Nhân dịp lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập trường Kinh doanh Harvard, Tuần Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn GS Robert S. Kaplan về định hướng của trường trong tương lai.
Robert S. Kaplan |
Tuần Việt Nam: Thưa ông, trên cương vị một giáo sư kỳ cựu, đáng kính của Harvard Business School (HBS), xin ông vui lòng cho VietNamNet được biết, trong những năm tới đây, trường Harvard có định hướng ra sao về mặt chiến lược cũng như chính sách để luôn giữ vững vị trí là trường kinh doanh hàng đầu thế giới?
GS. Robert S. Kaplan: HBS vẫn luôn tuân theo đúng tôn chỉ của trường đó là “Đào tạo ra những nhà lãnh đạo có khả năng tạo ra sự khác biệt trên thế giới”. Đương nhiên, chúng tôi cũng hiểu rằng, trong tương lai, trường phải thay đổi cho phù hợp với bước chuyển mình của môi trường kinh doanh thế giới.
Trong những năm tới, trường chúng tôi xác định sẽ phải mang tính toàn cầu hơn nữa cả trên phương diện quốc tịch của các sinh viên theo học bằng thạc sỹ, quản trị hay tiến sỹ cũng như giáo trình giảng dạy.
Những nghiên cứu lý thuyết và thực tế dùng trong giảng dạy của chúng tôi sẽ phân tích nhiều hơn tới tình hình thực tế tại các quốc gia ngoài biên giới nước Mỹ, đặc biệt là tại các nước đang phát triển và các thị trường mới nổi.
Robert S. Kaplan (sinh năm 1940) là Giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard, ông bắt đầu làm cán bộ giảng dạy tại HBS từ năm 1984 sau 16 năm cống hiến giảng dạy tại trường Đại học kinh tế Carnegie-Mellon. Ông cùng với David P. Norton sáng tạo ra công cụ Thẻ cân bằng điểm (The Balanced Scorecard), thuật ngữ này lần đầu tiên được Kaplan và Norton giới thiệu trong tạp chí Harvard Business Review năm 1992 với bài viết: The Balanced Scorecard: Measures That Drive Performance (Thẻ Cân bằng Điểm: Dụng cụ đo lường hiệu quả công việc). Ngoài ra, ông còn là tác giả hoặc đồng tác giả của 13 cuốn sách, 16 bài báo trên HBR và hơn 120 bài báo khác. Cuốn sách tiêu biểu gần đây: Time-Driven Activity-Based Costing viết cùng Steve Anderson. |
Chúng tôi sẽ tiếp tục nhấn mạnh về vai trò chủ chốt của phương thức lãnh đạo. Tình hình mới đòi hỏi phương thức lãnh đạo không chỉ tạo ra những giá trị bền vững cho các cổ đông mà còn phải gắn kết những giá trị đó với nguyện vọng, mong muốn của cộng đồng sống tại khu vực mà công ty tiến hành sản xuất, tiếp thị và bán sản phẩm.
HBS sẽ chú trọng vào phương thức lãnh đạo và quản lý trong các loại hình kinh doanh dựa trên cơ sở khoa học, tăng cường hiểu biết về các thách thức đặc thù đối với việc lãnh đạo những doanh nghiệp chuyên về công nghệ.
Tuy nhiên, HBS cũng sẽ không xem nhẹ công tác giáo dục khía cạnh đạo đức trong kinh doanh đối với đội ngũ lãnh đạo tương lai cũng như vai trò mà các nhà lãnh đạo phải đảm đương trong việc cổ vũ sự phát triển của các doanh nghiệp hoạt động vì xã hội trong chính cộng đồng của họ.
-Lâu nay, HBS vẫn luôn nổi danh là trường đề ra và phát triển nhiều sáng kiến giáo dục mang tính cách mạng như “bài học tình huống”, mà bây giờ chúng ta vẫn quen gọi là “case study”. Vậy trong tương lai, trường có dự định đưa ra những sáng kiến gì trong giáo dục và nghiên cứu?
