Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Triển vọng chứng khoán Việt Nam 2010? (Phần 1)

Các diễn giả có mặt tại cuộc giao lưu trực tuyến. - tinkinhte.com
Các diễn giả có mặt tại cuộc giao lưu trực tuyến.

Đại diện Ủy ban Chứng khoán, quỹ đầu tư và 5 công ty chứng khoán lớn đã có buổi giao lưu trực tuyến cùng bạn đọc VnEconomy.
 
 Với chủ đề “Triển vọng chứng khoán Việt Nam 2010?”, cuộc giao lưu trực tuyến diễn ra vào lúc 14h-16h30 ngày 11/12/2009, tại trụ sở Thời báo Kinh tế Việt Nam (Hà Nội), với sự tham gia của các vị khách mời:
  
 - Ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
 
 - Ông Nguyễn Quang Bảo, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC)
 
 - Ông Hoàng Xuân Quyến, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI)
 
 - Ông Quách Mạnh Hào, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Thăng Long (TSC)
 
 - Bà Lê Lệ Hằng, Giám đốc Khối phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI)
 
 - Ông Lê Anh Thi, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Âu Việt (AVSC)
 
 - Ông Vũ Hữu Điền, Giám đốc Quản lý danh mục đầu tư Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Dragon Capital

Ông Nguyễn Đoan Hùng

Ông Nguyễn Quang Bảo

Ông Hoàng Xuân Quyến

Ông Quách Mạnh Hào

Bà Lê Lệ Hằng

Ông Lê Anh Thi

Ông Vũ Hữu Điền

Sau đây, VnEconomy xin giới thiệu những nội dung chính của cuộc giao lưu:
 
 Quang Thiện - Nam 38 tuổi - Nhà đầu tư:
 
 Xin hỏi lãnh đạo các công ty chứng khoán, công ty ông/bà đang thực hiện việc giải chấp như thế nào?
 
 Ông Nguyễn Quang Bảo:

 
 Chào bạn!
 
Mỗi công ty chứng khoán có chính sách cho vay cầm cố cổ phiếu khác nhau, tùy thuộc vào hợp đồng hợp tác của công ty chứng khoán đó với các ngân hàng.
 
 Tỷ lệ cho vay cầm cố cổ phiếu phổ biến ở mức 30-50% thị giá của các cổ phiếu được đem cầm cố. Khi giá thị trường giảm dưới tỷ lệ quy định thì khách hàng phải bổ sung tài sản bằng tiền hoặc chứng khoán, trong trường hợp khách hàng không có tài sản bổ sung thì công ty chứng khoán sẽ thực hiện lệnh bán các cổ phiếu này để thu nợ.
 
 Với mức giảm khá mạnh của VN-Index trong hai tháng vừa qua, nhiều khách hàng đã phải bán chứng khoán để trả nợ.
 
 Lê Xuân Mai - Nữ 29 tuổi - Nhân viên phân tích:
 

 Kính gửi bà Lệ Hằng, tôi được biết Công ty Chứng khoán SSI thường có những bài viết dự báo triển vọng các ngành nghề khá khách quan và logic. Theo bà, nhóm ngành nghề nào sẽ là ngành có sự phát triển ổn định trong năm 2010, nhóm ngành nào mang nhiều yếu tố đột biến? Một nhóm ngành được khá nhiều nhà đầu tư kì vọng đầu tư trong năm 2010 là ngành thủy sản. Vậy bà có ý kiến gì về nhóm ngành này?
 
 Bà Lê Lệ Hằng:

Xin cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúng tôi vẫn tiếp tục khuyến nghị nhà đầu tư lựa chọn những công ty có cơ bản tốt và có mức tăng trưởng trong năm 2010.
 
 Một số ngành mà chúng tôi ưa thích là Nông nghiệp, Vật liệu cơ bản, Thủy sản, Công nghiệp, Bất động sản, Ngân hàng...
 
 Trong đó, Thủy sản là ngành sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu thị trường thế giới dần hồi phục trở lại trong năm 2010 và ngoài ra còn được hỗ trợ của Chính phủ.
  
 Minh Hải - Nam 45 tuổi - Công chức:
 
 
Xin cảm ơn VnEconomy đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến về chứng khoán lúc này. Một vấn đề mà các nhà đầu tư đang hết sức quan tâm là thị trường đang tuột dốc không phanh trong bối cảnh kinh tế tuy khó khăn nhưng đang phục hồi và tăng trưởng. Kinh tế Mỹ và thế giới cũng khá lạc quan. Nếu nhìn bảng điện tử lúc này người ta có cảm giác như về lại thời cuối 2008 đầu 2009, lúc đáy của khủng hoảng. Vậy nguyên nhân chủ yếu tại đâu? Do chính sách điều hành vĩ mô, không nhìn thẳng vào sự thât, thành tích chỉ là giả tạo? Nguồn tiền thực chất đổ vào chứng khoán từ đâu?... Tất cả những điều đó đều ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý nhà đầu tư. Tôi nghĩ chỉ có thể nhìn nhận một cách thực chất những khó khăn phức tạp cũng như những thành tựu thì mới có thể củng cố tâm lý nhà đầu tư. Thật đáng buồn khi chứng khoán Việt Nam lại quay về thời khủng hoảng của một năm trước trong lúc có đáng như vậy không? Xin được lời giải đáp thấu đáo về triển vọng tình hình. Tôi xin cảm ơn.

