Khi những món đồ chơi với thương hiệu Beanie Babies của Ty Warner có giá thành rẻ, mẫu mã đẹp gắn với những tên gọi độc đáo ra mắt thị trường, cũng là lúc Warner cảm nhận được mình đang ngồi trên một mỏ vàng. |
Bỏ dở việc học tại trường Đại học Kalamazoo, Ty Warner loay hoay kiếm sống và tìm đến nghề bán đồ chơi.
Có thể, đấy không phải là một khởi đầu đầy hứa hẹn, nhưng khi cậu thanh niên Ty Warner quyết định khởi động dây chuyền sản xuất các con thú đồ chơi ngộ nghĩnh, trẻ em trên khắp nước Mỹ cùng số tiền tiết kiệm của chúng lập tức bị cuốn hút.
Khi những món đồ chơi với thương hiệu Beanie Babies của Ty Warner có giá thành rẻ, mẫu mã đẹp gắn với những tên gọi độc đáo ra mắt thị trường, cũng là lúc Warner cảm nhận được mình đang ngồi trên một mỏ vàng.
Bố là thợ bán đồ chơi và mẹ là nghệ sĩ dương cầm, cậu con trai Ty Warner đã có một tuổi thơ đầy ắp những hình ảnh của các con thú đồ chơi ngộ nghĩnh và một tâm hồn lãng mạn được nuôi dưỡng bằng âm nhạc. Ở trường học, Warner chỉ là một học sinh trung bình, cậu không gặp nhiều rắc rối nhưng cũng không nổi trội về thành tích học tập.
Tan giấc mơ Hollywood
Với năng lực học tập trung bình, Warner cũng đỗ được vào khoa kịch của trường Đại học Kalamazoo. Nhưng Warner học ở đó không được đến một năm. Cậu đã bỏ học và cố gắng tìm vận may của mình trong vai một diễn viên thực thụ.
Warner vác ba lô lên đường đến kinh đô điện ảnh Hollywood, bang California. Tại đây, Warner làm nghề bơm gas và bán máy ảnh để chi trả cho cuộc sống lăn lộn với việc tìm kiếm vai diễn.
Cuối cùng, Warner nhận ra rằng, nghề diễn không phải là một tương lai tươi sáng. Warner từ bỏ ý tưởng “làm chuyện lớn” ở Hollywood và quay trở về Chicago. Đây là một bước đi thay đổi toàn bộ cuộc đời Warner.
Trở về Chicago, Warner tham gia vào ngành đồ chơi với công việc đầu tiên tại công ty đồ chơi Dakin, nơi bố cậu từng làm việc. Với việc bán những con thú nhồi bông, Warner phải vận động cơ bắp rất nhiều.
Chẳng có gì để mất, Warner bắt đầu thử nghiệm nhiều kỹ năng bán hàng khác nhau. Từ việc lái một chiếc Rolls-Royce được phủ một lớp lông và một con mèo nhồi bông to tướng trên nóc xe đến việc lái một chiếc xe thể thao có hình thù kỳ dị, Warner muốn thu hút sự tò mò của những người bán lẻ. “Tại Dakin, tôi đã học được nghề marketing, cách bán hàng hiệu quả” - Warner nói về quãng thời gian làm việc tại Dakin.
Năm 1980, sau 18 năm làm việc tại Dakin, Warner rời khỏi công ty này. Vác ba lô lên vai, Warner lên đường đến Sorrento, Italia. Đó là chuyến đi thứ hai thay đổi cuộc đời của Warner. Khi đến Italia, Warner khám phá ra rất nhiều loại thú nhồi bông, đặc biệt là những con mèo đồ chơi mới mẻ và hoàn toàn chưa có ở thị trường Mỹ trước đó.
Nhưng Warner không chỉ nhìn thấy những con vật ngộ nghĩnh. Warner còn nhận ra một điều khác, đó là cơ hội kinh doanh cực lớn đang chờ cất cánh. Trở về Chicago năm 1983 với một quyết định mới là biến những khám phá mới mẻ tại Italia thành một dự án thành công ở Mỹ.
Quay trở về Mỹ, Warner tìm kiếm nguồn vốn cần thiết để bắt đầu dự án của mình. Ông đem căn nhà nhỏ bé ở ngoại ô đi thế chấp cùng với số tiền 50.000 USD được cha để lại sau khi mất và số tiền dành dụm được từ mức thu nhập sáu con số tại Dakin đủ để Warner thành lập công ty Ty Incorporated vào năm 1986.
