Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thuật ngữ kinh tế học: Hiệu ứng tài sản, Tiêu dùng phô trương, Tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên

Hiệu ứng tài sản


Trong kinh tế học, hiệu ứng tài sản (có tài liệu tiếng Việt gọi là hiệu ứng của cải, hiệu ứng thịnh vượng, ảnh hưởng của sự giàu có, v.v...) chỉ sự điều chỉnh tiêu dùng của cá nhân khi thấy giá trị tài sản (nhất là nhà ở, chứng khoán) của mình thay đổi. Người tiêu dùng có thể tiêu dùng nhiều hơn khi có nhiều tài sản hơn, và có thể tiêu dùng ít đi nếu tài sản bị giảm đi.

Tuy liên quan đến hành vi tiêu dùng của cá nhân, song hiện tượng hiệu ứng tài sản thường được quan tâm hơn trong kinh tế học vĩ mô khi tranh luận về tác động của các chính sách kinh tế và hiện tượng kinh tế tới tổng cầu.

Các nghiên cứu thực nghiệm cho đến nay vẫn đưa ra kết quả không thống nhất về việc hiệu ứng tài sản có ý nghĩa thống kê (statistically significant) hay không.

Tiêu dùng phô trương


Tiêu dùng phô trương (một số tài liệu ở Việt Nam còn gọi là sự tiêu dùng nhằm thể hiện, sự tiêu dùng nhằm khoe khoang, sự tiêu thụ trưng phô) là một thuật ngữ kinh tế học để chỉ một loại hành vi tiêu dùng. Người ta tiêu dùng để cho mọi người xung quanh thấy mình ở địa vị xã hội nào đó, dù thực có địa vị xã đó hay không. Thuật ngữ này (tiếng Anh: conspicuous consumption) do Thorstein Veblen (1857-1929) đặt ra vào năm 1899 trong tác phẩm The Theory of the Leisure Class[1]. Trong tác phẩm này, Veblen mô tả hành vi tiêu dùng của tầng lớp mới giàu (Veblen gọi họ là leisure class trong tác phẩm của mình) cuối thế kỷ 19 nhờ công nghiệp hóa ở Hoa Kỳ.

Nhiều nghiên cứu thống kê đã cho thấy tiêu dùng phô trương là có trong thực tế. Chẳng hạn, Charles et al (2007)[2] cho thấy người gốc Phi và người gốc Mỹ Latinh ở Hoa Kỳ có xu hướng dành một tỷ lệ lớn chi tiêu của mình cho những hàng hóa trưng diện được (như ô tô, quần áo, đồ trang sức) hơn so với người da trắng có cùng mức sống. Grossman and Shapiro (1988)[3] tìm hiểu thấy có những người sẵn sàng mua hàng nhái (hàng gắn nhãn hiệu nổi tiếng nhưng không phải do hãng sở hữu nhãn hiệu đó sản xuất thực) hơn là mua hàng có cùng chất lượng nhưng không gắn nhãn hiệu nổi tiếng chứng tỏ họ cần nhãn hiệu để thỏa mãn nhu cầu trưng phô.

Nguyên nhân dẫn tới hành vi tiêu dùng phô trương được Veblen chỉ ra là: 1) sự ghen tỵ (envy) - người kém thành đạt muốn phô trương để che giấu sự kém thành đạt; và 2) sự kiêu hãnh (pride) - người ta muốn có danh tiếng thông qua phô trương để cho công việc của mình suôn sẻ hơn. Các nhà kinh tế học ngày nay dùng lý thuyết trò chơi để giải thích hành vi tiêu dùng này, chẳng hạn Friedman and Ostrov (2008)[4]. Các nhà kinh tế học và tâm lý học chỉ ra rằng hành vi tiêu dùng phô trương phụ thuộc vào kinh nghiệm, nhận thức và cả ý thức canh tranh của người tiêu dùng.[5]

Liên quan đến hành vi tiêu dùng phô trương, Veblen còn giới thiệu một khái niệm khác, gọi là hàng hóa Veblen. Đây là loại hàng hóa mà giá cả của chúng càng cao thì càng hấp dẫn người mua, bởi vì giá cả chính là thước đo của sự kiêu hãnh.

Tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên


Tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên - một khái niệm kinh tế của chủ nghĩa tiền tệ - là tỷ lệ thất nghiệp khi nền kinh tế ở trạng thái cân bằng dài hạn. Khái niệm này được đề xuất bởi Milton Friedman và Edmund Phelps vào năm 1968. Các giả thiết của kinh tế học cổ điển được áp dụng trong lý luận về tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên, đó là nền kinh tế ở trạng thái cạnh tranh hoàn hảo, thị trường hàng hóa và thị trường lao động có khả năng điều chỉnh tức thời trước các biến động của giá cả.

Trong thập niên 1960, trường phái kinh tế học vĩ mô tổng hợp đưa ra đường cong Phillips (sau này kinh tế học gọi tên rõ hơn là đường cong Phillips ngắn hạn) để chỉ tương quan âm giữa thay đổi tỷ lệ thất nghiệp và và thay đổi tỷ lệ lạm phát. Trên cơ sở này, họ cho rằng có thể làm giảm tỷ lệ thất nghiệp nếu áp dụng các chính sách thúc đẩy tổng cầu và chấp nhận lạm phát gia tăng. Friedman và Phelps phản đối ý tưởng nói trên. Hai người lập luận rằng chính sách đánh đổi lạm phát lấy giảm thất nghiệp chỉ có giá trị trong ngắn hạn. Còn trong dài hạn, nếu lạm phát tăng tốc thì tiền công thực tế tăng lên (tiền công danh nghĩa cố định theo hợp đồng đã thành lập). Điều này có nghĩa là giá lao động tăng, nên doanh nghiệp sẽ giảm thuê mướn lao động. Tỷ lệ thất nghiệp chỉ nhất thời giảm đi, rồi sẽ quay trở lại.

Nguyên nhân dẫn tới sự tồn tại của tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên được cho là các quy định về mức lương tối thiểu, sự không phù hợp giữa kỹ năng và công việc, v.v...

(Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)

  • Kinh tế học vi mô
  • Kinh tế học vĩ mô
  • Kinh tế học công cộng
  • Kinh tế học quốc tế
  • Kinh tế học môi trường
  • Thuật ngữ kinh tế học: Vấn đề ông chủ và người đại diện
  • Bank run
  • Lạm phát - Inflation
  • Một số thuật ngữ kinh tế thông dụng (A - G)
  • Một số thuật ngữ kinh tế thông dụng (H - W)
  • Các thuật ngữ chung liên quan đến WTO
  • Corporate brand – Thương hiệu tập đoàn
  • Merger & Acquisition - Sáp nhập và Mua lại
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com