Diễn biến mới nhất trong vụ án được cho là ly kỳ hơn bất cứ phim và truyện trinh thám nào là sự kiện nhà báo Mikhail Voitenko, vốn là một thủy thủ từng đi biển 15 năm, chủ bút bản tin hàng hải trực tuyến Sovfrakht Marine Bulletin, đã phải trốn khỏi nước Nga ngày 2-9 vừa qua. Cơ quan chủ quản website này là công ty tư vấn an ninh hàng hải Nga Sovfrakht-Sovmortrans Shipping.
Hiện tạm trú tại Istanbul, thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ, Voitenko giải thích với nhật báo The Moscow Times: “Có một số “gã” rất nghiêm túc khuyên tôi nên rời khỏi nước Nga ba, bốn tháng rồi sau đó có thể trở về”.
Được hỏi những “gã” đó là ai, Voitenko chỉ nói: “Khách”. Khách đây, theo báo chí Nga, là một thế lực ngầm, có thể là Mafia Nga nhằm tránh làm to chuyện. Được hỏi tiếp: “Có phải vì lý do vụ án tàu Arctic Sea?”. Voitenko xác nhận ông ra đi vì vụ này và nay mai sẽ rời Istanbul đến một nơi khác vô định. Trên website của mình, Công ty Sovfrakht xác nhận rằng Voitenko đã xin từ chức với lý do “không thể nói dối mãi”.
Hiểu sao cũng được
Theo chính quyền Nga, chiếc tàu treo cờ Malta của Công ty Arctic Sea Ldt. chở gỗ cho Công ty Phần Lan Oy Solchart Management Ab (cả hai công ty này đều có chung một ông chủ người Nga) với 15 thủy thủ Nga đã bị 8 tên cướp chiếm tàu ngày 24-7 ở vùng biển quốc tế gần Thụy Điển và được chiến hạm Nga giải cứu ngày 17-8 ở ngoài khơi vùng biển Tây Phi. Nhưng thông tin này có nhiều chỗ rất khó hiểu, ví dụ như tại sao ở một vùng biển không có cướp biển hoạt động từ 140 năm nay lại có người muốn cướp một chiếc tàu chở gỗ giá trị chưa đến 2 triệu USD?
Chiếc Arctic Sea được cho là chở gỗ từ Phần Lan tới Algeria nhưng nhiều nhà bình luận, trong đó có Voitenko, nghi ngờ rằng tàu chở lậu vũ khí cho nên mới bị cướp. Website của Voitenko là nguồn thông tin duy nhất phát hiện và phản ánh cuộc hành trình bí ẩn của con “tàu ma” Arctic Sea trong những ngày đầu.
Mikhail Voitenko trả lời báo chí ngày 18-8 tại Moscow. Sau lưng ông là chiếc Arctic Sea phóng trên màn hình lớn. Ảnh: AP |
Kể từ khi chiếc Arctic Sea được giải cứu, website của ông tiếp tục trích dẫn nhiều nguồn tin riêng, kể cả nguồn tin không chính thức của Bộ Quốc phòng
Nga, để cập nhật thông tin chung quanh vụ án này, trong đó ông ám chỉ vụ việc liên quan đến những quyền lợi của chính phủ.
Trước đây không lâu, Voitenko từng phát biểu với các phóng viên phương Tây: “Tôi không thể nói gì nữa về nguồn gốc câu chuyện này và tôi cũng không muốn đào sâu thêm nữa. Tôi cần phải giữ mạng sống của mình. Quý vị hiểu sao cũng được”.
Tam giác quỷ Bermuda
Trong một diễn biến khác, tờ The St-Peterburg’s Times ngày 2-9 đưa tin 11 trong số 15 thủy thủ tàu Arctic Sea cuối cùng đã được phép trở về nhà ở Arkhangelsk bằng xe lửa hôm 30-8 sau hai tuần lễ bị cơ quan điều tra giữ lại để thẩm vấn. Tuy nhiên, những thủy thủ này từ chối tiết lộ với báo giới chuyện gì đã xảy ra trên tàu từ ngày 24-7 ngày 17-8.