 Bà Lê Lệ Hằng:
 
 Xin cảm ơn câu hỏi của anh.
 
 So sánh kinh tế giai đoạn này và thời kỳ cuối 2008 đầu 2009 có nhiều điểm khác nhau căn bản: Cuối 2008 đầu 2009 kinh tế thế giới và Việt Nam đã đang trong giai đoạn suy thoái và bắt đầu tiệm cận với đáy của khủng hoảng, tại thời điểm đó khó có thể nhìn thấy được những điểm sáng của nền kinh tế.
 
 Tuy nhiên sau các tác động tích cực của gói kích cầu, cho tới nay kinh tế Việt Nam đã đang trên đà hồi phục, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng vẫn có thể tự tin là triển vọng tăng trưởng đã trở nên tích cực hơn so với 1 năm trước đây.
 
 Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chịu nhiều ảnh hưởng của các chính sách kinh tế, hiện đang cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng và ổn định vĩ mô dài hạn, vì vậy sẽ vẫn có những ảnh hưởng nhất thời tới thị trường.
 
 Le Thi Hoa - Nữ 35 tuổi - Luat su:
 
 Xin hỏi ông Quách Mạnh Hào: Nghe nói trong hai phiên ngày hôm nay lượng bán tháo cổ phiếu là do hiện tượng giải chấp của Chứng khoán Thăng Long. Ông hãy cho biết số lượng giải chấp này sẽ kéo dài đến khi nào và như vậy thì triển vọng của chứng khoán Việt Nam thời gian tới sẽ ra sao nếu các thông tin đưa ra không có tính công khai và chính xác?
 

 Ông Quách Mạnh Hào:
 
 Những tin đồn về giải chấp tại Thăng Long cũng như tại một số công ty chứng khoán khác thực tế đã bị thổi phồng quá mức.
 
 Bạn cần phân biệt giữa việc ép bán giải chấp và việc khách hàng chủ động bán do họ nhận định thị trường không tốt. Tôi có thể khẳng định rằng nếu phải ép bán thì chúng tôi cũng đã làm xong từ rất lâu rồi. Hiện tại, khách hàng của chúng tôi chưa có quan điểm tích cực về thị trường và việc họ bán hoặc giữ là do quan điểm của họ.
 
 Đây là một ví dụ nữa cho thấy rằng, tin đồn quan trọng hơn sự thật, và đó là một đặc trưng tiêu cực của thị trường Việt Nam.
  
 Tran Nam Trung - Nam 29 tuổi:
 
 Xin hỏi, những nguyên nhân nào dẫn đến đợt giảm mạnh của thị trường chứng khoán lần này. Sắp tới yếu tố nào sẽ nâng đỡ thị trường từ thời điểm này đến cuối năm?
 
 Ông Hoàng Xuân Quyến:
 
 Xin cảm ơn câu hỏi của bạn,
 
 Tôi nghĩ rằng có một số nguyên nhân dẫn đến đợt suy giảm của thị trường.
 
 Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất cơ bản nên tín hiệu phát ra thị trường chính là chính sách tiền tệ và tín dụng sẽ có xu hướng thắt chặt và do đó tác động đến luồng tiền vào thị trường chứng khoán, ám ảnh, liên tưởng đến chính sách tiền tệ năm 2008.
 
 Thứ hai, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấn chỉnh hoạt động bán trước T+4 làm cho tính thanh khoản của thị trường sụt giảm. Khi thị trường sụt giảm thì nhà đầu tư lại suy đoán dòng tiền lại đang hạn chế. Điều này gây nên rủi ro thanh khoản cao lên và các hoạt động đòn bẩy tín dụng bị chững lại.
 
 Thứ ba, thời điểm này các ngân hàng thu hồi vốn cho hoạt động cho vay chứng khoán quyết toán vốn vào cuối năm.
 
 Thứ tư, các thông tin hỗ trợ thị trường không còn đủ mạnh, trong khi đó các yếu tố bên ngoài như vụ Dubai World.
 