Harvard Business School 100 năm, xứng tầm vị thế dẫn đầu |
- Giảng dạy qua bài học tình huống (case study) là phương pháp hết sức hiệu quả mà chúng tôi đã tiến hành trong suốt 75 năm qua và sẽ vẫn tiếp tục áp dụng trong thời gian tới. Phương pháp này không chỉ mang lại cho sinh viên của chúng tôi những giờ học hiệu quả mà còn luôn là lời hối thúc, giục giã đội ngũ giảng dạy phải không ngừng thâm nhập vào đời sống kinh doanh nhằm rút ra nhiều ứng dụng giảng dạy tiến bộ và sáng tạo, sau đó đúc kết thành giáo trình giảng dạy.
Đây chính là nhân tố giúp đội ngũ giảng dạy tại HBS luôn là những cá nhân có hiểu biết uyên thâm nhất thế giới về các phương pháp quản lý tiên tiến nhất. Đương nhiên, với sự hỗ trợ của công nghệ, hiện giờ, chúng tôi đã đưa vào giảng dạy các bài học đa phương tiện thay thế cho phương pháp giảng dạy đơn thuần qua sách vở trước kia.
Nhờ vậy, sinh viên của chúng tôi có điều kiện chứng kiến các nhân vật trong bài học tình huống giao tiếp với nhau và thường xuyên có sự tương tác với các sinh viên khác thông qua việc xây dựng tình huống. Nói vậy không có nghĩa rằng chúng tôi sẽ bỏ hoàn toàn các bài thảo luận trong lớp học với 80 - 90 nhà quản lý có kinh nghiệm.
Thực chất, thay vì tham gia các cuộc thảo luận truyền thống này, sinh viên giờ đây sẽ được hỗ trợ bằng các công cụ mạng, tiếp xúc với các nhân vật tình huống trên video, thậm chí là trực tiếp sẽ thông qua hội đàm vô tuyến (video conferencing). Thông thường, các bài thảo luận thông qua hội đàm vô tuyến trong các lớp học sẽ có sự tham gia của các nhà lãnh đạo đến từ Trung Quốc và Ấn Độ.
-Hiện chúng ta đang sống trong kỷ nguyên Internet và toàn cầu hóa, vậy HBS có những chiến lược và chính sách gì để thích ứng với xu thế thời đại cũng như duy trì đà phát triển?
- Như đã nói ở trên, trường HBS đã ứng dụng Internet như một nền công nghệ để ấn định thời khóa biểu lớp học và gửi tài liệu giảng dạy tới sinh viên của trường. Nhờ có Internet, chúng tôi đã mời được các nhà lãnh đạo cách xa tới nửa vòng trái đất tham gia vào các giờ học tình huống của trường.
Cùng lúc, HBS cũng đã thành lập gần 10 trung tâm nghiên cứu trên toàn thế giới như các trung tâm tại Paris, Buenos Aires, Hồng Kông, Thượng Hải, Mumbai, và Tokyo. Các trung tâm này đóng vai trò hỗ trợ tài liệu và dữ liệu thực tế về các công ty bản địa cho các giảng viên của trường khi họ có yêu cầu tiến hành các nghiên cứu và bài học tình huống về tình hình thực tế tại đó cũng như làm công tác điều phối các chuyến thâm nhập thực tế tới các điểm ngoài nước Mỹ cho những sinh viên đang theo học thạc sỹ.
HBS 100 năm |
Song song với đó, HBS cũng đã bắt đầu tiến hành giảng dạy một số chương trình quản trị tại các cơ sở của HBS tại nước ngoài chẳng hạn như Trung Quốc, Ấn Độ, và Pháp. Nhờ vậy mà chúng tôi có thể bắt kịp gần hơn nữa với các xu thế của toàn cầu. Có thể tự hào nói rằng chúng tôi là những chuyên gia đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ vào công tác soạn tình huống bài học, giảng dạy và nghiên cứu, và đương nhiên trên cả phương diện toàn cầu được phản ánh trong các tình huống, nghiên cứu hay các chuyến thâm nhập thực tế của chúng tôi.
