Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Citroen: 9 thập kỷ độc chiêu và tiên phong

Cũng giống như Peugeot và Renault, Citroen là niềm kiêu hãnh của người Pháp và của ngành công nghiệp ô tô nước này. Thế nhưng, ít ai biết rằng, hãng này đã từng lâm vào bờ vực phá sản và bị Peugeot mua lại.

Nước Pháp cũng là một cường quốc ô tô. Người Pháp không sùng bái và cuồng tín ô tô đến mức như người Đức, không tôn thờ và sủng ái ô tô đến độ như người Anh, nhưng cũng có tình yêu đặc biệt với ô tô, cũng coi ô tô là sự thể hiện tầm cỡ và địa vị xã hội. Họ có tâm lý đó và ứng xử như thế không phải vô cớ mà dựa trên cơ sở thực tế là nước Pháp cũng đã sản sinh ra được nhiều thương hiệu ô tô có thể sánh vai với các nước khác. Citroen là một trong số ấy.

Thương hiệu này không chỉ nổi tiếng thế giới, kỳ phùng địch thủ với các thương hiệu ô tô khác trên thế giới, mà còn trở thành một phần diện mạo và niềm tự hào của nước Pháp, có thể đại diện xứng đáng cho nước Pháp ở bên ngoài biên giới quốc gia của nước này. Citroen ra đời cách đây đã 90 năm và bí quyết thành công của thương hiệu này có thể gói gọn được trong bốn chữ: “Độc chiêu” và “Tiên phong”. Độc chiêu là bởi về ngoại hình, kiểu dáng và cả thiết kế nội thất Citroen không giống với bất cứ loại xe nào khác. Tiên phong vì hãng này luôn đi đầu trong không ít lĩnh vực công nghệ chế tạo ô tô mà cả trong môi trường sản xuất ô tô, trong ý tưởng và văn hóa kinh doanh. Độc chiêu và tiên phong đã giúp thương hiệu này tiếp tục tồn tại ngay cả khi nó sát nhập vào tập đoàn khác, tiếp tục có giá ngay cả khi cạnh tranh khốc liệt với các thương hiệu ô tô lừng danh ở nước Pháp, châu Âu và trên thế giới. Nói đến xe ô tô Citroen là người ta có thể hình dung về một loại xe thanh thoát và lịch thiệp, thể thao mà sang trọng. Tất cả bắt đầu từ sản phẩm chỉ liên quan rất ít đến xe ô tô cách đây 90 năm.

Giải mã biểu tượng thương hiệu

Hiện nay Citroen là thương hiệu xe ô tô lớn thứ ba ở nước Pháp sau Renault và Peugeot. Nó không còn là tập đoàn độc lập nữa mà đã cùng với Peugeot thuộc về tập đoàn PSA. Citroen là họ của kỹ sư người Pháp Andre Citroen. Năm 1990, trong một chuyến đi Ba Lan, người kỹ sư này đã mua lại được bản quyền chế tạo bánh răng theo phương pháp đã được Joseph Woollams phát minh ra từ năm 1820. Trở về Pháp, Andre Citroen thành lập công ty chế tạo bánh răng và lấy biểu tượng hai bánh răng khớp vào nhau làm biểu tượng cho công ty. Biểu tượng ấy về sau trở thành biểu tượng thương hiệu của Citroen.

Lúc đầu Citroen chỉ sản xuất bánh răng, từ năm 1915 chuyển sang sản xuất lựu đạn cho quân đội Pháp sử dụng trong chiến tranh thế giới thứ nhất. Lợi nhuận thu được từ phi vụ chế tạo 23 triệu quả lựu đạn đủ để Andre Citroen chuyển sang chế tạo ô tô. Năm 1919, chiếc ô tô đầu tiên của Citroen ra đời. Ngày nay, người ta vì thế nghiễm nhiên coi năm 1919 là năm sinh của xe ô tô Citroen. Loại ô tô này có bộ phận đề khởi động và bánh xe dự trữ - cả hai đều được coi như cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp chế tạo ô tô lúc đó, cho dù ngay từ năm 1912, hãng Cadillac đã chế tạo ra bộ đề khởi động xe. Thương hiệu ô tô Citroen bắt đầu từ đó.

