Từ 1/1/2011, sẽ có nhiều thay đổi đối với các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại VN |
Đã 4 năm kể từ khi VN tham gia WTO. Các quy định liên quan đến đầu tư trong các tổ chức tín dụng đang từng bước được hoàn thiện để phù hợp với “sân chơi” chung này. Tuy nhiên, vẫn còn đó những “mắc mớ” cần giải quyết.
Mắc mớ chi nhánh ngân hàng nước ngoài
Điều kiện để thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại VN được coi là... hơi khắt khe so với điều kiện áp dụng cho việc thành lập ngân hàng liên doanh hoặc ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại VN. Nếu thành lập ngân hàng liên doanh hoặc ngân hàng 100% vốn nước ngoài chỉ cần tổng tài sản của ngân hàng mẹ lớn hơn 10 tỷ USD, trong khi lập chi nhánh lại chịu quy định ngân hàng mẹ phải có tổng tài sản lớn hơn 20 tỷ USD vào thời điểm kết thúc năm trước khi nộp đơn. Ngoài ra, theo cam kết WTO, trong vòng 5 năm kể từ khi gia nhập, VN có thể giới hạn quyền của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép nhận tiền gửi bằng đồng VN từ các cá nhân mà ngân hàng không có quan hệ tín dụng theo một lộ trình nghiêm ngặt.
Mặt khác, mức vốn pháp định cho đến năm 2010 của chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 15 triệu USD (tương đương 300 tỷ đồng), còn mức vốn pháp định của NHTM là 3.000 tỷ đồng (theo Nghị định 141/2006/CP-NĐ về ban hành danh mục mức vốn pháp định của các tổ chức tín dụng). Như vậy, việc áp dụng cùng 1 tỷ lệ về giới hạn cho vay, bảo lãnh cho chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các NHTM trong nước sẽ làm hạn chế khả năng cho vay của chi nhánh ngân hàng nước ngoài so với các NHTM trong nước.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, căn cứ cam kết gia nhập WTO của VN, từ 1/1/2011, chi nhánh NHNN được đối xử bình đẳng quốc gia, do đó, các chi nhánh NHNN cũng phải bình đẳng như các NHTM trong nước trong việc áp dụng các giới hạn về cấp tín dụng.
Đối xử quốc gia là một trong những nguyên tắc tạo thành nền tảng của hệ thống thương mại đa phương. Theo Hiệp định chung về Thương mại và Dịch vụ (GATS), tại Điều 15, mỗi quốc gia thành viên của WTO phải dành cho dịch vụ và người cung ứng dịch vụ của bất kỳ quốc gia thành viên nào khác sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử mà thành viên đó dành cho dịch vụ và nhà cung ứng của mình. Tuy vậy, nguyên tắc này đã được giải thích và áp dụng theo hướng bình đẳng giữa các nhà cung ứng dịch vụ trong nước và nước ngoài cả về quyền lợi và nghĩa vụ mà không xét trên khía cạnh mức độ thuận lợi của sự bình đẳng đó đối với nhà cung ứng dịch vụ nước ngoài. Các chi nhánh NHNN kể từ ngày 1/1/2011 trở đi sẽ được đối xử bình đẳng về giới hạn cho vay, bảo lãnh so với các NHTM trong nước bất kể sự đối xử đó là kém hay không kém thuận lợi hơn.
Tỷ lệ sở hữu CP của nhà đầu tư nước ngoài
Theo cam kết WTO, giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần trong các NHTM VN của nhà đầu tư nước ngoài dưới hình thức góp vốn mua cổ phần không được vượt quá 30% vốn điều lệ của NHTM đó.
Để cụ thể hóa quy định này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 69/2007/NĐ-CP ngày 20/4/2007 về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của NHTM VN. Trong đó, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan không vượt quá 30% vốn điều lệ của một NHTM VN, của một nhà đầu tư nước ngoài không phải là tổ chức tín dụng nước ngoài và người có liên quan không quá 5% và của một tổ chức tín dụng nước ngoài và người có liên quan không quá 10%. Nghị định 69 cũng cho phép những ngoài lệ để nâng mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức tín dụng lên 15% đối với nhà đầu tư chiến lược, thậm chí là 20% nếu có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ (Điều 4). Tạm thời, tỷ lệ sở hữu như trên vẫn được duy trì kể cả khi Luật TCTD 2010 có hiệu lực.
Như vậy, trên thực tế, một ngân hàng 100% vốn nước ngoài hay một ngân hàng liên doanh tại VN, mặc dù được thành lập và hoạt động theo pháp luật VN, nhưng lại thuộc đối tượng “người có liên quan” của tổ chức tín dụng nước ngoài theo quy định tại Nghị định 69. Vì vậy, các ngân hàng này khi mua cổ phần tại các NHTM VN cũng bị hạn chế ở mức tối đa 20% vốn điều lệ của NHTM VN đó.
Trong bối cảnh hiện nay, các NHTM VN còn đang đứng trước cơn khủng hoảng thiếu vốn, công nghệ và năng lực quản trị. Việc đặt ra các giới hạn trong giới hạn của tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài sẽ tạo ra rào cản giữa các NHTM VN được tiếp cận với các nguồn tài chính, trình độ công nghệ và năng lực quản trị của các tổ chức tín dụng nước ngoài và các ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh tại VN.
(Theo Ths Luật Nguyễn Mai Phương Cty EPLegal // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com