-Như chúng ta đều biết hệ thống tài chính Hoa Kỳ đang trải qua những ngày đen tối, với tư cách là một đơn vị nghiên cứu, phải chăng HBS đã có phần tắc trách khi đã không tiến hành những nghiên cứu cần thiết cũng như không đưa ra cảnh báo sớm cho chính phủ?
- Tôi tin rằng tất cả đội ngũ giảng viên trường Harvard đều hết sức ngỡ ngàng trước tốc độ và sức lan tràn của cuộc khủng hoảng tài chính Hoa Kỳ. Nhưng không chỉ chúng tôi mà những vị chủ tịch của Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Federal Reserve Bank), Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ (US Secretary of Treasury) hay Tổng Giám đốc của các tập đoàn lớn cũng bàng hoàng không kém.
Chính vì vậy, chúng tôi không phải là người duy nhất có lỗi. Một số khoa của trường đã tiến hành phân tích về sự lỏng lẻo của mô hình kinh tế Hoa Kỳ như: thâm hụt tài khoản thương mại và tài khoản vãng lai trên diện rộng hay tỷ lệ cho vay thấp. Tuy nhiên, không ai có thể thực sự tiên liệu được các thị trường có thể cầm cự trước tình trạng thâm hụt này trong bao lâu và càng không thể biết được tình trạng này sẽ đi về đâu.
Tôi tin rằng hầu hết chúng ta đều hết sức ngỡ ngàng trước sự sụp đổ của các hệ thống quản lý rủi ro doanh nghiệp, các lực đòn bẩy cao do các định chế tài chính đề ra cùng sự yếu kém trong hoạt động bảo lãnh và bảo hiểm các chứng khoán bắt nguồn từ các khoản thế chấp.
Cuộc khủng hoảng xảy đến do nhiều yếu tố hợp thành, chính vì vậy chúng ta khó có thể đoán biết được mức độ tương tác phức tạp của hàng loạt các yếu tố như lãi suất thấp, mức độ đầu cơ nhà đất thái quá, sự yếu kém trong trình độ quản lý các khoản thế chấp, bảo đảm, phân chia và hoán đổi các chứng khoán đảm bảo bằng các khoản thế chấp, mức đòn bẩy cao của các định chế tài chính do chính phủ đỡ đầu như FNMA hay Freddie Mac hay tác động về sự khác biệt trong công tác kế toán giữa các thị trường. Việc giá nhà đất sụt giảm 20 - 30% đã chính thức châm ngòi cho cuộc khủng hoảng này.
-Vậy các ngài dự kiến sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập HBS như thế nào để xứng tầm với vị thế của một trường kinh doanh hàng đầu thế giới?
- Về tham dự lễ kỷ niệm lần này, các cựu sinh viên trường Harvard – những cá nhân đã và đang giữ cương vị lãnh đạo trong lĩnh vực kinh doanh và xã hội - có cơ hội cùng tham gia và thảo luận về môi trường công ty hiện tại và tương lai. Chúng tôi đã ghi hình và tổng hợp tất cả các sự kiện trong Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và công bố ra công chúng.
Những sự kiện này cùng với hàng loạt các bản nghiên cứu và các bài nghiên cứu chuyên đề do các khoa trong trường tiến hành sẽ đóng vai trò định hướng cho giáo trình giảng dạy thạc sỹ của trường cũng như cho hoạt động nghiên cứu và phát triển môi trường lớp học trong vòng từ 10 - 20 năm tới. Dịp lễ kỷ niệm 100 năm vừa là ngày lễ kỷ niệm trọng đại nhưng hơn thế đây chính là cơ hội chúng ta sẽ đề ra lộ trình để HBS luôn là trường kinh doanh hàng đầu cho 100 năm về sau.
(Theo Anh Minh//TuanVN)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com