Giữa một trong những cuộc suy thoái tồi tệ nhất vài thập niên nay, nhiều cựu lãnh đạo tập đoàn tại Mỹ đang mạnh tay chi ra nhiều triệu USD trong cuộc tìm kiếm địa vị bầu cử, họ sử dụng sự giàu có cá nhân để thúc đẩy cỗ máy chính trị cho dù thiếu kinh nghiệm hoạt động. Tại California, tính đến thời điểm này, tỉ phú eBay, cựu Giám đốc điều hành Meg Whitman đã mạnh tay cung cấp 91 triệu USD cho cuộc chạy đua vào ghế Thống đốc. Việc chi tiêu hào phóng này đã khiến bà được một số nhà chiến lược Cộng hòa nổi tiếng biết đến, nó cũng giúp bà lấy lòng các cử tri có truyền thống ủng hộ ứng viên Dân chủ. Bà Meg Whitman bắt đầu cho cuộc vận động tranh cử bằng chiến dịch quảng cáo rầm rộ trên hệ thống đài phát thanh cả nước, gây sức ép đáng kể với các đối thủ của đảng Dân chủ. Ở Connecticut, người ta thấy tràn ngập các hình ảnh phát sóng trên truyền hình, những đoạn quảng cáo cho cựu Giám đốc điều hành World Wrestling Entertainment Linda McMahon, người tuyên bố sẵn sàng bỏ ra hơn 50 triệu USD của riêng mình để nỗ lực trở thành người kế nhiệm thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Dodd. Hai cựu lãnh đạo tập đoàn - một là phe Cộng hòa, một thuộc về Dân chủ - đang nhanh chóng nắm giữ vị trí dẫn đầu trong cuộc đua của các ứng viên diễn ra tại Florida. Rick Scott, từng đảm nhận cương vị giám đốc điều hành một tập đoàn y tế hiện dẫn đầu cuộc đua vào ghế thống đốc đảng Cộng hòa trong bầu cử sơ bộ sau khi tung ra hơn 25 triệu USD tiền riêng cho hàng loạt đoạn phim quảng cáo, nhấn mạnh hình ảnh là một người tái tạo việc làm. Tỉ phú Jeff Greene, thuộc phe Dân chủ đã quyết định theo đuổi vị trí trong Thượng viện. Tính đến nay, ông đã chi hơn 6 triệu USD trong hành trình tìm kiếm vận may thành chính khách, phần lớn cho hoạt động quảng cáo công kích đối thủ trong bầu cử sơ bộ. Ở Michigan, Rick Snyder, cựu Chủ tịch hãng sản xuất máy tính Gateway Inc., đã bỏ ra 6 triệu USD chủ yếu để quảng cáo trên truyền hình cố gây dựng hình ảnh tốt đẹp của bản thân để giành chiến thắng ứng viên ghế thống đốc của đảng Cộng hòa (vốn là một nghị sĩ kỳ cựu). Khả năng tài chính của các ứng viên giúp họ tránh được cơ sở hạ tầng chính trị truyền thống cũng như dựa vào nguồn quyên góp là chủ đề thường được đề cập đến trong mùa chạy đua chính trị tại Mỹ của các gương mặt mới năm nay. Họ chi tiêu mạnh tay để tự quảng bá chính bản thân như một người ngoài cuộc không “mang ơn” hay phụ thuộc vào những lợi ích đặc biệt. Tuy nhiên, trong khi các tài khoản ngân hàng giúp các ứng viên giàu có khá tự do trong cuộc “mặc cả” bằng đồng đô la, thì các cử tri Mỹ lại thường xuyên hoài nghi về kinh nghiệm chính trị của các gương mặt mới, Darry Sragow, người phụ trách chiến dịch tranh cử của ứng viên Dân chủ Al Checchi cho ghế Thống đốc California năm 1998 nói. Ông chủ của Northwest Airlines khi ấy đã bỏ ra 39 triệu USD tiền túi cho cuộc chạy đua nhưng không thành công. "Bạn cần vượt qua quan niệm rằng, bạn kiếm được quá nhiều tiền trong kinh doanh và bạn cảm thấy tẻ nhạt, buồn chán, bạn có cái tôi rất lớn và giờ đây bạn phải tìm ra thứ gì khác để giúp bạn bận rộn trở lại”, Sragow nói. Thị trưởng New York Michael Bloomberg đang nắm giữ kỷ lục “mạnh tay” tung tiền túi cho chạy đua chính trị tại Mỹ, ông chi 108 triệu USD (tương đương với khoảng 185 USD/lá phiếu) và chiến thắng nhiệm kỳ thứ ba trong năm ngoái. Tuy nhiên, những ứng viên giàu có thể phải mang trách nhiệm pháp lý, nhất là vào thời điểm rất nhiều cử tri điêu đứng vì suy thoái phải nổi xung bởi các gói giải cứu ngân hàng và lương thưởng của lãnh đạo tập đoàn vẫn tăng vọt. Greene, ứng viên thượng nghị sĩ Florida đã bị đối thủ chỉ trích rằng, ông hưởng lợi từ những người nghèo khổ bằng việc đầu cơ vào các dự án bất động sản và vươn tới địa vị tỉ phú khi bong bóng bất động sản bùng nổ. Tổng chưởng lý Florida Bill McCollum, đối thủ tranh ghế thượng nghị sĩ Cộng hòa của Scott trong cuộc bầu cử sơ bộ đã không ngớt “nhắc” cử tri rằng, Scott từng dẫn đầu một mạng lưới bệnh viện thu lợi nhuận lớn là Columbia/HCA, hãng phải chi trả 1,7 tỉ USD để giải quyết vụ gian lận Medicare. Ông Scott đã rời tập đoàn với hàng triệu USD tiền mặt và cổ phiếu.. Tại California, đối thủ của Whitman đã tấn công bà vì mối quan hệ với Goldman Sachs - hãng chi trả 475.000 USD cho Whitman trong thời gian bà làm việc ở đây. Đối thủ đặt ra câu hỏi liệu Goldman có tạo điều kiện để bà có cổ phiếu ưu đãi hay không. Carly Fiorina, cựu giám đốc điều hành Hewlett-Packard đã vay 5,5 triệu USD để chi dùng vào cuộc tranh cử nhằm giành thắng lợi trước thượng nghị sĩ Dân chủ Barbara Boxer ở California. Bà bị sa thải khỏi HP năm 2005 và ra đi với 21 triệu USD cổ phiếu cho dù khi ấy, giá cổ phiếu của hãng này sụt giảm mạnh. Các đối thủ tranh cử đã nhằm vào chi tiết này để chống lại bà. Tuy nhiên, tiền cho phép các ứng viên cố gắng đổi mới chiến thuật mà những người khác không thể. Ví dụ như ở New Hampshire, ứng viên thượng nghị sĩ Jim Bender sử dụng một khoản tiền trong tổng số 1,5 triệu USD dành cho chi tiêu tranh cử để tài trợ cho một buổi biểu diễn của các ứng viên "American Idol". Đối thủ của ông, Bill Binnie, cũng vung ra 3,5 triệu USD trong giá trị tài sản ước tính 400 triệu USD của ông để “phủ sóng” truyền hình trong cuộc chiến chống lại cựu Tổng chưởng lý elly Ayotte. Thụy Phương (Theo AP)//VietnamNetỨng viên Carly Fiorina trong chiến dịch tranh cử ghế thượng nghị sĩ California. Ảnh: Boston
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com