Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kỳ án Arctic Sea: Tên lửa, mafia và tin đồn

Ngày 4-9, một tờ báo địa phương của Áo khẳng định rằng chiếc tàu Arctic Sea, ngoài lô hàng gỗ còn chở tên lửa đất đối không S-300 của Nga cho Iran. Tổ chức gửi hàng cấm này là một nhóm mafia Nga


Trong vụ án tàu Arctic Sea đang được xét xử tại Moscow, hầu như mỗi ngày đều có những tiết lộ mới. Tuy nhiên, những tiết lộ này không những không làm sáng tỏ vụ án mà càng làm tăng thêm bí hiểm. Trong mấy tuần qua, báo chí nhiều nước cố gắng giải mã vụ án tàu Arctic Sea bị cướp mất tích hai tuần vào cuối tháng 7 rồi đột nhiên xuất hiện ở ngoài khơi đảo Cap-Vert (Tây Phi) và được tàu chiến Nga giải cứu ngày 17-8.


Thủy thủ đoàn tàu Arctic Sea  được hải quân Nga giải cứu. Ảnh: AFP

Kiện hàng bí mật


Thứ sáu tuần rồi, một tờ báo Áo dường như đã tìm ra chìa khóa  mở toang cánh cửa bí mật bao trùm vụ án Arctic Sea. Dẫn các “nguồn tin Israel đáng tin cậy và có quan hệ tốt với các cơ quan tình báo phương Tây”, nhật báo Salzburger Nachrichten số ra ngày 4-9 khẳng định rằng  ngoài hàng hóa chính thức là gỗ Phần Lan trị giá khoảng 1,8 triệu USD, Arctic Sea còn chở các quả tên lửa Nga loại S-300 theo đơn đặt hàng của Iran và tổ chức đứng ra thực hiện hợp đồng này là một nhóm mafia Nga, trong đó có một số cựu sĩ quan biến chất.


Đây không phải lần đầu tin này được đưa ra. Trước đó, ngày 19-8, tức hai ngày sau khi chiến hạm Nga tìm thấy tàu Arctic Sea ở ngoài khơi đảo Cap-Vert và giải cứu 15 thủy thủ đồng thời bắt toàn bộ 8 tên cướp tàu mà không phải nổ tiếng súng nào, đô đốc hải quân Tarmo Kouts của Estonia từng phỏng đoán rằng chiếc Arctic Sea chở tên lửa Nga cho Iran hoặc Syria.


Kouts là người phụ trách hồ sơ cướp biển của NATO. Ý kiến nói trên của ông được đăng trên tuần báo Mỹ Time có tiếng là nghiêm túc. Do đó, việc chiếc Arctic Sea chở lậu vũ khí rất được dư luận chú ý. Hơn nữa một số tờ báo Nga cũng cho rằng chính kiện hàng bí mật ẩn giấu dưới lớp gỗ trên chiếc Arctic Sea là mục tiêu của vụ cướp tàu.
Alexander Bastrykin, Chủ nhiệm Ủy ban Điều tra Liên bang Nga vụ cướp tàu Arctic Sea, ngày 1-9 cũng thừa nhận trên nhật báo Nga  Rossiiskaya Gazeta rằng “không loại trừ khả năng chiếc tàu không chỉ chở gỗ”. Tiếp theo đó, tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Nga, tướng Nikolai Makarov, khẳng định rằng đang tiến hành một cuộc kiểm tra toàn bộ số hàng hóa trên chiếc Arctic Sea đang đậu tại cảng Novorossiisk.


Hàng trộm cắp từ Kaliningrad


Việc cất hàng lậu (tên lửa S-300) lên tàu Arctic Sea đã được tiến hành như thế nào? Ben Yishai, cây bút điều tra lão luyện của nhật báo Israel Yediot Aharonoth, cho biết kiện hàng bí mật đã được đưa lên tàu Arctic Sea đậu tại cảng Kaliningrad của Nga để tu sửa trong khoảng thời gian cuối tháng 6  đầu tháng 7.


Kaliningrad là lãnh thổ Nga nằm giữa  Lithuania, Belarus và Ba Lan. Tại đây có căn cứ quân sự quan trọng của Nga. Theo Ben Yishai, tên lửa S-300 - mà cũng có thể là tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân  X-55 - được chuyển lên tàu là hàng lấy cắp từ một đơn vị phòng không Nga đóng ở Kaliningrad.


Giữa tháng 7, chiếc Arctic Sea rời khỏi cảng Kaliningrad với kiện hàng bí mật ngụy trang dưới một lớp gỗ hướng về cảng Pietrassati của Phần Lan. Tại đây, để chắc ăn, người ta chất thêm một kiện hàng gỗ thứ hai. Ngày 21-7, tàu rời Phần Lan đi Bejaia, Algérie.