Một thủy thủ nói nửa đùa nửa thật với phóng viên hãng tin điện tử Life.ru: “Chúng tôi đi lạc vào vùng biển tam giác quỷ Bermuda. Chúng tôi được bọn cướp thết đãi kem lạnh”.
Được hỏi khi nào họ biết tàu bị cướp, một thủy thủ trả lời: “Liền tức thì. Mọi sự đều rõ ràng ngay từ phút đầu tiên”. Về cuộc sống trên tàu với bọn cướp biển và nội dung thẩm vấn ở Moscow, tất cả thủy thủ đều trả lời rập khuôn: “Rất không dễ chịu chút nào”.
Chưa rõ tại sao 4 thủy thủ còn lại chưa được trả về gia đình. Chính quyền chỉ cho biết họ đang được đưa tới Novorosiisk nhưng không nói rõ để làm gì và tại sao vì nhà của họ ở Arkhangelsk.
Câu chuyện nói trên càng làm tăng thêm những bí mật chung quanh con tàu Arctic Sea mà chuyên gia quân sự Douglas J. Hagmann mô tả là “sâu như biển
Đại Tây Dương”.
Ai cướp tàu?
Sự việc càng rối tung khi tất cả 8 người bị tòa án Nga cáo buộc cướp tàu đều không nhận tội và tố cáo kẻ cướp tàu chính là thuyền trưởng tàu Arctic Sea.
Ngày 28-8, hãng tin Interfax cho biết Alexander Samodaikin, luật sư bào chữa cho bị cáo Alexei Buleyev, một trong 8 người bị công tố viên Nga cáo buộc cướp tàu Arctic Sea, khẳng định rằng thân chủ ông và 7 bị cáo khác trước sau chỉ có một lời khai, theo đó họ là các nhà hoạt động vì môi trường đi trên một chiếc xuồng cao su hết nhiên liệu ghé tàu Arctic Sea để xin trợ giúp. Samodaikin kể lại: “Khi lên tàu, thân chủ tôi được thuyền trưởng người Nga hứa sẽ chia nhiên liệu nhưng sau đó thất hứa và giữ lại toàn bộ 8 người”.
Một luật sư khác của bên bị cho biết 8 nhà hoạt động môi trường cặp tàu Arctic Sea vì thời tiết xấu. Luật sư Omar Akmedov tuyên bố trên tờ Kommersant: “Ngày 24-7, thân chủ tôi và những người bạn xuất hành từ cảng Parnu của Estonia để thử một thiết bị đi biển. Một cơn bão sau đó buộc họ lên tàu Arctic Sea nhờ cứu hộ”.
Tuy nhiên, nhật báo The Moscow Times dẫn nguồn tin Ủy ban Điều tra Nga cho biết 6 trong số 8 bị cáo từng ở tù ở Estonia trong khoảng thời gian 2001 đến 2005. Họ ở cùng một quận ở Talinn, thủ đô Estonia. Họ rời khỏi Talinn ngày 17-7 với lời giải thích đi làm bảo vệ ở Tây Ban Nha. Hai bị cáo còn lại là người Latvia nhưng chỉ có một người mang hộ chiếu Latvia, người thứ hai không có hộ chiếu.
Quốc tịch của 6 bị cáo Estonia cũng không rõ ràng. Mặc dù họ khai với điều tra viên là người Estonia nhưng chỉ có một người mang hộ chiếu Estonia, 2 người khai mang quốc tịch Nga nhưng không có hộ chiếu, 3 người còn lại không có giấy tờ chứng minh thuộc quốc tịch nào.
Kỳ tới: Tên lửa, mafia và tin đồn
(Theo NGUYỄN CAO // Nguoilaodong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com