Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh tế học vi mô

Kinh tế học vi mô (microeconomic) là một phân ngành chủ yếu của kinh tế học, chuyên nghiên cứu về hành vi kinh tế của các cá nhân (gồm người tiêu dùng, nhà sản xuất, hay một ngành kinh tế nào đó).

Mục tiêu nghiên cứu


Một trong những mục tiêu nghiên cứu của kinh tế vi mô là phân tích cơ chế thị trường thiết lập ra giá cả tương đối giữa các mặt hàng và dịch vụ và sự phân phối các nguồn tài nguyên giới hạn giữa nhiều cách sử dụng khác nhau. Kinh tế vi mô phân tích thất bại của thị trường, khi thị trường không vận hành hiệu quả, cũng như miêu tả những điều kiện cần có trong lý thuyết cho việc cạnh tranh hoàn hảo. Những ngành quan trọng trong kinh tế vi mô bao gồm thị trường dưới thông tin bất đối xứng, chọn lựa với sự không chắc chắn và các áp dụng trong kinh tế của lý thuyết trò chơi.

Phạm vi nghiên cứu


Phạm vi nghiên cứu của kinh tế học vi mô bao gồm:

  • Các lý luận cơ bản cho kinh tế học như cung, cầu, giá cả, thị trường
  • Các lý thuyết về hành vi của người tiêu dùng
  • Lý thuyết về hành vi của người sản xuất
  • Các lý luận về trao đổi, phúc lợi kinh tế
  • Các lý luận về thất bại thị trường
  • v.v...

Phương pháp nghiên cứu


Phương pháp nghiên cứu của kinh tế học vi mô bao gồm:

Phương pháp mô hình hóa

Đây là phương pháp cơ bản được sử dụng trong Kinh tế học vi mô dựa trên việc xây dựng các mô hình kinh tế để phân tích, lý giải và kết luận về những quy tắc lựa chọn kinh tế tối ưu. Nhìn chung, phương pháp này cũng được các môn khoa học khác vận dụng tùy vào trường hợp cụ thể. Mô hình là sự đơn giản hóa thực thể nền kinh tế bao gồm các thành phần chính như các khái niệm, các giả định và các kết luận rút ra từ mô hình (xây dựng lý thuyết từ giả định). Để mô hình thực sự có ích trong việc rút ra các kết luận chính xác và có căn cứ khoa học thì mô hình kinh tế phải đảm bảo đơn giản hóa thực tế và được xây dựng từ những tình huống có thực. Tuy nhiên tình huống thực tế nhiều khi rất phức tạp và không mang tính chất đại diện, vì thế cần có các giả thiết để đảm bảo điều kiện áp dụng của mỗi mô hình.

Phương pháp so sánh tĩnh

Theo phương pháp này, các giả thuyết kinh tế về mối quan hệ giữa các biến luôn phải đi kèm với giả định Ceteris Paribus trong mô hình.

Phương pháp phân tích cận biên

Đây là phương pháp đặc thù của Kinh tế học nói chung và Kinh tế học vi mô nói riêng. Nó cũng là phương pháp cơ bản của sự lựa chọn kinh tế tối ưu bởi vì bất cứ sự lựa chọn nào cũng phải dựa trên sự so sánh giữa lơi ích mang lại và chi phí bỏ ra. Phương pháp phân tích cận biên được sử dụng để tìm ra điểm tối ưu (còn gọi là điểm cân bằng) của sự lựa chọn. Theo phương pháp này, chúng ta phải so sánh lợi ích và chi phí tại mỗi đơn vị hàng hóa, dịch vụ được sản xuất (hoặc tiêu dùng) tăng thêm. Lợi ích chi phí đó được gọi là lợi ích cận biên và chi phi cận biên.

Nền tảng cho các chuyên ngành của kinh tế học


Kinh tế học vi mô là nền tảng cho nhiều chuyên ngành của kinh tế học. Chủ nghĩa kinh tế tự do mới phát triển các lý luận kinh tế học vĩ mô của mình trên cơ sở kinh tế học vi mô. Ngay cả chủ nghĩa Keynes gần đây (phái kinh tế học Keynes mới) cũng đi tìm các cơ sở kinh tế học vi mô cho lý luận kinh tế học vĩ mô của chủ nghĩa này. Trên cơ sở kinh tế học vĩ mô, nhiều chuyên ngành khác trong đó có tài chính quốc tế, kinh tế học phát triển được phát triển. Kinh tế học vi mô còn làm nền tảng trực tiếp cho các môn như kinh tế học công cộng, kinh tế học phúc lợi, thương mại quốc tế, lý thuyết tổ chức ngành, địa lý kinh tế, v.v...

(Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)

  • Kinh tế học vĩ mô
  • Kinh tế học công cộng
  • Kinh tế học vĩ mô
  • Kinh tế học công cộng
  • Kinh tế học quốc tế
  • Kinh tế học môi trường
  • Địa lý kinh tế
  • Chính sách kinh tế
  • Các đường cong kinh tế học: Bàng quan (kinh tế học)
  • Các đường cong kinh tế học: Đường cong J (kinh tế)
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com