Cải tiến mẫu mã và không ngừng sử dụng thành quả của tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản phẩm đã làm cho thương hiệu này luôn được coi là tân tiến và hiện đại mà vẫn có bản sắc riêng. Không chỉ có vậy, Citroen còn đi đầu trong nhiều phương diện kinh doanh khác mà về sau trở nên không thể thiếu được đối với ngành công nghiệp chế tạo và kinh doanh ô tô. Citroen là hãng ô tô đầu tiên áp dụng chế độ bảo hành toàn bộ xe trong thời gian một năm, là hãng đầu tiên áp dụng kiểu bán xe trả góp và cho thuê xe, thành lập nhà trẻ của hãng và dàn nhạc của hãng, áp dụng chế độ bảo hiểm y tế và xây dựng quỹ lương hưu cho nhân viên làm việc trong hãng.

Bán mình để tiếp tục tồn tại

Thương hiệu Citroen càng nhanh chóng nổi tiếng bao nhiêu thì số phận của người sản sinh ra nó thật chẳng được may mắn bấy nhiêu. Andre Citroen gần như chưa được hưởng gì từ ý tưởng kinh doanh của mình thì đã qua đời năm 1935.

Trước đó, dưới tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, hãng Citroen gặp khó khăn không tự khắc phục nổi về tài chính và phải tuyên bố phá sản. Anh em nhà Michelin, chủ một hãng chế tạo lốp (vỏ) xe ô tô, mua lại phần lớn cổ phần của hãng và tiếp tục cho sản xuất xe Citroen. Nhờ thế mà thương hiệu này tiếp tục được tồn tại. Vì vậy, các nhà nghiên cứu lịch sử thương hiệu gọi chuyện này là “bán mình để tiếp tục tồn tại”. Nếu như Andre Citroen đã làm ra thương hiệu Citroen thì anh em nhà Michelin đã cứu sống nó và đặt nền móng để thương hiệu này không chỉ được biết đến tại nước Pháp mà còn trở thành một thương hiệu nổi tiếng thế giới.

Năm 1975, đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất của Citroen là Peugeot đã thành công trong việc thâu tóm Citroen. Nhưng đến thời điểm đó, Citroen đã nổi tiếng và có giá đến mức Peugeot thấy rằng việc tiếp tục sử dụng thương hiệu này có lợi hơn nhiều so với xóa sổ nó. Từ đó có sự hợp tác và liên kết chặt chẽ giữa hai thương hiệu này, bổ xung cho nhau và khai thác triệt để những thế mạnh của nhau. Cũng chính vì thế mà ngày nay, nhìn vào chiếc xe mang thương hiệu Citroen và Peugeot có thể nhận ra ngay những nét tương đồng, nhưng lại cũng không thể nhầm lẫn chúng với nhau. Đó cũng là quyết định khôn ngoan của Peugeot và quyết định đó đã giúp cho Citroen giờ có thể bước vào tuổi 90 mà chưa hề bị coi là sắp “về già”.

Trong suốt những thập kỷ thăng trầm đó, cho dù thuộc về chủ sở hữu nào thì Citroen vẫn trung thành với hai bí quyết thành công, đồng thời cũng là hai bản sắc của mình mà rất hiếm thấy ở nơi khác, là luôn có độc chiêu và luôn đi tiên phong. Độc chiêu để quyến rũ khách hàng và tiên phong để đón bắt sự thay đổi tâm lý của khách hàng. Nhìn rộng ra thì nếu làm được như vậy, lại suốt trong một thời gian dài như Citroen, thì thương hiệu nào mà chẳng thành công.

(Theo Ngư Phủ // Báo Doanh nhân)

  • Bí mật trong logo của các thương hiệu nổi tiếng
  • Bên trong Google
  • Cuộc cách mạng “H&M”
  • 10 hãng hàng không an toàn nhất thế giới
  • Ông chủ Trung Nguyên tiếp tục chê bai Starbucks
  • Nghệ thuật phát triển thương hiệu của Starkist
  • BYD Trung Quốc tham vọng thành mác xe hàng đầu thế giới
  • Facebook tăng trưởng và kiếm lời với lượng người dùng khổng lồ
  • Cuộc chiến Logo giữa Apple và Woolworths
  • Audi - Không cần lớn, chỉ cần khôn
  • Toyota tụt hạng trong top 100 thương hiệu tốt nhất
  • Giá trị nhãn hiệu Google gia tăng trong thời kỳ khủng hoảng
  • Airbus - Boeing, “cuộc chiến” chưa có hồi kết
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com