Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thời trang khả biến, phong cách bất biến

Đầy tính phá cách và khiêu khích, nhưng đồng thời chứa đựng hàm lượng nghệ thuật cao, YSL đã góp phần xây dựng thương hiệu cho nước Pháp.  

Trong thế giới thương hiệu có một thương hiệu một mình làm nên cả cuộc cách mạng về thời trang. Người sáng lập ra nó coi thời trang như sứ mệnh của cuộc đời mình. Thương hiệu này góp phần rất quan trọng giúp cho nước Pháp được coi là cái nôi và trung tâm của may đo cao cấp trên thế giới. Nó được coi là huyền thoại và bất tử bởi phong cách riêng đầy tính phá cách và khiêu khích, nhưng đồng thời chứa đựng hàm lượng nghệ thuật cao của một con người: Yves Saint Laurent, hay đơn giản chỉ là những chữ cái YSL trong lôgô biểu tượng cho thương hiệu.

Vì cuộc sống và phụ nữ

Thương hiệu YSL ra đời năm 1962 và từ năm 1999 đến nay thuộc sở hữu của hãng thời trang Gucci. Giống như rất nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới khác, YSL khởi nguồn từ trang phục, sau đó mới lan toả sang lĩnh vực nước hoa, trang sức và những vật dụng khác, tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ, thể hiện đẳng cấp xã hội của họ. Thật ra, trước khi có được thương hiệu riêng, Yves Saint Laurent đã rất nổi tiếng. Sự ra đời của thương hiệu này lại là một quyết định chẳng đặng đừng của Laurent!

Yves Saint Laurent sinh ngày 1/8/1936 ở Algeria, khi đó là thuộc địa của Pháp. Người cha là chủ một hãng bảo hiểm ở Pháp. Gia đình ông chạy tỵ nạn sang Bắc Phi. Yves Saint Laurent chịu ảnh hưởng về thời trang từ người mẹ và bộc lộ năng khiếu thiết kế thời trang từ rất sớm. Năm 17 tuổi, chàng trai trẻ đã giành được một giải thưởng quốc tế về thiết kế váy áo dự tiệc cho phụ nữ, buộc Karl Lagerfeld phải chịu thua.

Năm 1954, Yves Saint Laurent đến Paris và trở thành trợ lý của Christian Dior, người sáng lập ra thương hiệu Dior. Năm 1957, anh trở thành giám đốc nghệ thuật trẻ tuổi nhất của hãng này và khắc đậm dấu ấn thiết kế riêng trong sản phẩm thời trang của Dior, nhưng chỉ được 3 năm. Năm 1960, Yves Saint Laurent bị triệu tập vào quân ngũ. Chỉ sau có 20 ngày trong quân ngũ, Yves Saint Laurent đã bị suy sụp hoàn toàn về tinh thần và phải điều trị tại một bệnh viện tâm thần. Sau hai tháng điều trị, Yves Saint Laurent được xuất viện và phục viên. Dior không thu nạp lại Yves Saint Laurent. Anh không còn sự lựa chọn nào khác, bèn cùng với người tình đồng giới Pierre Berge thành lập hãng thời trang riêng. Thương hiệu YSL xuất hiện từ đó.

Nhưng công bằng mà nói thì Yves Saint Laurent chỉ là nhà thiết kế thời trang. Thương hiệu này nổi danh và thành công còn nhờ đến tình yêu của Berge dành cho Yves Saint Laurent và nghệ thuật, cộng với tài năng tuyệt vời về kinh doanh và quản lý tài chính của Berge cũng phải kể đến số vốn đầu tư ban đầu của nhà tài phiệt J. Mark Robinson ở Atlanta (Mỹ). Thật trớ trêu và thú vị: nước Pháp đã nhờ cậy vào nguồn tiền từ Mỹ để có được một thương hiệu làm rạng danh cho chính mình. Âu đó cũng là một trường hợp đặc sắc hiếm thấy trong thế giới thương hiệu.

Yves Saint Laurent không chỉ nhanh chóng chinh phục mà còn có ảnh hưởng sâu đậm tới thế giới thời trang từ đó. Những bộ sưu tập thời trang được công bố, những kết quả kinh doanh đã đạt được và sự ngợi ca của dư luận đủ để thể hiện một cách rất thuyết phục quá trình thăng hoa của thương hiệu này. Năm 2002, ông Yves Saint Laurent giã từ thế giới thời trang và sống thầm lặng cho tới khi qua đời ngày 1/6/2008. Đích thân Tổng thống Pháp khi ấy - Nicolas Sarkozy - đã tuyên bố: "Yves Saint Laurent là người đầu tiên nâng may đo cao cấp lên thành nghệ thuật". Phải biết rằng, nước Pháp sẽ không còn là nước Pháp nếu như không có may đo cao cấp - Haute Coutoure - thì mới hiểu vì sao ông Sarkozy lại đánh giá như thế. Và cũng có lẽ không ai khác ngoài người tình đồng giới chung thuỷ Berge của Yves Saint Laurent đánh giá chính xác hơn và khái quát hơn về cống hiến của ông: "Coco Chanel làm cho phụ nữ được tự do. Yves Saint Laurent đem lại cho phụ nữ uy lực". Cuộc sống và phụ nữ là đối tượng được phục vụ và tôn thờ trong mọi sáng tạo của Yves Saint Laurent.

