Một thập kỷ thông minh chỉ là khởi đầu cho thời đại mới mà con người sử dụng công nghệ thông tin rộng rãi vào việc giải quyết các vấn đề cộng đồng, làm cho hệ thống trở nên mạch lạc hơn. Các nhà hoạch định chính sách nay cho rằng những điều cấp bách mang tính hệ thống cần được giải quyết ngay là sự tắc nghẽn giao thông, hạn chế ô nhiễm, giảm thiểu hoang phí các nguồn thực phẩm và năng lượng, cải thiện y tế và sử dụng có hiệu quả các tài nguyên đất, nước và khoáng sản.

IBM được 100 tuổi trong năm nay và Palmisano bước vào tuổi 60. Ở tuổi này từ lâu đã là “hết hạn” đối với một người của IBM. Mặc dù Palmisano chưa nói gì đến chuyện về hưu, nhưng những người thân cận với ông nghĩ rằng ông sẽ rời khỏi tập đoàn sau lễ kỷ niệm 100 năm thành lập. Mùa hè vừa qua, ông đã tổ chức lại dàn lãnh đạo cao cấp, một động thái được cho rằng có lẽ ông đã chọn được một số ứng cử viên sáng giá để thay thế mình.

Liệu mọi thứ sẽ tốt đẹp tại IBM sau khi Palmisano ra đi? Ít nhất đó là điều mà Frank Gens, trưởng chuyên gia phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường IDC (Mỹ), tin tưởng: “Người kế nhiệm tại IBM sẽ là người có cái nhìn theo cách mà Gerstner và Palmisano đã nhìn thế giới xung quanh”.

___________________________________

Tài liệu tham khảo:

-The decade of smart: http://www.ibm.com/smarterplanet/us/en/events/sustainable_development/12jan2010/index.html?ca=v_sustainabledevelopment

-Building a Smarter Planet: The Next Leadership Agenda: http://www.ibm.com/ibm/sjp/02_11_2009.html

-Building a smarter planet, city by city: http://www.ibm.com/smarterplanet/us/en/smarter_cities/article/shanghai_keynote.html

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Núi tiền khổng lồ của chúa đảo Tuần Châu
  • Nhà họ Lee mất dần quyền kiểm soát Samsung
  • Anh em Bầu Thụy hết nổ và chán nổi
  • Suy nghĩ về tiền theo tư duy của triệu phú
  • CEO cao giá chưa chắc làm việc hiệu quả
  • Bill Gates: Vị cứu tinh của nhân loại
  • Những “đại gia” quyền lực nhất Đông Nam Á
  • "Ai là người giàu nhất Việt Nam" (P2)
  • Ai là người giàu nhất Việt Nam? (P1)
  • Tại sao CEO Yahoo bị sa thải?
  • Đại học đẳng cấp chỉ dành cho người giàu
  • Khi các tỷ phú thế giới “chịu chơi”
  • 10 công ty lớn của những ông chủ bỏ học
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com