Công ty này có một khởi đầu rất khiêm tốn với văn phòng đặt bên trong một khu công nghiệp ở Oak Brook, bang Illinois. Công việc trong đơn hàng đầu tiên của ông là đi đến Hàn Quốc để tìm một nhà máy để sản xuất đồ chơi cho Ty Incorporated.
Sau đó, ông thuê 2 trợ lý để giúp ông đưa công ty cất cánh, cả hai cộng sự này vẫn ở lại công ty này cho đến tận ngày nay.
Khi mọi việc đã bắt đầu ổn định, Warner khởi động dây chuyền sản xuất đầu tiên - 10 con mèo nhồi bông có giá cả phải chăng và không giống những con mèo Warner đã nhìn thấy ở Italia. Mỗi con mèo được sản xuất ra có một kích cỡ khác nhau, màu sắc khác nhau cùng một tên gọi riêng và rất độc đáo, chẳng hạn Smokey, Angel Peaches.
“Trẻ em nhận biết qua tên gọi. Ban đầu tôi tự nghĩ đến những cái tên thật đáng yêu. Sau đó, tôi đem các con thú đến văn phòng và hỏi ý kiến của mọi người” - Warner nói.
Mỗi con mèo được bán với giá 20 USD và số đồ chơi mới này đã đánh một tiếng vang lớn tại các hội chợ đồ chơi trên khắp nước Mỹ. Tại một hội chợ đồ chơi ở Atlanta, Warner đã bán được đến 30.000 con mèo chỉ trong một tiếng đồng hồ.
Năm 1991, Warner khởi động dây chuyền sản xuất gấu, một bộ sưu tầm đồ chơi được đánh số ở chân. Năm sau đó, Warner công bố một bộ sưu tầm các loại đồ chơi, bao gồm chó, khỉ và các con vật nuôi khác có giá bán từ 5 USD đến 20 USD.
Năm 1993, Warner cho ra mắt bộ sưu tầm 9 loại đồ chơi Beanie Babies. Chưa đầy một năm sau, khi ra mắt, loạt đồ chơi nhãn hiệu Beanie Babies có mặt tại hầu hết các cửa hiệu đồ chơi trên khắp đất nước.
Chiến lược tạo sự khan hiếm
Chỉ trong vòng vài năm, Beanie Babies đã trở thành một hiện tượng trên thị trường đồ chơi, và Warner trở thành tỷ phú. Tại đỉnh cao trong sự nghiệp kinh doanh, công ty Ty.Inc của Warner đã từng kiếm được hơn 700 triệu USD lợi nhuận trong một năm.
Bên cạnh đồ chơi, Warner còn tham gia đầu tư trên thị trường bất động sản với việc đổ tiền vào các khách sạn, sân golf, bao gồm khách sạn Four Seasons ở New York, khu nghỉ dưỡng Four Seasons ở Santa Barbara và cả khu nghỉ dưỡng Miramar.
Hiện nay, Warner vẫn tiếp tục giữ vị trí là chủ tịch, giám đốc điều hành và là chủ sở hữu duy nhất của Ty.Inc. Với tổng tài sản trị giá 4,4 tỷ USD, Warner vẫn là một trong những người giàu nhất trên thế giới. Thế nhưng, ông vẫn sống trong một căn nhà ở Oak Brook, bang Illinois và tham gia tích cực vào các hoạt động từ thiện.
Warner không tiêu một xu nào cho quảng cáo, ngay cả những ngày đầu ra mắt loạt đồ chơi Beanies Babies. Thay vào đó, Warner theo đuổi một chiến dịch độc đáo và tiết kiệm chi phí để lôi kéo thêm lòng mong muốn của khách hàng. Bước đầu tiên trong kế hoạch marketing độc đáo của Warner là từ chối bán đồ chơi của mình cho các cửa hàng bán lẻ lớn, bao gồm Walmart, Wallgreen và kể cả Toys R Us. Trong khi các đối thủ cạnh tranh của Warner không thể bỏ qua việc bày hàng hóa tại các siêu thị bán lẻ lớn.
Thay vào đó, Warner quyết định chỉ bán cho các cửa hàng Hallmark và các cửa hàng “ma & pop”. Đây là những cửa hàng đồ chơi nhỏ ở Chicago đã gắn bó với tuổi thơ của Warner. Việc bán hàng tại các cửa hàng trung bình tạo cho khách hàng niềm tin rằng giá cả sẽ rất hợp lý.