 Các yếu tố trên cộng hưởng với nhau và làm cho tính thanh khoản sụt giảm rất mạnh. Theo vòng xoáy, thanh khoản giảm dẫn đến giá chứng khoán giảm, dẫn đến thanh khoản tiến tục giảm… và đến hôm nay tình hình không được cải thiện.
 
 Quang Thiện - Nam 38 tuổi - Nhà đầu tư:
 

 Xin hỏi lãnh đạo các công ty chứng khoán, công ty ông/bà đang thực hiện việc giải chấp như thế nào?

 
 Ông Hoàng Xuân Quyến:

Cảm ơn câu hỏi của bạn,
 
Rất tiếc là Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) chưa cho sử dụng đòn bẩy tài chính nên không có việc giải chấp chứng khoán.
 
 Minh Hải - Nam 45 tuổi - Công chức:
 
 Xin cảm ơn báo đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến về chứng khoán lúc này. Một vấn đề mà các nhà đầu tư đang hết sức quan tâm là thị trường đang tuột dốc không phanh trong bối cảnh kinh tế tuy khó khăn nhưng đang phục hồi và tăng trưởng. Kinh tế Mỹ và thế giới cũng khá lạc quan. Nếu nhìn bảng điện tử lúc này người ta có cảm giác như về lại thời cuối 2008 đầu 2009, lúc đáy của khủng hoảng. Vậy nguyên nhân chủ yếu tại đâu? Do chính sách điều hành vĩ mô, không nhìn thẳng vào sự thât, thành tích chỉ là giả tao? Nguồn tiền thực chất đổ vào chứng khoán từ đâu?... Tất cả những điều đó đều ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý nhà đầu tư. Tôi nghĩ chỉ có thể nhìn nhận một cách thực chất những khó khăn phức tạp cũng như những thành tựu thì mới có thể củng cố tâm lý nhà đầu tư. Thật đáng buồn khi chứng khoán Việt Nam lại quay về thời khủng hoảng của một năm trước trong lúc có đáng như vậy không? Xin được lời giải đáp thấu đáo về triển vọng tình hình. Tôi xin cảm ơn.
 
 Ông Quách Mạnh Hào:
 
 Tôi đã trải qua các thị trường từ khá hiệu quả như phương Tây tới những thị trường kém hiệu quả như Việt Nam, và tôi có nhận xét rằng, thị trường chứng khoán biến động chủ yếu do yếu tố kỳ vọng của nhà đầu tư và yếu tố dòng tiền.
 
 Bạn không nên ngạc nhiên khi kinh tế vẫn xuống mà thị trường lên, đơn giản bởi vì, người ta kỳ vọng vào kinh tế sẽ tốt và thực tế thì dòng tiền bơm vào nền kinh tế là quá nhiều. Còn khi kinh tế đang tốt mà thị trường đi xuống thì đó đơn giản là kỳ vọng thị trường tăng tiếp không còn và dòng tiền vào không còn, thậm chí còn giảm xuống. Đó là chưa kể tới những yếu tố liên quan chẳng hạn như đòn bẩy tài chính, T+… làm cho dòng tiền tăng lên nhiều hơn so với thực tế.
 
 Theo mô hình dòng tiền mà tôi mày mò thì thực tế dòng tiền đã bắt đầu giảm từ giữa tháng 10 và tính cho đến ngày hôm nay thì dòng tiền này chỉ còn cách mức thấp nhất vào giữa tháng 7 vào khoảng 3 ngày giao dịch. Như vậy, tôi nghĩ rằng, dòng tiền đang quay trở lại với tiền thật và khi đó chúng ta mới có thể kỳ vọng vào một chuyển biến tích cực được.
 
 Thị trường thế giới thực chất cũng gặp những vấn đề như trên, nhưng mức độ của họ ít hơn, do vậy, chúng ta thấy họ sẽ có những sóng nhỏ chứ không phải là sóng lớn như chúng ta.
 
 Nói như vậy, tôi muốn nhấn mạnh rằng, vấn đề tăng trưởng kinh tế là yếu tố nền tảng khẳng định xu hướng dài nhưng không giải thích được các biến động ngắn hạn của thị trường chứng khoán. Còn các chính sách kinh tế đưa ra có tác động tới tăng trưởng kinh tế về mặt dài hạn nhưng lại gây ra tác động thị trường chứng khoán ngắn hạn. Do vậy, việc điều hành chính sách rõ ràng là một nhân tố quan trọng giúp ổn định thị trường.
 
 Tô Bỉnh Quyền - Nam 40 tuổi - Kinh doanh:
 
Dự kiến năm 2010 lạm phát có thể sẽ 2 con số vậy xin cho tôi hỏi nếu điều đó xảy ra thì sẽ ảnh hưởng tới chứng khoán thế nào?
 

