LDEA chưa phải là báo cáo tổng hợp về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp bộ như mong muốn. Song, có thể thấy rằng, lần đầu tiên được công bố, đây là một báo cáo có cơ sở khoa học, thực tiễn và đã đưa ra những đánh giá quan trọng.
Ngày 8-9-2010, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội nghị công bố “Báo cáo đánh giá chất lượng hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật của các bộ liên quan đến doanh nghiệp” (gọi tắt là LDEA - Legal Development and Enforcement Assessment).
Cơ sở khoa học, thực tiễn
Về đối tượng được khảo sát, LDEA chọn tất cả các hiệp hội doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi toàn quốc và hiệp hội cấp tỉnh là hợp lý. Bởi lẽ, theo thông lệ quốc tế và ở nước ta hiện nay, các hiệp hội doanh nghiệp là nơi tập trung tiếng nói nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp. Hơn nữa, nhóm nghiên cứu đã nhận được 124/300 phiếu khảo sát phản hồi với tỷ lệ 41%. Đó là tỷ lệ phản hồi cao theo nguyên lý của khoa học thống kê.
Về đối tượng được đánh giá: LDEA lựa chọn 14 bộ có liên quan nhiều tới hoạt động của các doanh nghiệp gồm Bộ Công Thương; Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT); Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN); Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT); Bộ Tài chính; Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT); Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT); Bộ Tư pháp; Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT &DL); Bộ Xây dựng; Bộ Y tế và Ngân hàng Nhà nước (NHNN)... là đúng và đủ.
Bởi lẽ, hoạt động xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật của các bộ này có tác động trực tiếp tới sự tồn tại, phát triển của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế ở nước ta hiện nay.
LDEA năm 2010 áp dụng cho hoạt động xây dựng, thi hành pháp luật của đối tượng được đánh giá trong khoảng thời gian từ 2005-2009. Đó là khoảng thời gian đủ dài để đưa ra những kết luận có tính quy luật.
Việc xác định hệ thống các chỉ số và chỉ tiêu thành phần của từng chỉ số được sử dụng để nghiên cứu, đánh giá là có cơ sở khoa học, khách quan.
Báo cáo tập trung nghiên cứu hai nội dung: chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật và chất lượng hoạt động thi hành pháp luật. Mỗi nội dung có một chỉ số và chỉ số này được xác định thông qua các chỉ tiêu thành phần.
Các phương pháp tiến hành khảo sát, đánh giá gồm xây dựng phiếu khảo sát, gửi nhận phiếu, chuẩn hóa thang điểm, xác định các trọng số và tính toán, tổng hợp kết quả chứng tỏ báo cáo có tính chuyên nghiệp, hợp lý, cẩn trọng và khoa học trong nghiên cứu đề tài.
Đồng thời, một số kết luận của LDEA trùng hợp với đánh giá của một số tổ chức quốc tế khi nghiên cứu, đánh giá về Việt Nam.
Ví dụ, Tổ chức minh bạch quốc tế đã xếp hạng về sự minh bạch trong quản lý đất đai của Việt Nam ở hàng cuối cùng trong danh sách 157 nước trên thế giới.
LDEA với phương pháp đánh giá của mình cũng đưa ra kết quả là, tính minh bạch của các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ TN-MT xếp thấp nhất (14/14 bộ được khảo sát).
Những đánh giá quan trọng
Trước hết, để xác định chỉ số về hoạt động xây dựng pháp luật LDEA dùng hai chỉ tiêu là lấy ý kiến góp ý xây dựng pháp luật và chất lượng văn bản quy phạm pháp luật.
Về mức độ thường xuyên lấy ý kiến góp ý xây dựng pháp luật, các bộ đều đạt loại khá trở lên. Tuy nhiên, về mức độ cầu thị, các bộ không được đánh giá cao.
Điểm cao nhất là 6,67/10 thuộc về Bộ Công Thương, điểm thấp nhất là 3,13/10 thuộc về Bộ Y tế...
Điều đó đã phản ánh một sự thật là, hiện nay phần lớn các bộ chỉ lấy ý kiến góp ý xây dựng pháp luật cho đủ thủ tục, còn “lắng nghe, tiếp thu” các ý kiến góp ý với tinh thần thực sự cầu thị thì vẫn là chuyện... “xưa nay hiếm”.
