Trưa 17-3-1946, Cục trưởng Cục Quân thống (cảnh sát mật) Quốc Dân đảng Đới Lạp lên chuyên cơ từ Thanh Đảo về Thượng Hải. Máy bay cất cánh chưa được bao lâu thì nhận được tin báo từ sân bay Thượng Hải: do mưa lớn nên các chuyến bay hạ cánh xuống đây phải chuyển sang sân bay khác. Cơ trưởng quyết định đổi hướng bay đi Nam Kinh. Đến Nam Kinh, bất ngờ dông chớp, sấm sét nổi lên. Chiếc chuyên cơ chở Đới Lạp không thể nào hạ cánh xuống đường băng được. Một lúc sau, mọi liên lạc với nó trở nên vô vọng.
Sáng sớm ngày 19-3, xác chiếc chuyên cơ được tìm thấy ở Đại Sơn (Nam Kinh). Đây có phải một vụ tai nạn hàng không thuần túy do thời tiết xấu? Hai năm sau, một văn kiện tuyệt mật cho thấy Đới Lạp bị Mã Hán Tam, Trạm trưởng Trạm Quân thống Bắc Bình mưu sát.
Năm 1945, sau khi Nhật Bản đầu hàng quân Đồng minh, Mã Hán Tam được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Ủy ban Tiễu trừ nội gián ở Bắc Bình. Ngày 9-3-1946, Đới Lạp đến Bắc Bình. Khi kiểm tra danh sách nội gián, Đới Lạp không thấy tên Kim Bích Huy (Ái Tân Giác La Hiển Dư, tự Đông Trân, hiệu Thành Chi, con thứ 14 của Túc thân vương dưới thời Mãn Thanh, làm việc cho tình báo Nhật Bản, còn có tên khác là Xuyên Đảo Phương Tử, Kim Thành Tam, Kim Mộng Chi), liền giận dữ truy vấn Mã Hán Tam. Do nhận hối lộ của Kim Bích Huy, nên Mã Hán Tam cố tình loại nữ điệp viên nằm vùng này ra khỏi danh sách điệp viên, thậm chí còn định cho nữ điệp viên này trốn sang Nhật Bản.
Sau khi tìm hiểu được sự tình, Đới Lạp đích thân thẩm vấn Kim Bích Huy và quyết tâm điều tra làm rõ việc Mã Hán Tam nhận hối lộ, sau đó ra lệnh cho Mã Hán Tam nộp toàn bộ tang vật vào quốc khố, nếu không sẽ lĩnh án tử hình vì tội nhận hối lộ và giúp Hán gian đào tẩu. Để giữ mạng sống, Mã Hán Tam đành phải tuân theo thượng lệnh. Tuy nhiên, do lo ngại sau này Đới Lạp sẽ "xét lại lịch sử", Mã Hán Tam quyết định sử dụng mỹ nhân kế để trừ khử cừu thù. Mỹ nhân mà Mã Hán Tam sử dụng là nữ thư ký Lưu Ngọc Châu mà hắn từng yêu quý.
Ngày 16-3-1946, Đới Lạp rời Bắc Bình đi Thanh Đảo. Mã Hán Tam cố tình bố trí Lưu Ngọc Châu gần gũi, chăm sóc Đới Lạp. Ngày hôm sau, Đới Lạp quyết định rời Thanh Đảo. Trước khi Đới Lạp lên máy bay, lấy cớ kiểm tra an toàn, Lưu Ngọc Châu đã lên chuyên cơ, bí mật cài lên đó một quả mìn hẹn giờ. Theo kế hoạch, 12 giờ 30 phút ngày 17-3-1946, quả mìn sẽ nổ.
Không ngờ Đới Lạp lên máy bay sớm hơn dự định 1 giờ. Như vậy, nếu chiếc chuyên cơ hạ cánh xuống Thượng Hải đúng giờ, quả mìn hẹn giờ sẽ nổ sau khi Đới Lạp rời máy bay. Kế hoạch ám sát Đới Lạp để trừ hậu họa của Mã Hán Tam sẽ thất bại. Nhưng một yếu tố bất ngờ khác đã xuất hiện. Hôm đó, đường bay của chiếc chuyên cơ dù đã đổi hướng, nhưng vẫn gặp dông to gió lớn và mưa, chớp. Chiếc chuyên cơ chở Đới Lạp đã không thể hạ cánh sớm 1 giờ như Đới Lạp dự kiến. Sau khi bay hơn 1 tiếng và không thể hạ cánh vì gió lớn, quả mìn hẹn giờ cài trên chiếc chuyên cơ đến giờ hẹn, phát nổ. Cả tổ lái và Đới Lạp đều bị tử nạn.
Hơn hai năm sau, tháng 9-1948, hai kẻ mưu sát Đới Lạp bị xử tử bí mật ở Nam Kinh, nhưng với tội danh tham ô chứ không phải là tổ chức ám sát.
(Theo Khánh Linh (tổng hợp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com