 Ông Lê Anh Thi:
 
 Có thể nói thị trường chứng khoán có quan hệ tỷ lệ nghịch với lạm phát. Khi lạm phát tăng mạnh, nhiều loại tài sản mất giá, rủi ro cao làm nhà đầu tư có khuynh hướng trú ẩn tìm những tài sản an toàn như: bất động sản, vàng, ngoại tệ...do đó làm dòng tiền vào thị trường chứng khoán giảm và chứng khoán cũng kém hấp dẫn đi.
 
 Ngoài ra, một tác động trực tiếp của lạm phát cao là cần phải tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Lãi suất tăng cao sẽ hút tiền vào ngân hàng, giảm dòng tiền vào chứng khoán.
  
 Nguyễn Huynh - Nam 35 tuổi - Nhà đầu tư:
 

 Thưa đại diện công ty chứng khoán, ông/bà có thể cho biết những điểm đáng chú ý, cần rút kinh nghiệm đối với nhà đầu tư trong năm 2009 không, và nếu có thể thì với cả các công ty chứng khoán nữa? Trân trọng cảm ơn.

 

 Ông Hoàng Xuân Quyến:
 
 Thị trường giao dịch năm 2009 chứng kiến nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau:
 
 Sợ hãi: Khi thị thị trường xuống dốc, giá chứng khoán rớt thảm hại, VN-Index xuống 235,5 điểm tương đương thời điểm tháng 1/2005.
 
 Ngạc nhiên: khi thị trường chứng khoán đã có phiên giao dich đạt đến 200 triệu cổ phiếu với giá trị giao dịch thanh khoản thị trường đã cải thiện rất nhiều nhờ chính sách nới lỏng tiền tệ. Nhà đầu tư chuyên nghiệp hơn.
 
 Các công ty chứng khoán ngày càng nâng cấp dịch vụ để đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư hơn. Xuất hiện ngày càng nhiều thành viên tham gia thị trường với các vai trò khách nhau như nhà đầu tư, tư vấn, thông tin, truyền thông...
 
 Tôi đánh giá cao nhất sự kiện năm nay là HSX đưa giao dịch trực tuyến từ tháng 2/2009. Việc này tạo thuận lợi rất nhiều cho nhà đầu tư.
 
 Nhưng thị trường cũng bộc lộ khuyết tật ngày càng nhiều. Vi phạm về công bố thông tin, quy chế giao dịch vẫn tồn tại, tính minh bạch và công bằng trong công bố thông tin chưa được cải thiện đáng kể… và thậm chí hiện tượng lũng đoạn giá có vẻ đang diễn ra theo hình thức tinh vi hơn.
 
 Về kinh nghiệm, thị trường chứng khoán lên xuống và không thể lường trước được. Nên không chỉ nhà đầu tư mà cả các công ty chứng khoán phải tuân thủ nguyên tắc đầu tư một cách triệt để, về chốt lãi,cắt lỗ và linh hoạt thời điểm vào ra thị trường.
  
 Nguyễn Thái Học - Nam 37 tuổi - Chuyên viên:
 
 
Tôi xin được hỏi các quý vị 3 câu hỏi sau: 1 - Trong khoảng thời gian trước ngày 1/12/2009 các vị có cho phép các khách hành VIP của mình bán chứng khoán trong thời gian T+ "ưu ái" hay không?. 2 - Các vị cho biết ý kiến của mình (giả sử các vị là nhà đầu tư nhỏ lẻ) khi bị hạn chế bởi thời gian T+4 trong khi các VIP đã có rất nhiều lợi thế rồi mà còn được thêm quyền được bán chứng khoán trong thời gian T+ "ưu ái" đó? 3 - Thời hạn ngày 1/12 được Ủy ban Chứng khoán đưa ra về vấn đề này có ý nghĩa như thế nào? Tại sao không phải là cấm ngay lập tức chế độ đó?
 

 Ông Quách Mạnh Hào:
 
 Thực tế, tôi không làm trong lĩnh vực dịch vụ chứng khoán nên không biết là điều đó có thể làm thế nào về mặt kỹ thuật. Những điều tôi biết cũng giống như những điều bạn nói. Theo quan điểm của tôi, đó là một sự không công bằng trong “trò chơi” chứng khoán, bởi các nhà đầu tư dù to hay nhỏ đều cần được đối xử như nhau.
 
 Việc Ủy ban Chứng khoán ra quyết định áp dụng từ ngày 1/12 mà không phải là cấm ngay tôi cũng không có lý do để giải thích điều này. Quan điểm của tôi về thị trường đơn giản thôi: Chúng ta là những người chơi, nhưng chúng ta lại không phải là những người tạo ra luật chơi.
 
