Toàn cảnh cuộc họp giao ban với các bộ, ngành về thực hiện đề án 30 |
Chiều 17/6, tại Hà Nội, tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ đã tiến hành họp giao ban triển khai phương án đơn giản hóa 258 thủ tục hành chính (đã được Chính phủ thông qua) và hoàn thiện, nâng cao chất lượng phương án đơn giản hóa trên 5.000 thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng các bộ, ngành.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc – Tổ trưởng Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng chủ trì cuộc họp.
Theo báo cáo của đồng chí Ngô Hải Phan – Tổ phó thường trực Tổ công tác chuyên trách, kết thúc giai đoạn 2 của Đề án 30, các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc tự rà soát theo đúng tiến độ và đạt chỉ tiêu Thủ tướng giao. Hiện, có trên 5.500 TTHC được kiến nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp, có 288 TTHC được kiến nghị thay thế, đạt tỷ lệ đơn giản hóa 81%. Bên cạnh chỉ tiêu này, về cơ bản các bộ, ngành cũng đạt chỉ tiêu cắt giảm 30% chi phí tuân thủ TTHC cho người dân và doanh nghiệp, tương đương với gần 30.000 tỷ đồng/năm.
Việc triển khai Nghị quyết số 25/NQ-CP của Chính phủ về đơn giản hóa 258 TTHC ưu tiên đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thông qua ngày 2/6/2010. Theo đó, việc đơn giản hóa 258 TTHC ưu tiên giúp cắt giảm trên 5.700 tỷ đồng mỗi năm chi phí tuân thủ TTHC của cá nhân và tổ chức.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, việc cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC chỉ có thể trở thành hiện thực sau khi các văn bản Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Quyết định của Thủ tướng, Thông tư, Quyết định của Bộ trưởng có liên quan được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ. Theo thống kê, khi thực thi phương án đơn giản hóa 258 TTHC ưu tiên đòi hỏi phải sửa đổi ít nhất 14 Luật và 3 Pháp lệnh, 44 Nghị định, 8 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 67 Thông tư, 33 Quyết định của Bộ trưởng và một số văn bản hành chính khác. Bên cạnh đó, để thực thi phương án đơn giản hóa trên 5.000 TTHC còn lại, hàng loạt các văn bản khác từ Luật, Pháp lệnh cho đến Nghị định, Quyết định của Thủ tướng, Thông tư của Bộ trưởng cần phải được sử đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ. “Đây là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của các bộ, ngành từ nay đến cuối năm” – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Cũng trong cuộc họp giao ban, đại diện Bộ Nội vụ đề xuất một số ý kiến như: Để làm tốt công tác cải cách TTHC thì việc đề cao tính kỷ luật hành chính là vấn đề quan trọng. Bên cạnh đó cũng phải làm quyết liệt, phải thể hiện được trách nhiệm độc lập của tổ công tác. Về vấn đề triển khai Nghị định 63 của Chính phủ về kiểm soát TTHC, Bộ cũng đề xuất cần xây dựng văn bản hướng dẫn cụ thể hơn và tổ chức bộ máy nếu có. Đề xuất đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thông qua tại cuộc họp.
Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, trên cơ sở phương án đơn giản hóa TTHC do Tổ công tác chuyên trách đề xuất và thông qua lấy ý kiến cá nhân, tổ chức, hoàn thiện phương án đơn giản hóa đối với các TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của bộ, ngành, bảo đảm thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc cắt giảm 30% chi phí tuân thủ TTHC và gửi lại Tổ công tác chuyên trách trước ngày 30/6/2010.
Các bộ, ngành cần chỉ đạo các Vụ, Cục, đơn vị chức năng xây dựng dự thảo văn bản pháp luật để thực thi Nghị quyết số 25 về việc đơn giản hóa 258 TTHC ưu tiên và phương án đơn giản hóa của trên 5.000 thủ tục hành chính còn lại theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cần phối hợp với Tổ công tác chuyên trách trong việc tham vấn các phương án rà soát độc lập đối với trên 5.000 TTHC với tinh thần cầu thị, cải cách mạnh mẽ. Đặc biệt, Tổ công tác chuyên trách định kỳ hàng tháng tổ chức giao ban với các bộ, ngành về tình hình triển khai đề án 30.
Kết thúc cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Khối lượng công việc rất khổng lồ, nếu không chung tay sẽ không thể xong được. Ngoài ra, tổ chuyên trách cần phối hợp với cơ quan truyền thông để có được tiếng nói chung và nhận được sự đồng thuận cao trong xã hội”.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com