Về chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, LDEA tổng hợp trên cơ sở kết quả của bốn chỉ tiêu phụ gồm tính minh bạch, tính phù hợp, tính thống nhất và tính ổn định.
Về “tính minh bạch”, các bộ đều được xếp loại khá trở lên. Trong khi đó, với “tính phù hợp”, không có bộ nào được xếp loại tốt, có 4 bộ được xếp loại khá, đa số là loại trung bình, thậm chí có cả loại thấp. Điểm cao nhất là 6,58/10 thuộc về Bộ TT&TT, thấp nhất là 3,27 thuộc về Bộ Y tế.
Chỉ tiêu “tính thống nhất” cũng chỉ đạt mức trung bình, không có bộ nào đạt loại tốt. Bộ KH&CN đạt điểm cao nhất là 6/10; Bộ Xây dựng có điểm thấp nhất là 3,34/10.
Tính ổn định là chỉ tiêu có số điểm thấp nhất. Các bộ đều được xếp loại trung bình trở xuống, có 10 bộ xếp loại tương đối thấp và thấp. Điểm cao nhất về tính ổn định là 5,53/10 thuộc về Bộ KH&CN, điểm thấp nhất là 2,64 được dành cho Bộ Xây dựng.
Tổng hợp chỉ số xây dựng pháp luật cho thấy, các bộ được chia thành ba nhóm khá, trung bình và tương đối thấp.
Nhóm khá gồm: Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ KH&CN, Bộ LĐ-TB & XH, Bộ KH&ĐT, NHNN, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ TT&TT, Bộ VH-TT&DL.
Nhóm trung bình gồm: Bộ TN &MT, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Y tế.
Bộ Xây dựng được xếp loại tương đối thấp.
Biểu tổng hợp chỉ số xây dựng pháp luật như sau (xem biểu 1).
Với chỉ số hoạt động thi hành pháp luật, LDEA được xây dựng trên hai chỉ tiêu là khả năng tiếp cận thông tin pháp luật và đánh giá một số hoạt động thi hành pháp luật.
Về khả năng tiếp cận thông tin pháp luật, khả năng tiếp cận tới các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực bộ quản lý, hầu hết các bộ đều xếp loại khá trở lên. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận tới các mẫu biểu thủ tục hành chính, không có bộ nào được xếp loại tốt, chỉ có hai bộ được xếp loại khá, còn lại là trung bình và tương đối thấp.
Còn khả năng tiếp cận các quy định về tiêu chuẩn, quy trình, quy chuẩn kỹ thuật ở các bộ được xếp loại tương đối thấp, thậm chí là rất thấp. Riêng các kế hoạch, quy hoạch phát triển cấp ngành được đánh giá là khó tiếp cận nhất. Tất cả các bộ đều được xếp loại từ tương đối thấp trở xuống, trong đó gần 50% số bộ được xếp loại rất thấp.
Về đánh giá hoạt động thi hành pháp luật, LDEA tổng hợp lại, không có bộ nào đạt mức khá, hầu hết ở loại trung bình.
Cụ thể, nhóm trung bình có Bộ Tài chính; Bộ Công Thương, Bộ KH&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ NN&PTNT, NHNN, Bộ Tư pháp, Bộ KH&CN và Bộ TT&TT. Nhóm tương đối thấp có Bộ VH-TT&DL, Bộ TN & MT, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng và Bộ Y tế (xem biểu 2).
Tổng hợp cả hai phần xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, LDEA có báo cáo như sau:
Nhóm khá có 5 bộ gồm: Bộ Công Thương; Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT; Bộ NN&PTNT, Bộ LĐ-TB &XH.
Nhóm trung bình có 7 bộ gồm: NHNN, Bộ Tư pháp, Bộ KH&CN, Bộ TT&TT, Bộ VH-TT&DL, Bộ TN&MT và Bộ Giao thông Vận tải.
Nhóm tương đối thấp có 2 bộ là Bộ Xây dựng và Bộ Y tế (xem biểu 3).
(Theo Luật gia Vũ Xuân Tiền // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com