 Huy Thịnh - Nam 31 tuổi - Kinh Doanh chứng khoán:
 
 Cho tôi hỏi ông Quách Mạnh Hào: Thị trường chứng khoán hơn một tháng nay luôn có xu hướng giảm về gần mốc 430 điểm vì các tin đồn về thắt chặt tín dụng và Ngân hàng Nhà nước bắt buộc mua tín phiếu, các ngân hàng thì nâng lãi suất vào tháng cuối năm để huy động vốn thì luồn tiền chảy vào chứng khoán là khá khiêm tốn trong khi đó chứng khoán thế giới vẫn tốt. Liệu nửa cuối tháng 12 thị trường chứng khoán có khởi sắc trở lại với những tin như đưa dịch vụ ký quỹ vào áp dụng, các công ty báo cáo kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm?
 
 Ông Quách Mạnh Hào:

Trong xu thế giảm điểm mạnh như hiện tại, rất khó để khẳng định bất cứ điều gì. Cá nhân tôi cũng kỳ vọng những chuyển biến tích cực từ giữa tháng 12. Tuy nhiên, tôi đưa ra một yếu tố để bạn cân nhắc hơn là tin vào kỳ vọng đó: sự tăng điểm của VN-Index kết hợp với sự tăng lên đột biến của khối lượng giao dịch. Theo quan điểm của tôi, khoảng 60 triệu mới có ý nghĩa.
  
 Hoàng Thị Thanh Tam - Nữ 45 tuổi - Kinh doanh chứng khoán:
 
 Gửi bà Lê Lệ Hằng câu hỏi như sau: Bà nghĩ sao về một số tin hành lang về việc các công ty chứng khoán câu kết với nhau đánh xuống vì "trả thù" nhà đầu tư chuyển sàn sang các công ty chứng khoán có hỗ trợ đòn bẩy tài chính? Thay vì nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng để chiếm lại thị phần thì lại có những động thái như vậy liệu có khách hàng nào quay lại với các công ty chứng khoán khi họ biết rằng họ đang bị các công ty này "chơi xấu" không? Hiện nay thanh khoản sụt giảm đáng kể liệu có phải vì có phải vì có sự dòm ngó kiểm soát của Ủy ban Chứng khoán nên các thế lực ngầm đã nằm im không động tĩnh vì sợ bị điều tra về việc có hay không những tổ chức và cá nhân đã và đang thao túng giá cổ phiếu trong tháng 11 vừa qua?
 

 Bà Lê Lệ Hằng:
 
 Trong bất kỳ ngành nghề nào cũng có sự cạnh tranh. ở SSI chất lượng dịch vụ luôn được đặt lên hàng đầu và chúng tôi lựa chọn cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ và sản phẩm. Chúng tôi luôn cố gắng tạo ra giá trị gia tăng cho nhà đầu tư bằng cách đưa ra những báo cáo phân tích khách quan và có tính chuyên sâu về công ty và ngành. Bộ phận môi giới cũng không ngừng lắng nghe ý kiến khách hàng và cải tiến chất lượng dịch vụ.
 
 Huỳnh Thị Thủy - Nữ 37 tuổi - CNV:
 

 Nhận định của các chuyên gia về xu hướng sắp tới của thị trường chứng khoán Việt Nam. Những nhà đầu tư nhỏ lẻ nên làm gì trong những phiên lao dốc gần đây?

 
 Ông Nguyễn Quang Bảo:
 
 Theo ý kiến của tôi một trong những lý do chính khiến giá chứng khoán giảm trong những phiên gần đây là do nguồn tiền để mua chứng khoán chưa sẵn sàng, thị trường đứng trước áp lực phải giải chấp cổ phiếu để thanh toán các khoản nợ trước ngày 31/12/2009. Nhiều khả năng cao điểm của đợt giải chấp này sẽ trong giai đoạn từ ngày 15-25/12/2009.
 
 Với tôi những nhà đầu tư nhỏ lẻ không nên sử dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư chứng khoán vào lúc này vì thị trường còn ẩn chứa nhiều rủi ro, nhưng việc sử dụng những nguồn tiền thực có để đầu tư vào các công ty có nền tảng cơ bản vững chắc trong giai đoạn tới là một cách đầu tư khôn ngoan.
  
 Le Nhu Quynh - Nữ 37 tuổi - Kế toán:
 
 
Xin hỏi các diễn giả, nền kinh tế chúng ta đã qua khó khăn và đang phục hồi, thế nhưng thị trường chứng khoán có vẻ đang theo hình chữ W, mà cũng chưa biết cạnh cuối của chứ này là bao giờ. Tại sao vậy?
 

 Ông Lê Anh Thi:

Nhiều chuyên gia nhận định sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nền kinh tế và thị trường chứng khoán có thể phục hồi theo hình chữ W, tức là sau khi phục hồi vẫn còn có khó khăn và có nguy cơ suy giảm rồi mới phục hồi bền vững.
 
