Dẫn đầu tài chính có lẽ hiếm ai không biết đến chỉ số công nghiệp Dowjones. Thế nhưng, không phải ai cũng biết lịch sử của thương hiệu nổi tiếng này.
Từ ba còn hai
Chỉ số Dow Jones như ta thấy ngày nay chính thức ra đời vào tháng 5/1896 với tên gọi chính thức là Dow Jones Industrial Average, về sau thường được gọi là Dow Jones Industrial, Dow Jones hay thậm chí chỉ Dow, nhưng tiền thân của nó đã có từ năm 1884. Người sáng lập ra nó là một nhà báo và nhà kinh tế tên là Charles Henry Dow.
Từ năm 1928 Dowjones đã bao gồm 30 công ty mà ngày nay trong số đó chỉ còn lại mỗi hãng General Electric
|
Tháng 11/1882, Charles Henry Dow, Edward Davis Jones và Charles Milford Bergstresser - cả ba đều là nhà báo và chỉ có Bergstresser có tiền - quyết định cùng nhau thành lập một công ty chuyên về thông tin tài chính ở New York (Mỹ). Bản tin của họ được sản xuất ra rất thô sơ. Nhân viên tòa soạn thu thập thông tin, về viết ra và biên tập, sau đó dùng bút ngòi bằng ngà voi viết ghì mạnh lên trang giấy kẹp giấy than để một lần có được 24 bản. Một đội các cậu bé có nhiệm vụ phát hành tới các khách hàng yêu cầu.
Nhưng vấn đề đầu tiên là tên của công ty. Cả ba thấy rằng ghép 3 tên họ lại thì quá dài, rút gọn tên Bergstresser thành Berger thôi thì lại không được Bergstresser đồng ý. Vì thế, cái tên công ty cuối cùng được lựa chọn là Dow, Jones & Company, Inc.. Chắc chắn khi đó Bergstresser không ngờ rằng đã bỏ lỡ cơ hội làm cho tên mình trở thành bất tử. Và ngày nay, không ai lý giải được câu hỏi vì sao và từ bao giờ cái dấu phẩy giữa hai cái tên đầu đã không còn nữa. Năm 1899, Jones rời bỏ công ty. Năm 1902, Dow và Bergstresser bán công ty cho một phóng viên của chính hãng này ở Boston với giá 130.000 USD. Cũng trong năm đó, Dow qua đời. Vậy là cả ba người chỉ chứng kiến có một thời kỳ rất ngắn ngủi sự nổi tiếng của thương hiệu họ đã gây dựng nên.
Cuộc cách mạng ở Phố Wall
Dow, Jones và Bergstresser khởi đầu với việc cung cấp thông tin tài chính thu lượm được trên sàn chứng khoán. Thời đó, đối với gần như tất cả các nhà đầu tư, các hãng như hãng của ba người này là nguồn thông tin duy nhất. Có nghĩa là nhu cầu rất lớn. Một năm sau khi thành lập công ty, ba người đã cho phát hành tờ tin nhanh 2 trang vào mỗi buổi chiều có tên là Customer’s Afternoon Letter, tổng hợp tin tức tài chính trong ngày. Nó được coi là tờ thông tin tài chính và chứng khoán đầu tiên trên thế giới. Năm 1889, tờ tin nhanh này được chuyển thành tờ báo 4 trang, có giá 2 xu, phát hành vào 15h15 phút hàng ngày và phần quảng cáo chiếm một nửa. Cả ý tưởng lẫn cái tên mới cho tờ báo là The Wall Street Journal đều của Bergstresser. Tờ báo này khởi đầu cho cuộc cách mạng ở Phố Wall và đến nay vẫn là tờ báo có chất lượng được nhiều người đọc nhất ở khắp nước Mỹ. Nó vẫn còn là hạt nhân của tập đoàn Dow Jones hiện tại. Nó cũng nổi tiếng không kém chỉ số chứng khoán Dow Jones và gắn liền với thương hiệu Dow Jones.
Chỉ số chứng khoán này là thành tố quan trọng thứ hai của cuộc cách mạng ở Phố Wall. Ngày 3/7/1884, Charles Dow công bố chỉ số chứng khoán đầu tiên bao gồm 11 công ty mà lại chủ yếu là các công ty đường sắt ở Mỹ. Nhưng ngày sinh chính thức của chỉ số Dow Jones như ngày nay lại là ngày 26/5/1896, khi Dow công bố danh sách 12 công ty công nghiệp với cách tính gộp giá cổ phiếu của họ lại rồi chia cho 12. Giá trị ban đầu của Dow Jones là 40,94 điểm. Từ ngày 7/10/1896, chỉ số chứng khoán này được công bố hàng ngày. Từ năm 1928, chỉ số đó bao gồm 30 công ty - ngày nay trong số đó chỉ còn lại mỗi hãng General Electric, cho dù hãng này đã hai lần bị loại khỏi rồi lại được thu nạp vào Dow Jones Industrial Average. Cũng từ đó đến nay, ban biên tập tờ Wall Street Journal quyết định thành phần của số 30 hãng hiện diện trong chỉ số Dow Jones. Một công thức rất phức tạp được áp dụng để đảm bảo tính so sánh của chỉ số qua nhiều thời kỳ, bất chấp sự chia tách cổ phiếu hay sáp nhập công ty.
Từ ý tưởng kinh doanh ban đầu, ba người này, đặc biệt là Charles Dow, theo đuổi mục đích lý giải và dự báo các diễn biến về kinh tế, tài chính và tiền tệ, giống như châm lên ngọn đuốc soi rọi vào mê cung thần bí và rắc rối của thế giới tài chính và tiền tệ. Người đời sau thường trích dẫn câu nói sau đây của Dow: “Không có người nào gieo mạ rồi lại đào nó lên sau một hai ngày để xem nó mọc mầm đến đâu. Nhưng đối với cổ phiếu thì đa phần mọi người muốn mở tài khoản vào buổi trưa và kiếm được tiền vào buổi chiều”.
Từ năm 1899 đến năm 1902, trong khuôn khổ một bài bình luận, phân tích hàng ngày trên tờ Wall Street Jourrnal, Charles Dow tìm cách sắp xếp biến động hàng ngày trên thị trường chứng khoán vào thành các xu thế khác nhau. Hậu thế tập hợp tất cả các bài đó lại thành cái gọi là Label Dow Theory. Lý thuyết này ngày nay được coi là một viên đá tảng dùng trong phân tích chứng khoán và dự báo biến động chứng khoán.
Trong số ba người sáng lập ra công ty thì Dow là người có đóng góp nhiều hơn cả về ý tưởng và công sức, Bergstresser thì về tiền của ban đầu và ý tưởng về tờ nhật báo nhưng không có phần mình trong tên thương hiệu, còn Jones gần như chỉ có sự hiện diện mà cũng được lưu danh tới đời sau. Cả ba đều chỉ gây dựng chứ không đi hết con đường đã lựa chọn. Nhưng công bằng mà nói thì thương hiệu này không thể tồn tại hơn 100 năm tiếp theo nếu như ba người kia đã không chỉ định hướng mà còn làm cả con đường để đi. Chỉ số Dow Jones là một trong những bằng chứng điển hình nhất và thuyết phục nhất về sức mạnh của những thông điệp đầy ý nghĩa và lắm tác dụng phát đi từ các con số thoạt nhìn vào tưởng như rất khô khan.
(Theo Ngư Phủ // Báo Doanh nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com