Bước thứ hai trong kế hoạch của Warner là hạn chế số lượng đồ chơi mỗi cửa hàng bán lẻ được lấy. Warner quyết định rằng số lượng đơn đặt hàng tối đa của mỗi cửa hàng chỉ là 36 món/tháng đối với mỗi kiểu đồ chơi. Điều này lại tạo cho người tiêu dùng niềm tin là các loại đồ chơi này chỉ được bán với một số lượng có hạn. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng gặp khó khăn nếu muốn sưu tập đủ bộ đồ chơi tại một cửa hàng.
Cuối cùng, bước thứ ba trong chiến dịch marketing của Warner là chọn ngẫu nhiên để “cho về hưu” một số mẫu đồ chơi, đồng thời cho ra mắt một số mẫu mới. Năm 1996, khi Warner công bố kết thúc một số mẫu đồ chơi, người hâm mộ Beanie Baby trên khắp đất nước sững sờ. Đây là nỗ lực của Warner để giữ các bộ sưu tập đồ chơi luôn được “tươi mới” và khách hàng ngày càng thèm muốn.
Chiến lược tạo sự khan hiếm của Warner đã rất thành công đến nỗi một năm sau đó, ông phải thuê 3 chiếc máy bay 737 để vận chuyển hàng khẩn cấp từ nhà máy ở Hàn Quốc đến các cửa hàng trên khắp nước Mỹ vì nhu cầu đã được đẩy lên quá cao.
Giữ bí mật để dụ dỗ khách hàng cũng là một bí quyết độc đáo của Warner. Trong cả sự nghiệp kinh doanh của mình, Warner chỉ mới thực hiện duy nhất 3 cuộc phỏng vấn với giới truyền thông, mặc dù ông là một trong những người giàu có nhất thế giới. Có thực sự, Warner muốn giữ chuyện riêng tư đến mức như vậy?
Trên tất cả các tài liệu bao gồm cả trang web, đều không có số điện thoại công ty. Trụ sở của Ty.Inc cũng đặt ở ngoại ô thành phố Chicago, trong một tòa nhà bê tông không hề có logo công ty, thậm chí không có địa chỉ để nhận biết. Đối với những người qua đường, không ai có thể biết đấy là chỗ của công ty đồ chơi thành công nhất thế giới. Địa chỉ thư chính thức của công ty cũng không có gì khác hơn là một hòm thư bưu điện.
Warner cũng khẳng định rằng những người ở bên cạnh ông không được tiết lộ bí mật cá nhân và bí mật của công ty. Hiện nay, các nhân viên trong công ty phải hứa không đựơc tiết lộ thông tin về công ty và về tổng giám đốc.
Tất cả các yêu cầu giữ bí mật này không phải vì Warner là người ẩn dật, muốn giấu tung tích. Thay vào đó, với cách làm này, ông đã làm tăng sự ưa thích và tò mò của người tiêu dùng về sản phẩm của công ty và cả người đứng đằng sau sự thành công của Beanie Babies.
Tất cả các đồ chơi của Warner đều có giá từ 10 đến 20 USD và Warner bắt đầu chú ý đến thị trường mục tiêu của mình. Mặc dù không quá đắt, nhưng Warner cảm thấy một món đồ chơi giá 10 USD vẫn là quá đắt đối với số tiền tiêu vặt hàng tuần mà bọn trẻ con nhận được. Warner muốn tạo ra một món đồ chơi nhỏ có sức hấp dẫn đối với trẻ con và phù hợp với túi tiền của bố mẹ chúng.
Mong muốn đương đầu với rủi ro đã luôn ở trong con người Warner từ thời thơ ấu. Không phải ai cũng sẵn sàng rời khỏi trường đại học để theo đuổi giấc mơ của mình. Kể cả khi phải làm công việc bơm gas và bán máy ảnh trên đường phố Hollywood, Warner cũng đã quyết định thử vai diễn này cho cuộc đời mình.
Rủi ro còn lớn hơn khi Warner phải chấp nhận sự thật là sân khấu và nghề diễn không phải là điểm tựa để anh gắn bó cuộc đời, và anh trở về Chicago để làm việc cho Dakin. Và, khi nhận ra mình không còn vui vẻ khi làm việc ở Dakin, Warner tiếp tục chấp nhận rủi ro khác khi từ bỏ công việc này và chuyển đến Italia khi trong đầu không hề có ý tưởng gì về tương lai của mình.
Là chủ tịch và giám đốc điều hành của công ty mình, Warner đã tiếp tục niềm đam mê của mình qua việc tiếp tục thử thách với rủi ro. Đầu tiên, Warner đặt tất cả số tiền tiết kiệm trong cuộc đời mình, số tiền thế chấp của căn nhà và cả số tiền thừa kế vào số phận của những món đồ chơi có giá từ 5 đến 20 USD.
(Theo Mai Khanh // Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com