 Đó là do, để nhanh chóng khắc phục khủng hoảng, nhiều nước trên thế giới như: Mỹ, châu Âu, Nhật, trong đó có cả Việt Nam phải thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng và các hỗ trợ khác. Điều này được ví nôm na như là bơm tiền với lãi suất thấp để kích thích kinh tế.
 
 Điều này sẽ có tác dụng kích thích phục hồi sớm, nhưng tạo ra nguy cơ về lạm phát, bao gồm cả nguy cơ bong bóng thị trường tài sản (bất động sản, chứng khoán, vàng). Đây là tính hai mặt của vấn đề và nhiều nước phải chấp nhận đánh đổi. Do đó, thời kỳ hậu khủng hoảng là giai đoạn các nước ưu tiên chống lạm phát, kèm với duy trì tăng trưởng kinh tế. Trong đó nhiều nước chuyển dần sang chính sách thắt chặt tiền tệ, chẳng hạn như nước Úc đã tăng lãi suất hai lần trong vài tháng qua.
 
 Dễ thấy là khi chính sách tiền tệ, thậm chí cả chính sách tài khóa thay đổi trái chiều như vậy, nhất là trong một thời gian ngắn, thì có nguy cơ dẫn đến khó khăn, đổ vỡ. Do đó, sự phục hồi có thể diễn ra theo hình chữ W.
 
 Tuy nhiên, lưu ý rằng, sự phục hồi như vậy vẫn còn tốt hơn là không có sự kích thích, hỗ trợ của Nhà nước. Sự phục hồi như vậy chỉ nói lên tính chất khó khăn cao của khủng hoảng kinh tế toàn cầu 100 năm có một, do đó quá trình phục hồi không thể dễ dàng, chẳng hạn không thể chỉ hoàn tất trong vòng 12 tháng.
 
 Thị trường chứng khoán luôn phản ứng rất nhanh nhạy với chính sách tiền tệ, ngoài ra còn đi trước nền kinh tế 6 – 9 tháng. Chẳng hạn, thời kỳ nới lỏng tiền tệ gián tiếp làm dòng tiền vào thị trường chứng khoán mạnh, giúp thị trường tăng. Còn thắt chặt tiền tệ làm dòng tiền vào thị trường giảm, làm thị trường giảm.
 
 Thị trường chứng khoán có thể xuống đáy và phục hồi khi có những dầu hiệu thắt chặt tiền tệ đã đạt đến đỉnh cao và sẽ giảm bớt.
 
 Vu Quang - Nam 36 tuổi - Kỹ sư:
 
 Ủy ban Chứng khoán đã có cách nào quản lý được dòng tiền vay ngân hàng hoặc các công ty chứng khoán để mua chứng khoán?
 
 Ông Nguyễn Đoan Hùng:
 
 Hiện nay Ngân hàng Nhà nước là cơ quan chủ quản của các ngân hàng thương mại đồng thời là coq quan hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ. Ngoài việc đề ra các mục tiêu về tăng trưởng tiền tệ chung cho nền kinh tế hàng năm, cơ quan này còn đưa ra các chỉ tiêu cho vay của các các ngân hàng đối với các lĩnh vực kinh tế trong đó có chứng khoán.
 
 Về phía Ủy ban Chứng khoán, hiện nay chúng tôi cũng đang xây dựng bộ tiêu chí an toàn tài chính áp dụng đối với các công ty chứng khoán, đồng thời dự thảo thông tư về giao dịch ký quỹ (margin trading), trong đó sẽ quy định cụ thể đối với giao dịch ký quỹ. Thông qua thông tư này, sẽ giám sát được luồng vốn cho vay mua chứng khoán của các công ty chứng khoán.
  
 Nguyễn Huynh - Nam 35 tuổi - Nhà đầu tư:
 
 Thưa đại diện công ty chứng khoán, ông/bà có thể cho biết những điểm đáng chú ý, cần rút kinh nghiệm đối với nhà đầu tư trong năm 2009 không, và nếu có thể thì với cả các công ty chứng khoán nữa? Trân trọng cảm ơn.
 
 Ông Quách Mạnh Hào:
 
 Kinh nghiệm đầu tiên là chúng ta không được tham. Kinh nghiệm thứ hai là khi bạn nhận định thị trường không rõ ràng thì không nên sử dụng đòn bẩy tài chính, nghĩa là vay mượn, để đầu tư, đặc biệt là vay nóng, ngắn hạn. Nếu bạn đầu tư bằng tiền của bạn thì hãy coi đó đơn giản như một khoản tiết kiệm. Tất cả những điều này sẽ giúp bạn ổn định tâm lý khi đầu tư.
 
 Còn kinh nghiệm đầu tư mang tính chuyên môn, tôi nghĩ rằng rất khó để chia sẻ vì mỗi người có một quan điểm đầu tư khác nhau.
 