Cách mạng, sáng tạo và khiêu khích

Tôi thiết kế thời trang cho thời đại của tôi, nhưng luôn cố gắng dự đoán rằng sau đó sẽ là gì - Yves Saint Laurent

Nét đặc biệt nhất ở thương hiệu này là sự đoạn tuyệt với những truyền thống được coi là bất khả xâm phạm trong thế giới thời trang. YSL tô điểm và đề cao vẻ đẹp tự nhiên của người phụ nữ chứ không che giấu. Nhưng thời trang cũng phải làm cho người phụ nữ thoải mái và tự tin chứ không bị gò bó. Thắt đáy lưng vì thế bị phá cách. Màu sắc tối thẫm truyền thống vì thế bị huỷ bỏ. Những kiểu dáng trang phục của đàn ông vì thế cũng có thể làm cho thích hợp với phụ nữ. Thời trang cao cấp, thậm chí xa xỉ vì thế, cũng không phải là của riêng của số ít. Yves Saint Laurent là người đầu tiên để các cô người mẫu trần ngực trình diễn, dùng ảnh khoả thân của chính mình để quảng cáo cho sản phẩm, sử dụng những chất liệu mỏng và nhẹ để thiết kế những bộ váy áo mà người xem có thể mường tượng ra được vẻ đẹp thân thể của người phụ nữ. Nhưng ông cũng thiết kế "complet" cho phụ nữ. "Tôi muốn phụ nữ có những bộ trang phục như đàn ông có bộ complet". Quan niệm của ông về vẻ đẹp, đặc biệt là vẻ đẹp của phụ nữ, thực sự đi trước thời đại: người phụ nữ tự do, được giải phóng và bình đẳng, tự tin đến mức khiêu khích, không giấu diếm khao khát yêu và được yêu, gợi cảm và quyến rũ. Yves Saint Laurent tự nhận là đã giúp phụ nữ bước vào thế giới uy lực và tự do vốn được coi là dành riêng cho đàn ông. Năm 1983, Yves Saint Laurent đã từng thể hiện triết lý sáng tạo thời trang của mình: "Không có gì đẹp hơn một cơ thể trần. Trang phục đẹp nhất trùm quanh người phụ nữ là vòng tay người đàn ông mình yêu. Nhưng tất cả những người phụ nữ không có được hạnh phúc ấy thì có tôi".

Ảnh hưởng sâu đậm của nghệ thuật trong mọi sản phẩm cũng là một yếu tố làm nên thành công của thương hiệu này. Yves Saint Laurent lấy ý tưởng sáng tạo từ những tác phẩm của các danh hoạ trên thế giới. "Tôi đã tìm cách chỉ ra rằng thời trang là nghệ thuật. Tôi thiết kế thời trang cho thời đại của tôi, nhưng luôn cố gắng dự đoán rằng sau đó sẽ là gì", Yves Saint Laurent thường nói như vậy. Cũng chính vì thế mà YSL có được cái mà nhiều thương hiệu thời trang khác không có hoặc không thể bằng được, đó là phong cách. Thời trang qua đi, chỉ có phong cách là vĩnh viễn - Yves Saint Laurent nhận ra điều đó, nói ra điều đó, thực hiện được điều đó và tạo nên một trong những thương hiệu danh giá và đầy bản sắc trong thế giới thương hiệu.

(Theo Ngư Phủ // Doanh Nhân)

  • Bí mật trong logo của các thương hiệu nổi tiếng
  • Bên trong Google
  • Cuộc cách mạng “H&M”
  • 10 hãng hàng không an toàn nhất thế giới
  • Ông chủ Trung Nguyên tiếp tục chê bai Starbucks
  • 8 “đại gia” điện tử đang lỗ đậm
  • Điểm mặt các đại gia công nghệ đứng sau iPhone
  • Bên trong “đại bản doanh” của Facebook
  • Apple vẫn là thương hiệu đắt giá nhất thế giới
  • MTV xứng danh "tuổi trẻ, tài cao"
  • Vì sao túi da Hermes có giá “trên trời”?
  • Những con số "khủng" không thể tưởng tượng của chuỗi cửa hàng McDonald’s
  • Forbes Global 2000 năm 2012: Các 'ông lớn' vẫn tăng trưởng mạnh
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com