Rạng sáng 22-7, ở ngoài khơi đảo Gotland của Thụy Điển, 8 người đi xuồng cao su cặp tàu xin cứu giúp vì chết máy. Nhưng khi lên tàu, họ tự xưng là cảnh sát Thụy Điển và đòi khám hàng hóa. Theo nhiều nguồn tin đang lưu truyền, toàn bộ thủy thủ đoàn bị còng tay  và “cảnh sát Thụy Điển” nói tiếng Nga khi trao đổi với nhau. 12 giờ sau, một thủy thủ báo cáo với cơ quan hàng hải Thụy Điển toàn bộ sự việc. Khẳng định rằng nhóm cảnh sát đã bỏ đi, tàu cho biết tiếp tục cuộc hải trình. Đó là nguồn gốc tin tàu bị cướp. Tuy nhiên, giả thuyết này của Ben Yishai không thể giải thích vì sao khi tàu chiến Nga tìm thấy chiếc Arctic Sea, bọn cướp vẫn còn ở trên tàu.


Vẫn theo tờ Salzburger Nachrichten, áp-phe chở tên lửa nói trên đã bị “một cơ quan tình báo phương Tây” phát hiện và thông báo cho cơ quan an ninh Nga. Lập tức, chính quyền Nga quyết định ra tay ngăn chặn một vụ mua bán bất hợp pháp có thể làm mất mặt nước Nga nếu sự việc bị phát giác. Thật vậy, nếu chuyến hàng này trót lọt vào tay Iran (hoặc Syria) thì người ta có thể nghi ngờ Nga lén lút bán vũ khí tối tân cho Iran (hoặc Syria) mà không biết rằng thủ phạm là mafia Nga.


Không thể kiểm chứng


Với giả thuyết trên thì chính Nga đã dựng  lên vụ cướp tàu. “Nga đã  dành ra một thời gian khá lâu sau khi có tin tàu chở gỗ bị cướp trước khi chặn bắt nó ở ngoài khơi đảo Cap-Vert”, tờ báo Áo khẳng định như thế. Nói cách khác, không hề có chuyện chiếc Arctic Sea biến thành một con “tàu ma” mất tích ở đâu đó trên Đại Tây Dương như các thông tin ban đầu. NATO đã từng xác nhận điều này. Nga biết nó ở đâu vào từng thời điểm.


Điều nói trên cũng giải thích tại sao các cơ quan tình báo phương Tây im thin thít để mặc tình báo Nga xoay xở giải quyết chuyện nội bộ. Nó cũng giải thích tại sao Nga phải dùng nhiều máy bay vận tải khổng lồ chỉ để chở 15 thuyền viên và 8 tên cướp từ đảo Cap-Vert về Moscow.


Những  thông tin ly kỳ nói trên của  tờ Salzburger Nachrichten và Yediot Aharonoth đương nhiên không được chính quyền Nga xác nhận. Chúng cũng không thể trả lời hết những câu hỏi chung quanh vụ án Arctic Sea. Riêng tờ báo Pháp Le Journal du Dimanche nhận xét rằng đó là những thông tin không được kiểm chứng và cũng có thể “không thể kiểm chứng”. Báo này cho rằng những thông tin lấy từ một nguồn duy nhất là Israel này càng làm cho vụ án thêm phần rối rắm. Rất có thể Israel tung những thông tin giả thật lẫn lộn nhằm phục vụ lợi ích của họ.

 

Kỳ tới: Ai cướp tàu: Tình báo Israel hay Nga?

(Theo THẢO HƯƠNG // Nguoilaodong Online)

  • Một khu đất - hai chợ
  • Tung gói cước tỷ phú, Beeline vi phạm luật cạnh tranh
  • Vi phạm an toàn các công trình dầu khí: Hiểm họa khôn lường (1)
  • Khổ vì con dấu!
  • Kinh hãi công nghệ làm tương ớt ... đóng can
  • Kỳ án Arctic Sea
  • Vụ ám sát bất thành tổng thống Pháp
  • Cuộc đấu giữa “hai nửa” thế giới
  • Vụ ám sát đường không
  • Giấc mơ không trọn của gã đồ tể
  • Suy nghĩ từ bản án "vua lừa" Ma-đop
  • Vụ thi hành bản án trị giá hơn 2.250 lượng vàng-Cơ quan thi hành án có làm hết trách nhiệm?
  • Thời của “cảnh sát điện tử”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%