 Chẳng hạn, một anh bạn tôi giao dịch hàng ngày thì anh ta rất quan tâm tới các loại tin đồn, tin nội gián trên thị trường. Còn một anh bạn khác bỏ tiền vào chứng khoán như một khoản tiết kiệm thì anh ấy thường quan tâm tới vấn đề thanh khoản của ngân hàng để quyết định vấn đề vào và ra trên thị trường chứng khoán. Khi lãi suất có xu hướng giảm thì anh ấy vào và khi lãi suất có xu hướng tăng thì anh ấy ra.
 
 Và tôi thấy, khi uống bia với nhau ngày hôm qua, các anh ấy đều cười rất tươi.
  
 Mai Thu Trinh - Nữ 30 tuổi - Nha dau tu:
 

 Có phải gần đến thời điểm tính thuế thu nhập từ đầu tư chừng khoán cũng là một yếu tố làm thị trường giảm không?
 

 Ông Nguyễn Quang Bảo:

Chào bạn,
 
Thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động đầu tư kinh doanh chứng khoán sẽ được thực hiện từ ngày 1/1/2010. Tuy mức thuế khoán này không cao (0,1% trên tổng giá trị chứng khoán bán ra) nhưng khi thông tin này được đưa ra vào thời điểm thị trường đang suy giảm mạnh cũng ít nhiều tác động đến tâm lý của nhà đầu tư.
 
 Tuy nhiên theo quan điểm của tôi, ngay khi thị trường có dấu hiệu hồi phục các nhà đầu tư sẽ không quá quan tâm đến mức thuế này nhiều.
 
 K.H - Nam 35 tuổi:
 
 Thưa ông Quách Mạnh Hào. Đâu là đáy của chứng khoán hiện nay? Có lần tôi có nghe ông dự đoán VN-Index đạt 700 điểm, thậm chí 800 điểm vào cuối năm 2009 , giờ thị trường đang là 444 điểm. Ông nghĩ sao về điều này?
 

 Ông Quách Mạnh Hào:
 
 Tôi nghĩ rằng, bạn chưa đọc đầy đủ. Có hai bài báo về vấn đề này, trong đó có một bài phỏng vấn tôi. Nếu bạn đọc lại, tôi nghĩ bạn đủ thông minh để hiểu đâu là sự thật.
 
 Về quan điểm thị trường hiện nay, khi thị trường run sợ tôi không xác định đáy mà chỉ đưa ra điều kiện quan trọng là khối lượng giao dịch lớn và Index không giảm.
 
 Nguyễn Hữu Phúc - Nam 38 tuổi - CNV:
 
 Dự đoán giá cổ phiếu ngành ngân hàng đang niêm yết từ nay đến cuối năm và quý I/2010 sẽ như thế nào? Xin các diễn giả chia sẻ quan điểm.
 

 Bà Lê Lệ Hằng:
 
 Gần đây giá cổ phiếu ngân hàng đã xuống khá nhiều và đi chậm hơn so với đà tăng của thị trường. Có nhiều lý do khiến cho giá cổ phiếu ngân hàng giảm giá mà nguyên nhân chính là do hoạt động kinh doanh của ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong nửa cuối năm 2009.
 
 Chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt hơn đã có ảnh hưởng đến lợi nhuận từ lãi của các ngân hàng trong khi thị trường chứng khoán có xu hướng đi ngang khiến các khoản lãi từ đầu tư chứng khoán và hoàn nhập dự phòng giảm so với nửa đầu năm.
 
 Nhìn sang 2010, các chính sách tiền tệ sẽ theo hướng cân bằng giữa ổn định vĩ mô và tăng trưởng. Đà hồi phục kinh tế của Việt Nam cũng như của thế giới sẽ rõ ràng hơn. Ngân hàng là xương sống của nền kinh tế nên sự hồi phục kinh tế sẽ có tác động tích cực đến ngành này.
 
 Le Nhu Quynh - Nữ 37 tuổi - Kế toán:
 
 
Xin hỏi các diễn giả, nền kinh tế chúng ta đã qua khó khăn và đang phục hồi, thế nhưng thị trường chứng khoán có vẻ đang theo hình chữ W, mà cũng chưa biết cạnh cuối của chứ này là bao giờ. Tại sao vậy?
 

 Ông Hoàng Xuân Quyến:
 
 Thật ra, thị trường chứng khoán đi theo xu hướng nào trong ngắn hạn cũng chưa thể khẳng định được nhưng về xu thế chung của thị trường vẫn phải dựa trên nền tảng của nền kinh tế và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty niêm yết.
 
 Vì thế xu thế tăng trưởng trong trung và dài hạn vẫn là chủ đạo. Tuy nhiên, trong ngắn hạn các chính sách vĩ mô thường hay gây ảnh hướng mạnh đến xu thế trong ngắn hạn.
 
 Bởi vì các chính sách vĩ mô hay gây gra cú sốc bất ngờ cho thị trường. Trong khi đó các chính sách vĩ mô ở Việt Nam rất khó lường trước được, bởi vì các nhà hoạch định cũng phải xem xét sự hồi phục của nền kinh tế thế giới và nền kinh tế Việt Nam, từ đó mới đưa ra chính sách phù hợp nhất. Mà điển hình là việc nâng lãi suất cơ bản và điều chỉnh tỷ giá linh hoạt vừa qua.
 
 Theo tôi, về cơ bản xu hướng phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn lạc quan. Nhưng nhà đầu tư cũng cần chú ý đến các tác động ngắn hạn, đặc biệt là chính sách về lãi suất, tỷ giá và sự hoạt động của thị trường vàng, bất động sản.
 
 Cao Đình Nhân - Nam 26 tuổi - Kỹ sư:
 
 Xin gửi lời chào trân trọng nhất đến toàn thể khách mời của chương trình giao lưu trực tuyến. Tôi tuy là một kỹ sư cơ khí nhưng cũng có tham gia và tìm hiểu thị trương chứng khoán Việt Nam, hiện nay bản thân tôi có nhiều thắc mắc về thị trường chứng khoán của Việt Nam và xin có vài câu hỏi mong các vị khách mời gợi mở chỉ hướng dùm cho tôi. 1. Khi tham gia thị trường chứng khoán tôi thấy một vấn đề đó là sự ưu tiên về khối lượng giao dịch của các lô lớn thì được giao dịch sớm hơn ngày T+4 trong khi đó các giao dịch không đạt khối lượng đó thì không được ưu tiên, điều này làm tôi cảm thấy có vẻ thị trường chứng khoán của ta không công bằng. Các vị khách mời xin chứng minh điều ngược lại hộ cho tôi có được không? 2. Thời gian gần đây tôi thấy sự rò rỉ tin đồn trên thị trường, có cái đúng, có cái thì sai nhưng ảnh hưởng xấu thì nhiều mà tốt thì ít. Để ngăn chặn những tin đồn ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán thì cơ quan quản lý của chúng ta đã có cách gì hay chưa? Những nguyên nhân nào nuôi dưỡng sự lớn mạnh của hệ thống tin đồn này? Và có chế tài nào cho những người hay tổ chức cung cấp tin đồn? Xin cảm ơn.
 

 Ông Nguyễn Đoan Hùng:
 
 Để tránh việc thực hiện các giao dịch bất bình đẳng vàkhông công bằng, cũng như sự cạnh tranh của các công ty chứng khoán trong việc thực hiện chính sách khách hàng dẫn dến việc bánchứng khoán trước ngày T+4, vừa qua Ủy ban Chứng khoán đã có văn bản yêu cầu các công ty chứng khoán từ ngày 1/12/2009 dừng việc bán cổ phiếu trước ngày T+4.
 
 thị trường chứng khoán là một thị trường rất nhạy cảm với thông tin.Chính vì vậy, các tin đồn trên thị trường nhiều khi có ảnh hưởng tới giao dịch của thị trường. Duới góc độ cơ quan quản lý nhà nước về thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán luôn mong muốn sự công khai, minh bạch, trung thực trên thị trường. Ủy ban Chứng khoán thời gian qua đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan như Bộ Thông tin vàTruyền thông, Bộ Công an và các báo đài để giám sát các thông tin đảm bảo tính trung thực của thông tin.
 
 Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán cũng thường xuyên cảnh báo trên website của Ủy ban, yêu cầu các sở giao dịch chứng khoán, công ty chứng khoán, công ty niêm yết, về việc tuân thủ các quy định về công bố thông tin.
 
 Hiện nay, Ủy ban Chứng khoán đang dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 36 nâng cao mức xử phạt hành chính nhằm ngăn ngừa các vi phạm dẫn tới hành vi giao dịch thao túng gian lận tại thị trường. Đồng thời, Bộ Tài chính chuẩn bị ban hành thông tư thay thế Thông tư 38/2007 về côngbố thông tin trên thị trường để nâng cao chất lượng công bố thông tin. nếu vi phạm, các cá nhân tổ chức sẽ bị xử phạt, tùy tính chất và mức độ từ xử phạt hành chính tới truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường nếu gây thiệt hại.

(Còn tiếp)

(Theo Vneconomy)

  • 15 cổ phiếu được Warren Buffett chuộng nhất
  • Quản trị công ty niêm yết: Mới dừng ở mức đối phó
  • Đúng nhưng chưa đủ!
  • Chứng khoán đa cấp
  • Chuyện tình “một chỉ vàng” và trò phù phép chứng khoán Penny
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com